Ý tưởng vĩ đại ‘Lên trời gọi mưa’ gọi vốn bất thành trong Shark Tank Việt Nam

28/01/2018 09:34

Được đánh giá là ý tưởng vĩ đại, nhưng dự án “Lên trời gọi mưa” vẫn nhận bốn cái lắc đầu từ nhà đầu tư trong Shark Tank Việt Nam.

Xuất hiện trên tập 12 của chương trình Shark Tank Việt Nam hôm 27/1, ông Phan Đình Phương gửi tới các nhà đầu tư 10 bằng sáng chế cùng nhiều bài báo về ông.

Ông Phương sinh năm 1950, Chủ tịch Hội sở hữu trí tuệ Đà Nẵng, Hội viên Hiệp hội PCCC NFPA - Mỹ và Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ An Sinh Xanh. Đặc biệt, ông là tác giả công nghệ Bùng nổ thủy khí hóa hơi sương - phun nước trên Cầu Rồng ở Đà Nẵng.

y tuong vi dai len troi goi mua ra ve tay trang trong shark tank viet nam
Ông Phan Đình Phương kêu gọi số vốn 300.000 USD cho 50% cổ phần An Sinh Xanh. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Tham gia chương trình, ông Phương mời các nhà đầu tư hợp tác chế tạo động cơ phục vụ dự án “Lên trời gọi mưa”. Ông muốn kêu gọi số vốn 300.000 USD cho 50% cổ phần An Sinh Xanh.

Chia sẻ thêm lý do gọi vốn, ông Phương cho biết, nhà sáng chế thường không giỏi kinh doanh, nên ông muốn nhượng 50% cổ phần để nhà đầu tư tham gia điều hành công ty. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể bỏ ra hàng chục triệu USD khi thấy dự án triển vọng.

“Lên trời gọi mưa” là dự án điều hòa mưa nắng cho cả nước mà không phụ thuộc điều kiện thời tiết tự nhiên. Ý tưởng thành công giúp giảm ngập lụt, tắc đường tại thành phố, hạn chế mưa đá, lũ quét trên miền núi, cung cấp nước phát triển nông nghiệp.

Để thực hiện dự án, ông Phương sáng chế động cơ An Sinh Xanh siêu mạnh, luôn chạy nhờ lực trọng trường, không cần nhiên liệu. Động cơ sẽ bơm nước lên trời, tạo lớp mỏng gây mưa và kéo hạt mây tự nhiên rơi xuống.

Nhà đầu tư Phạm Thanh Hưng thắc mắc cách tạo mưa khi trời trong xanh, không có mây?

Ông Phương sử dụng hóa chất có sẵn trong thiên nhiên tạo ra mây, đồng thời tận dụng ống dẫn 10 km không cần nối, hàn mà người ta bán ngoài thị trường để bơm nước.

Tôi không dám nói động cơ vĩnh cửu vì trái với định luật Bảo toàn năng lượng, nhưng tôi đảm bảo động cơ chạy mãi”, ông Phương khẳng định.

Hiện tại, An Sinh Xanh không có phòng thí nghiệm, có 40 sáng chế. Các phát minh đều được áp dụng tại Việt Nam, Nhật Bản. Thậm chí, ông Phương có thể bán100% sáng chế. “Chúng tôi thuyết phục cả những khách hàng khó tính Nhật Bản. Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế giới thiệu giải pháp của chúng tôi. Bộ Quốc Phòng Việt Nam sử dụng hàng trăm bình chữa cháy chúng tôi cung cấp”, ông Phương nhấn mạnh.

Ông Phương mang đến Shark Tank sản phẩm bình chữa cháy sử dụng 1 lít nước tạo thành 1.500 lít hơi. Sản phẩm có chức năng chữa cháy từng khu vực như giấy tờ, vũ khí đạn dược mà đảm bảo không bị ướt.

Khâm phục tâm huyết, khát vọng, nhưng nhận thấy ý tưởng không phù hợp để đầu tư, ông Trần Anh Vương từ chối rót vốn.

Cho rằng giá thành sản phẩm đắt sẽ khó thương mại hóa thành tiền, ý tưởng động cơ vĩ đại nhưng chưa biết khả năng thành công, ông Nguyễn Xuân Phú không đầu tư nhưng tài trợ một khoản tiền giúp ông Phương hoàn thiện ý tưởng.

Bà Thái Văn Linh cũng lắc đầu vì công nghệ chưa tạo ra sản phẩm để bán trên thị trường.

Là một người có kiến thức kỹ thuật, ông Phạm Thanh Hưng thích thú ý tưởng động cơ An Sinh Xanh. Với thời gian hạn chế chương trình cần đưa ra quyết định dựa trên con số tài chính, ông Hưng quyết định không đầu tư. “Đây là thương vụ khiến tôi băn khăn, khó quyết định nhất. Tôi không đầu tư nhưng có thể cùng ông suy nghĩ một ý tưởng hay ho nào đó”, ông Hưng nói.

Bùi Mến

Theo Kinh tế & Tiêu dùng