Doanh nhân người Hoa kín tiếng - Bài 3: Anh em đại gia họ Trần và triết lý kinh doanh có 1-0-2 ở KIDO

Ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, cộng đồng Hoa kiều đều tồn tại và phát triển vượt bậc về kinh tế. Những gia tộc Hoa kiều nổi tiếng ở Việt Nam là những người tạo nên những thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như Thiên Long, Minh Long, Bitis, Thành Thành Công ,.. Và một cái tên không thể không nhắc đến là Kinh Đô - Công ty thực phẩm hàng đầu Việt Nam.

Anh em đại gia họ Trần và triết lý kinh doanh có 1-0-2 ở KIDO Group
Anh em đại gia họ Trần và triết lý kinh doanh có 1-0-2 ở KIDO Group)

Gần 30 năm hoạt động, đã có những khoảng thời gian KIDO chông chênh khi kết quả kinh doanh giảm sút trong khi ngành nghề mới lại chưa mang tới lợi nhuận. Nhưng với những quyết định liều lĩnh của ban lãnh đạo, KIDO đã nuôi giấc mộng mở rộng lĩnh vực kinh doanh bằng việc tham gia những thương vụ M&A đình đám.

Công ty Cổ phần Tập đoàn KIDO (tiền thân là Tập đoàn Kinh Đô) được thành lập bởi nhóm cổ đông là 2 cặp vợ chồng gồm: ông Trần Kim Thành và vợ là Vương Bửu Linh; ông Trần Lệ Nguyên và vợ là Vương Ngọc Xiểm, cả 4 người đều là doanh nhân gốc Hoa, sinh ra tại Trung Quốc, và một thành viên khác là ông Wang Ching Hua cũng là người Hoa.

Trong đó, Chủ tịch HĐQT KIDO là ông Trần Kim Thành và cánh tay phải đắc lực của ông Thành là ông Trần Lệ Nguyên - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO (em trai ông Trần Kim Thành).

Xuất phát điểm là một cơ sở nhỏ chuyên sản xuất và kinh doanh bánh snack nhưng trải qua gần 30 năm phát triển, sản phẩm và thương hiệu Kinh Đô đã ngày càng phong phú và đa dạng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.

Để gây dựng được Kinh Đô trở thành một công ty thực phẩm hàng đầu Việt Nam, doanh nhân Trần Lệ Nguyên cho biết, ông và anh em trong gia đình mình đã phải rất khó khăn trong quá trình chèo lái doanh nghiệp và liên tục phải có những quyết định liều lĩnh.

Đầu những năm 90, khi nhìn thấy các sản phẩm bánh kẹo xuất xứ Thái Lan tràn ngập trên thị trường với giá cả đắt đỏ, ông Trần Lệ Nguyên và anh trai của mình là ông Trần Kim Thành đã quyết tâm gây dựng sự nghiệp ở lĩnh vực này.

Năm 1993, Công ty TNHH Xây dựng và Chế biến Thực phẩm Kinh Đô đã được thành lập, ban đầu doanh nghiệp chỉ là một cơ sở nhỏ với đội ngũ 70 nhân viên và vốn đầu tư 1,4 tỷ đồng, chuyên sản xuất và kinh doanh bánh snack nhưng nhờ chú trọng sáng tạo trong quá trình phát triển cùng với việc luôn tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng, Kinh Đô đã ngày càng phát triển.

Chia sẻ về những khó khăn ban đầu, Tổng giám đốc KIDO cho biết: "Đó là một trong những quyết định liều lĩnh nhất đời tôi. Nếu thất bại thì cả 2 anh em sẽ nợ nần chồng chất, không biết bao giờ mới trả hết". Tuy nhiên, những năm sau, lợi nhuận của Kinh Đô liên tục tăng và trở thành Tập đoàn thực phẩm lớn mạnh.

Dưới sự quản trị được kết hợp giữa sở trường của hai anh em ông Trần Lệ Nguyên, Kinh Đô đã lần lượt xây dựng thêm các nhà máy và đầu tư các dây chuyền sản xuất bánh Cookies, bánh mì tươi, bánh Trung Thu, bánh Cracker, bánh bông lan, kem, sữa chua...

Đến năm 2001, công ty bắt đầu vươn ra thị trường thế giới bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản… Đồng thời, cũng trong năm này, Kinh Đô thành lập CTCP Chế biến Thực phẩm Kinh Đô miền Bắc, khẳng định bước ngoặt mở rộng hoạt động cùng hành trình mang “vị hạnh phúc” phục vụ người tiêu dùng trên cả nước.

Vào năm 2004, nhận thấy khả năng huy động vốn trên thị trường chứng khoán, CTCP Chế biến Thực phẩm Kinh Đô miền Bắc đã chính thức được niêm yết trên HOSE và làm bước đệm cho việc niêm yết Kinh Đô sau này. Sau khi Kinh Đô miền Bắc niêm yết thành công, Kinh Đô cũng chính thức lên sàn giao dịch với mã chứng khoán KDC. Cổ phiếu KDC chào sàn đã kéo theo nhiều biến chuyển mạnh mẽ, Kinh Đô liên tục nhận được sự đầu tư từ các quỹ lớn.

Bằng nội lực và uy tín thương hiệu đã gây dựng được, Kinh Đô tiếp tục ghi dấu ấn trong hoạt động M&A với hàng loạt thương vụ hợp tác cùng các đối tác lớn cả trong và ngoài nước nhằm mở rộng phạm vi kinh doanh. Đánh dấu chặng đường 10 năm thành lập công ty, Kinh Đô đã tạo tiếng vang bằng việc mua lại nhà máy sản xuất kem Wall’s của Unilever vào năm 2003.

Nuôi giấc mộng lớn bằng những thương vụ M&A đình đám

Vào năm 2003, Tập đoàn Unilever muốn nhượng lại Kem Wall’s cho Kinh Đô, đây được xem như là một giao dịch làm chấn động thị trường. Và đối với Kinh Đô thì việc mua kem Wall's chính là một hình thức đa dạng hóa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng và chính thức dấn thân vào ngành hàng đông lạnh.

“Kem Wall’s chính là một ví dụ cho việc thành công trong việc thay đổi văn hóa, từ văn hóa phương Tây thành văn hóa của Kinh Đô về ẩm thực Việt Nam. Chúng tôi đã sử dụng văn hóa gần gũi, chia sẻ, luôn sử dụng khẩu hiệu là đại gia đình Kinh Đô để họ cảm thấy sự đóng góp của họ cũng giống như là sự đóng góp của thành viên dành cho gia đình của mình”, ông Trần Lệ Nguyên nói.

Cũng kể từ thương vụ mua lại thương hiệu Kem Wall’s, KIDO đã hoàn toàn gia nhập vào ngành hàng thực phẩm và gia vị với 3 mảng kinh doanh chính: ngành lạnh, dầu ăn và mỳ gói.

Tháng 10/2014, Kinh Đô chính thức chia tay mảng bánh kẹo, vốn được coi là "linh hồn" của công ty khi bán tới 80% cổ phần cho tập đoàn Mondelez International và tiếp tục bán nốt 20% cổ phần vào tháng 7/2015. Sau khi thương vụ hoàn tất, Công ty cổ phần Kinh Đô đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO vào tháng 10/2015.

Tuy nhiên sau đấy, KIDO đã có những khoảng thời gian chông chênh khi doanh thu và lợi nhuận giảm sút, trong khi ngành nghề mới chưa đem lại lợi nhuận. Công ty gấp rút tìm kiếm các kênh đầu tư mới để bù đắp phần thiếu hụt do bán mảng bánh kẹo.

Ban đầu, KIDO đã thử sức ở lĩnh vực từ ngân hàng khi dự định rót hơn 1.000 tỷ đồng mua cổ phần tại ngân hàng Đông Á. Sau đó, thương vụ đã không được thực hiện, nhưng cũng may mắn cho KIDO, bởi chỉ ít lâu sau Ngân hàng Đông Á đã bị Ngân hàng Nhà nước cho vào diện kiểm soát đặc biệt và hàng loạt các biến cố xảy ra.  Tiếp đó, Tổng giám đốc KIDO Trần Lệ Nguyên được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Rồng Việt sau khi chi tiền mua lại 24,5 triệu cổ phiếu tương ứng nắm gần 70% vốn công ty này. Đây được cho là bước đệm để thực hiện các sứ mệnh M&A cho KIDO trong tương lai.

Và tới năm 2016, KIDO tiếp tục nổi lên với thương vụ thâu tóm dầu Tường An (TAC), thương hiệu dầu ăn hàng đầu có lịch sử hơn 40 năm tại Việt Nam.

Với việc bỏ ra khoảng 1.000 tỷ đồng thâu tóm 65% cổ phần TAC, KIDO đã nắm trong tay một thương hiệu dầu ăn lâu đời với doanh số nghìn tỷ mỗi năm cùng với khối tài sản có giá trị. Nhưng trên hết, giá trị mà KIDO thu được đó là thương hiệu mạnh cùng mức độ hiện diện và có mặt trong gian bếp Việt, sự yêu mến của nhiều thế hệ gia đình Việt dành cho Tường An sau hàng chục năm.

Không dừng lại tại đó, KIDO tiếp tục thể hiện tham vọng dẫn đầu thị trường dầu ăn khi hoàn tất việc nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% vốn điều lệ của Vocarimex (VOC) trong năm 2017. Với thương vụ này, KIDO đã phải tiêu tốn ước tính khoảng 1.100 tỷ đồng để nắm 51% cổ phần VOC, cái giá phải trả này được cho là rất hời bởi VOC đang nắm giữ nhiều giá trị chưa được khai thác đúng tiềm năng.

Trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động khó lường, KIDO buộc phải liên tục thay đổi chiến lược để thích ứng phù hợp với thị yếu người tiêu dùng. Năm 2019, KIDO đã có chủ trương củng cố nền tảng cho chiến lược phát triển dài hạn, tập trung vào hai ngành chính là thực phẩm đóng gói và thực phẩm đông lạnh.

Cùng với đó, để thỏa mãn mục tiêu “lấp đầy gian bếp Việt”, tại kỳ họp thường niên năm 2019, HĐQT công ty đã đưa ra kế hoạch kinh doanh nhằm để dành nguồn lực tài chính đầu tư cơ sở hạ tầng, tìm kiếm cơ hội đầu tư M&A, chọn lọc đối tác thực hiện OEM. Điều này hé lộ KIDO sẽ tiếp tục M&A để tham gia sâu hơn vào ngành thực phẩm.

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/doanh-nhan-nguoi-hoa-kin-tieng-bai-3-anh-em-dai-gia-ho-tran-va-triet-ly-kinh-doanh-co-1-0-2-o-kido-a114295.html