ViruSs: "Một streamer chỉ cần chơi game và nói chuyện thôi, chẳng cần bằng cấp, nhưng chúng tôi phải trau dồi còn nhiều hơn người học đại học"

30/08/2019 10:05

ViruSs, hay Đặng Tiến Hoàng, là một trong những streamer đời đầu và có sức ảnh hưởng nhất Việt Nam. Từ một game thủ chuyên nghiệp, ViruSs trở thành game streamer - người vừa chơi game vừa upload màn hình game lên mạng, phát trực tuyến để tương tác với người xem. Cả Fanpage và kênh Youtube của ViruSs đến nay có hơn 2 triệu lượt theo dõi. Chàng trai sinh năm 1990 từng được The New York Times nhắc đến như là một streamer nổi bật nhất châu Á.

Là "thiếu gia nhạc viện" phải tạm ngưng giấc mơ âm nhạc vì biến cố gia đình, công việc streamer đã đến một cách tình cờ, mang lại cho ViruSs thu nhập, sự nổi tiếng. Nhưng đến khi đã có thể quay lại với âm nhạc, ViruSs vẫn chẳng hề có ý định bỏ nghề streamer, bảo "một khi nghề này đã dính vào máu rồi thì không bỏ được"...

ViruSs: Một streamer chỉ cần chơi game và nói chuyện thôi, chẳng cần bằng cấp, nhưng chúng tôi phải trau dồi còn nhiều hơn người học đại học - Ảnh 1.

ViruSs có thể kể về buổi livestream đầu tiên của mình?

ViruSs có lượng người xem nhiều bất ngờ trong buổi livestream đầu tiên. Hôm đó, đột nhiên bạn tôi đang livestream mà có việc bận, tôi stream thay.

Lúc stream thì giống như mình đang chơi game và cho người khác đằng sau xem thôi. "Nhìn thấy tôi xử lý pha này chưa, rất ghê đó", kiểu như vậy. Bắt đầu có đông người vào xem. Bình thường bạn tôi stream chỉ có chừng 200, 300 người xem, nhưng hôm đấy tới lượt tôi thì có khoảng 6.000 người xem.

Bạn nghĩ ở mình có điều gì lôi cuốn khiến số lượng người xem tăng đột biến như vậy?

Trước đó tôi là người học piano, có lẽ vì trong người mình có âm nhạc nên tôi thoải mái hơn với mọi người, không khó để trải lòng.

Thứ hai, tôi cũng có những kinh nghiệm như làm MC trước đó nên cách nói chuyện cũng từ tốn hơn.

Thứ ba, thật ra gia đình tôi nhiều vấn đề và tôi từng trải qua nhiều khó khăn nên tôi thích tình cảm giữa con người với con người. Khi làm streaming, tôi thấy: "À, mình được quan tâm và mình được phép quan tâm người khác". Đó là giá trị quan trọng nhất khi làm streamer, là điều tôi thích nhất ở cái nghề này. Nó khiến tôi gắn bó với nghề đến tận bây giờ.

ViruSs: Một streamer chỉ cần chơi game và nói chuyện thôi, chẳng cần bằng cấp, nhưng chúng tôi phải trau dồi còn nhiều hơn người học đại học - Ảnh 2.

Streamer có chọn phong cách để theo đuổi giống như những nghề khác? ViruSs định hình phong cách của mình như thế nào?

Hiện tại, có 3 dạng nhân vật mà mọi người sẽ thấy rất rõ. Thứ nhất là gamer, là những người chơi game rất giỏi. Người ta sẽ xem kênh stream đó không phải vì người chơi, cũng không phải vì nội dung game, mà vì người ta muốn học hỏi cách chơi game.

Thứ hai là dạng giải trí. Dạng này giống như kênh hài giải trí thôi, người xem tìm đến tiếng cười và chúng tôi hay dùng từ là "tấu hài".

Nhưng mỗi streamer sẽ có những khoảnh khắc hài hước giới hạn. Đến lúc nào đó người ta nhiều tuổi hơn, làm nghề này nhiều hơn thì sự điềm tĩnh sẽ ảnh hưởng. Trước đây tôi là một người rất hài hước và mọi người xem kênh của tôi là kênh giải trí. Nhưng tôi bắt đầu tự nhìn nhận rằng sau khi mình làm được nhiều việc hơn, trưởng thành hơn, thành công hơn, bản thân tôi điềm tĩnh hơn thì cách nói chuyện của tôi cũng khác. Tôi bắt đầu xoay chuyển kênh streaming của mình thành dạng thứ ba. Là dạng streamer nói chuyện với người khác và tư vấn, chia sẻ góc nhìn cá nhân. Tôi muốn chia sẻ về những thành tựu, kinh nghiệm, về thời gian đã trải qua của mình.

Một điều tôi rất thích là có rất nhiều người gửi mail cho tôi, hỏi là: "Em muốn trở thành doanh nhân, anh có thể đầu tư hoặc hướng dẫn em được không? Anh ơi, em muốn trở thành streamer, anh có thể hướng dẫn em được không?"

Các bạn streamer muốn xem kênh văn minh thì chỉ có xem ViruSs thôi. Tôi không bao giờ dùng những từ ngữ cần phải xác minh độ tuổi, cũng không bao giờ nói tiêu cực về một vấn đề. Tôi luôn mang đến bài học gì đó cho người xem livestream, làm thành một kênh stream bổ ích.

Tôi nghĩ, tính giải trí càng cao thì đường đi sẽ càng ngắn hạn. Nếu chúng ta cân bằng được và đưa ra những giá trị lâu dài hơn thì con đường của mình sẽ dài hạn hơn.

ViruSs: Một streamer chỉ cần chơi game và nói chuyện thôi, chẳng cần bằng cấp, nhưng chúng tôi phải trau dồi còn nhiều hơn người học đại học - Ảnh 3.

Làm trong một ngành mới toanh, khó khăn ViruSs gặp phải là gì? Kinh nghiệm để trở thành một streamer thành công là gì?

Ở Việt Nam, ngành streaming bắt đầu song song với thế giới chứ không phải bên trước bên sau. Ngành này rất mới nên khó khăn của chúng tôi rất nhiều. Không có trường lớp nào dạy chúng tôi cả. Tôi hay nói vui là phải "ném đá dò đường". Bản thân tôi tự xem lại bản thân, tự học cái này cái kia. Tôi phải đọc sách về MC, xem cách sử dụng ngôn từ thế nào, tốc độ nói ra sao để người nghe thấy thoải mái.

Hay như, trước khi livestream thì tôi phải lướt xem Facebook xem ngày hôm nay có những chuyện gì nằm trong xu hướng và tôi sẽ trao đổi với người xem như thế nào, đưa ra góc nhìn của mình ra sao. Tôi phải ghi ra kịch bản đó rất rõ ràng. Tôi phải trau dồi về kinh nghiệm và kiến thức xã hội ngay lập tức tại từng thời điểm. Tôi không bao giờ ngừng trau dồi.

Một streamer để trưởng thành và nổi bật thì phải biết tái tạo bản thân. Là phải xem lại những lần livestream trước của mình. Bản thân mình xem livestream của mình mà thấy vui thì người khác xem mới thấy vui. Bạn bè của mình xem thấy vui thì người lạ xem mới thấy vui.

ViruSs: Một streamer chỉ cần chơi game và nói chuyện thôi, chẳng cần bằng cấp, nhưng chúng tôi phải trau dồi còn nhiều hơn người học đại học - Ảnh 4.

Cách ViruSs chơi game khác các bạn khác bình thường. Người khác chỉ chơi game thôi, còn tôi có sổ tay để ghi chép lại. Phải biết được trận này thua vì sao, phải rút ra kinh nghiệm gì, như vậy thì sẽ tiến bộ rất nhanh. Khi lượt view tụt dốc, tôi nhìn nhận lại bản thân xem nội dung mình có ảnh hưởng có vấn đề gì không, hiện tại xu hướng là gì và mình phải thay đổi như thế nào.

Và điều cuối cùng là sự chăm chỉ. Chỉ cần một ngày, một tuần một tháng không livestream thôi, thì người xem quen thuộc của mình không tìm được kênh giải trí thì người ta sẽ xem kênh khác. Giống như cách người ta ăn hàng ăn quen như vậy, cho nên chúng tôi phải làm việc đó thường xuyên, liên tục và có chiến lược.

Nghề streamer này không có trường lớp nào dạy nên ai cũng có thể làm streamer được, đây là điều chắc chắn. Nếu ai cảm thấy mình phù hợp thì chỉ cần đầu tư một bộ máy, một cái webcam và ngồi livestream. Công việc rất đơn giản, chỉ cần ngồi chơi game và nói chuyện thôi. Chúng tôi chẳng phải có bằng cấp, nhưng chúng tôi phải trau dồi còn nhiều hơn cả người học đại học. Chúng tôi phải học mỗi ngày. Nếu không nghiêm túc với công việc này thì chúng ta chỉ là người livestream cho bạn bè xem thôi. Ngành này rất dễ làm, nhưng có điều là làm đến mức nào. Để trở thành top 1, top 5, top 10 thì phải có sự tính toán, chúng ta phải có chiến lược cạnh tranh rõ ràng và phải sự đầu tư nghiêm túc.

ViruSs: Một streamer chỉ cần chơi game và nói chuyện thôi, chẳng cần bằng cấp, nhưng chúng tôi phải trau dồi còn nhiều hơn người học đại học - Ảnh 5.

Những quan niệm sai lầm của những streamer mới là gì?

Các bạn luôn luôn hỏi tôi: "Anh ơi, tại sao kênh của em ít người xem thế? Làm sao để có nhiều tiền livestream?". Đó là một cái sai.

Một quan điểm sống cá nhân, tôi luôn luôn làm việc trên tinh thần là đam mê và nhắm vào các cột mốc trong công việc thôi chứ không nhắm đến kinh tế ngay từ đầu. Tôi nhận ra rằng nếu mình cứ nhắm vào công việc thì kinh tế cũng sẽ tới với mình.

Nếu các bạn đến với streaming vì bạn muốn tương tác và muốn thể hiện bản thân, bạn cứ làm điều đó tốt và thế nào tiền cũng tới. Nhiều bạn đến với công việc này với mục tiêu khác, xác định đến để kiếm tiền thì các bạn chắc chắn không thể kiếm ra tiền. Thường những người nản với nghề này là những người xác định mới bắt đầu sẽ có người xem ngay, có tiền ngay. Chắc chắc những người đó không thành đâu.

Vậy một trường hợp thất bại phổ biến là đến với nghề này với tư duy kiếm tiền, chứ không thực sự đam mê, đúng không?

Đúng rồi. Những người đó sẽ cố gắng làm để bản thân vui nhất, hài nhất, đặc biệt nhất, nhưng nếu trường hợp đó nằm trong nhóm "siêu may mắn" thì cũng chỉ trở thành một hiện tượng - chỉ đình đám một thời điểm nào đó và rồi sau đó chẳng là gì. Như tôi đã nói, giá trị giải trí càng nhiều thì con đường càng ngắn hạn.

Thêm nữa, làm nghề này giống như làm nghệ thuật vậy: Đã trót cầm bút vẽ rồi thì phải vẽ cho đẹp. Nếu cứ cố vẽ xấu đi trên tờ giấy đấy thì chỉ đến một giới hạn nào đó, không thể đi lên được. Phải chắc chắn trong từng bước đi thì mới có thể lên một tầm cao hơn.

Gần đây có nhiều thành tựu gây tiếng vang của những game thủ và game streamer, có người đạt giải cả triệu đô. Như ViruSs, bạn giàu có và lại nổi tiếng. Nếu có bạn trẻ hỏi có nên bỏ học để chơi game hay làm streamer không, thì ViruSs sẽ trả lời như thế nào?

Đúng rồi, vì cái nghề này nó dễ lắm, vừa chơi game, vừa có tiền, vừa nổi tiếng thì ai chẳng thích. Nhưng cũng rất đặc biệt: Ai cũng tham gia được và ai cũng có thể thành streamer được nên đâm ra sức cạnh tranh rất lớn.

Tôi luôn khuyên các bạn rằng hãy cho mình khoảng thời gian chỉ từ 1 đến 2 tháng để thử trải nghiệm công việc này một cách nghiêm túc nhất. Nếu trong thời gian đó, bạn cảm thấy mình không có tố chất thì tôi khuyên là bỏ đi, vì bạn không phù hợp với công việc đấy. Chỉ đơn giản là không phù hợp và sức cạnh tranh của ngành này như vậy, chứ không phải là các bạn chưa đủ cố gắng.

ViruSs: Một streamer chỉ cần chơi game và nói chuyện thôi, chẳng cần bằng cấp, nhưng chúng tôi phải trau dồi còn nhiều hơn người học đại học - Ảnh 6.

Một thử thách lớn với một streamer phải làm việc với máy tính, livestream và tương tác với fan trong nhiều giờ liên tục mỗi ngày?

Làm streamer thì chúng tôi phải ngồi làm việc ở nhà trước máy tính liên tục, thì phải nghĩ đến chuyện ăn uống và biết đứng dậy tập thể dục, đi đứng. Và phải có lịch livestream cụ thể. Lịch streaming rất dễ rơi vào giờ ăn, nên streamer phải biết chia ra. Chẳng hạn, ngày mai tôi livestream từ 1 giờ đến 5 giờ, có 1 tiếng để nghỉ ngơi trước khi quay lại. Thì trong 1 tiếng đó tôi tắm rửa, ăn uống.

Tất nhiên, nghề này có cái mất là bạn sẽ không có một cuộc sống giống như bình thường, không thể rằng bạn thích thì stream còn không thích thì thôi. Với riêng tôi, tôi không thấy mất mát mà lại thấy rất tốt, coi đó là trách nhiệm trong công việc của mình. Cái nghề stream này một khi đã dính vào máu rồi, thì nó sẽ thành đam mê và không bỏ được. Tôi không thể ngồi chơi game mà không có ai đó xem cả. Kể cả mình không stream vì cái gì thì mình cũng online stream để nói chuyện với người khác. Nó thành một thứ không thể thiếu được. Tôi coi công việc này như cuộc sống chứ không chỉ là công việc.

ViruSs: Một streamer chỉ cần chơi game và nói chuyện thôi, chẳng cần bằng cấp, nhưng chúng tôi phải trau dồi còn nhiều hơn người học đại học - Ảnh 7.

Theo bạn, ngành streaming tại Việt Nam đang ở bước phát triển nào và sẽ như thế nào trong giai đoạn sắp tới?

Ngành streaming ở Việt Nam bây giờ, từ góc nhìn của tôi thì chỉ mới bắt đầu. Công việc nào nó cũng có một hệ thống sinh thái, như ngành này có nhà phát hành game, giải đấu, game thủ... Hiện tại, các bên khác đi kèm cũng đang phát triển thì chúng tôi phải chờ, để cả hệ sinh thái này phát triển được.

Và vì ngành này bắt đầu phát triển, trong 1, 2 năm tới, sẽ có rất nhiều người tham gia, sự cạnh tranh sẽ càng tích cực và rõ ràng. Chắc chắn các kênh streaming sẽ được đầu tư nhiều hơn, chuyên nghiệp hơn về nội dung thông tin truyền tải. Và biết đâu streaming sẽ trở thành một kênh mà mọi người xem hằng ngày như xem truyền hình bây giờ. Sẽ có kênh streaming không chỉ về game mà còn về giáo dục, hướng dẫn nấu ăn, vẽ, chơi piano... Rất nhiều thứ sẽ bùng nổ nữa.

Và các tổ chức sẽ để mắt đến streaming nhiều hơn. Tôi gọi vui streaming là "mỏ vàng", vì chẳng dịch vụ marketing nào mà trong một thời gian ngắn có thể tìm được số lượng người tiếp cận chuẩn xác, đơn giản, rõ ràng như vậy.

Và thu nhập của streamer cũng tăng lên theo sự phát triển này?

Đúng.

Được biết ViruSs là đại sứ của Facebook Gaming từ tháng 10/2018. Trong vai trò là đại sứ, ViruSs sẽ làm gì để hỗ trợ các game streamer nói riêng và streamer nói chung ở Việt Nam?

Đầu năm 2019, tôi ra mắt học viện VR Academy, dự án bao gồm những bài tập, những video hướng dẫn rất cơ bản về streaming, hy vọng có thể giúp những ai có ý định trở thành một streamer tương lai của Facebook.

Sang năm, tôi có chiến dịch đi nói chuyện ở các trường đại học về streaming. Tôi sẽ truyền tải những góc nhìn tích cực của ngành này để những bạn nào có đam mê sẽ có cái nhìn đúng, biết sử dụng thời gian đúng đắn để không "va chạm" với việc học. Đặc biệt, mọi người sẽ hiểu rằng nghề này là nghề lâu dài, chứ không là có thời, qua cái rồi thôi.

Năm qua tôi tham gia nhiều trong các mảng giải trí, tham gia các sự kiện công nghệ thông tin, bản thân tôi cố gắng mở rộng mở rộng sức ảnh hưởng của mình để đưa ngành streaming đến nhiều người nhất.. Trong những buổi chia sẻ, những hoạt động, đi đâu tôi cũng nói: Tôi là ViruSs, tôi là streamer. Hy vọng những người không biết streamer là gì sẽ bắt đầu tìm hiểu từ đó.

Rất cảm ơn ViruSs vì buổi trò chuyện này!

Minh Nguyễn

Hương Xuân

Theo Trí Thức Trẻ