Về hưu sớm ở tuổi 35, kỹ sư phần mềm tiết lộ 3 sai lầm 'chết người' khiến hầu hết chúng ta không thể tiết kiệm

21/06/2020 13:54

Steve Adcock là một cựu kỹ sư phần mềm kiêm chuyên gia tài chính đã về hưu sớm ở tuổi 35. Anh sở hữu một blog cá nhân về tài chính; đồng thời là một cây bút quen thuộc trên các tạp chí tài chính nổi tiếng như MarketWatch, Forbes và Business Insider.

Steve Adcock là một cựu kỹ sư phần mềm kiêm chuyên gia tài chính đã về hưu sớm ở tuổi 35. Anh sở hữu một blog cá nhân về tài chính; đồng thời là một cây bút quen thuộc trên các tạp chí tài chính nổi tiếng như MarketWatch, Forbes và Business Insider.

Năm 2016, tôi quyết định từ bỏ công việc với mức lương 6 con số trong lĩnh vực phần mềm và về hưu sớm ở tuổi 35 sau khi đã đạt được tự do về tài chính. Một năm sau đó, vợ tôi (31 tuổi) cũng quyết định nghỉ hưu sớm cùng tôi.

Tuy vậy, nghỉ hưu sớm chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng. Chúng tôi đã phải lập kế hoạch tiết kiệm chi tiêu hàng năm và đầu tư vào thị trường chứng khoán để tài sản có thể sinh lời. Trên thực tế, toàn bộ tiền lương của vợ tôi được dùng thẳng vào việc đầu tư mà chúng tôi không hề động đến một đồng nào trong đó. Thành công từ việc đầu tư kết hợp với cắt giảm chi tiêu đã giúp gia đình tôi thực hiện kế hoạch nghỉ hưu sớm đúng như dự định.

Theo báo cáo năm 2019 từ Ladder – công ty dịch vụ bảo hiểm nhân thọ - chỉ ra rằng người Mỹ trong độ tuổi trưởng thành chi trung bình khoảng 1.497 USD cho những thứ không cần thiết mỗi tháng. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 18.000 USD đang bị chi tiêu lãng phí mỗi năm. Đây cũng là lý do tại sao 78% người làm công ăn lương ở Mỹ vẫn "chật vật" với vấn đề chi tiêu dù họ có mức thu nhập ổn định.

Cắt giảm chi tiêu không chỉ là một giải pháp tiết kiệm hiệu quả cho chặng đường nghỉ hưu sớm; đồng thời đây cũng là một khởi đầu cho con đường làm giàu sau này.

Dưới đây là 3 sai lầm lớn khiến nhiều người không thể tiết kiệm đủ tiền để thực hiện mục tiêu nghỉ hưu sớm hoặc đầu tư làm gia tăng tài sản.

1. Đi ăn ngoài

Theo một cuộc khảo sát năm 2019, 69% trong số 2.000 người Mỹ cho biết họ thường xuyên chi tiền đi ăn nhà hàng. Tất nhiên, việc đi ra ngoài gặp gỡ bạn bè và có ai đó nấu cho bạn ăn là điều thật tuyệt vời. Nhưng hãy nhớ rằng chi phí của những bữa ăn này không hề rẻ.

Trước đây vợ chồng tôi thường chi khoảng 750 USD cho việc đi ăn ở ngoài, điều này làm tăng thêm 9.000 USD chi phí ăn uống mỗi năm. Chỉ từng đó thôi, bạn có thể tưởng tượng vợ chồng tôi đã tiết kiệm được bao nhiêu sau khi cắt giảm khoản đi ăn nhà hàng; thay vào đó là tự chuẩn bị đồ ăn tại nhà. Tất nhiên, thi thoảng chúng tôi vẫn dắt nhau ra ngoài ăn tối, nhưng để kiểm soát chi phí, chúng tôi thường cắt giảm đồ uống và món khai vị hoặc món tráng miệng.

Bên cạnh đó, chúng tôi không để lãng phí đồ ăn thừa mà cố gắng tái sử dụng cho ngày hôm sau. Nhờ đó chúng tôi đã tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ và đem sử dụng vào mục đích đầu tư.

2. Nâng cấp điện thoại mới

Thật khó để bỏ qua sức hấp dẫn của những chiếc smartphones thế hệ mới của Apple hay Samsung. Nhưng hầu hết các sản phẩm điện thoại thông minh hiện nay đều được cải tiến để có thể sử dụng trong nhiều năm mà không gặp bất cứ vấn đề gì. Việc nâng cấp một chiếc điện thoại mới không có gì là sai, nhưng rõ ràng chúng không làm cuộc sống của bạn thay đổi tí nào cả.

Trong hầu hết trường hợp, việc nâng cấp điện thoại mới chỉ nên thực hiện nếu chiếc điện thoại bạn đang sử dụng gặp sự cố hoặc bị hỏng hóc. Nhưng ngay cả trong trường hợp chúng bị hỏng hóc, việc bạn mang tới cửa hàng sửa chữa vẫn tiết kiệm hơn nhiều so với vứt nó đi và chi hàng ngàn đô la cho một chiếc điện thoại mới.

Hai vợ chồng tôi sử dụng một chiếc điện thoại trong vòng 4 năm. Mỗi năm chúng tôi tiết kiệm được khoảng 1.500 USD nhờ việc không nâng cấp điện thoại mới. Thay vì sở hữu một món đồ công nghệ với những tính năng tương tự chiếc điện thoại cũ, chúng tôi để dành thêm được một khoản tiền để đầu tư vào thị trường chứng khoán.

3. Mua sắm quần áo và phụ kiện

Theo báo cáo của GOBankingRates năm 2019, trung bình mỗi người Mỹ chi khoảng 1.866 USD cho việc mua sắm quần áo và phụ kiện mỗi năm. Tất nhiên, việc bắt kịp xu thế thời trang không có gì là xấu, nhưng hãy lưu ý rằng bất cứ món đồ thời trang nào cũng gắn liền với thời gian. Dù bạn bỏ ra hàng ngàn đô la cho một chiếc áo hay một đôi giầy hàng hiệu thì chỉ vài tháng sau là hàng ngàn đô la đó của bạn sẽ trở nên "lỗi thời" và khi đó bạn lại cần "nâng cấp" chúng. Do đó, trước khi bạn quyết định mua một món quần áo hay phụ kiện, hãy tự hỏi liệu chúng có thực sự cần thiết hay không.

Quy tắc mua quần áo của tôi rất đơn giản: Luôn cố gắng mua ít hơn nhu cầu. Tôi chỉ mua những thứ thực sự cần thiết và một khi đã mua, tôi sẽ mặc hoặc sử dụng món đồ cho tới khi chúng bị rách, hỏng hoặc không còn vừa với cân nặng của tôi nữa. Trung bình mỗi năm tôi chỉ bước chân vào trung tâm thương mại 2 đến 3 lần và chi từ 50 USD đến 100 USD mỗi lần.

Hà My

Theo Tổ Quốc