Trước khi nghĩ đến startup, gọi vốn, hay nhà đầu tư, TS. Võ Trí Thành khuyên người khởi nghiệp đừng quên trau dồi 3 kỹ năng sống “sát sườn” dưới đây

21/03/2019 18:42

Trên thực tế, đây là những kỹ năng không chỉ người khởi nghiệp mà bất cứ ai cũng nên tập trung để có thể phát triển bản thân và sự nghiệp.

Nhiều người nhìn nhận khởi nghiệp Việt Nam hiện nay đang mang tính phong trào tự phát khá nhiều nhưng trong con mắt của Tiến sĩ Võ Trí Thành, chưa bao giờ dân tộc lại bước vào thời kỳ "máu lửa" như bây giờ.

"Khởi nghiệp không phải câu chuyện phong trào, hứng khởi nhất thời mà để tạo bước ngoặt thực sự cho đất nước. Đây không chỉ là câu chuyện về công ăn việc làm, gia tăng thu nhập mà còn là sự phát triển, như Bác Hồ nói, sánh ngang với các cường quốc 5 châu hiện nay", Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ tại một hội thảo tổ chức ngoài Hà Nội cách đây không lâu.

Tuy nhiên trong bối cảnh mọi người nói nhiều đến các yếu tố startup như hệ sinh thái khởi nghiệp, nhà đầu tư thiên thần, nhà đầu tư mạo hiểm, vai trò của các vườn ươm, các tổ chức nghiên cứu, rồi người startup phải học kỹ năng này, kỹ năng kia,.. TS. Thành lại cho rằng, để khởi nghiệp, đem lại hạnh phúc thực sự cho chính bản thân và xã hội, các nhà sáng lập chỉ cần nhớ kỹ 3 điều dưới đây:

1. Phải có ý chí và khát vọng

Chính TS. Thành cũng nhìn nhận điều này nghe có vẻ sáo rỗng nhưng lại rất thực tế.

Ông nhắc lại câu nói của cực CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng, nay là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông như sau: "Khởi nghiệp đừng bao giờ nghĩ ngay đến ngân hàng, phải bắt đầu từ chỗ có dám bán cái xe đạp đầu tiên của mình không".

Theo ông, việc tìm ra đam mê thực sự vốn đã rất khó khăn, nhưng nếu không có ý chí, khát vọng thì một người càng chẳng bao giờ có đam mê được. Bởi lẽ những người không có ý chí thì làm gì cũng không đau đáu, sâu sắc mà sẽ hời hợt; đến lúc va vấp thì chán nản, thất bại, có khi không nghĩ đến chuyện đứng lên.

"Một ví dụ là nếu tập nhảy 2 tiếng đồng hồ, nhiều bạn thấy rất hạnh phúc nhưng giao việc gì đó liên quan đến bàn giấy, họ lại thấy như tra tấn dù năng lượng bỏ ra có khi chỉ bằng 1%. Vấn đề là các bạn có thật sự muốn làm gì đó không, chứ đừng nói đến những chuyện quá cao xa, khát vọng".

2. Học cách tương tác, kết nối

Trong quan niệm của TS. Thành, dù đang là sinh viên hay đã thành đạt, thì mỗi người cũng chỉ là hạt cát trong thế giới này.

Muốn tiến lên phía trước, mỗi cá nhân đều cần biết học hỏi không chỉ từ những người giỏi hơn mà cả những người đã từng thất bại.

"Bởi vì học thất bại thì các bạn sẽ tránh được thất bại. Khởi nghiệp phần lớn là phải trải qua thất bại, nếu không có tý thất bại nào thì buồn lắm. Không có tý khó khăn thì sao có lãng mạn, không có tý nước mắt thì không có tình yêu, nên bạn nào chưa từng cảm thấy thất bại thì đừng nói đến hanh phúc và thành công".

Ngoài ra theo Tiến sĩ, trong thời đại hiện nay, việc học hỏi nhiều khi có thể tiến hàng qua các trang web. Nhưng vấn đề là những người trẻ có thật sự để tâm vào đọc hay không?

"99%, bao gồm cả tôi là lướt thôi. Đấy là cái đau đớn nhất cho dân tộc Việt Nam. Vì lướt chỉ đem lại sự hời hợt, chểnh mảng chứ không sáng tạo ra gì cả".

"Các bạn cố gắng từ lướt thì ngày mai chuyển sang đọc, ngày kia chuyển sang hiểu, và cuối cùng chuyến sang ngẫm. Nếu các bạn đem lượng thông tin khổng lồ ấy để chuyển sang hiểu và ngẫm thì đấy mới là học tương tác".

3. Suy nghĩ rộng mở trong một thế giới luôn biến đổi

Theo TS. Thành, dù các startup định làm nghề gì thì suy nghĩ rộng mở cũng là cần thiết. Vì thế giới ngày nay là thế giới hội nhập, thị trường là thị trường của 7 tỷ người.

Tuy nhiên, thế giới ngày này biến đổi không ngừng, đơn giản như việc các chính sách thay đổi từng ngày, hay các "tổng thống thỉnh thoảng thay đổi bất ngờ, ngày nay nắng vì tác động của biến đổi khí hậu mà ngày mai lạnh cũng bởi biến đổi khí hậu".

"Hãy giữ tư duy rộng mở nhưng phải hiểu cuộc sống là bất định, nên ai cũng cần biết cách sống và quản trị nó".

Theo Trí Thức Trẻ