Lược sử về thời vận của doanh nhân Việt - Kỳ 3: Phạt Tống bình Nguyên và câu chuyện danh tướng, thương nhân Trần Khánh Dư

Trần Khánh Dư không coi việc buôn bán là hèn mọn. Ngay khi làm tướng, ông cũng vẫn kinh doanh và quan tâm đến sản xuất để kiếm lợi chứ không chỉ sống nhờ bổng lộc do chức tước.

Kỳ 3: Phạt Tống bình Nguyên và câu chuyện danh tướng, thương nhân Trần Khánh Dư

Nghệ thuật quân sự trong những cuộc đương đầu chống xâm lược thời nhà Lý và nhà Trần đạt đến đỉnh cao.

Có lúc chủ động tấn công ào ạt vào đại bản doanh giặc để đập tan mưu đồ xâm lược từ trong trứng, có khi lùi, lấy kế “thanh dã” làm cho giặc đói khát bệnh tật mà suy yếu rồi mới đánh đuổi. Mục tiêu đánh giặc là để giữ nước, để mong được hòa hiếu giao thương mà tập trung vào làm ăn, buôn bán. Như thế mới có câu chuyện một danh tướng chiến công lừng lẫy, khi thất thế thì lui về buôn bán kiếm sống, khi có giặc thì lại được trọng dụng giao phó cầm quân, được giao trấn giữ thương cảng...

Lý Thường Kiệt ra tay phạt Tống

Có một chi tiết rất đáng phân tích: Năm 1012, Lý Công Uẩn đã đặt lại vấn đề với triều đình nhà Tống bên Trung Hoa việc cho người của mình coi sóc những sự buôn bán ở Vân Đồn, nhưng phải đến 137 năm sau, nhà Lý mới chính thức lập trang Vân Đồn thành đơn vị hành chính của Đại Việt. Một trong những nguyên do là nhà Tống từ lâu đã mưu đồ chiếm lấy không chỉ Vân Đồn mà cả Đại Việt.

Nhà Lý mới khởi nghiệp, đang tập trung phát triển đất nước. Nhà Tống đang phải đối đầu với những hậu quả của chia cắt thời Ngũ đại thập quốc, phải vừa dẹp nạn cát cứ vừa đối đầu với các quốc gia ở phía Bắc, vì thế mà chưa đủ mạnh để gây chiến với Đại Việt, thế cuộc cứ thế giằng co.

Khi Lý Thánh Tông mất (1072), thái tử Càn Đức, mới 7 tuổi, lên ngôi hiệu Lý Nhân Tông, thái phi Ỷ Lan nhiếp chính. Đại Việt lại vừa mới trải qua cuộc chiến tranh với Chiêm Thành. Nhà Tống cho đây là cơ hội liền chuẩn bị bằng cách bí mật tập hợp binh mã, vũ khí và lương thảo ở thành Ung Châu làm đại căn cứ xuất quân, dự tính vài ba năm sẽ khởi binh tiến đánh, chiếm lấy Đại Việt…

Qua tin tình báo, Thái úy Lý Thường Kiệt biết được mưu đồ này nên bàn với Thái sư, tể tướng Lý Đạo Thành kế chống giặc bằng cách nhanh chóng tập hợp quân sỹ lên vùng biên giới, quyết ra tay đánh phủ đầu trước.

Năm 1075, Đại Việt huy động hơn 10 vạn quân, gồm cả quân triều đình và địa phương, tiến đánh Ung Châu. Đạo quân phía Đông do Lý Thường Kiệt chỉ huy, gồm cả thủy lục quân, từ biển Móng Cái đánh vào. Đạo quân phía Tây do Tôn Đản chỉ huy, chia làm 4 mũi trên đất liền từ Quảng Nguyên (Cao Bằng), Môn Châu (Đông Khê), Quang Lang (Lạng Sơn) và Tô Mậu (Quảng Ninh) đánh lên đất Tống. Kết quả, nhà Lý đánh tan châu Liêm, châu Khâm và thành Ung Châu, tiêu diệt khoảng 10 vạn quân Tống, bắt hàng ngàn lính đưa về, rồi chuẩn bị thế trận để nghênh đón quân Tống tiến sang.

Nhà Tống bị đánh phủ đầu, thiệt hại nặng nề nhưng không từ bỏ dã tâm xâm lược. Năm 1077, quân Tống tập hợp lực lượng, tiến đánh Đại Việt và thua tan tác ở các trận chiến sông Đông Kênh, sông Bạch Đằng và phòng tuyến Như Nguyệt.

Thắng lợi rồi, nhà Lý chủ động gửi thư nghị hòa. Nhà Tống có cớ để rút quân. Quân Tống rút đến đâu, quân Đại Việt tiếp quản đến đấy.

Năm 1078, Lý Nhân Tông mở cuộc giao hảo với nhà Tống, cho trả lại những người Tống bị bắt giữ. Nhà Tống trả lại Đại Việt những châu huyện ở Cao Bằng đang chiếm giữ. Từ đó, đất trời phân định, quan hệ giao thương buôn bán lại tiếp đục được duy trì và phát triển…

Kế “thanh dã" vườn không nhà trống, ba lần đánh đuổi quân Nguyên

Nhà Lý kết thúc vào thời điểm Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (1225). Trần Cảnh lên ngôi hiệu Trần Thái Tông, trị vì dưới sự phụ chính của Thái sư Trần Thủ Độ và Thái thượng hoàng Trần Thừa.

Nhà Trần trải qua 12 đời vua, trong đó 3 đời vua đầu: Trần Thái Tông, trị vì từ 1225 đến 1258, Trần Thánh Tông, từ 1258 - 1278 và Trần Nhân Tông, từ 1279 đến 1293, đều là những vị vua tài giỏi. Vì thế trong giai đoạn này, dù phải tiến hành ba lần chiến tranh chống quân Nguyên Mông xâm lược, nhưng đất nước vẫn phát triển mọi mặt, từ kinh tế, giao thương thương mại đến văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng… Hai đời vua tiếp theo là Trần Anh Tông, giữ ngôi từ 1293 đến 1314, và Trần Minh Tông, từ 1314 đến 1329, cũng là vua hiền, vua tốt. Từ đời vua thứ 6 trở đi thì bắt đầu có biểu hiện suy thoái.

Trong chiến tranh chống quân Nguyên Mông, là đội quân mạnh nhất thế giới thời bấy giờ, nhà Trần đã khéo léo lựa thế rút lui, thậm chí để cả kinh thành Thăng Long vườn không nhà trống, không có lương thực thực phẩm cho giặc Nguyên. Lần thứ nhất (1257 - 1258), quân Nguyên chỉ ở Thăng Long được nửa tháng, lần thứ hai (1284 - 1285), ở được gần 2 tháng.

Ảnh minh họa.

Lần thứ 3 (1287 - 1288), quân Nguyên mang theo đoàn thuyền biển chở quân lương rất lớn để tiếp viện đi theo đường biển Vân Đồn, bị quân nhà Trần đánh úp, lại gặp bão lớn và đi lạc, nên tan tác hết. Giặc vào tới nơi, chỉ một thời gian là thiếu lương thảo, quân lính đói khác, lại không quen thung thổ, khí hậu nên đổ bệnh, lúc này nhà Trần mới thúc quân đánh mạnh và chiến thắng lừng lẫy.

Sau mỗi lần chiến tranh và sau chiến thắng chung cuộc, nhà Trần lại động viên và huy động nhân dân bắt tay ngay vào trồng cấy và phát triển kinh tế.

Về thương mại, thời kỳ này hệ thống chợ đã là kênh phân phối chủ yếu của mạng lưới buôn bán khắp đồng bằng Bắc bộ. Ở các làng đều có chợ, mỗi phủ huyện thường có vài chợ, họp lệch phiên với nhau.

Kinh thành Thăng Long, càng tỏ rõ là trung tâm buôn bán lớn nhất, có hai cửa mở thông ra hai cảng sông Giang Khẩu và Đông Bộ Đầu. Người buôn bán chủ yếu là người sản xuất trong các phường, là thợ thủ công kiêm thương nhân.

Thời kỳ này ghi nhận việc đã bắt đầu xuất hiện những thương nhân chuyên nghiệp. Thương nhân nước ngoài người Trung Quốc và người Hồi Hột đã vào kinh thành Thăng Long để kinh doanh.

Ngoài thương cảng Vân Đồn, đã hình thành thêm các cảng biển như Hội Thống, Cần Hải (Nghệ An), Hội Triều (Thanh Hóa)… thu hút thêm nhiều thương nhân từ Diệp Điều (Java), Thiện (Miến Điện), Thiên Trúc (Ấn Độ)… tìm đến. Hàng hóa của Đại Việt được đẩy mạnh xuất khẩu rộng hơn ra ngoài biên giới.

Danh tướng Trần Khánh Dư, ông tổ của giới doanh nhân

Trần Khánh Dư (1240 - 1340) là người quê ở Chí Linh, Hải Dương. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ nhất (1258), ông là một tướng trẻ dưới trướng của Trần Quốc Tuấn (1232 - 1300). Do có công đánh úp giặc Nguyên, sau đó, đi dẹp loạn người Man ở vùng núi, thắng lớn, nên được Thượng hoàng Trần Thái Tông khen là người có trí lược, nhận là Thiên tử nghĩa nam (con nuôi), được vua Trần Thánh Tông ban cho tước hiệu Nhân Huệ vương và phong làm Phiêu Kỵ đại tướng quân.

Sau đó, Trần Khánh Dư mắc tội quyến rũ Thiên Thụy công chúa, là vợ Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, con trai Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Sự việc vỡ lở, vua Trần Thánh Tông sợ Hưng Đạo vương phật ý, đã xử tội ông phải đánh đến chết, nhưng vua ngầm lệnh cho lính đánh chúc đầu gậy xuống, vì thế, qua 100 gậy mà Trần Khánh Dư vẫn sống. Theo luật, thế là trời tha, nên ông được miễn chết, chỉ bị phế truất binh quyền, tịch thu gia sản. Trần Khánh Dư rời triều, lại về quê cũ Chí Linh, làm nghề đốt than, chở thuyền trên sông, buôn bán kiếm sống thảnh thơi qua ngày.

Năm 1282, quân Nguyên chuẩn bị tiến đánh Đại Việt lần thứ hai. Vua quan nhà Trần kéo về Bình Than mở hội nghị bàn cách chống giặc. Lúc thuyền vua đỗ ở bến Bình Than, một chiếc thuyền lớn chở than củi đi qua, trên có người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn. Vua Trần Nhân Tông nhìn thấy, bảo: "Người kia chẳng phải là Nhân Huệ vương sao?" rồi sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo.

Đến cửa Đại Than thì gặp được, triệu ông này về gặp vua. Ông trả lời: "Lão là người buôn bán, có việc gì mà vua phải triệu?". Người đi triệu trở về tâu lại, vua bảo: "Đúng là Nhân Huệ vương đấy, người thường tất không dám nói thế". Vua lại sai nội thị chèo thuyền đi gọi tiếp thì ông này mới quay lại. Ông bước lên thuyền rồng, vua ôm chầm lấy, nói: "Nam nhi mà đến nỗi này thì thực là cùng cực rồi".

Ảnh minh họa.

Vua xuống chiếu tha tội cho Trần Khánh Dư. Trần Quốc Tuấn xách nước dội lên người cho Trần Khánh Dư tắm. Sau đó, vua ban áo ngự để Trần Khánh Dư mặc và ngồi cùng bàn việc chống giặc với các quan tướng. Tại hội nghị Bình Than, Trần Khánh Dư đã đưa ra nhiều kế sách. Ông được Trần Nhân Tông phục chức và phong làm Phó đô tướng quân, giao trấn giữ Vân Đồn.

Trần Khánh Dư tiếp tục có công lớn trong hai lần chống quân Nguyên tiếp theo, đặc biệt là đánh tan đạo binh thuyền chở lương thực, khí giới của do Trương Văn Hổ chỉ huy tháng 12/1287, làm xoay chuyển tình thế chiến cuộc, dẫn đến thắng lợi cuối cùng năm 1288. Tháng 5/1312, ông theo vua Trần Anh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, bắt được chúa Chiêm Thành là Chế Chí đưa về nước.

Trần Khánh Dư không coi việc buôn bán là hèn mọn. Ngay khi làm tướng, ông cũng vẫn kinh doanh và quan tâm đến sản xuất để kiếm lợi chứ không chỉ sống nhờ bổng lộc do chức tước. Khi làm tướng trấn giữ Vân Đồn, thấy dân toàn mặc quần áo, sử dụng đồ dùng theo kiểu người Bắc, Trần Khánh Dư ban lệnh: Để ngăn phòng giặc, người dân không được đội nón của phương Bắc, sợ khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên cần đội nón ma lôi của người Việt, ai sai sẽ phạt. Trước đó, ông đã cho người đi mua nón Việt tích trữ, khi nghiêm lệnh ban ra, người dân trong trang Vân Đồn tranh nhau mua, giá cứ thế đắt lên mà không hạ xuống.

Trần Khánh Dư còn là một văn tài, ông đã được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đề nghị viết lời tựa cho cuốn “Vạn Kiếp tông bí truyền thư” của mình.

Năm 83 tuổi, Trần Khánh Dư xin rời triều về trí sỹ. Một lần ông đến Tam Điệp và Trường Yên ở Ninh Bình, thấy đồng cỏ mênh mông, sông núi đẹp đẽ, liền cho người nhà đến khai khẩn, lập làng mới. Dần dần, người theo đến rất đông. Ông đặt tên là trại An Trung. Dân các vùng khác đến, lập thêm trại Động Khê và Tịch Nhi, thuộc hai xã Yên Nhân và Yên Đồng, huyện Ý Yên, Nam Định. Trong buổi đầu khai hoang lập làng, ông đã bỏ tiền ra giúp vốn cho dân, hướng dẫn dân trồng cói và làm nghề thủ công, dệt cói.

Trần Khánh Dư ở lại nơi khai phá này 10 năm. Sau đó, ông trở về ấp Dưỡng Hòa, vùng đất ông được phong, thuộc xã Dương Hòa, Lý Nhân, Hà Nam. Ông giao lại nơi khai khẩn cho hai gia tướng họ Bùi và họ Nguyễn coi sóc.

Năm 1340, Trần Khánh Dư mất, thọ tròn 100 tuổi. Nhân dân trong vùng lập đền thờ ông ở An Trung, ghi tạc công đức của ông với bức đại tự: "Ẩm hà tư nguyên" và đôi câu đối, ghi:

"Nhân Huệ Vương mở mới bến sông, đồng ruộng tốt tươi nay vẫn đó

Họ Bùi Nguyễn theo nền nối chí, cửa nhà đông đúc trước còn đây".

Với những gì sử sách ghi lại, danh tướng Trần Khánh Dư là một nhân vật hấp dẫn nhiều mặt. Đó là một con người văn võ toàn tài, kiến văn sâu sắc, võ công hiển hách, có chí khí lớn, có công đức dầy, có một đời sống chìm nổi, dài rộng mà sâu sắc. Ông là một tấm gương mà giới doanh nhân ngày nay cần thấm nhuần mà vươn theo…

Lược sử về thời vận của doanh nhân Việt - Kỳ 1: Giới thương nhân Việt bắt đầu hình thành từ khi nào?

Lược sử về thời vận của doanh nhân Việt - Kỳ 2: Rực rỡ Thăng Long, lan tỏa Vân Đồn

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/luoc-su-ve-thoi-van-cua-doanh-nhan-viet-ky-3-phat-tong-binh-nguyen-va-cau-chuyen-danh-tuong-thuong-nhan-tran-khanh-du-a114608.html