Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, vị thuyền trưởng truyền cảm hứng của Viettel

23/07/2018 09:42

Ông Nguyễn Mạnh Hùng tạo nên một Viettel khác biệt, từ một nhà mạng chỉ đứng thứ 4 lên vị trí thứ nhất, mở ra cuộc bùng nổ viễn thông tại Việt Nam và đạt được nhiều thành công ở thị trường nước ngoài.

Cách đây vài năm, Nokia bán nốt phần vốn còn lại cho Microsoft. Đế chế đáng giá nhất châu Âu từng chiếm 40% thị phần điện thoại di động thế giới, hiện hữu kiêu hãnh ở 150 quốc gia đã chấp nhận lùi bước. CEO của Nokia đã nói trong giờ phút cuối cùng “chúng tôi không làm gì sai cả, nhưng chúng tôi vẫn thất bại”.

Câu chuyện từ Nokia như một lời thức tỉnh với Viettel, công ty viễn thông hàng đầu Việt Nam và hiện đã có mặt ở 10 quốc gia trên thế giới với thị trường 320 triệu dân, 100 triệu khách hàng. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng từng trăn trở: "Phải chăng nếu chúng ta không kịp thay đổi, chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi cho dù chúng ta có to lớn, vĩ đại đến đâu chăng nữa?Phải chăng nếu suy nghĩ, tư duy và cách tiếp cận của chúng ta không bắt kịp thời đại, cứ bám víu vào những cách làm, kinh nghiệm vốn mang lại thành công trong quá khứ, chúng ta cũng lập tức bị hất văng khỏi thế giới này, không một chút thương tiếc?"

Không ngừng thay đổi là khát vọng của Viettel trong suốt quá trình từ người tí hon thành gã khổng lồ! Và trên chặng đường ấy, ông Nguyễn Mạnh Hùng, vị thuyền trưởng luôn là người "truyền lửa".

Thay đổi để tốt lên, tạo sự khác biệt

Ông Nguyễn Mạnh Hùng mang quân hàm thiếu tướng, đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Viettel từ năm 2014, kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT từ tháng 6/2018. Tuy nhiên từ nhiều năm trước đó, ông Hùng đã gắn bó với Viettel, đưa Viettel trở thành tập đoàn hùng mạnh, phá thế độc quyền trên thị trường viễn thông Việt Nam.

Ông Hùng sinh năm 1962 tại tỉnh Phú Thọ, tốt nghiệp chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Liên Xô, Thạc sĩ viễn thông ở Australia, Thạc sĩ quản trị kinh doanh ở Đại học Kinh tế Quốc dân.

Gắn bó với Viettel từ những ngày đầu thành lập, ông Hùng trải qua nhiều vị trí như trợ lý kỹ thuật, Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Đầu tư Phát triển, Phó giám đốc Công ty Viễn thông Quân đội (năm 2000), Phó tổng giám đốc Viettel (năm 2010). Năm 2017, thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng được bình chọn là một trong 10 người có ảnh hưởng lớn nhất Internet Việt Nam trong 10 năm qua theo công bố của Hiệp hội Internet Việt Nam.

Suốt quá trình công tác tại Viettel, ông Hùng được xem là người vạch chiến lược đưa dịch vụ viễn thông về nông thôn, bình dân hóa điện thoại di động, đưa vượt xa các đối thủ cạnh tranh trong nước.

Ông kể rằng thời điểm Viettelphủ sóng viễn thông, chiến lược nông thôn bao vây thành thị, các hãng khác đã khá thành công ở các thành phố lớn do khả năng chi trả tốt của khách hàng, mức giá cũng hấp dẫn. Viettel xác định chất lượng ở thành phố đạt tới 95%, nếu có thể làm tốt hơn lên 97% thì khá tốn kém mà sự khác biệt cũng không nhiều. Tuy nhiên ở nông thôn thì khác, viễn thông giống như thuốc phiện, về quê không thể có sóng thì không còn hấp dẫn. Do đó, Viettel chọn khu vực nông thôn, tạo cho khách hàng suy nghĩ ở nông thôn còn có thể dùng được thì ở thành phố còn tốt hơn nhiều.

Mang khát vọng mỗi người dân Việt Nam phải có một chiếc máy điện thoại di động, Viettel đã thực sự làm nên cuộc bùng nổ viễn thông, được thế giới nhắc đến như một hiện tượng. Chỉ trong vòng 4 năm, sau khi Viettel tham gia thị trường viễn thông, mật độ điện thoại di động tại Việt Nam tăng từ 4% lên 100%. Trong khi 10 năm trước đó, mật độ điện thoại di động chỉ tăng được 4%.

Trong khi nhiều người nghĩ rằng công nghệ càng cao giá càng đắt thì Viettel lại quan niệm, công nghệ càng cao thì giá càng rẻ. Nếu như Apple đưa chiếc iPhone giá hàng ngàn đô tới cho 10% người giàu nhất thì Viettel quyết tâm mang chiếc smartphone đến cho 90% số người còn lại.

Không tìm ra được dịch vụ khác biệt thì kiên quyết không làm là điều mà vị thuyền trưởng của Viettel luôn kiên định. Cho nên, không chỉ ở từ chiếc điện thoại, khi làm về công nghệ thông tin, Viettel cũng có hướng đi khác biệt với FPT, đơn vị có 20 năm kinh nghiệm trong ngành.

Ông Hùng thừa nhận đội ngũ Viettel không thể giỏi bằng ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cũng như FPT có đội ngũ giỏi từ Nga về. Nhưng thời điểm đó, Viettel nhận ra rằng FPT viết phần mềm cho máy tính để bàn, còn Viettel có các thiết bị di động, nên chọn hướng viết ứng dụng trên nền tảng di động như Ipad, Laptop, Smatrtphone. FPT bị thúc đẩy lợi nhuận nên đa số dự án CNTT là mua bán trọn gói phần mềm. Viettel không bị chi phối nhiều vào câu chuyện đó nên đã đầu tư phần cứng, viết phần mềm và cho thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Khách hàng của Viettel là các bộ, ngành, tổng công ty không thể nuôi một hệ thống CNTT, muốn thuê dịch vụ và cứ 3 năm lại phải đấu giá dịch vụ một lần.

"Cuộc đời và thượng đế cũng chỉ mỉm cười với bạn một đôi lần thôi, nếu bạn không nắm được đúng thời cơ thì có thể không bao giờ bạn có lại cơ hội đó", ông Hùng nhắn nhủ.

Do đó, thay đổi vào lúc mọi thứ đang ổn là “một quyết định khó khăn với người chỉ huy”. Nhưng chủ động để không bị rơi vào tình trạng buộc phải thay đổi mới là vững bền nhất.

Thay đổi để tốt lên! Người đứng đầu Tập đoàn viễn thông số 1 Việt Nam khuyên rằng, hãy bỏ lại sau mình những thành công, hãy không bám víu vào quá khứ để khởi tạo một việc mới.

 

Kết nối những ước mơ

Tạo ra một sự bùng nổ viễn thông trong nước nhưng đó chưa phải điểm dừng của Viettel. Tập đoàn này đã bền bỉ suốt chục năm ròng mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Đến nay, Viettel đã có mặt trên 10 quốc gia khác nhau là Campuchia, Lào, Haiti, Mozambique, Đông Timor, Cameroun, Peru, Burundi, Tanzania, Myanmar. Hoạt động trên nhiều múi giờ, tại ba châu lục Á, Phi và Mỹ La tinh nên mặt trời đã không bao giờ tắt ở Viettel, theo ông Hùng.

Tổng kết 10 năm đầu tư ra nước ngoài, vị thuyền trưởng nói nếu ở Việt Nam, Viettel lập kỷ lục của thế giới là trong vòng 4 năm, từ nhà mạng thứ 4, vươn lên thứ nhất. Thì tại Campuchia – thị trường nước ngoài đầu tiên, Viettel chỉ mất 3 năm; tại Mozambique – thị trường nước ngoài thứ tư, Viettel mất 1 năm và tại Burundi – thị trường thứ 9, Viettel chỉ mất 6 tháng để có được vị trí số 1. Viettel đã đứng ở vị trí số 1 tại 5 thị trường là Lào, Campuchia, Đông Timor, Mozambique và Burundi. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của các thị trường đều đạt 20 - 30%, cao gấp gần 10 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành viễn thông trên thế giới.

Ông Hùng phân tích yếu tố tạo nên thành công ở thị trường nước ngoài của Viettel là đầu tư vào công nghệ, hạ tầng, chuyển giao và đào tạo cho người sở tại và đặc biệt, xây dựng những thương hiệu riêng cho mỗi thị trường. Vì thế, mỗi công ty mà Viettel đầu tư là thương hiệu, niềm tự hào của quốc gia đó, là công ty của chính những người sở tại.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, 8/10 thị trường quốc tế của Viettel đã kinh doanh có lãi. Thị trường này gồm Peru, Campuchia, Lào, Haiti, Burundi, Đông Timor, Mozambique và Cameroon; trong đó, 3 thị trường đã hoàn vốn đầu tư (Lào, Campuchia, Đông Timor) và đứng số 1 tại thị trường về mạng lưới viễn thông, đã thu về gấp 4 - 5 lần giá trị vốn đầu tư.

Hai thị trường còn lỗ kế hoạch là Tanzania (mới kinh doanh 2 năm) và Myanmar (khai trương hôm 9/6/2018). Tuy nhiên, cả 2 thị trường này đều có tốc độ tăng trưởng tốt.

Do đó, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Gia đình Viettel toàn sẽ mở rộng ra 20 - 30 - 40 nước, với dân số hàng tỷ người. Viettel phải trở thành một tập đoàn toàn cầu, nằm trong top 20 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên ông Hùng vẫn quan điểm với Viettel, sự thành công không chỉ dựa vào con số doanh thu hay lợi nhuận mà ở việc mình đã giải quyết được các vấn đề gì của xã hội. Tại Việt Nam, Viettel đã tham gia giải quyết được vấn nạn tin nhắn rác, bảo vệ không gian mạng, nơi mà hệ thống quản lý của Chính phủ chưa được quan tâm đúng mức. Tại Campuchia, Viettel đã triển khai hệ thống ví điện tử giúp người dân chuyển tiền an toàn và nhanh chóng. Tại Mozambique, Viettel đã xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến. Tại Peru, Viettel đã khuyến khích người dân nghe nhạc của chính dân tộc mình.

Với sự có mặt của Viettel ở thị trường điện thoại thông minh và di động băng thông, chi phí của smartphone hiện đã rẻ đi 10 lần so với máy tính. Giá của dịch vụ internet di động cũng rẻ hơn 10 lần so với Internet cố định. Rẻ đi 10 lần có nghĩa là mỗi người dân ở các quốc gia mà Viettel đầu tư đều có thể có một chiếc điện thoại thông minh kết nối internet di động. 10 năm trước, đó là một ước mơ của bất kỳ một quốc gia đang phát triển nào. Nay, điều đó đã thành hiện thực và cũng làm thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo.

Viettel cũng đã tạo nên một câu chuyện thế giới phẳng về viễn thông đầu tiên trên thế giới khi xóa bỏ cước roaming cho người dân 3 quốc gia sử dụng mạng Viettel (Việt Nam), Metfone (Campuchia) và Unitel (Lào). Đây chính là nỗ lực suốt chục năm của Viettel, giúp cho giá cước viễn thông vốn được coi là thứ hàng hoá xa xỉ, trở thành bình dân, phổ cập để ai cũng có thể sử dụng. Và đóng góp không nhỏ vào thành công đó là vai trò dẫn dắt của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo Khổng Chiêm/NDH