Vì sao các lãnh đạo doanh nghiệp biết óc sáng tạo rất quan trọng nhưng luôn ngăn cản điều này phát triển?

18/03/2019 15:48

Vốn là nhà lãnh đạo cao cấp của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, giáo sư Phan Văn Trường cho biết mình đã đi thăm khá nhiều doanh nghiệp, nhất là nước ngoài. Nói về sự sáng tạo trong doanh nghiệp, điều khiến ông ấn tượng nhất là sự mâu thuẫn giữa những ý kiến của các doanh nghiệp đối với óc sáng tạo, cùng với khả năng tổ chức và vận động để làm cho sự sáng tạo được phát huy.

Theo giáo sư Phan Văn Trường viết trong cuốn sách Một đời quản trị, hầu hết các doanh nghiệp đều nhìn nhận óc sáng tạo là vô cùng quan trọng để doanh nghiệp trường tồn, họ đều hiểu được rằng nếu công ty không sáng chế ra sản phẩm mới hoặc phương pháp sản xuất mới, hoặc kiểu phân phối hàng hóa mới... thì doanh nghiệp sẽ dần dần mất vị trí cho một doanh nghiệp khác năng động hơn.

Chuyện buồn cười là đằng sau sự nhìn nhận tầm quan trọng của óc sáng tạo đó, mọi tầng lớp lãnh đạo của rất nhiều doanh nghiệp làm đủ mọi chuyện để ngăn cản óc sáng tạo và đi ngược lại lợi ích chung. Thứ nhất các sếp bắt nhóm sáng tạo phải làm việc theo những quy trình vô cùng gò bó, về chi phí, về cách quản lý sáng tạo, về vai trò của mỗi người trong đội sáng tạo... Và khi nhìn kỹ cách tổ chức doanh nghiệp để sáng tạo, người ta chỉ có thể đánh giá một câu: Thế này thì không bao giờ sáng tạo ra cái gì.

Đó là phần nổi của việc chống sáng tạo. Phần chìm mới khó tìm hơn. Nào là tổng giám đốc và kế toán rất ghét việc chi phí về sáng tạo cứ lên cao mà không thấy kết quả đâu trong việc sáng tạo. Nào là các đội bên cạnh rất ghen tị việc làm hơi nghệ sĩ của các đồng nghiệp bên sáng tạo, chê họ từ 18 tháng trời rồi mà chưa thấy sáng với tạo ra cái gì hay ho. Rồi đến lượt các đội sản xuất rất sợ những sản phẩm mới, vì hễ mới là cả công ty sẽ phải vận động để sản phẩm mới đáp ứng hoàn toàn với những nhu cầu và những đòi hỏi của thị trường về chất lượng, hình thù...

Vì sao các lãnh đạo doanh nghiệp biết óc sáng tạo rất quan trọng nhưng luôn ngăn cản điều này phát triển? - Ảnh 1.

Phản ứng của khối sản xuất cũng đúng vì mỗi khi sản phẩm mới ra đời là trong nhiều tháng, bao nhiêu chuyện nhức đầu xảy ra do phản ứng của thị trường, chê bai có, moi móc khuyết điểm cũng có.

Không biết bạn có nhớ mỗi khi một phiên bản iPhone mới ra đời là cả thế giới đổ vào chỉ trích, có ký giả còn nói rằng nếu bẻ chiếc iPhone làm đôi hoặc nhúng chìm iPhone xuống dưới nước hoặc ném chiếc iPhone xuống đất từ lầu 5 thì iPhone không chạy nữa. Bao nhiêu chuyện nhức nhối khiến biết bao lãnh đạo của công ty đau đầu trong suốt thời kỳ đưa sản phẩm mới ra thị trường. Phải thông cảm cho các lãnh đạo doanh nghiệp, họ rất ngán những thời kỳ đưa sản phẩm mới ra thị trường. Có lẽ cũng không cần nói dài dòng về các thế hệ Windows của Microsoft. Mỗi lần Windows ra một hệ mới là cả công ty Microsoft điên đầu cùng với hàng triệu khách hàng sử dụng phần mềm này.

Nhiều doanh nghiệp nổi tiếng khuyến khích óc sáng tạo bằng cách đặt đội sáng tạo ngay dưới quyền của tổng giám đốc, đây hẳn là một ưu đãi có khả năng khuyến khích thật. Tuy nhiên, cách làm việc đó vẫn chưa giải quyết một vấn đề khó nắm bắt hơn nhiều: làm sao lôi cuốn toàn bộ doanh nghiệp cùng nhau hợp lực để sáng chế sản phẩm mới! Sự thật là óc sáng tạo có thể nảy sinh từ bất cứ nơi nào trong doanh nghiệp, do đó việc giao cho một đội đặc trách không hẳn là giải pháp hay.

Vấn đề sáng tạo xứng đáng được xem xét kỹ hơn, nhưng ngay tại đây, chúng ta cứ nên biết rằng số đông doanh nghiệp chết đi do không có đủ khả năng làm mới sản phẩm hay có sản phẩm mới. Bệnh "thiếu óc sáng tạo" là một bệnh rất phổ biến và luôn luôn bị xem như không gấp gáp gì. Một công ty đang bán nhiều, lời nhiều thì làm sao thuyết phục họ là họ sắp chết?

Đó là trường hợp điển hình của công ty Nokia, chỉ trong hai đến ba năm, họ đã từ một công ty hàng đầu thế giới với 40% thị phần sập xuống rất mau lẹ. Và nay không những họ đã bị mua rẻ, mà có lẽ cái tên lừng lẫy "Nokia" ngày nào cũng sẽ biến tích. Chu kỳ sống chết thời nay càng ngày càng ngắn, óc sáng tạo càng ngày càng cần được mở rộng để phong phú và thực tiễn hơn. Và, nói chung chưa ai nắm được thực sự bí quyết để chế tạo ra đều đều những sản phẩm mới, không những để tồn tại mà còn để loại đối thủ cạnh tranh khỏi thị trường.

theo Một đời quản trị/ Trí thức trẻ