Vì sao nhiều doanh nhân tên Vũ đi tu?

17/01/2019 20:07

Câu chuyện 'lên núi' của ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tôn Hoa Sen được tiết lộ mới đây gợi nhớ đến hai doanh nhân Việt tên 'Vũ' khác cũng chọn 'đi tu' sau thời gian chinh chiến trên thương trường như ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch AVG.

Các doanh nhân nổi tiếng tên Vũ này đều giống nhau ở những phát biểu mang đầy tham vọng trong việc đưa doanh nghiệp đi đến đỉnh cao và đều chọn những nơi rừng núi để ở ẩn, tĩnh tâm hay tìm triết lý kinh doanh từ Phật pháp, thiền định.

Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen)

Lê Phước Vũ 'lên núi' ở ẩn chờ ngày 'xuất chiêu'

Xuất hiện trong ĐHĐCĐ hôm 14/1, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen đã tiết lộ ông đang sống trên núi, 1 tháng chỉ ghé Hoa Sen 2 lần, mỗi lần 2 tiếng. Ông cũng khá thoải mái khi tiết lộ cụ thể những công việc của mình khi ở trên núi. Theo đó, 3 giờ sáng ông Vũ dậy tập công phu đến 5-6 giờ, cuộc sống an lành và vui.

Ông Vũ cho biết, "hai mươi mấy năm nay đi đòi nợ, đi bán hàng, đi kiểm kê kho, đi xuống công trường… đến lúc cũng phải được nghỉ", nếu không "chết sớm thì sao". Ông cho hay hiện tại bản thân ở trên núi, nếu ai có muốn gặp ông thì lên núi để gặp, dưới Đà Lạt ngay chân đèo Bảo Lộc, có một ngọn núi ở đó.

Cơ sở để Chủ tịch Hoa Sen thảnh thơi, an nhàn với cuộc sống tự tại theo chia sẻ của ông là vì tính đến hiện tại Hoa Sen đã có một ban lãnh đạo đã có sự va chạm, sự mài dũa, đạt độ chín nhất định và trung thành với Tập đoàn.

Theo đó, ngày xưa tay chân yếu giờ tay chân khỏe rồi, ông Vũ cho biết chỉ còn dùng cái đầu thôi, như vậy theo vị này mới là Chủ tịch!

Chủ tịch Hoa Sen khẳng định "công việc rất tốt, đâu cần đến tôi đâu". Dù vậy, niên độ tài chính 2017-2018, Tập đoàn Hoa Sen sụt giảm gần 70% lợi nhuận, lỗ 100 tỷ đồng trong quý IV/2018.

Lý giải thích về khó khăn năm qua, theo ông Vũ, những quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo ra những sự đảo lộn, những nền kinh tế lớn như Trung Quốc… cũng bị đảo lộn, "Hoa Sen như một hạt cát, chắc chắn phải bị ảnh hưởng".

Lợi nhuận kinh doanh có phần "bết bát" của Hoa Sen một phần đến từ số nợ vay "khổng lồ" của tập đoàn này. Tại thời điểm 30/9/2018, tổng vay nợ của Hoa Sen là hơn 14.300 tỷ đồng, tăng gần 2.500 tỷ đồng (21%) so với niên độ tài chính trước.

Bên cạnh lợi nhuận thấp hơn kế hoạch thì mục tiêu mở 700 cửa hàng cũng chỉ mới thực hiện được 600. Năm qua, Hoa Sen cũng tinh gọn bộ máy, giảm nhân viên từ 9.300 về còn 7.000 người.

Về các dự án của tập đoàn, ngoài siêu dự án Cà Ná bị dừng, dự án Tháp Hoa Sen của Công ty Hoa Sen Quy Nhơn cũng vướng vấn đề đất nền phải đấu thầu nên tỉnh đã có quyết định dừng và thu hồi dự án.

Nói về dự án Cà Ná, ông Vũ cho biết dự án dừng cũng tốt, vì nếu giờ làm Cà Ná thì bản thân phải đứng công trình... còn không làm thì ông có thời gian sống trên núi, an vui với tâm an trí sáng. Tuy nhiên, ông Vũ khẳng định dù sống trên núi vẫn nắm tình hình tập đoàn.

Dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận đã được bàn thảo tại ba kì đại hội cổ đông của Tập đoàn Hoa Sen. Thời điểm công bố dự án Cà Ná, ông Lê Phước Vũ khẳng định "ngu gì không làm thép" và gần đây nhất, ông cho biết "khi nào Cà Ná được cấp phép, tôi xuất chiêu cho quý vị coi". Và chắc chắn không ít các cổ đông sẽ đặt câu hỏi, khi nào Cà Ná mới có giấy phép để ông Vũ "xuất chiêu"?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên.)

Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ tái xuất sau 5 năm lên núi

Trước đó, đột ngột biến mất 5 năm, khi trở lại, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên - đã mang một phong thái hoàn toàn khác khiến nhiều người bất ngờ.

Vào cuối năm 2013, ông chủ cà phê Trung Nguyên đã nhịn ăn, ngồi thiền 49 ngày cùng một nhóm gần chục người tại núi M’drăk, Đăk Lăk.

Chia sẻ với báo chí vào thời điểm ấy, ông Vũ cho biết, ông cần một khoảng thời gian tịnh tâm, thiền và nhịn ăn trong 49 ngày để tinh thần minh mẫn, nghĩ những việc lớn. Thực phẩm duy nhất của cuộc “trường chinh” này chỉ là món nước mè đen.

Có mặt ở sự kiện kỷ niệm thành lập thương hiệu và ra mắt hệ sản phẩm cà phê mới mang tên Trung Nguyên Legend chiều tối 16/6/2018, ông chủ Trung Nguyên ăn vận như một tu sĩ, mặc áo dài đen, quần lĩnh trắng rộng, cổ quấn khăn rằn, hai tay chắp lưng. Ông tự xưng là "Qua", gọi những người xung quanh là "người anh em".

Ông Vũ cho biết nhiều năm qua, ông đã hiểu hết đời sống nội tại, có thể kiến tạo sự hoàn hảo cho chính mình và cho từng gia đình của nhân viên mình, có thể cho cả quốc gia và thế giới này, có thể bằng mọi giải pháp, mọi thứ.

Ông khẳng định sau 5 năm thiền định, ông đã có lời giải cho tất cả mọi câu hỏi trên thế giới này, đồng thời sẽ đưa Trung Nguyên trở thành tập đoàn thống lĩnh toàn cầu, khác biệt và duy nhất toàn cầu.

Trong vụ tranh chấp giữa vợ chồng "vua" cà phê, bà Lê Hoàng Diệp Thảo - vợ ông Vũ không ít lần bày tỏ nỗi lao tâm khổ tứ nghĩ kế sách "cứu Trung Nguyên, cứu gia đình, cứu anh Vũ", ngược lại, ông Vũ chọn cách giữ im lặng trong thời gian dài, cho đến khi tổ chức một cuộc gặp báo giới kéo dài tới 4 tiếng.

Tại cuộc gặp này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng định sức khỏe của ông hoàn toàn bình thường.

Trong thông cáo phát báo chí dài phát đi trình bày thông tin liên quan đến các tranh chấp, khiếu kiện kéo dài nhiều năm qua giữa ông Vũ - bà Thảo, Trung Nguyên cũng đã công bố tổng lợi nhuận lần lượt các năm từ 2012 - 2017, căn cứ vào báo cáo tài chính đã được Công ty KPMG Việt Nam kiểm toán.

Cụ thể, năm 2012, tổng lợi nhuận Trung Nguyên là 152 tỷ đồng. Tới năm 2013 là 287 tỷ đồng - tăng 88%, và lập đỉnh vào năm 2014 với mức lợi nhuận kỉ lục 1.295 tỷ đồng - tăng 350%. Tuy nhiên, tới năm 2015, tổng lợi nhuận Trung Nguyên chỉ còn là 808,5 tỷ đồng. Năm 2016 còn 768,4 tỷ đồng và năm 2017 là 682 tỷ đồng.

Dù lợi nhuận suy giảm trong các năm gần đây, nhưng Tập đoàn Trung Nguyên cho biết vẫn giữ vững sự tăng trưởng đột phá trong hoạt động kinh doanh.

Phạm Nhật Vũ ẩn tu tại gia

Ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã thọ giới quy y, "ẩn" tu tại gia với pháp danh Từ Vân.

Ông Phạm Nhật Vũ được công chúng biết đến nhiều hơn khi mua độc quyền bản quyền truyền hình giải bóng đá V-League 20 năm. Sau đó, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) đăng đàn phản đối, thành lập công ty VPF với mục tiêu giành lại giải này từ VFF (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, đơn vị ký độc quyền với AVG - Truyền hình An Viên).

Gần đây nhất, cái tên Phạm Nhật Vũ lại được nhắc đến với quyết định hủy bỏ thương vụ 8.900 tỷ đồng với Mobifone.

Ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG).
Ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG).)

Năm 2004, ông Phạm Nhật Vũ bắt đầu tuyển dụng một nhóm nhân sự và nghiên cứu về truyền hình trả tiền. Đến năm 2008, AVG chính thức được thành lập với vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng. AVG bắt đầu phát sóng thử nghiệm cuối năm 2010, trước khi chính thức khai thác thương mại một năm sau đó.

Phạm Nhật Vũ hâm mộ 5 chữ (ngũ căn) trong đạo Phật: Tín (có niềm tin, tôn trọng và giữ đúng lời hứa với người khác để có được sự tín nhiệm của mọi người); Tấn (tu hành rốt ráo, nâng cao kiến thức); Niệm (luôn luôn có ý nghĩ trong sáng); Định (không bị xáo trộn, luôn vững vàng); Tuệ (trí tuệ mẫn tiệp, quyết định sáng suốt). Trong đó chữ Tín luôn đứng ở đầu. Mọi việc lấy chữ "tín" làm đầu.

Theo ông Vũ, trong khi làm việc, nếu không có chữ 'tín' thì không thể thành công được. "Đã hứa thì phải giữ lời hứa, có thế mới giữ được sự tín nhiệm của người khác với mình".

Chủ tịch của AVG được biết đến là người bỏ tiền trùng tu chùa Trúc Lâm Thanh Lương thuộc xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh; xây dựng Trúc Lâm tịnh viện tại đảo Hòn Tre, thành phố Nha Trang...

Nhằm góp phần chăm lo sức khỏe cho Chư Tôn Đức Tăng Ni trong Hội đồng chứng minh và Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), mới đây Nhóm Chăm sóc Sức khỏe do Cư sĩ Từ Vân - Phạm Nhật Vũ đứng đầu đã phát tâm phối hợp với Vinmec cấp thẻ khám chữa bệnh dành riêng cho lãnh đạo GHPGVN, tại hệ thống bệnh viện Vinmec.

Anh Mai
Theo Nhà đầu tư

Link gốc: https://nhadautu.vn/vi-sao-nhieu-doanh-nhan-ten-vu-di-tu-d18124.html

Bạn đang đọc bài viết "Vì sao nhiều doanh nhân tên Vũ đi tu?" tại chuyên mục Doanh nhân.