Ứng dụng FastGo Việt Nam gọi vốn 50 triệu USD

25/09/2018 22:09

Vòng gọi vốn mới của ứng dụng gọi xe FastGo dự kiến hoàn tất vào quý I năm 2019 sẽ giúp củng cố nguồn lực tài chính, gia tăng thị phần và mở rộng hệ sinh thái dịch vụ.

Theo thông tin từ phía FastGo Việt Nam, công ty này hiện đang gọi vốn 50 triệu USD và dự kiến sẽ hoàn tất trong quý I năm 2019.

CEO Nguyễn Hữu Tuất cho biết, vòng gọi mới nhằm thực hiện tham vọng mở rộng ứng dụng gọi xe FastGo ra các thị trường Đông Nam Á như Indonesia và Myanmar. Theo đúng kế hoạch, FastGo sẽ gia nhập thị trường Myanmar vào cuối năm nay.

Tháng trước, ứng dụng gọi xe này công bố nhận vốn đầu tư từ quỹ Vinacapital Ventures, một quỹ đầu tư quy mô 100 triệu USD mới ra mắt. Theo một nguồn tin thân cận, số tiền FastGo nhận được khoảng 3 triệu USD.

Ngoài việc củng cố nguồn lực tài chính, ông Tuất nhận định, đây là cơ hội để công ty gia tăng thị phần, cũng như mở rộng hệ sinh thái dịch vụ.

FastGo là ứng dụng gọi xe của Việt Nam, trực thuộc Tập đoàn NextTech của ông Nguyễn Hòa Bình. Sau 3 năm xây dựng và phát triển, FastGo ra mắt thị trường Hà Nội ngày 12/6/2018 và TP. HCM ngày 10/8/2018.

Phía công ty cho biết, hiện FastGo Việt Nam đã có gần 25.000 lái xe đăng ký, thực hiện hơn 50.000 cuốc xe thành công và hơn 500.000 km di chuyển đã được thực hiện.

Nhà phát triển này đánh giá, dù thị trường gọi xe Việt Nam vẫn đang nằm trong tay Grab, nhưng dư địa dành cho các ứng dụng gọi xe nội vẫn còn nhiều.

Hãng này thống kê, quy mô thị trường gọi xe Việt Nam trị giá khoảng 1,7 tỷ USD. Ngoài Grab đang thống lĩnh thị trường, hơn 50% thị phần gọi xe vẫn dành cho các ứng dụng gọi xe khác và cả các hãng taxi truyền thống.

Không riêng gì FastGo, ứng dụng Go-Viet được hậu thuận bởi Go-Jek cũng đang gấp rút chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam. Số tiền mà Go-Jek bỏ ra lên tới 500 triệu USD tại Đông Nam Á, bao gồm các nước: Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines. Sau 6 tuần thử nghiệm, Go-Viet tuyên bố nắm giữ 35% thị phần xe ôm công nghệ và đang chuẩn bị tung ra dịch vụ Go-Car (gọi xe 4 bánh).

Giới chuyên gia nhìn nhận, sự xuất hiện của Go-Viet cũng như FastGo vào thời điểm này sẽ góp phần thay đổi thị trường ứng dụng gọi xe, đồng thời, mang tới cho người Việt thêm nhiều lựa chọn.

Về phần Grab, dù đang thống lĩnh thị trường gọi xe Việt Nam, nhưng công ty này đã lỗ lũy kế hơn 1.700 tỷ đồng sau 4 năm hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hoạt động kinh doanh lỗ là do chi phí bán hàng của Grab luôn chiếm tỷ trọng lớn.

Bên cạnh đó, việc mở rộng quy mô nhanh cũng khiến chi phí quản lý của doanh nghiệp này tăng chóng mặt. Chi phí hoạt động lớn trong khi doanh thu chưa đủ bù đắp, Grab phải vay nợ để duy trì hoạt động.

Đến cuối năm 2017, khoản nợ ngắn hạn của công ty này là hơn 1.500 tỷ đồng. Trước đó, Grab Việt Nam từng vay công ty mẹ tại Malaysia 50 triệu USD.