Lược sử về thời vận của doanh nhân Việt - Kỳ 2: Rực rỡ Thăng Long, lan tỏa Vân Đồn

12/10/2019 17:08

Kinh thành Thăng Long thời nhà Lý ngoài vai trò là một trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, đã rõ nét ra là một trung tâm buôn bán, giao thương thương mại của đất nước.

Kỳ 2: Rực rỡ Thăng Long, lan tỏa Vân Đồn

Sáng lập nên nhà Lý là Lý Công Uẩn, một nhân vật lịch sử hội tụ rất nhiều phẩm chất cao cả. Điều này đã tạo nên nền tảng bền vững với những cải cách và phát triển lớn của đất nước xuyên suốt nhiều đời vua sau đó.

Hai triều đại, nhà Lý và nhà Trần, nối tiếp nhau trị vì đất nước kéo dài đến gần 400 năm. Trong thời gian đó, đã diễn ra nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt chống lại quân xâm lược phương Bắc: Thời Lý là chiến tranh với quân đội nhà Tống, thời Trần ba lần đối đầu với quân Nguyên Mông. Tuy vậy, mọi mặt xã hội, từ kinh tế, quân sự, đến pháp luật, văn hóa, tín ngưỡng… đều phát triển rực rỡ, là đỉnh cao của đất nước dưới thể chế quân chủ phong kiến. Trong đó, những hoạt động trao đổi, kinh doanh, buôn bán trong nước và ngoài nước trở nên nhộn nhịp, đã hình thành nên những trung tâm giao thương sầm uất…

Tầm nhìn Lý Công Uẩn

Sáng lập nên nhà Lý là Lý Công Uẩn, một nhân vật lịch sử hội tụ rất nhiều phẩm chất cao cả. Điều này đã tạo nên nền tảng bền vững với những cải cách và phát triển lớn của đất nước xuyên suốt nhiều đời vua sau đó.

Lý Công Uẩn xuất thân là người quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh, được sinh ra trong thời nhà Đinh (974), lớn lên rồi trở thành một võ quan cao cấp trong triều Lê. Ngay từ nhỏ, ông đã tỏ ra có trí thông minh vượt trội, khác thường, tướng mạo thì thật đẹp đẽ. Mới lên 3 tuổi ông đã được thiền sư Lý Khánh Văn nhận làm con nuôi và cho ăn học. Sau đó, quốc sư Vạn Hạnh, trụ trì chùa Lục Tổ, khi gặp, đã thốt lên: “Đây là một người phi thường, sau này lớn lên tất có thể gỡ những rối nhiễu cho đời mà làm minh chúa của thiên hạ”. Từ đó, sư Vạn Hạnh để nhiều tâm huyết rèn dạy kỹ lưỡng, rồi dìu dắt Lý Công Uẩn. Ngoài sư Vạn Hạnh trực tiếp dạy, Lý Công Uẩn còn được tầm sư học đạo với các thầy dạy do sư Vạn Hạnh gửi gắm. Quá trình học hành nghiêm cẩn về tri thức và nhập đạo đã rèn giũa nên tài trí Lý Công Uẩn.

Tượng vua Lý Thái Tổ tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Internet

Lý Công Uẩn là một con người trung nghĩa. Khi theo vào hầu và được sư Vạn Hạnh tiến cử với Lê Đại Hành ở thành Hoa Lư, vua rất yêu mến Lý Công Uẩn, cho học quân sự rồi xung vào đội điện tiền cận vệ, sau thăng dần lên đến Điện tiền chỉ huy sứ. Không chỉ thế, vua còn gả công chúa là con gái cả cho Lý Công Uẩn. Khi Lê Đại Hành mất, các con tranh giành ngôi báu. Lê Long Việt lên ngôi hiệu Lê Trung Tông, chỉ được ba ngày thì bị em là Lê Long Đĩnh giết. Tất cả triều đình sợ hãi bỏ chạy, riêng Lý Công Uẩn quỳ ôm xác Lê Long Việt khóc lớn. Lê Long Đĩnh thấy thế, cảm cái trung nghĩa của Lý Công Uẩn, không những không trị tội, mà còn tin tưởng, trọng dụng Lý Công Uẩn.

Lê Long Đĩnh ăn chơi trụy lạc, bệnh tật đến mức không thể ngồi mà phải nằm để thiết triều và chết sớm, tất cả các quan văn võ nhất lòng tôn xưng Lý Công Uẩn lên làm vua. Lý Công Uẩn đã mở ra một triều vua mới trong hòa bình, vì thế mà ông có uy tín rất lớn. Uy tín lớn, thông minh, học thức đầy đủ, thu phục được nhân tâm, lại là người có tầm nhìn xa, bao quát rộng, chỉ một năm sau khi lên ngôi, Lý Công Uẩn đã làm cuộc rời đô vĩ đại và nhanh chóng về Thăng Long.

Một điều nữa, Lý Công Uẩn có thời gian trị vì đủ dài, từ 1009 đến 1028, để sau khi rời đô về Thăng Long, tiếp tục triển khai các kế hoạch phát triển triều đại, đủ để uy đức lan tỏa và tiếp nối đến mấy đời vua sau.

Thêm một yếu tố nữa, sau khi Lý Thái Tổ mất, dù có sự kiện “Loạn tam vương” nhưng rồi kế tục mấy đời sau là Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Anh Tông đều là những vị vua có nhiều tài đức, đều trị vì khá dài, nên những ý tưởng phát triển của tiên đế được tiếp thu và phát triển.

Rực rỡ kinh thành Thăng Long

Dưới thời nhà Lý, trung tâm đất nước là Thăng Long. Hoàng thành Thăng Long được xây dựng hoành tráng với cấu trúc “tam trung thành quách” là nơi ở của vua và các quan lại cùng họ hàng thân thích. Đây cũng là nơi diễn ra các hoạt động chính của triều đình.

Kinh thành Thăng Long được định hình là vùng đất nằm giữa Hoàng thành và Đại La thành. Kinh thành được chia thành các phường có quy mô như xã ngày nay, là nơi sinh sống, sản xuất, làm ăn và buôn bán của người dân. Trung tâm kinh thành là Thái Hồ, nơi dựng Văn Miếu và Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của đất nước. Phía nam Thái Hồ là hồ Chu Tước, đặt đàn Viên Khâu để làm lễ tế giao.

Cửa Đông thành Thăng Long xưa. Ảnh: Internet

Trên bờ sông Hồng ven kinh thành, nhà Lý cho dựng các cung điện như Hàm Quang, Linh Quang, Thủy Tinh, Thánh Từ. Các cung điện này nguy nga tráng lệ với những đài chuông và điện thờ, dành cho vua quan và tùy tùng ra ngự, xem mở hội và tổ chức lễ đua thuyền trên sông. Ở Hồ Tây có những quán quan, hành cung để vua và tùy tùng ngự xem đánh cá, đua thuyền. Cạnh hồ Lục Thủy, chùa Báo Thiên và tháp Báo Thiên được dựng nên. Rồi thêm các chùa khác được xây ở kinh thành như Diên Hựu, Ngọc Hồ, Vạn Tuế…

Để có nơi đón tiếp sứ giả các nước đến giao hảo và các tù trưởng, tướng lĩnh ở các vùng xa về lai kinh, nhà Lý cho xây trạm Hoài Viễn bên bờ sông Hồng đối diện với kinh thành.

Do có những chính sách mang tính cải cách lớn và bắt đầu đo đạc ruộng đất để quy hoạch phát triển nông nghiệp, các ngành nghề thủ công nghiệp bắt đầu phát triển mạnh mẽ, buôn bán và thương mại được hình thành và xuất hiện những phường hội nhộn nhịp, sôi động…

Ở kinh thành Thăng Long, có 61 phường, mỗi phường tập trung các thợ thủ công cùng làm một nghề và thường là cùng xuất phát từ một quê với những tên gọi như phường thợ xây, phường thợ mộc, phường thợ hàn, phường dệt vải, phường làm nón… Đã xuất hiện những cửa hàng bán sản phẩm mang tính đặc trưng của các phường thợ, rồi thành những con phố với dãy cửa hàng bán chung một loại sản phẩm, kinh doanh cùng một loại hàng. Rất nhiều tên phố cổ Hà Nội ngày nay được hình thành từ thời kỳ này.

Do địa thế có nhiều sông hồ thông thoáng với nhau, nên thời kỳ này ở Thăng Long đã hình thành nên những bến thuyền, như bến Thái Cực ở Hàng Đào, bến Triều Đông ở Hòe Nhai, bến Thái Tổ ở khu vực phố Nguyễn Du ngày nay, bến Giang Tân ở Nghĩa Đô, bến Thiên Thu, bến Đại Thông… Trên bến thuyền là những cái chợ. Những bến và chợ này dần dần tấp nập thuyền bè của các thương nhân và bạn buôn vào ra mua bán…

Kinh thành Thăng Long thời nhà Lý ngoài vai trò là một trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, đã rõ nét ra là một trung tâm buôn bán, giao thương thương mại của đất nước.

Lan tỏa thương cảng Vân Đồn

Từ trước thế kỷ thứ 10, Vân Đồn đã là điểm dừng chân trên biển của những đoàn thuyền làm nhiệm vụ giao thương giữa các nước phương Nam với quốc gia phương Bắc. Do địa thế nằm ở phía Đông và Đông Bắc vịnh Bái Tử Long, với khoảng 600 đảo nhỏ, Vân Đồn là một đảo lớn nằm ở trung tâm, trong đó có một dãy đảo dài chạy song song với đất liền, ngăn được gió bão lớn, mức nước sâu và đường đi rộng nên dùng thuyền bè đi trên đường này an toàn hơn đi ngựa và xe kéo trên đường bộ, vừa hiểm trở lại trập trùng núi non đầy lam sơn chướng khí.

Thời đó, thuyền bè từ Vân Đồn đi vào hệ thống các sông ở đồng bằng Bắc Bộ để đến kinh thành Thăng Long, thời gian mất độ non một tuần.

Do là cửa ngõ của vùng biển hiểm yếu nên, theo sử sách, năm 980, năm đầu tiên dưới triều Tiền Lê, ở đây đã có đồn Vân (đồn Mây, sau thành tên Vân Đồn), trấn giữ vùng biển Đông Bắc của quân đội nhà Tiền Lê.

Bức tranh thương cảng Vân Đồn cổ lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh. Ảnh: Internet

Từ năm 1006, vua nhà Tống bên Trung Quốc đã cho người thám sát khu vực Vân Đồn và vẽ bản đồ cung đường thủy này với mưu đồ sâu xa là chiếm cứ.

Vào năm 1009, nhà Lê đã giao hảo với nhà Tống để mong muốn đạt tới một thỏa thuận là cho đặt người của mình coi sóc việc buôn bán tại chợ trao đổi hàng hóa ở đây. Tuy nhiên, việc giao hảo này, do nhà Lê kết thúc, nên đã dở dang, chưa đạt được theo ý muốn.

Sau khi dời đô về Thăng Long ổn định, năm 1012, Lý Công Uẩn đã nghĩ tới việc khơi thông con đường thủy qua Vân Đồn để đưa hàng hóa Việt tới Ung Châu của Trung Quốc. Với tầm nhìn của Lý Công Uẩn, việc khơi thông thương cảng Vân Đồn, một cửa khẩu biển ở phía Bắc đất nước, cùng với phát huy cảng biển phía Nam thời ấy là Diễn Châu, sẽ làm lan tỏa hàng hóa xuất nhập khẩu của đất nước để tính kế hùng cường lâu dài.

Nhà Lý đã có nhiều chính sách thúc đẩy ngoại thương, buôn bán với các nước nên giao thương tại Vân Đồn nhanh chóng phát triển. Cùng với việc phát hành tiền đồng mới, tất cả các tô thuế, lương bổng thời kỳ này đã được trả bằng tiền. Việc giao thương, buôn bán đã hiệu quả, thậm chí có lúc tiền đồng do nhà Lý đúc ra không đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa. Để giải quyết tình trạng này, ở vùng cửa khẩu Vân Đồn, nhà Lý chấp nhận tình trạng để cho tiền của nhà Tống và cả các loại tiền từ thời nhà Đường do thương nhân các nước đến mua bán hàng hóa vẫn được lưu hành song song.

Triều đình nhà Lý đã nắm lấy chủ động trong việc phát triển thương cảng Vân Đồn. Cho đến năm 1149, khi vua Lý Anh Tông chính thức cho thành lập trang Vân Đồn. Trang Vân Đồn trở thành đơn vị hành chính cuối cùng trong hệ thống hành chính cấp địa phương của đất nước. Kể từ đó, Vân Đồn tấp nập thương nhân các nước đến cùng các thương nhân Đại Việt giao thương, mở ra một thương cảng nổi tiếng của Đại Việt.

Vân Đồn còn tiếp tục phát triển lên đỉnh cao vào thời nhà Trần…

Kỳ 3: Ba lần đánh Nguyên Mông và danh tướng, doanh nhân Trần Khánh Dư