'Ván bài lật ngửa' của cổ đông ngoại với Chủ tịch Coteccons

04/06/2020 15:48

Mâu thuẫn giữa ban lãnh đạo Coteccons và cổ đông lớn Kusto tồn tại nhiều năm qua vì Ricons, nay bị đẩy lên đỉnh điểm với yêu cầu ông Nguyễn Bá Dương từ chức chủ tịch.

Mâu thuẫn giữa ban lãnh đạo Coteccons và cổ đông lớn Kusto tồn tại nhiều năm qua vì Ricons, nay bị đẩy lên đỉnh điểm với yêu cầu ông Nguyễn Bá Dương từ chức chủ tịch.

Công ty CP Xây dựng Coteccons là doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam với quy mô doanh thu tỷ USD mỗi năm. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bá Dương được xem như linh hồn của Coteccons khi là người sáng lập và điều hành doanh nghiệp này suốt 18 năm qua.

Vậy tại sao cổ đông lớn Kusto lại muốn yêu cầu Chủ tịch Nguyễn Bá Dương rời khỏi công ty do chính ông sáng lập?

Kusto là ai?

Công ty Kustocem (Kusto) với vị thế là cổ đông lớn nhất tại Coteccons khi sở hữu 18,2% cổ phần có quyền biểu quyết trực thuộc Kusto Group. Tập đoàn này đặt trụ sở ở Singapore và hoạt động ở 10 quốc gia, kinh doanh nhiều lĩnh vực như bất động sản, vật liệu xây dựng, dầu khí, nông nghiệp.

Kusto đầu tư tại Việt Nam từ năm 2005 với 10 thương vụ trải dài trên nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác nhau như bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, vận tải và logistics, bán lẻ và hàng tiêu dùng.

Một trong những khoản đầu tư nổi bật của Kusto tại Việt Nam ngoài Coteccons là dự án khu căn hộ cao cấp Đảo Kim Cương ở quận 2, TP.HCM.

Kusto rót vốn vào Coteccons từ năm 2012 khi mua vào 10,4 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành cho cổ đông chiến lược của doanh nghiệp này. Đến nay, Kusto nắm giữ 13,9 triệu cổ phiếu Coteccons, tương đương 18,2% cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp xây dựng lớn nhất Việt Nam.

Trong HĐQT hiện tại của Coteccons, có 2/7 nhân sự đến từ Kusto là ông Talgat Turumbayev và ông Yerkin Tatishev. Hai vị doanh nhân này đều mang quốc tịch Kzakhstan.

Một cổ đông lớn khác của Coteccons là Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành công với 14,7% cổ phần cũng liên quan đến Kusto. Chủ tịch công ty này là ông Ablakhat Kebirov, quốc tịch Kazakhstan. Ông Kebirov nằm trong ban lãnh đạo của công ty Kusto Home ở Việt Nam.

Đồ họa: Việt Đức.

Cộng với 2,1% cổ phần của ông Talgat Turumbayev, nhóm cổ đông liên quan Kusto đang quản lý ít nhất 35% cổ phần có quyền biểu quyết của Coteccons. Tỷ lệ sở hữu này giúp nhóm Kusto có quyền phủ quyết các quyết định quan trọng của Coteccons.

Vấn đề với Ricons

Nhóm Kusto cho rằng giữa Coteccons và Ricons có xự xung đột lợi ích khi Ricons vừa là nhà thầu phụ vừa là đối thủ cạnh tranh với chính Coteccons. Dựa trên luận điểm các lãnh đạo chủ chốt của Coteccons cũng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng tại Ricons, Kusto yêu cầu Chủ tịch Nguyễn Bá Dương, Tổng giám đốc Nguyễn Sỹ Công và Phó tổng giám đốc Trần Quang Quân ngay lập tức rời chức vụ khỏi Coteccons.

Ricons tiền thân là Công ty Xây dựng Phú Hưng Gia, thành lập năm 2004. Ricons là 1 trong 4 công ty liên kết của Coteccons. Trên báo cáo tài chính quý I, giá trị của 14,3% vốn tại Ricons của Coteccons được hạch toán với giá trị 308 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐQT của Ricons là ông Trần Quang Quân, phó tổng giám đốc Coteccons. Chủ tịch Trần Bá Dương và CEO Nguyễn Sỹ Công của Coteccons là thành viên HĐQT của Ricons.

Doanh thu và lợi nhuận của Ricons tăng trưởng đều đặn trong giai đoạn 2013-2018. Từ mức 1.300 tỷ năm 2013, doanh thu của Ricons năm 2018 đã tăng lên 9.300 tỷ. Lợi nhuận của Ricons trong cùng năm đạt 430 tỷ, gấp 14 lần so với thời điểm 5 năm trước đó.

Bước sang 2019, hoạt động kinh doanh của Ricons chững lại khi doanh thu và lợi nhuận sụt giảm còn 8.800 tỷ và 360 tỷ đồng. Mức lãi này tương đương 51% lợi nhuận ròng của Coteccons. Theo Kusto, đây là một ví dụ về sự xung đột với lợi ích khi năm 2015, lợi nhuận của Ricons mới bằng 11% của Coteccons.

“Các lãnh đạo cấp cao của Coteccons quyết định chọn công ty nào đấu thầu cho dự án nào khi họ đồng thời quản lý cả hai công ty cạnh tranh trực tiếp với nhau? Họ phân bổ lợi nhuận cho từng bên như thế nào trong các hợp đồng giữa hai bên?”, Kusto đặt câu hỏi.

Từng đồng ý chủ trương sáp nhập

Mối quan hệ giữa Coteccons và Ricons là mâu thuẫn đã diễn ra nhiều năm nay giữa lãnh đạo công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam và Kusto. Động thái yêu cầu Chủ tịch Nguyễn Bá Dương từ chức của nhóm cổ đông lớn nước ngoài này đẩy xung đột lên mức căng thẳng chưa từng có.

Theo Coteccons, năm 2012, Kusto và các cổ đông chủ chốt đã ký thỏa thuận cam kết ủng hộ những quyết định cần thiết để hợp nhất Unicons và Ricons vào Coteccons. Năm 2015, Unicons chính thức về một nhà với Coteccons, nhưng việc sáp nhập Ricons đến nay vẫn bất thành.

Coteccons cho biết do có phân khúc khách hàng riêng, sau khi được sáp nhập, Unicons đã góp phần to lớn giúp doanh nghiệp phát triển vượt bậc với doanh thu tăng 52%, lợi nhuận tăng 94% vào năm 2016. Hiện Unicons là một trong 3 nhà thầu tư nhân lớn nhất Việt Nam với doanh thu hàng năm đạt khoảng 8.000-8.500 tỷ đồng.

Cũng với đánh giá Ricons là một công ty xây dựng tiềm năng, phân khúc khách hàng riêng và đội ngũ nhân sự chất lượng, ban lãnh đạo Coteccons muốn sáp nhập Ricons để gia tăng thị phần.

Tại đại hội cổ đông năm 2018, đại diện Kusto khẳng định cơ bản đồng ý chủ trương sáp nhập nhưng cần có lộ trình và ý kiến của cổ đông Ricons, có đơn vị định giá độc lập. Một năm sau đó, HĐQT Coteccons đưa tờ trình phê duyệt chủ trương hoán đổi cổ phiếu để sở hữu 100% Ricons để đại hội cổ đông 2019 thông qua.

Ván bài lật ngửa

Nhưng chỉ một ngày trước đại hội cổ đông 2019, Kutso bất ngờ tuyên bố không thấy được tính hợp lý và chiến lược rõ ràng với thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) với Ricons.

“Thương vụ M&A Ricons sẽ không mang lại bất cứ lợi ích và giá trị nào có liên quan tới hoạt động vận hành của Coteccons hiện tại. Việc sử dụng cổ phiếu của công ty để chi trả cho các thương vụ M&A không hợp lý đến khi hiệu quả hoạt động tài chính của Coteccons khởi sắc hơn và giá cổ phiếu đạt đến giá trị thực xứng đáng”, Kusto khẳng định.

Kustocem cho biết không đưa ra bất cứ biểu quyết đồng ý nào cho thương vụ sáp nhập lần này, cũng như không ủy quyền đồng ý cho HĐQT Coteccons về chiến lược M&A sắp tơiyếu cầu lãnh đạo công ty dừng ngay những việc liên quan tới thương vụ M&A với Ricons.

Chủ tịch Nguyễn Bá Dương (trái) và Tổng giám đốc Coteccons Nguyễn Sỹ Công. Ảnh: CTD.

Với hành động quay ngắt 180 độ của Kusto, nhiều cổ đông cá nhân của Coteccons tỏ ra bức xúc với nhóm cổ đông nước ngoài này.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, một cổ đông của Coteccons hỏi Kusto đầu tư vào công ty có cùng mục đích sinh lợi không hay vì mục đích khác. Cổ đông Đỗ Đình Minh thẳng thắn đặt nghi vấn phải chăng Kusto muốn thâu tóm Coteccons. Còn cổ đông Nguyễn Kiến Tường cho rằng ông Talgat Turumbayev tự mâu thuẫn khi nói rất tin tưởng Chủ tịch Coteccons nhưng phủ quyết các chính sách của công ty do ông Nguyễn Bá Dương đưa ra.

Sau cùng, ban lãnh đạo Coteccons buộc phải rút nội dung sáp nhập Ricons ra khỏi chương trình họp đại hội cổ đông 2019 và tuyên bố không bàn đến chuyện M&A sau này.

Lần này, kịch bản tương tự lại tái diễn khi gần đến ngày họp đại hội cổ đông 2020, Kusto công bố thông tin triệu tập đại hội cổ đông bất thường để thay thế Chủ tịch, CEO Coteccons và kiểm toán đặc biệt công ty.

Trước “ván bài lật ngửa” của Kusto, ông Nguyễn Sỹ Công gọi đây là những cáo buộc vô căn cứ, bôi nhọ lãnh đạo công ty với âm mưu thâu tóm doanh nghiệp xây dựng Việt Nam. "Kusto sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này", CEO Coteccons tỏ thái độ cứng rắn.

Việt Đức

Theo Zing