Tỷ phú Richard Branson đã nói như thế này khi được hỏi về người đàn ông “chất” nhất quả đất Elon Musk: “Bất cứ thứ gì những kẻ hoài nghi nói là không thể làm được, Elon đã ra tay và biến thành hiện thực. Còn nhớ vào những năm 1990, khi chúng ta phải gọi điện cho người lạ và đưa họ số thẻ tín dụng của mình không? Elon đã phát minh ra một thứ nho nhỏ gọi là PayPal. Các công ty Tesla Motors và SolarCity của ông đang biến tương lai của năng lượng tái tạo – năng lượng sạch thành hiện thực… còn công ty SpaceX của ông thì đang một lần nữa mở ra cánh cửa cho chúng ta khám phá vũ trụ… thật ngược đời khi mà Elon đang vừa nỗ lực cải thiện hành tinh của chúng ta, vừa chế tạo tàu vũ trụ để chúng ta rời khỏi nó.”
Là một người dám nghĩ dám làm, Elon Musk đã tạo nên sự khác biệt chính từ tư tưởng. Khi còn ngồi trên ghế đại học, ông định hướng cuộc đời mình với một câu hỏi mang tính thời đại, rằng “Thứ gì sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến tương lai của nhân loại?” Và cuộc đời của ông là hành trình đi tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi ấy, bao gồm: “Internet; năng lượng bền vững; thám hiểm không gian, đặc biệt là việc con người bành trướng ra bên ngoài Trái Đất; trí tuệ nhân tạo; và tái lập trình bộ mã di truyền của con người.”
Ban đầu, Internet, năng lượng bền vững là hai lựa chọn chắc chắn của Elon Musk và ông quyết định đi theo con đường đó. Theo Elon, đó chính là chìa khóa cho một tương lai năng lượng bền vững, đồng thời đẩy nhanh sự ra đời của ngành công nghiệp ô tô điện để thay thế cho ô tô truyền thống gây tác động xấu lên môi trường. Elon Musk thừa nhận ông chưa từng nghĩ sau này mình sẽ tham gia vào lĩnh vực không gian; thậm chí, ông còn không chắc chắn về trí tuệ nhân tạo và tái lập trình bộ mã di truyền của con người trong tương lai. Nhưng rõ ràng, tư tưởng xuất phát điểm của ông đã quá khác biệt so với thời đại.
Chris Anderson, người chủ trì các buổi TED Talks, gọi Musk là “doanh nhân đương thời đáng chú ý nhất thế giới”. Tất cả những thành tựu Musk đạt được đã phần nào biến ông trở thành một huyền thoại sống, một thủ lĩnh công nghệ thực sự trong tương lai.
Với việc xây dựng một công ty ô tô khởi nghiệp thành công cùng mạng lưới trạm Supercharger rộng khắp toàn thế giới, Musk được so sánh với hai nhà công nghiệp có tầm nhìn xa như Henry Ford và John D. Rockefeller, tuy ở thời đại khác nhau, trên những chiến tuyến khác nhau nhưng họ luôn cùng chí hướng - đấu tranh cho tương lai đất nước và sự tiến bộ của nhân loại. Với công trình tiên phong của SpaceX trong công nghệ tên lửa, nhiều người đã chỉ ra sự tương đồng giữa Musk và Howard Hughes – từng là ông trùm kinh doanh của Mỹ và là kỹ sư hàng không với hai phát minh quan trọng đóng góp rất lớn cho ngành hàng không, đó là càng hạ cánh và đinh tán phẳng giúp giảm kéo không khí và tăng tốc độ. Thậm chí, Musk còn được ví von như Thomas Edison của thời đại ngày nay với những tiến bộ kỹ thuật mà ông đạt được trong các ngành công nghiệp. Nhưng có lẽ thường xuyên nhất là ông được so sánh với Steve Jobs, vì khả năng nổi bật của ông trong việc đột phá các ngành công nghiệp khổng lồ và lâu đời bằng những thứ khách hàng thậm chí còn không biết là mình muốn.
Với khả năng hơn người như vậy, một số người tin rằng Musk sẽ đi vào lịch sử như một người riêng biệt. Ashlee Vance – nhà báo công nghệ và người viết tiểu sử của Musk – đã nêu ý kiến rằng, thứ mà Musk đang xây dựng “có tiềm năng trở nên lớn lao hơn bất cứ thứ gì mà Hughes hoặc Jobs từng chế ra. Musk biết nắm lấy những ngành công nghiệp mà nước Mỹ dường như đã từ bỏ, như công nghiệp không gian và ô tô, và ông đã tái tạo chúng thành những thứ mới mẻ, tuyệt vời.”
Có thể nói rằng, Elon Musk chính là một tỷ phú tài năng với các ý tưởng đến từ tương lai. Ông thậm chí còn có ý tưởng về “phương thức vận chuyển thứ năm”. Khi nền văn minh đã phát triển nên máy bay, tàu hỏa, xe ô tô và tàu thuyền thì đến lượt Musk công bố ý tưởng tạo nên phương thức di chuyển tốc độ cao, mang tên Hyperloop vào năm 2013. Theo đó, những toa tàu sẽ di chuyển bên trong những đường ống, sử dụng động cơ cảm ứng tuyến tính và máy khí nén, mà theo Musk có thể cho tốc độ từ 800km/h đến 1.200km/h. Như vậy, hành khách chỉ mất chưa tới 30 phút để di chuyển quãng đường 615km từ Los Angeles đến San Francisco. Điều này thật đáng kinh ngạc! Cùng với sự trợ giúp của các tấm pin mặt trời tiết kiệm năng lượng, sẽ giúp làm giảm tối đa chi phí so với giá vé hàng không. Dự kiến Hyperloop sẽ được đưa vào sử dụng trên Trái đất năm 2020.
Bên cạnh đó, chuyến bay đầu tiên có người lái tới sao Hỏa theo tính toán của Elon Musk sẽ được thực hiện vào năm 2024. Ông cũng dự báo tới năm 2040, sẽ thiết lập thuộc địa trên sao Hỏa với dân số sống trên đó khoảng 800.000 người. Vì sao phải lên sao Hỏa ư? Vì Musk tin rằng loài người có thể bị tuyệt diệt chẳng khác gì loài khủng long ngày xưa. Vi-rút, núi lửa, thiên thạch khổng lồ... đều có thể dễ dàng tiễn toàn bộ loài người đi cùng các vị khủng long tiền bối. Chính vì thế, thám hiểm không gian theo Musk là một bước quan trọng để mở rộng không gian sinh tồn, hoặc chí ít là để bảo tồn sự sống cho nhân loại.
Động cơ tên lửa Falcon và phi thuyền Dragon của SpaceX, xe ôtô sử dụng động cơ điện của Tesla, năng lượng tái tạo của SolarCity, hệ thống vận chuyển Hyperloop, và mới đây là trí tuệ nhân tạo Open AI... tất cả những thứ ấy đều nằm trong tầm nhìn lớn lao của Elon Musk: đưa nhân loại vào một cuộc sống liên hành tinh, cách duy nhất để hạn chế rủi ro cho sự tồn tại của loài người. Nhưng trước mắt, tất cả những công nghệ mà SpaceX, Tesla, SolarCity phát triển đã và đang phục vụ đắc lực cho con người ở hiện tại.
Nếu so với một người bình thường, Elon Musk quả là một gã “quái vật công nghệ” dị thường, thậm chí khùng điên ngoại cỡ. Nhưng đôi khi đó lại là một tố chất cần thiết cho một người hùng đi giải cứu thế giới.
Ý Nhi
Các bạn có thể tìm các bài đọc kỳ trước tại đây:
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/goc-khuat-elon-musk-ky-cuoi-elon-musk-tien-vao-ky-nguyen-4-0-nhu-the-nao-a39349.html