Vị ‘đắng’ cổ phiếu SBT

18/06/2024 15:20

Cổ phiếu SBT có diễn biến lệch pha với VN-Index kể từ tháng 9/2023, trong khi VN-Index phục hồi thì SBT giảm dần từ vùng 17.000 đồng/cp về dưới 12.000 đồng/cp. Ban lãnh đạo TTC AgriS quyết định tạm dừng phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu trong khi thúc đẩy vay nợ quốc tế và trái phiếu.

Dù gập ghềnh nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam có đà phục hồi tốt từ tháng 10/2023 tới nay. VN-Index tăng từ 1.065 điểm lên 1.280 điểm, tương đương mức tăng 20%, hàng loạt cổ phiếu có mức tăng giá gấp đôi tính từ đáy tháng 10 năm trước.

Tuy nhiên, cổ phiếu đầu ngành mía đường Công ty cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa – TTC AgriS (mã: SBT) lại liên tục giảm giá. Nhìn lại diễn biến trong 5 năm gần đây, cổ phiếu SBT có diễn biến khá đồng pha với VN-Index nhưng kể từ tháng 9/2023 bắt đầu có sự lệch pha. Trong khi VN-Index phục hồi thì cổ phiếu SBT giảm dần từ vùng 17.000 đồng/cp về dưới 12.000 đồng/cp.

vi-dang-co-phieu-sbt-1718698733.jpeg

TTC AgriS là đơn vị thành viên của Tập đoàn Thành Công – TTC Group, tập trung chủ lực vào ngành nông nghiệp với thương hiệu “Đường Biên Hòa”. Doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của bà Huỳnh Bích Ngọc – Chủ tịch HĐQT TTC AgriS, vợ ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch TTC Group.

Sau hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, TTC AgriS đã trở thành doanh nghiệp mía đường đầu ngành với thị phần chiếm 46%, sở hữu vùng nguyên liệu xuyên biên giới tổng diện tích hơn 71.000 ha qua 4 quốc gia (Việt Nam, Lào, Campuchia và Úc). Công ty cũng đã xuất khẩu sản phẩm đường qua hơn 50 thị trường.

Với việc liên tục mở rộng, doanh thu SBT cải thiện từ 12.889 tỷ đồng năm 2019 lên 24.742 tỷ đồng năm 2022. Trong 9 tháng niên độ 2023 (1/7/2023 – 31/3/2024), doanh nghiệp báo cáo doanh thu tăng 9% lên 19.544 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp khá trồi sụt, ghi nhận giảm đáng kể trong năm 2022 và duy trì mức tương đương thời điểm 2019 trong 9 tháng đầu niên độ 2023.

vi-dang-co-phieu-sbt-2-1718698733.jpeg

Bên cạnh đó, giá đường tăng nóng thời điểm dịch bệnh cũng hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của TTC AgriS. Giá đường thế giới sau khi chạm đáy vùng 10 cent/lbs vào tháng 4/2020 đã liên tục tăng giá lên 28 cent/lbs vào tháng 10/2023. Giá đường biến động tăng chủ yếu do nguồn cung đường thế giới bị ảnh hưởng do El Nino, Ấn Độ - nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới hạn chế xuất khẩu… Sau khi đạt đỉnh tháng 10/2023 thì giá đường đã giảm dần về vùng 19 cent/lbs nhờ nguồn cung ổn định trở lại, đặc biệt là nửa sau niên vụ 2023 – 2024. 

Đi cùng với diễn biến thế giới, giá đường trong nước cũng cải thiện rõ rệt, tăng từ vùng 14.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/cp. Dù có hạ nhiệt vào đầu năm nay nhưng vẫn neo cao trên 20.000 đồng/kg.

Mặc dù kinh doanh chính khởi sắc nhưng lợi nhuận của TTC AgriS không tăng trưởng như kỳ vọng do chịu ảnh hưởng của mảng tài chính. Để phục vụ cho mục tiêu mở rộng, doanh nghiệp tận dụng nhiều về đòn bẩy tài chính. Công ty thường xuyên duy trì cơ cấu nợ phải trả gấp đôi vốn chủ sở hữu, riêng nợ vay tương đương vốn chủ. Tại cuối tháng 3 năm nay, tổng nợ vay đạt 15.106 tỷ đồng, cao hơn 33% so với vốn chủ sở hữu và gấp đôi vốn điều lệ. Chính vì vậy, trong môi trường lãi suất cao năm 2023, chi phí lãi vay của công ty niên độ 2022 tăng 84% lên 1.499 tỷ đồng và 9 tháng niên độ 2023 tăng 35% lên 1.304 tỷ đồng.

Công ty cũng có các nghiệp vụ đầu tư như gửi ngân hàng, cho vay, kinh doanh hợp đồng tương lai, đầu tư cổ phiếu để mang lại doanh thu cho mảng tài chính. Tuy nhiên, xét trong giai đoạn từ 2019 đến nay, chỉ riêng 2021 doanh thu tài chính đủ bù đắp cho chi phí, các năm còn lại đều bị lỗ hàng trăm tỷ đồng. 

Tổng kết lại, nhờ hoạt động tài chính không lỗ trong năm 2021 mà lợi nhuận tăng cao. Tuy nhiên, qua niên độ 2022, doanh nghiệp báo lãi ròng giảm mạnh 39% xuống 537 tỷ đồng. 9 tháng năm nay, lợi nhuận ròng tăng 18% so với cùng kỳ năm trước lên 553 tỷ đồng.

vi-dang-co-phieu-sbt-3-1718698733.jpeg

Tích cực phát hành trái phiếu và vay nợ quốc tế

Doanh nghiệp mía đường của bà Huỳnh Bích Ngọc từng có kế hoạch chào bán 148 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cp. Công ty kỳ vọng thu về hơn 1.777 tỷ đồng để thanh toán các hợp đồng mua đường, phân bón với các công ty con. Tuy nhiên, vào tháng 3, ban lãnh đạo công ty đã quyết định tạm dừng do thị trường chứng khoán không thuận lợi. 

Ngược lại, công ty tích cực huy động vốn qua kênh trái phiếu. Vào cuối 2023 đầu 2024, TTC AgriS đã chào bán thành công 2 lô trái phiếu tổng mệnh giá 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 10,5 – 11%/năm. Công ty đang triển khai phương án phát hành tiếp 700 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng, kỳ hạn 3 năm lãi suất thả nổi cộng biên độ 4,95%/năm.

Vào giữa tháng 5, TTC AgriS cho biết đã hoàn tất ghi nhận khoản vay tổng trị giá 80 triệu USD với Ngân hàng Thương mại TNHH E.SUN (E.SUN Bank, Đài Loan) – đóng vai trò ngân hàng đầu mối thu xếp và quản lý chính khoản vay hợp vốn. Mục tiêu huy động vốn là khai mở các thị trường tiềm năng, đạt mục tiêu doanh thu 60.000 tỷ đồng.

Trước đó, trong tháng 6 và 7 năm ngoái, TTC AgriS đã huy động 140 triệu USD từ các định chế tài chính quốc tế lớn như IFC, SMBC, Ngân hàng FCB, nhóm 9 định chế tài chính Đài Loan,…

Bạn đang đọc bài viết "Vị ‘đắng’ cổ phiếu SBT" tại chuyên mục Tiêu điểm.