Elon Musk được biết đến là doanh nhân thứ hai tại thung lũng Silicon thành công trong việc tạo ra 3 công ty có vốn hóa thị trường hơn 1 tỷ USD, bao gồm PayPal, SpaceX và Tesla Motors.
Ở thung lũng Silicon, nơi chứng kiến sự phát triển từng ngày từng giờ của ngành công nghiệp 4.0 thì tư duy “thay đổi thế giới” (change the world) không phải chỉ duy nhất Steve Jobs mới có. Thực tế, Elon Musk cũng là một cá nhân như thế. Ông chính là người trực tiếp tham gia vào việc thiết kế xe điện và tàu không gian. Elon Musk cũng xây dựng mục tiêu phát triển cho SolarCity, Tesla Motors và SpaceX xoay quanh tầm nhìn thay đổi thế giới và tiếp bước cho nhân loại. Mục tiêu của ông bao gồm làm giảm sự nóng lên toàn cầu thông qua việc sử dụng và tiêu thụ năng lượng bền vững, làm giảm nguy cơ tuyệt chủng của loài người bằng cách hiện thực hóa cuộc sống trên sao Hỏa.
Khởi đầu với Zip2 Corporation vào năm 1995, Musk và em trai mình, Kimbal đã huy động được 28.000 USD từ bố và các quỹ đầu tư thiên thần. Đó là thời điểm cộng đồng Internet bắt đầu bùng nổ và giới báo chí đang tận dụng tối đa môi trường mới này. Zip2 đã ra đời đúng lúc và trở thành nơi chuyên cung cấp bản đồ và danh bạ các doanh nghiệp cho các tờ báo mạng. Họ thậm chí đã giành được hợp đồng với các tờ báo lớn như The New York Times và Chicago Tribune.
Sau đó, Hội đồng quản trị có cái nhìn dài hạn và đẩy Elon ra khỏi vị trí CEO vì cho rằng ông thiếu nhiều tố chất lãnh đạo cần thiết. Họ quyết định bán Zip2 cho Compaq và Elon Musk nhận được 7% giá trị thương vụ, tức khoảng 22 triệu USD.
Đây sẽ là một câu chuyện quen thuộc khi chúng ta nói về Musk, ông luôn hoàn thành một mạo hiểm, rồi ngay lập tức chui đầu vào một mạo hiểm mới - khó khăn hơn, phức tạp hơn. Nếu lúc ấy Musk làm theo quy tắc của các triệu phú Internet, ông hẳn đã nghỉ hưu, tận hưởng những tháng ngày thư giãn và chỉ đi đầu tư, hoặc bắt đầu một công ty mới với tiền của người khác. Tuy nhiên, Musk thường không có xu hướng làm theo các quy tắc thông thường, ông đã dồn 3/4 số tiền của mình vào một ý tưởng mới, một kế hoạch cực kỳ táo bạo, đó là X.com. 1 năm sau đó, X.com sáp nhập với Confinity, một công ty dịch vụ tài chính trực tuyến khác và nhanh chóng trở thành yếu tố quan trọng nhất của công ty, X.com tập trung vào dịch vụ và đổi tên thành PayPal vào năm 2001.
PayPal ngay lập tức trở thành hệ thống thanh toán trực tuyến được nhiều người lựa chọn, từ con số vài ngàn ban đầu đã tăng đột biến lên hơn 1 triệu tài khoản trong vòng vài tháng. Sự kiện này được ghi nhận sẽ mở ra một hình thức thanh toán mới thông qua dịch vụ Internet.
Tuy nhiên, khó khăn lại tiếp tục thử thách Musk vì những bất đồng quan điểm với Hội đồng quản trị. eBay ngay sau đó đã mua lại PayPal với giá 1,5 tỷ USD và đây được đánh giá là một thương vụ “đắt đỏ” nếu so với tiêu chuẩn của các công ty Internet vào thời điểm đó. Musk đã nhận được 165 triệu USD cho phần góp vốn 11,7% của ông trong PayPal.
Trước khi thương vụ PayPal hoàn tất, Musk đã nung nấu ý tưởng về một “Ốc đảo sao Hỏa”, một dự án trồng cây trên sao Hỏa và đẩy mạnh việc thăm dò không gian. Cuối năm 2002, Musk sáng lập nên SpaceX, công ty sản xuất hàng không vũ trụ tại California, với mục tiêu tạo nên tên lửa vũ trụ với giá thành rẻ gấp nhiều lần.
Musk cho rằng SpaceX là một trong những phát kiến vĩ đại nhất trong lịch sử 4,5 tỉ năm của Trái đất bởi vì: “Sự sống trên Trái đất phát triển từ đơn bào thành sinh vật đa bào, tiến lên đất liền, trở thành cây cối và động vật phức tạp. Theo đó tôi cho rằng, việc sự sống đi từ trái đất sang một hành tinh khác quan trọng không kém gì sự sống đặt chân từ đại dương lên đất liền”.
SpaceX cũng đã vẽ nên được nhiều thành tựu cho riêng mình. Vào năm 2009, Falcon 1 đi vào lịch sử ngành hàng không vời tư cách là tên lửa tư nhân đầu tiên đưa một vệ tinh bay vào quỹ đạo Trái Đất. Sau đó, đến lượt Dragon trở thành tàu bay thương mại đầu tiên trên thế giới năm 2012 kết nối với Trạm vũ trụ quốc tế ISS. Đến tháng 12/2015, động cơ đẩy của tên lửa Falcon 9 khi khi lên đến quỹ đạo đã tách ra và lần đầu trở về trái đất an toàn. Vào tháng 4/2016, sau nhiều nỗ lực bất thành, tên lửa không người lái của SpaceX đã hạ cánh thành công xuống bệ nổi giữa Đại Tây Dương. Gần đây nhất, vào dịp Giáng sinh 2017 vừa qua, Elon Musk đã tạo nên một màn trình diễn tên lửa tuyệt vời, hình ảnh ấn tượng khi Falcon 9 bay ngang qua bầu trời khiến dân tình một phen hoảng loạn vì cứ ngỡ rằng là UFO.
Còn với Telsa, Musk ban đầu chỉ là một nhà đầu tư, ông đã đặt cược 7,5 triệu USD vào một công ty xe hơi non trẻ. Không chỉ mang lại danh tiếng và các khoản đầu tư, Musk còn đóng một vai trò tích cực trong công ty, đó là quản lý thiết kế của Tesla Roadster, đi sâu vào nghiên cứu sợi carbon và nhiều thứ khác. Musk tiếp quản vị trí CEO của Tesla Motors vào năm 2008. Chiếc xe đầu tiên của công ty là Tesla Roadster đã bán được 2.500 chiếc tại 31 quốc gia.
Một vấn đề ô tô điện phải đối mặt là thiếu trạm nạp điện, đặc biệt là khi so sánh với mạng lưới các trạm xăng dầu trên toàn cầu. Trong năm 2013, Musk cho biết Tesla đang đầu tư vào việc tạo ra nhiều trạm Supercharger hơn ở bờ biển phía Đông và phía Tây nước Mỹ. Ông cũng thông báo rằng Tesla Motors sẽ cho phép các nhà sản xuất khác sử dụng các bằng sáng chế công nghệ của mình để thúc đẩy sự phát triển của ô tô điện trên toàn thế giới.
Với công việc như thế tại Tesla, tính đến năm 2014, mức lương hàng năm của Musk chỉ vào khoảng 1 USD/năm với các khoản thưởng khác. Tuy vậy, cũng như SpaceX, Musk nhấn mạnh rằng Tesla không chỉ là nơi kiếm tiền mà “rõ ràng Tesla đang giúp giải quyết vấn đề tiêu thụ năng lượng một cách bền vững, cũng như chúng ta cần phải sản xuất năng lượng một cách bền vững.”
SolarCity là nơi giải quyết vấn đề năng lượng như thế, là công ty chuyên thiết kế, sản xuất và lắp đặt các tấm pin mặt trời. SolarCity cũng cùng với Tesla Motors xây dựng các trạm sạc xe điện. Telsa đã chính thức mua lại SolarCity hồi tháng 6/2016.
Cuộc đời và sự nghiệp của tỷ phú Elon Musk dường như chính xác với câu nói “Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là do khổ luyện” của Thomas Edison. Dù gì đi nữa, chúng ta cũng phải công nhận, ông đã đóng góp hết sức tích cực cho thế giới. Ít ai có thể làm được như Musk, đầu tư vào tìm kiếm các giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết các vấn đề môi trường và tính bền vững, thúc đẩy hoạt động các dự án tạo ra lợi ích vô cùng lớn cho nhân loại.
Elon Musk cho rằng mình không kinh doanh mà chỉ “đơn giản theo đuổi những mục tiêu của mình”. Ông từng chia sẻ “Hiện tại các bạn nhìn thấy tôi là một doanh nhân rất thành đạt và có rất nhiều tiền đúng không? Nhưng tôi không phải là người tài giỏi tuyệt đối về mọi mặt, tôi cũng từng mắc rất nhiều sai lầm và thất bại”. Thật đúng như vậy, trước khi trở thành tỷ phú, tài sản duy nhất mà Elon Musk có được chính là sự thông minh, nhạy bén và sự kiên trì vượt qua thất bại.
“Thất bại ở đây là một sự lựa chọn. Nếu không có thất bại thì sẽ không có đủ động cơ để đổi mới. Vì thế, nếu có điều gì đủ quan trọng thì bạn hãy cố gắng thực hiện điều đó, kể cả khi thất bại là điều gần như có thể thấy trước.”- Elon
Ý Nhi
Mời các bạn đón xem Kỳ 3 - Elon Musk tiến vào kỷ nguyên 4.0 như thế nào?
Các bạn có thể tìm bài đọc kỳ trước tại đây:
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/goc-khuat-elon-musk-ky-2-hanh-trinh-day-cam-hung-va-khong-ngung-tu-duy-a38267.html