Không chỉ Đặng Lê Nguyên Vũ, người giàu thế giới: Kẻ xuống tóc đi tu, người nghiên cứu thiền định
Có những đại gia bỏ lại cả khối tài sản khổng lồ hay con đường đầy danh vọng phía trước để tìm kiếm sự bình an trong cõi tu hành. Có người lại tìm đến thiền định và coi đó là chìa khóa quan trọng đề đầu tư thành công.
'Vua' nhựa Ấn Độ từ bỏ gia tài hơn 2 nghìn tỷ để đi tu
Năm 2015, triệu phú Bhanwarlal Raghunath Doshi, người được mệnh danh “vua ngành nhựa” ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã quyết định bỏ rơi đế chế kinh doanh trị giá 100 triệu USD (khoảng hơn 2 nghìn tỷ đồng) để trở thành môn đệ thứ 108 của tu sĩ Jaina giáo Shri Gunratna Sur is hwarji Maharaj.
Theo Oddity Central, quyết định của ông Doshi không phải là bốc đồng. Những bài giảng của Jain đã lôi kéo được tâm hồn Doshi từ năm 1982, nhưng gia đình ông gồm vợ, hai con trai và con gái luôn là lý do khiến Doshi lưỡng lự. Mãi đến năm 2014, họ mới động lòng và để cho triệu phú này được thỏa mong ước bấy lâu là trở thành nhà sư.
Ông Doshi từng từ chối tham gia vào công việc kinh doanh đồ may mặc của bố mình vào những năm 1970. Thay vào đó, ông vay bố 30.000 rupee (5.000 USD) để tự lập công ty buôn bán đồ nhựa ở Delhi. Sau 40 năm sống trong thành công và sang trọng, ông quyết định từ bỏ tất cả để đổi lấy cuộc sống giản dị, nghiêm khắc.
Nghi lễ công nhận triệu phú Ấn Độ Doshi trở thành một nhà tu hành được diễn ra vô vùng tráng lệ tại quảng trường rộng 1 triệu mét vuông ở Ahmedabad, Gujarat với tổng chi phí 16 triệu USD - đủ sức khiến bất kỳ ai cũng phải choáng váng.
Lễ xuống tóc của Doshi diễn ra sang trọng, hoành tráng với một đám rước dài 7 km với sự tháp tùng của 1.000 tu sĩ, 12 xe ngựa, 9 con voi, 9 con lạc đà cùng đoàn nhạc sĩ. Tổng cộng khoảng 150.000 người đã đến tham dự. Ông Doshi thậm chí còn đặt 500 phòng khách sạn để người dân đến chứng kiến được nghỉ ngơi. Nhiều tiền mặt, đồng xu bằng vàng và chìa khóa xe hơi đã được ném vào đám đông người có mặt.
Con trai độc nhất của tỷ phú Malaysia xuất gia
Ajahn Siripanno (sinh năm 1971) là một trong những nhà tu hành uyên bác nổi tiếng của dòng Phật giáo Theravada (dòng Phật giáo cổ xưa) tại Thái Lan. Ngài cũng là con trai duy nhất của tỷ phú sinh năm 1938 người Malaysia, Ananda Krishnan.
Theo thống kê đầu năm 2017, tỷ phú Ananda là người giàu thứ 3 tại Malaysia và luôn nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes. Hiện tại, ông đang sở hữu khối tài sản trị giá 6,4 tỷ USD, đứng thứ 263 người giàu thế giới.
Theo tờ Bloomberg, Ajahn từng du học ở Anh và nói được tới 8 thứ tiếng. Những tưởng cậu con trai duy nhất sẽ về thừa kế công việc kinh doanh của cha, nhưng không, Ajahn có những thay đổi về suy nghĩ lớn lao khi tham gia một khóa tu ngắn hạn tại quê mẹ, Thái Lan, năm 18 tuổi.
Vài năm trước, trong một buổi nói chuyện tại chùa Maha Vihara, Malaysia, nhà sư Ajahn Siripanno cho biết ông chưa bao giờ có ý định để trở thành một nhà sư cho tới khi ông được đến thăm và trò chuyện với Thiền sư Ajahn Chah - một vị cao tăng nổi tiếng về pháp Thiền trong Phật giáo Theravada. Sau lần gặp gỡ đầu tiên và duy nhất đó, tư tưởng của Ajahn Siripanno đã thay đổi và ông quyết tâm lựa chọn con đường riêng cho bản thân, con đường đến với Phật giáo.
Năm 1995, Ajahn Siripanno quyết định quy y nơi cửa phật. Sau hơn 20 năm tu hành, ngài đang là trụ trì tại một ngôi chùa ở Thái Lan.
Một câu chuyện được nhiều người kể lại là có lần tỷ phú Ananda muốn được ăn cơm cùng con nhưng ngài Ajahn nhất quyết từ chối vì đang đi khất thực. Theo dòng Phật giáo Theravada, mỗi nhà sư sẽ chỉ ăn duy nhất một bữa trong ngày, và không ăn bất cứ thứ gì khác sau 12 giờ trưa.
Ajahn Siripanno được nhiều người biết đến hơn sau khi tham dự buổi tiệc sinh nhật lần thứ 70 của người cha tỷ phú. Khi đó, ngài xuất hiện trong bộ cà sa giản dị, mang dép và xách một chiếc túi nhỏ, di chuyển bằng máy bay riêng của cha và nghỉ ngơi tại một khách sạn trang trọng ở Italy.
Năm 2013, giới truyền thông cũng từng ghi lại được hình ảnh tỷ phú Ananda đến thăm con trai tại một ngôi chùa. Ông thu hút sự chú ý với chiếc xe BMW sang trọng cùng nhiều vệ sĩ. Tỷ phú được đưa tới một địa điểm rất sâu trong rừng, nơi con trai ông đang có một cuộc trò chuyện tĩnh tâm với 60 người khác.
Dù rất giàu có nhưng tỷ phú Ananda cũng là người sống khá khép kín. Thông tin đời tư của ông không xuất hiện nhiều trên báo chí. Sinh ra trong một gia đình nhập cư từ Sri Lanka, tỷ phú tốt nghiệp Đại học Harvard này đã kiếm được hàng triệu USD đầu tiên nhờ kinh doanh dầu mỏ, sau đó mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực truyền thông, vệ tinh, dầu khí, bất động sản.... Ông cũng là một trong những giám đốc đầu tiên của đại gia dầu mỏ Petronas.
Đầu tư thành công nhờ thiền 'siêu việt'
Người sáng lập công ty đầu tư Bridgewater Associates, một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, tỷ phú Ray Dalio chia sẻ trên trang Facebook cá nhân: "Thiền siêu việt góp phần quan trọng cho sự thành công của tôi. Đó chính là món quà tuyệt vời nhất dành cho bất kỳ ai. Trong những người thầy giảng dạy về Thiền Siêu Việt mà tôi từng biết thì có lẽ Bob Roth là người mà tôi ngưỡng mộ nhất. Tôi thực sự rất vui và hạnh phúc khi ông ấy viết lên cuốn sách "Strength in Stillness" vô cùng ngắn gọn, dễ hiểu về kỹ thuật thiền này. Bên cạnh đó, những lợi ích khoa học cùng những câu chuyện về con người người thực mà thiền siêu việt đã góp phần làm thay đổi cuộc họ cũng được đề cập tới. Đó chính là "sức mạnh trong tĩnh lặng".
Tỷ phú Dalio - nhà sáng lập quỹ đầu tư Bridgewater Associates.)
Trong cuốn sách "Principles" của vị tỷ phú này, ông đã tiết lộ rằng ông học được cách thiền siêu việt sau khi những nghiên cứu về thiền siêu việt của Beatles nổi tiếng ở Ấn Độ vào năm 1968. Chính điều ấy đã giúp ông suy nghĩ một cách rõ ràng và sáng tạo hơn về kỹ thuật này.
Thiền siêu việt (Transcendental Meditation) là kỹ thuật thiền luyện trí não làm tâm trí lắng đọng tới tầng sâu nhất, sâu hơn tiềm thức, nơi nguồn gốc sinh ra cả tiềm thức của con người nhằm phát huy toàn bộ tiềm năng của não. Bên cạnh đó, vì bộ não và cơ thể có mối liên hệ mật thiết với nhau nên trong quá trình tâm trí tĩnh lặng, lắng xuống tầng sâu hơn và khi đạt đến trạng thái tĩnh lặng nhất thì cơ thể đạt tới trạng thái nghỉ ngơi sâu.
Theo các chứng minh y học, khi cơ thể đạt tới trạng thái nghỉ ngơi sâu, hệ thần kinh tự động xua đi những gì là yếu tố ngoại bang xâm nhập vào cơ thể mà không phù hợp cho cơ thể, cho dù chúng đã tích tụ lâu và sâu trong cơ thể, do vậy hệ thần kinh được trong sạch, cơ thể được khỏe mạnh.
Đặng Lê Nguyên Vũ: 5 năm ẩn cư thiền định
Vào cuối năm 2013, ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhịn ăn, ngồi thiền 49 ngày cùng một nhóm gần chục người tại núi M’drăk, Đăk Lăk.
Ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ)
Chia sẻ với báo chí vào thời điểm ấy, ông Vũ cho biết, ông cần một khoảng thời gian tịnh tâm, thiền và nhịn ăn trong 49 ngày để tinh thần minh mẫn, nghĩ những việc lớn. Thực phẩm duy nhất của cuộc “trường chinh” này chỉ là món nước mè đen.Nói về chuyện này, vợ ông là bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho hay, năm 2014, sau khi kết thúc 49 ngày thiền định và nhịn ăn tại trang trại M’dărk, ông Vũ có những biến đổi bất thường về sức khỏe, dẫn đến nhiều biến cố trong gia đình và nội bộ doanh nghiệp. Kể từ thời điểm này, ông Vũ rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng, ở công ty và gia đình.
"49 ngày thiền định nhịn ăn của anh ấy, đã phá đi tất cả, đã cướp đi Đặng Lê Nguyên Vũ tuyệt vời của tôi", bà Thảo tâm sự.
Tuy nhiên, sau 5 năm lên "núi thiêng M’dărk" thiền định, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ có mặt ở sự kiện kỷ niệm thành lập 22 năm Tập đoàn Trung Nguyên và ra mắt hệ sản phẩm cà phê mới mang tên Trung Nguyên Legend vào tối ngày 16/6 vừa qua.
Ông Vũ ăn vận như một tu sĩ, mặc áo dài đen, quần lĩnh trắng rộng, cổ quấn khăn rằn, hai tay chắp lưng. Ông tự xưng là "Qua", gọi những người xung quanh là "người anh em".
Ông Vũ cho biết nhiều năm qua, ông đã hiểu hết đời sống nội tại, có thể kiến tạo sự hoàn hảo cho chính mình và cho từng gia đình của nhân viên mình, có thể cho cả quốc gia và thế giới này, có thể bằng mọi giải pháp, mọi thứ.
Ông khẳng định sau 5 năm thiền định, ông đã có lời giải cho tất cả mọi câu hỏi trên thế giới này, đồng thời sẽ đưa Trung Nguyên trở thành tập đoàn thống lĩnh toàn cầu, khác biệt và duy nhất toàn cầu.
Trong khi đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo thì vẫn cho rằng ông Vũ đang có vấn đề về sức khỏe và khẳng định sẽ sẵn sàng chăm sóc cho ông.
Phạm Nhật Vũ: Kinh doanh trên triết lý đạo Phật
Trong giới tăng lữ, Ông Phạm Nhật Vũ - em trai ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, được biết đến với vai trò là Cư sĩ Từ Vân - Phạm Nhật Vũ, Phó Ban Truyền thông Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Phật học. Nhiều năm nay, ông là người âm thầm đầu tư xây và sửa nhiều ngôi chùa trên nhiều địa phương trong cả nước.
Ông Phạm Nhật Vũ - em trai ông Phạm Nhật Vượng)
Từ thập niên 90 tới đầu những năm 2000, ông Phạm Nhật Vũ cùng anh trai Phạm Nhật Vượng làm ăn tại Liên Xô cũ, sau đó về nước kinh doanh. Hai anh em hai cơ nghiệp, ông Vũ không tham gia Vingroup của anh trai mà sáng lập và điều hành AVG.
Ông Phạm Nhật Vũ là người theo đạo Phật và tu tại gia. Triết lý trong đạo Phật mà ông tâm niệm có 5 chữ: Tín (có niềm tin, tôn trọng và giữ đúng lời hứa với người khác để có được sự tín nhiệm của mọi người); Tấn (tu hành rốt ráo, nâng cao kiến thức); Niệm (luôn luôn có ý nghĩ trong sáng); Định (không bị xáo trộn, luôn vững vàng); Tuệ (trí tuệ mẫn tiệp, quyết định sáng suốt). Trong đó chữ Tín luôn đứng ở đầu.
Trả lời câu hỏi tại sao nhiều doanh nhân thờ chữ Nhẫn nhưng ông lại thờ chữ Tín, ông Vũ cho biết: “Chữ 'Tín' hiểu đơn giản là niềm tin. Trong khi làm việc, nếu anh không có chữ Tín anh không thể thành công được. Đã hứa thì phải giữ lời hứa, có thế mới giữ được sự tín nhiệm của người khác với mình. Và suốt từ năm 2000 đến bây giờ, khi tôi hiểu hơn nữa về Phật pháp, tôi luôn đặt chữ "Tín" lên hàng đầu".