Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Doanh nhân người Hoa kín tiếng - Bài 2: Tham vọng 'kiềng ba chân' và cú thất bại của đại gia Trầm Bê

08/10/2019 19:23

Với sự nhạy bén hiếm có trong giới kinh doanh miền Nam, đại gia Trầm Bê từng là một trong số ít những doanh nhân chưa từng gặp một thất bại nặng nề nào trong sự nghiệp cho đến khi ông tham gia lĩnh vực tài chính – ngân hàng đầy rủi ro và phức tạp. 
2B1CFC56-FD19-4AF8-A025-1455EDA6E000
Trước khi bị bắt, ông Trầm Bê từng có thời gian làm Chủ tịch Bệnh viện Triều An

Một thời lừng lẫy

Cộng đồng doanh nhân người Hoa ở Việt Nam rất đông đảo. Họ có thể không được biết đến nhiều với trình độ học vấn cao, song về tài căn cơ, tính toán, và sự nhạy cảm với thị trường thì ít ai vượt qua được. Một trong những ví dụ điển hình phải kể đến là đại gia Trầm Bê với trình độ học vấn chỉ 6/12, nhưng là nhân vật được đánh giá rất cao kể cả tới thời điểm ông vướng vòng lao lý.

Không có nhiều dữ liệu về thời trai trẻ của ông, chỉ biết rằng doanh nhân họ Trầm từ năm 1991, tức là ở tuổi 32 đã đảm trách chức vụ Giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh và sau đó là Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này (1995 – 2001).

Sự nhanh nhạy của ông Trầm Bê thể hiện rõ nhất qua việc tham gia thị trường y tế tư nhân với Bệnh viện Đa khoa Triều An năm 1999 hay thị trường chiếu xạ hoa quả với CTCP Chế biến - Thuỷ hải sản Sơn Sơn từ năm 2001. Đây đều là những lĩnh vực còn rất mới mẻ với các nhà đầu tư trong nước thời điểm đó. Thành công của Triều An hay Sơn Sơn cho đến nay vẫn xứng đáng là bài học gối đầu giường cho các thế hệ doanh nhân tiếp theo.

Tích luỹ được nguồn lực, với ánh mắt tinh tường về tiềm năng của thị trường địa ốc đặc biệt màu mỡ tại TP.HCM, ông Bê sớm "chơi lớn" trong mảng bất động sản và nhanh chóng trở thành tên tuổi lớn bậc nhất trong làng buôn đất Sài Thành.

Cho đến bây giờ, dù chưa có một đánh giá cụ thể nào về khối bất động sản đồ sộ của ông Trầm Bê, song quá trình xử lý nợ xấu của Sacombank ba năm vừa qua đã phần nào mang đến những hình dung tương đối rõ ràng về doanh nhân quê Trà Vinh.

Trong một lần rất hiếm hoi trả lời báo giới, ông Dương Công Minh khi mới nắm quyền Chủ tịch HĐQT Sacombank từng thông qua VTV trần thuật về khối nợ xấu khổng lồ liên quan tới ông Trầm Bê, trong đó 33.000 tỷ nợ bất động sản và 10.000 tỷ đồng khoản nợ cổ phiếu. Chỉ một chi tiết đó thôi cũng giúp phần nào hình dung danh mục bất động sản của ông Bê "khủng" ra sao.

Quá trình xử lý nợ xấu sau đó của Sacombank bắt đầu phát lộ một vài cái tên cụ thể. Đơn cử như Quyền sử dụng đất quy mô 923ha tại KCN Đức Hoà III (Long An) với giá khởi điểm 10.000 tỷ đồng; KCN Phong Phú 134ha và dự án Khu nhà ở 47,3ha tại quận Bình Tân ra với giá khởi điểm lần lượt là 6.651 tỷ đồng và 6.029 tỷ đồng; hay dự án Khu nhà ở 16ha tại phường Long Bình (Quận 9) của Công ty TNHH Ngân Thạnh; Dự án Khu dân cư Ngân Thuận quy mô 60ha ở trung tâm TP. Cần Thơ...

Trong thời kỳ đỉnh cao, không chỉ dừng lại ở quy mô trong nước, gia tộc Trầm Bê còn vươn mình ra nước ngoài. Năm 2009, đại gia họ Trầm chi 64 triệu USD để sở hữu một phần khu mua sắm Vallco Shopping Mall thuộc trung tâm thương mại Cupertino, bang California, Mỹ. Phải tới khi bắt đầu gặp khó khăn về tài chính, ông Bê cuối năm 2014 mới sang nhượng khoản đầu tư này với giá lên tới 116 triệu USD. Trừ đi các khoản thuế phí, đại gia họ Trầm sau 5 năm đầu tư đã lãi khoảng 16 triệu USD - một con số khả quan trong bối cảnh thị trường nhà đất của Mỹ khi đó vẫn chưa thật sự hồi phục sau khủng hoảng tài chính thế giới cuối thập niên trước.

Sa cơ với ngân hàng

Giữa thập niên trước, việc các đại gia hàng đầu Việt Nam sở hữu một ngân hàng đã trở thành một xu thế. Với uy thế lúc bấy giờ, không lý gì mà doanh nhân lừng lẫy họ Trầm lại không có riêng cho mình một nhà băng. Và cái tên được chọn là Phương Nam Bank (Southern Bank) - nơi ông Bê đầu tư và tham gia với tư cách Thành viên HĐQT từ năm 2004.

Tất nhiên, mục tiêu lớn nhất là biến Southern Bank trở thành kênh dẫn vốn cho hệ sinh thái bất động sản khổng lồ của ông. Dù vậy, tư duy của một "nhà buôn" Trầm Bê không mất quá nhiều thời gian để khiến Southern Bank trở thành nhà băng có chất lượng tài sản tệ nhất hệ thống. Tới đầu thập niên 2010, ông Bê đã đầu tư lớn tại một loạt ngân hàng như VietBank, Eximbank, KienLongBank, đặc biệt là Sacombank - nơi ông đã không gặp quá nhiều khó khăn để "phế truất" vị thế tưởng như tuyệt đối của gia tộc Thành Thành Công cũng của một doanh nhân người Hoa khác - ông Đặng Văn Thành.

Năm 2015, chi phối được Sacombank cùng khối tài sản hàng trăm nghìn tỷ khá "sạch", ông Bê tiến thêm một bước khi sáp nhập Sacombank với Southern Bank, với mục tiêu pha loãng khối nợ xấu khổng lồ của Southern Bank.

"Niềm vui ngắn nhưng chẳng tày gang", một tháng sau sáp nhập, ông đã tự nguyện chuyển giao toàn bộ sổ cổ phần Southern Bank, Sacombank và ngân hàng sau sáp nhập thuộc sở hữu của bản thân và người có liên quan cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Đây là khởi đầu cho loạt biến cố dồn dập sau đó với doanh nhân khi ấy đã xấp xỉ tuổi lục tuần. Ngày 11/11/2015, HĐQT Sacombank có Nghị quyết thống nhất cho ông Trầm Bê thôi giữ chức Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Sacombank. Hai năm sau, ngày 30/6/2017, ĐHĐCĐ Sacombank chính thức bãi nhiệm HĐQT nhiệm kỳ cũ, trong đó có hai cha con ông Trầm Bê.

Tới đầu tháng 8/2017, ông Bê bị khởi tố về hành vi “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, liên quan tới việc cho Phạm Công Danh và đồng phạm vay trái quy định. Phiên toà diễn ra vào cuối tháng 8/2018 đã tuyên doanh nhân lẫy lừng một thời mức án 4 năm tù giam.

Tính đến nay, ông Trầm Bê đã thụ án được non nửa thời hạn tù. Nếu không chịu thêm các mức án khác, doanh nhân sinh năm 1959 có thể mãn hạn tù ở tuổi 62 - độ tuổi mà nhiều người vẫn chọn gây dựng lại sự nghiệp sau những lầm lỡ trong quá khứ. Với ông Trầm Bê, những "cứ điểm" ông gây dựng suốt những năm tháng trên thương trường có thể rơi rụng phần nào trước ngày trở về, nhưng phần còn lại hứa hẹn sẽ trở thành bàn đạp nếu "máu" kinh doanh vẫn chảy trong huyết quản của vị đại gia miền Tây.

>>> Doanh nhân người Hoa kín tiếng  Bài 1: Biti's hai lần 'lột xác' và đường thành công của gia tộc Vưu Khải Thành

Theo Nhà Đầu tư

(Còn tiếp)