Triết lý mà Tim Cook tin rằng bất cứ nhà lãnh đạo tài ba nào cũng cần phải có

26/06/2018 14:55

Khi điều gì đó xảy ra không phù hợp với giá trị của công ty bạn, điều quan trọng là bạn phải dám đứng lên để nói điều gì đó.

Là CEO của một trong những công ty có giá trị nhất trên thế giới, Tim Cook có những kinh nghiệm rất quý giá về nghệ thuật lãnh đạo.

Chính vì lẽ đó, vị CEO này rất hay phát biểu và thuyết trình về kỹ năng lãnh đạo. Bên cạnh vai trò là một CEO, Tim Cook còn khá nổi tiếng với vai trò là một phát ngôn viên nổi bật về các vấn đề đa dạng, ông đã cũng từng thẳng thắng lên tiếng, phản đối những chính sách của tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo Tim Cook, chiếc ghế quyền lực đi kèm với một áp lực rất lớn và phải được hỗ trợ bởi chuyên môn cụ thể. Trước khi phát ngôn bất cứ điều gì Tim Cook luôn đặt câu hỏi cho bản thân mình: "Có phải đây là chuyên môn của Apple?" và "Liệu chúng ta có quyền nói về vấn đề này không?"

Trả lời phỏng vấn với trang CNBC, Tim Cook cho biết ông không muốn Apple trở thành "chuyên gia phát ngôn". Tuy nhiên, với tư cách là một nhà lãnh đạo, ông cho biết ông tin rằng mình có trách nhiệm nói lên giá trị của công ty lẫn giá trị của nhân viên Apple.

“Tôi không nghĩ rằng doanh nghiệp chỉ nên kinh doanh những thứ mang tính thương mại. Kinh doanh, với tôi, chẳng hơn việc tập hợp mọi người lại với nhau. Nếu mọi người có giá trị, thì các công ty nên bảo vệ giá trị đó". Tim Cook nói với khán giả tại sự kiện ở San Francisco.

Tuy nhiên, ông nói thêm, các công ty chỉ nên có một lập trường vững chải "khi chúng ta có kiến thức về lĩnh vực này".

Là người lãnh đạo của một công ty toàn cầu với hơn 120.000 nhân viên trên khắp thế giới, Tim Cook cho biết ông cảm thấy hoàn toàn hợp lý khi nói về các vấn đề từ giáo dục cho đến quyền riêng tư, nhân quyền, vấn đề nhập cư và môi trường vì ông đã đạt được "quan điểm" về những vấn đề đó.

"Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có một cái gì đó để nói với mọi người về những vấn đề này" Cook nói.

Tuần trước, vị CEO này đã lên tiếng chống lại chính quyền của ông Trump vì chính sách “đau lòng” và “vô nhân đạo” của việc tách trẻ em di cư khỏi cha mẹ của họ ở biên giới Mexico.

Tim Cook vào hôm thứ hai đã so sánh tình hình trên với những nỗ lực của chính quyền Trump vào năm ngoái để xóa sổ DACA, một chính sách nhập cư tạm thời bảo vệ những người nhập cư trẻ tuổi, không có giấy tờ khỏi bị trục xuất. Động thái này đã gây ra tình trạng bất ổn lớn. Tại Silicon Valley, rất nhiều nhân viên là những người đang được chương trình DACA bảo hộ.

"Tôi nhìn vào đó và tôi nghĩ rằng đây là vấn đề trong lĩnh vực tôn trọng nhân phẩm và cảm thấy chúng tôi cần phải nói điều gì đó", Cook nói hôm thứ Hai.

“Chúng tôi có hơn 300 nhân viên ở đây đang được DACA bảo hộ. Tôi muốn đứng lên để đấu tranh cho họ. "

Ông nói thêm rằng, khi một cái gì đó xảy ra không phù hợp với giá trị của công ty bạn, điều quan trọng là phải nói lên điều gì đó.

“Nếu bạn không dám nói… bạn đang ở trong đám đông im lặng đáng sợ của những người tốt. Đây là điều tôi chưa bao giờ muốn trở thành. ”

Ý Nhi/Theo CNBC