Xóa độc quyền vàng miếng: Ba DN đầu tiên được đề xuất cấp phép nhập khẩu vàng

03/04/2024 07:29

Liên quan đến vấn đề xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị 3 doanh nghiệp kinh doanh vàng là SJC, PNJ và DOJI được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu với định mức 500 kg vàng/năm/doanh nghiệp.

Trong thời gian qua, sửa Nghị định 24, bình ổn thị trường vàng trong nước là vấn đề nóng, được nhiều người quan tâm.

Theo nhiều chuyên gia, việc đầu tiên cần làm để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra đề xuất này và nhận được nhiều sự đồng tình.

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định việc xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC có thể giúp giá vàng trong nước giảm tới vài triệu đồng/lượng. “Khi nguồn cung nhiều hơn, các loại vàng được cạnh tranh song phẳng, người dân có nhiều lựa chọn hơn, giá vàng theo đó sẽ ổn định”, ông nói.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nhận định có 3 việc cần làm để “cởi trói” cho thị trường vàng, đó là xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC; xóa bỏ độc quyền nhập khẩu, sản xuất vàng miếng và cho phép một số doanh nghiệp nhập khẩu vàng miếng.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định không phải doanh nghiệp nào cũng có thể được cho phép nhập khẩu vàng. Các doanh nghiệp này phải đáp ứng được điều kiện mà nhà quản lý đặt ra, ông nói.

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất PNJ, SJC và DOJI được nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Trước đó vào tháng 8/2023, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã có văn bản xin cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho 3 doanh nghiệp, bao gồm DOJI, SJC và PNJ. “Hiệp hội kiến nghị trước mắt cho phép 3 doanh nghiệp này được nhập 1,5 tấn vàng/năm, tương đương 500 kg vàng/năm đối với mỗi doanh nghiệp”, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam tiết lộ.

Theo một thống kê của Vndirect, tính đến tháng 6/2022, cả nước có 5.935 doanh nghiệp đươc cấp phép sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ. Các doanh nghiệp vàng bạc đá quý lớn trên thị trường có thể kể đến như DOJI, PNJ, SJC, Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải, Tập đoàn Kim Tín, vàng bạc đá quý Huy Thành,…

Trong đó, 3 doanh nghiệp PNJ, DOJI và SJC đã chứng kiến mức doanh thu ấn tượng trong nhiều năm qua.

Theo VCSC, trong năm 2023, doanh thu thuần của PNJ đạt 33.137 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 của PNJ đạt 1.971 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng kinh doanh vàng 24k tăng trưởng ấn tượng nhất với mức tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2019 – 2023, PNJ đều có lợi nhuận vượt 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, cùng hoạt động trên thị trường kinh doanh vàng, đá quý và được độc quyền vàng miếng nhưng SJC lại ghi nhận mức lợi nhuận khá khiêm tốn so với đối thủ.

Theo cập nhật kết quả kinh doanh gần nhất (báo cáo tài chính năm 2022), SJC có doanh thu thuần đạt 27.153 tỷ đồng trong năm 2022, tăng tới 53% so với năm trước đó, đồng thời cũng là mức cao nhất trong giai đoạn 2013 - 2022.

Tuy nhiên, mức lãi sau thuế của SJC năm 2022 chỉ đạt 48 tỷ đồng (tăng 11% so với năm trước) do chi phí giá vốn của SJC ở mức rất cao, chiếm tới 99% doanh thu của doanh nghiệp.

Còn DOJI, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận gần 154 tỷ đồng, giảm tới 85% so với cùng kỳ năm 2022.

Trước đó, hoạt động kinh doanh của DOJI từng bứt phá trong năm 2022 khi doanh nghiệp này có mức lãi 1.017 tỷ đồng, cao gấp 4,3 lần so với năm 2021 và cũng là mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Theo Khánh Tú/VNF