Vì sao có cảnh công ty tài chính 'đứng cho vay, quỳ đòi nợ'?

21/03/2023 07:14

Làn sóng vay rồi rủ nhau bùng nợ hoặc chây ì trả nợ đang rộ lên trên các mạng xã hội sau khi hoạt động đòi nợ thuê bị cấm cửa và cơ quan chức năng tăng cường triệt phá hoạt động cho vay nặng lãi.

untitled-2-16793200507401751846408-1679357628.jpeg
Nhiều diễn đàn vay rồi bùng nợ hoặc chây ì trả nợ đang rộ lên - Ảnh: A.H.

Mới nhất, sau khi cơ quan chức năng khám xét nhiều chi nhánh chuỗi F88, chủ đề xôn xao nhất trên nhiều hội nhóm mạng xã hội là "có phải trả nợ nữa không", hoặc chỉ nhau cách làm giấy tờ giả để vay tiền. Nhiều công ty tài chính phải hạn chế cho vay mới trước làn sóng bùng nợ này.

Lập "hội" chỉ nhau cách trốn nợ

Em nợ FE Credit 16 triệu đồng không đóng kỳ nào. Họ xuống nhà em kiếm nhưng không gặp. Vậy giờ em đi làm chỗ mới người ta đăng ký bảo hiểm xã hội thì họ có tìm ra chỗ mới em làm không? 

Cho em hỏi đã có ai bùng bên VietCredit chưa vậy, cho em xin ít kinh nghiệm...

Những câu hỏi nhan nhản trên các hội nhóm với những tên như "Hội bùng app vay tiền và chia sẻ cách đối phó", "Hội bùng tiền FE Credit"... Mỗi hội nhóm quy tụ từ vài ngàn đến vài chục ngàn thành viên. Chưa kể dù có tên là Hội bùng tiền FE Credit nhưng quy tụ hàng ngàn người vay tiền hầu hết các công ty tài chính trên thị trường.

Liền sau các câu hỏi, nhiều thành viên khác vào trả lời và cổ vũ người vay cứ bùng đi. Có người còn chụp màn hình tin nhắn đòi nợ và câu trả lời thách thức để khoe chiến tích, thách thức ra công an.

Nick Nguyễn Tuấn Kiệt còn thống kê đến gần 60 app và công ty tài chính đã vay với dòng trạng thái: "Đầy đủ cho một cuộc tình. Ăn bùng chứ khái niệm trả nó xa xỉ quá...".

Rất nhiều người vay có chủ đích bùng nợ vì cho rằng bên cho vay sẽ không bỏ thời gian, công sức để truy đòi khoản nợ chỉ vài triệu đồng. 

Vì sao có làn sóng bùng nợ?

Theo các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay, đến từ cả hai phía: người vay lẫn người cho vay. Những năm từ 2015 - 2020, nhu cầu vay tiêu dùng tại Việt Nam bùng nổ, nhất là ở người không có tài sản thế chấp hay thu nhập không đủ để vay ngân hàng. Các công ty tài chính đã nhân cơ hội này chạy đua mở rộng thị phần bằng cách nới điều kiện cho vay.

Từ chỗ chỉ cho vay trả góp các món nhỏ như mua xe máy, điện thoại... nhiều công ty tài chính đã đẩy mạnh cho vay tiền mặt, xét duyệt nhanh, 100% online khiến lượng khách tăng vọt.

Toàn bộ quy trình xét duyệt không cần gặp mặt. Người vay chỉ cần đăng ký online, cung cấp CMND/CCCD, hộ khẩu, hợp đồng lao động, sao kê lương, hoặc hóa đơn trả tiền điện, nước..., sau đó nhận cuộc gọi tư vấn và nếu đáp ứng sẽ được giải ngân trực tiếp vào tài khoản.

Khác với vay trả góp mua hàng hóa, các công ty tài chính có thể cho vay tiền mặt từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Với lãi suất lên tới 40 - 45%/năm, khách hàng tăng, các công ty tài chính trở thành "con gà đẻ trứng vàng". Thậm chí có công ty tài chính lợi nhuận lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng/năm.

Nhưng điều kiện vay dễ dàng đã trở thành con dao hai lưỡi khi có hàng loạt yếu tố tác động như dịch COVID-19 khiến người vay không thể trả nổi khoản nợ, kéo tỉ lệ nợ xấu của nhóm này tăng nhanh.

Giai đoạn 2017 - 2019 cùng với sự phát triển bùng nổ của cho vay tiêu dùng, hoạt động đòi nợ thuê cũng xuất hiện hành động "khủng bố" con nợ như ghép hình bêu xấu... Sau đó hoạt động đòi nợ thuê đã bị cấm hoàn toàn năm 2020.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một công ty tài chính cho biết sau khi hoạt động đòi nợ thuê bị cấm, các hội nhóm bùng nợ mọc lên như nấm, lôi kéo cả những người vay bình thường cùng bùng nợ. Khi nhân viên thu hồi nợ gọi tới họ dùng lời lẽ kích động. Nếu nhân viên mất bình tĩnh họ sẽ ghi âm và tố ngược lại. Gần đây các hội nhóm này càng bùng phát.

"Đứng cho vay, quỳ đòi nợ"

Bà Hồ Thị Như Hà, phó tổng giám đốc FE Credit, thừa nhận thực tế thời gian gần đây nhóm khách hàng có nợ xấu rất nhiều. Trong đó, ngoài nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn đến suy giảm khả năng tài chính còn có những đối tượng gian lận lừa đảo, cổ xúy cho việc quỵt nợ tại các hội nhóm. Từ đó dẫn đến nhiều khách hàng vay khác có suy nghĩ "tại sao tôi phải trả nợ trong khi nhiều người không trả nợ nhưng vẫn không sao".

Tại một cuộc họp về vấn đề này do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tuần trước, đại diện Công ty tài chính Bưu Điện (PTF), cho hay trong hai tháng qua, nhóm khách hàng dưới chuẩn hầu như không thu hồi được. Chưa kể, cùng lúc công ty nhận được nhiều thư xin hoãn giãn nợ từ Cà Mau đến Yên Bái với nội dung thư giống nhau, chỉ khác... chữ ký.

"Tình hình hiện tại khách hàng đang suy nghĩ rằng đi vay không trả nợ là quyền, còn đi đòi nợ là bất hợp pháp thay vì có vay phải có trả. Với tình hình này công ty sẽ chỉ dám tập trung vào nhóm khách hàng tốt...", vị đại diện này nói.

Ông Lê Quốc Ninh, tổng giám đốc Công ty tài chính MB Shinsei, cho rằng thực tế hiện nay các cơ quan chức năng chưa đề cập đến trách nhiệm của người đi vay - là phải trả nợ. "Người vay không trả thì giải quyết vấn đề này ra sao?", ông nói.

Vay được ngay phải chịu lãi cao

Ngỏ ý có nhu cầu vay vốn, anh Phong (nhân viên của một công ty tài chính) cho biết khách hàng chỉ cần cung cấp bản chụp CCCD là có thể làm hồ sơ vay. Khách hàng cũ có thể vay tối đa 70 triệu đồng, khách hàng mới vay tối đa 30 triệu đồng.

Để vay 30 triệu đồng với thời hạn 12 tháng, khách hàng phải đóng 3,544 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khách hàng còn bị trừ trực tiếp tiền phí bảo hiểm vào khoản vay. Tức tổng số tiền thực nhận là 28,5 triệu đồng, tiền lãi 12,5 triệu đồng.

Là tư vấn viên một công ty tài chính lớn trên thị trường, chị Phượng cho biết: "Vay công ty tài chính lãi cao là đương nhiên vì thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần gửi ảnh chụp CCCD". Chị tính nếu vay 30 triệu đồng trong 12 tháng, mỗi tháng khách phải đóng 3,56 triệu đồng (tương ứng 12,7 triệu đồng tiền lãi).

Theo chị Phượng, trường hợp khách hàng có thu nhập thấp, nhưng muốn vay được thường chọn kỳ hạn 24 - 36 tháng, đổi lại tiền lãi cũng cao.

"Lúc tiếp xúc với khách mình cũng cẩn thận, không làm hồ sơ cho những người có ý định bùng nợ, vì sẽ ảnh hưởng đến tỉ lệ duyệt hồ sơ sau này", chị Phượng nói. Đ.Thiện - B.Mai

Dư nợ tiêu dùng "nở nồi" nhanh chóng

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30-9-2022, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống đạt khoảng 2,42 triệu tỉ đồng, chiếm gần 21% dư nợ tín dụng nền kinh tế với 84 tổ chức tín dụng tham gia cho vay.

Trong đó riêng dư nợ tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng khoảng 145.000 tỉ đồng, chiếm gần 1,3% dư nợ toàn nền kinh tế.

Thị trường tín dụng tiêu dùng được phân khúc bởi hai nhóm nhà cung cấp chính, là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng không phải ngân hàng như: công ty tài chính tiêu dùng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức cho vay khác... Gần đây, thị trường còn có sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính, hoạt động cấp tín dụng thông qua bán hàng trả chậm của các nhà bán lẻ.

Theo Ánh Hồng/Tuổi trẻ