Cách đây vài năm, Nokia bán nốt phần vốn còn lại cho Microsoft. Đế chế đáng giá nhất châu Âu từng chiếm 40% thị phần điện thoại di động thế giới, hiện hữu kiêu hãnh ở 150 quốc gia đã chấp nhận lùi bước. CEO của Nokia đã nói trong giờ phút cuối cùng “chúng tôi không làm gì sai cả, nhưng chúng tôi vẫn thất bại”.
Câu chuyện từ Nokia như một lời thức tỉnh với Viettel, công ty viễn thông hàng đầu Việt Nam và hiện đã có mặt ở 10 quốc gia trên thế giới với thị trường 320 triệu dân, 100 triệu khách hàng. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng từng trăn trở: "Phải chăng nếu chúng ta không kịp thay đổi, chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi cho dù chúng ta có to lớn, vĩ đại đến đâu chăng nữa?Phải chăng nếu suy nghĩ, tư duy và cách tiếp cận của chúng ta không bắt kịp thời đại, cứ bám víu vào những cách làm, kinh nghiệm vốn mang lại thành công trong quá khứ, chúng ta cũng lập tức bị hất văng khỏi thế giới này, không một chút thương tiếc?"
Không ngừng thay đổi là khát vọng của Viettel trong suốt quá trình từ người tí hon thành gã khổng lồ! Và trên chặng đường ấy, ông Nguyễn Mạnh Hùng, vị thuyền trưởng luôn là người "truyền lửa".
Thay đổi để tốt lên, tạo sự khác biệt
Ông Nguyễn Mạnh Hùng mang quân hàm thiếu tướng, đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Viettel từ năm 2014, kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT từ tháng 6/2018. Tuy nhiên từ nhiều năm trước đó, ông Hùng đã gắn bó với Viettel, đưa Viettel trở thành tập đoàn hùng mạnh, phá thế độc quyền trên thị trường viễn thông Việt Nam.
Ông Hùng sinh năm 1962 tại tỉnh Phú Thọ, tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Liên Xô, Thạc sĩ viễn thông ở Australia, Thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế Quốc dân.
Gắn bó với Viettel từ những ngày đầu thành lập, ông Hùng trải qua nhiều vị trí như trợ lý kỹ thuật, Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Đầu tư Phát triển, Phó giám đốc Công ty Viễn thông Quân đội (năm 2000), Phó tổng giám đốc Viettel (năm 2010). Năm 2017, thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng được bình chọn là một trong 10 người có ảnh hưởng lớn nhất Internet Việt Nam trong 10 năm qua theo công bố của Hiệp hội Internet Việt Nam.
Suốt quá trình công tác tại Viettel, ông Hùng được xem là người vạch chiến lược đưa dịch vụ viễn thông về nông thôn, bình dân hóa điện thoại di động, đưa vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong nước.
Ông kể rằng thời điểm Viettelphủ sóng viễn thông, chiến lược nông thôn bao vây thành thị, các hãng khác đã khá thành công ở các thành phố lớn do khả năng chi trả tốt của khách hàng, mức giá cũng hấp dẫn. Viettel xác định chất lượng ở thành phố đạt tới 95%, nếu có thể làm tốt hơn lên 97% thì khá tốn kém mà sự khác biệt cũng không nhiều. Tuy nhiên ở nông thôn thì khác, viễn thông giống như thuốc phiện, về quê không thể có sóng thì không còn hấp dẫn. Do đó, Viettel chọn khu vực nông thôn, tạo cho khách hàng suy nghĩ ở nông thôn còn có thể dùng được thì ở thành phố còn tốt hơn nhiều.
Mang khát vọng mỗi người dân Việt Nam phải có một chiếc máy điện thoại di động, Viettel đã thực sự làm nên cuộc bùng nổ viễn thông, được thế giới nhắc đến như một hiện tượng. Chỉ trong vòng 4 năm, sau khi Viettel tham gia thị trường viễn thông, mật độ điện thoại di động tại Việt Nam tăng từ 4% lên 100%. Trong khi 10 năm trước đó, mật độ điện thoại di động chỉ tăng được 4%.
Trong khi nhiều người nghĩ rằng công nghệ càng cao giá càng đắt thì Viettel lại quan niệm, công nghệ càng cao thì giá càng rẻ. Nếu như Apple đưa chiếc iPhone giá hàng ngàn đô tới cho 10% người giàu nhất thì Viettel quyết tâm mang chiếc smartphone đến cho 90% số người còn lại.
Không tìm ra được dịch vụ khác biệt thì kiên quyết không làm là điều mà vị thuyền trưởng của Viettel luôn kiên định. Cho nên, không chỉ ở từ chiếc điện thoại, khi làm về công nghệ thông tin, Viettel cũng có hướng đi khác biệt với FPT, đơn vị có 20 năm kinh nghiệm trong ngành.
Ông Hùng thừa nhận đội ngũ Viettel không thể giỏi bằng ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cũng như FPT có đội ngũ giỏi từ Nga về. Nhưng thời điểm đó, Viettel nhận ra rằng FPT viết phần mềm cho máy tính để bàn, còn Viettel có các thiết bị di động, nên chọn hướng viết ứng dụng trên nền tảng di động như Ipad, Laptop, Smatrtphone. FPT bị thúc đẩy lợi nhuận nên đa số dự án CNTT là mua bán trọn gói phần mềm. Viettel không bị chi phối nhiều vào câu chuyện đó nên đã đầu tư phần cứng, viết phần mềm và cho thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Khách hàng của Viettel là các bộ, ngành, tổng công ty không thể nuôi một hệ thống CNTT, muốn thuê dịch vụ và cứ 3 năm lại phải đấu giá dịch vụ một lần.
"Cuộc đời và thượng đế cũng chỉ mỉm cười với bạn một đôi lần thôi, nếu bạn không nắm được đúng thời cơ thì có thể không bao giờ bạn có lại cơ hội đó", ông Hùng nhắn nhủ.
Do đó, thay đổi vào lúc mọi thứ đang ổn là “một quyết định khó khăn với người chỉ huy”. Nhưng chủ động để không bị rơi vào tình trạng buộc phải thay đổi mới là vững bền nhất.
Thay đổi để tốt lên! Người đứng đầu Tập đoàn viễn thông số 1 Việt Nam khuyên rằng, hãy bỏ lại sau mình những thành công, hãy không bám víu vào quá khứ để khởi tạo một việc mới.