'Tượng đài lung lay': 'Ông lớn' điện tử Nhật Bản thua đau ngay trên sân nhà, thừa nhận phải 'đạo nhái' Trung Quốc

14/06/2024 07:12

Công ty Nhật Bản này đang nỗ lực cắt giảm chi phí, nâng cao doanh số khi các đối thủ từ đại lục dần giành được chỗ đứng trên khắp châu Á.

Mới đây, hãng điện tử lâu đời Panasonic của Nhật Bản cho biết họ sẽ mô phỏng cách tiếp cận tối giản của Trung Quốc trong thiết kế thiết bị điện tử tiêu dùng.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh công ty phải đối mặt với những thách thức từ các đối thủ láng giềng như tập đoàn Haier và tập đoàn Midea (Trung Quốc), đặc biệt là ở Đông Nam Á.

Ông Masahiro Shinada, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Panasonic, cho biết: “Điều chúng tôi học được từ Trung Quốc là thiết kế các sản phẩm có tính năng cụ thể và loại bỏ những thứ không cần thiết khác”.

Vị Chủ tịch cũng nói rằng công ty sẽ sử dụng phương pháp lên kế hoạch phát triển sản phẩm của Trung Quốc để giải quyết những vấn đề gặp phải trên thị trường điện tử tiêu dùng châu Á.

Ông tiết lộ, chi nhánh Panasonic ở Trung Quốc đã thành công trong việc cắt giảm chi phí sản xuất nhờ áp dụng phương pháp tiếp cận phát triển sản phẩm này.

'Tượng đài lung lay': 'Ông lớn' điện tử Nhật Bản thua đau ngay trên sân nhà, thừa nhận phải 'đạo nhái' Trung Quốc
CEO của Panasonic cho biết công ty sẽ học hỏi các đối thủ Trung Quốc để hiệu quả hơn trong thiết kế sản phẩm. Ảnh: Ryohtaroh Satoh

Sắp tới, Panasonic có kế hoạch tăng số lượng sản phẩm được thiết kế tại Trung Quốc rồi xuất xưởng sang Đông Nam Á. Tập đoàn cũng có ý định đẩy mạnh hợp tác giữa các nhóm thiết kế trong nước với các khu vực như Trung Quốc và Việt Nam để tăng khả năng cạnh tranh.

Ông Shinada dự kiến Panasonic sẽ tăng số lượng model dùng chung (Shared Model) được bán ở những thị trường khác nhau tại châu Á để giúp cắt giảm chi phí.

Theo Nikkei Asia, khoảng một nửa số thiết bị điện tử của công ty được bán ở Việt Nam hoặc Malaysia có thể sẽ là model dùng chung vào tháng 9/2026, tăng từ mức dưới 10% ở hiện tại. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều lô hàng được sản xuất và xuất khẩu từ Trung Quốc trong thời gian tới hơn.

Động thái này phản ánh sự thay đổi đáng kể trong chiến lược truyền thống của công ty Nhật Bản, vốn từng ưu tiên sản xuất và bán sản phẩm tại địa phương.

Thất thế tại thị trường trong nước

Bên cạnh đó, việc sản phẩm Panasonic mất vị thế dẫn đầu tại chính sân nhà trước thương hiệu Trung Quốc cũng là một phần nguyên nhân buộc họ phải thay đổi.

Theo công ty, những sản phẩm như tủ lạnh và lò vi sóng của Panasonic đã mất vị trí dẫn đầu tại thị trường Nhật Bản vào năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu đến từ doanh số hàng hóa Trung Quốc ngày càng tăng cao.

Một công ty có tên tuổi lớn trong ngành như Toshiba cũng đã bán thương hiệu điện tử tiêu dùng của mình cho tập đoàn Trung Quốc Midea vào năm 2016.

Thêm vào đó, Panasonic cũng có khả năng không đạt được mục tiêu ban đầu là tăng EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) lên 71% trong 3 năm kết thúc vào tháng 3/2025. Công ty hiện dự báo mức tăng chỉ còn 24% trong giai đoạn này.

'Tượng đài lung lay': 'Ông lớn' điện tử Nhật Bản thua đau ngay trên sân nhà, thừa nhận phải 'đạo nhái' Trung Quốc
Panasonic có kế hoạch tăng số lượng sản phẩm được thiết kế tại Trung Quốc và xuất khẩu sang Đông Nam Á. Ảnh: Nikkei Asia

Chủ tịch Shigeru Dohno của mảng thiết bị và giải pháp sinh hoạt Panasonic cho rằng, các nhà sản xuất Nhật Bản có xu hướng tập trung hoàn thiện tối đa mỗi bước của quy trình lập kế hoạch sản phẩm, trong khi các hãng Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển một sản phẩm ngay cả khi nó không hoàn hảo.

Ông Dohno bình luận: “Cách tiếp cận của Nhật Bản mất quá nhiều thời gian để hoàn thành kế hoạch. Ngược lại, doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận rủi ro bởi vì nếu không, họ biết rằng họ sẽ bị đối thủ chà đạp”.

Ngoài ra, Chủ tịch Shinada nhận thấy các nhà thiết kế Nhật Bản thường cố gắng đưa nhiều tính năng nhất có thể vào sản phẩm của mình để làm hài lòng khách hàng. Ông nói, đây có thể là lý do khiến sản phẩm của Panasonic bị tụt hậu trước các công ty Trung Quốc như Haier hay Midea.

Và vì cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, theo ông, những sản phẩm do Nhật Bản thiết kế đã không tập trung vào một đối tượng khách hàng cụ thể và thiếu một định hướng rõ ràng.

Theo Quỳnh Vân/Người quan sát