Từng là một cơ sở sản xuất kinh doanh cồn, Thành Thành Công (TTC Group) của gia đình ông Đặng Văn Thành đến nay đã trở thành một tập đoàn đầu tư đa ngành với quy mô tài sản tỷ USD.
Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho không chỉ doanh nhân Việt Nam mà cả cho doanh nhân nước ngoài, trong đó có cả người Hoa. Có rất nhiều người gốc Hoa đã trở thành những cái tên đình đám trên mảnh đất hình chữ S, trong đó phải kể đến ông Đặng Văn Thành-Chủ tịch HĐQT TTC Group.
Ông Đặng Văn Thành sinh năm 1960 trong một gia đình người Hoa, bố ông là đông y sĩ chuyên chữa trật tay, viêm khớp và không có gì liên quan đến kinh doanh, tuy nhiên bản thân ông lại rất đam mê ngành nghề này. Ông bắt đầu lăn lộn với nghề kinh doanh bằng việc bán mật rỉ đường vào cuối thập niên 1980 và sau đấy là sản xuất kinh doanh cồn, CO2 rồi cùng vợ là bà Huỳnh Bích Ngọc lập nên Thành Thành Công. Tại thời điểm đó, với vốn điều lệ 100 triệu đồng và 20 cán bộ nhân viên, Thành Thành Công là một trong những cơ sở sản xuất cồn có quy mô lớn nhất ở TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài sản xuất cồn, vị doanh nhân gốc Hoa này còn thành lập nhà hàng, hợp tác xã tín dụng, tiệm cầm đồ, và dần tạo thành một chuỗi cửa hàng liền kề nhau trên đường Âu Cơ, đây cũng là nền tảng giúp ông có cái nhìn đa diện từ sản xuất đến kinh doanh, điều hành dòng vốn chảy liên tục dưới nhiều hình thức. Đến năm 1989 ông là Chủ nhiệm HTX tín dụng Thành Công.
Vào cuối năm 1989, các HTX tính dụng ra đời hàng loạt với lãi suất “không tưởng”, từ 12 - 14%/tháng. Chỉ chưa đầy hai năm hàng loạt HTX tín dụng sụp đổ, HTX tín dụng Thành Công cũng không thoát khủng hoảng. Để tồn tại và cũng là tự cứu mình, HTX Thành Công đã hợp nhất với ba HTX khác lập ra Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, tiền đề cho Sacombank sau này.
Lập thân từ nghèo khó, nhiều năm lăn lộn thương trường đã giúp ông điều hành Sacombank khá vững vàng, trở thành ngân hàng cổ phần đầu tiên tham gia thị trường chứng khoán. Ông Thành từng chia sẻ: “Nghề này đúng là đầy áp lực, cường độ làm việc rất cao, mỗi ngày xảy ra không biết bao nhiêu là chuyện buộc mình phải giải quyết cùng một lúc nếu không tự thấy mình, không biết kềm chế, hy sinh, để theo đuổi đến cùng mục tiêu thì không thể tồn tại. Đã có rất nhiều bài học đau xót về chuyện “hùn mà không hạp”, những bất đồng quyền lợi nảy sinh do không xây dựng được một quy chế rõ ràng, minh bạch… Nói doanh nhân thành công mà chưa bao giờ thất bại thì tôi không tin”.
Năm 2011 thế sự xoay vần, ông Đặng Văn Thành đã không thể chống lại được nhóm thâu tóm từ bên ngoài. Các cổ đông lớn lần lượt rút lui, bắt đầu là Dragon, Capital, sau đó là REE và ANZ, thời điểm này, nhiều bên đã đua nhau mua vào cổ phiếu để chiếm quyền kiểm soát ngân hàng.
Là người sáng lập Sacombank với số vốn ban đầu là 3 tỷ đồng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng này liên tục trong 18 năm, tuy nhiên đến cuối năm 2012 ông Thành đã phải rút khỏi Sacombank. Khi ông Đặng Văn Thành phải chuyển giao quyền điều hành cho người khác, ngân hàng này đã đạt quy mô vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng, tổng tài sản gần 150.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận hằng năm đạt khoảng 3.000 tỷ đồng. Sacombank cũng sở hữu mạng lưới hơn 400 chi nhánh, hoạt động ở cả 3 quốc gia và có 9 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực.
Sự cố tuột Sacombank vào tay người khác đã khiến ông lao tâm khổ tứ rất nhiều, vì đây là đứa con tinh thần mà ông đã dồn vào đó tình yêu và tâm lực. Sau khi rời khỏi Sacombank, ông gần như “mất bóng” trên thị trường, cho đến năm 2014, ông xuất hiện trở lại thương trường cùng vợ con điều hành Tập đoàn Thành Thành Công.
Không chỉ tìm đến những ngành kinh doanh đầy sức hấp dẫn như nuôi bò Kobe trên Lâm Đồng, trồng chè hay làm du lịch, doanh nghiệp của Đặng gia còn liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu và nắm giữ cổ phần chi phối ở một loạt các doanh nghiệp mía đường lớn và đã sáp nhập thành công một số doanh nghiệp vào với nhau. Thông qua quá trình mua bán sáp nhập, tập đoàn này đã sở hữu một loạt các doanh nghiệp mía đường lớn bao gồm Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTC Tây Ninh), Công ty TNHH MTV Đường Biên Hoà - Ninh Hoà, SEC Gia Lai, CTCP Mía đường Phan Rang, Đường Nước Trong, Đường La Ngà,...
Trong quá trình tái cấu trúc và tinh giản hệ thống doanh nghiệp, hai doanh nghiệp mía đường trong đế chế của ông Đặng Văn Thành là Đường Biên Hòa (BHS) và Thành Thành Công Tây Ninh đã thâu tóm 100% vốn điều lệ tại Công ty Mía đường Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức.
Cùng với đó, TTC Group cũng tiến hành sáp nhập Đường Ninh Hòa vào Đường Biên Hòa và sáp nhập Mía đường Nhiệt điện Gia Lai vào TTC Tây Ninh. Đến tháng 8/2017, Đường Biên Hòa hoàn thành sáp nhập vào TTC Tây Ninh, đồng thời gần 300 cổ phiếu BHS cũng bị hủy niêm yết. Cũng trong năm 2017 một thương vụ lớn khác đã được doanh nghiệp của ông Đặng Văn Thành hoàn tất là tăng vốn và đưa CTCP Du lịch Thành Thành Công trở thành đầu mối sở hữu các công ty trong mảng du lịch, lữ hành.
Sở hữu trong tay hàng loạt các doanh nghiệp lớn, TTC Group được đánh giá là một trong những “ông trùm” ngành mía đường Việt. Ngoài ra, Tập đoàn của ông Đặng Văn Thành còn là một trong những nhà phát triển năng lượng tư nhân lớn nhất Việt Nam với 19 nhà máy thuỷ điện và 7 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động. Thành Thành Công cho biết điện gió và điện mặt trời sẽ là 2 trong 4 mảng chính trong nhóm ngành đầu tư vào năng lượng tái tạo của Tập đoàn cho đến năm 2020.
Trong quá trình chèo lái “con thuyền” TTC Group, ông Đặng Văn Thành nhiều lần được đồn đoán quay lại giới "buôn tiền", từ Sacombank năm 2017 rồi sau này là OCB, SaigonBank hay Eximbank. Tuy nhiên ông đều phủ nhận mọi tin đồn trên. Hiện tập đoàn Thành Thành Công đang chuyển giao quyền lực cho thế hệ thứ 2 là bà Đặng Huỳnh Ức My, con gái ông - cũng là một trong những tỷ phú gốc Hoa trên sàn chứng khoán Việt hiện nay.
Theo BCTC hợp nhất 2018-2019 (từ ngày 1/4/2018 đến ngày 30/6/2019) của CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT) cho thấy, doanh thu thuần của công ty đạt 10.856 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 259 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6/2019, tổng tài sản của SBT đạt 16.743 tỷ đồng, nợ phải trả đạt 10.924 tỷ đồng.
Về tỷ lệ sở hữu tại SBT của gia đình ông Đặng Văn Thành, tính đến thời điểm hiện tại ông Đặng Văn Thành đang là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 30% vốn tại SBT, bà Huỳnh Bích Ngọc (8,31%) và bà Đặng Huỳnh Ức My (11,6%).
Xem Thêm:
Theo Nhà Đầu tư
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/doanh-nhan-nguoi-hoa-kin-tieng-bai-4-con-duong-tro-thanh-ong-trum-mia-duong-cua-ttc-group-a114398.html