Trung Quốc đe doạ “tẩy chay kinh tế” nếu Australia quyết theo đuổi đến cùng việc truy tìm nguồn gốc Covid-19

05/05/2020 11:12

Bộ trưởng thương mại Úc Simon Birmingham bình luận rằng những phát ngôn của đại sứ Trung Quốc tại Úc là “đáng thất vọng” và khẳng định nước Úc sẽ không thay đổi quan điểm phải có một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch bệnh đang khiến cả thế giới “lao đao” này.

Bộ trưởng thương mại Úc Simon Birmingham bình luận rằng những phát ngôn của đại sứ Trung Quốc tại Úc là “đáng thất vọng” và khẳng định nước Úc sẽ không thay đổi quan điểm phải có một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch bệnh đang khiến cả thế giới “lao đao” này.

Theo Tờ Sydney Morning Herald của Úc đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Frances Adamson đã gọi điện cho ông Cheng Jingye - đại sứ Trung Quốc tại Australia yêu cầu làm rõ những phát ngôn của ông về việc "tẩy chay kinh tế" trong các lĩnh vực giáo dục, du lịch và nông nghiệp sau khi Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố nước này sẽ theo đuổi đến cùng việc truy tìm nguồn gốc Covid-19.

Bộ trưởng thương mại Úc Simon Birmingham bình luận rằng những phát ngôn của ông Cheng là "đáng thất vọng" và khẳng định nước Úc sẽ không thay đổi quan điểm phải có một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc dịch bệnh đang khiến cả thế giới "lao đao" này.

Trong khi đó, đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye từ chối bình luận thêm về phát ngôn của mình. Thay vào đó, ông Cheng kêu gọi Chính phủ Australia "bỏ qua việc truy tìm nguồn gốc dịch bệnh" và tập trung vào thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai nước.

Bà Jane Golley – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc tại Australia cho biết những bất đồng về quan điểm chính trị sẽ không tác động lớn đến quan hệ thương mại song phương. Bằng chứng là kim ngạch xuất khẩu giữa Australia và Trung Quốc vẫn tăng trưởng đều đặn qua nhiều lần căng thẳng chính trị leo thang trước đây.

Theo số liệu thống kê, tính đến nay Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu tài nguyên lớn nhất của Australia, bao gồm than đá và quặng sắt. Tuy nhiên, thị trường này sẽ không gặp quá nhiều rủi ro bởi đây vẫn đang là lĩnh vực tạo sức mạnh cho nền kinh tế Trung Quốc.

Bên cạnh đó, theo bà Golley, thị trường giáo dục nước này cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc đã và đang cam kết ít nhất 3 năm theo học tại các trường Đại học Australia. Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Trung Quốc và đối thủ giáo dục lớn nhất của Úc – Hoa Kỳ hiện nay cũng đang tăng cao. Hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc tại Mỹ đã tìm cách rút về nước hoặc chuyển sang các quốc gia khác.

Ở chiều ngược lại, ngành xuất khẩu nông sản của Úc có thể gặp khó khăn nếu người tiêu dùng Trung Quốc không còn "mặn mà" với hàng Úc nữa. Tuy nhiên, kịch bản này cũng khó xảy ra bởi nó chỉ bị tác động khi người tiêu dùng thay đổi nhu cầu cá nhân.

Trong khi đó, ngành du lịch Australia dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất nếu các biện pháp "trừng phạt kinh tế" của Trung Quốc được thực hiện. Theo thống kê, có khoảng 1,4 triệu du khách Trung Quốc tới Úc trong năm ngoái. Và tất nhiên, con số này hoàn toàn có thể lao dốc trong năm nay do những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến ngành du lịch và đòn "tẩy chay kinh tế" đối với Úc từ phía Trung Quốc.

Thực tế đã chứng minh Trung Quốc từng thực hiện đòn "trừng phạt kinh tế" đối với hai nền kinh tế là Hàn Quốc và Đài Loan trong năm 2017 và 2019 khi cấm người Trung Quốc đi du lịch theo nhóm tới hai nơi này.

"Rõ ràng là họ vẫn có những cách khác nhau để thực hiện lệnh trừng phạt. Tuy nhiên cũng nhờ thế mà một lượng lớn khách du lịch cá nhân đã tăng trưởng không ngừng trong những năm qua", Giáo sư Jane Golley nhấn mạnh.