Thương hội của Trung Quốc lý giải nguyên nhân nông sản Việt xuất sang Trung Quốc gặp khó

Ông Su De Mao, Hội trưởng Thương hội xuất nhập hoa quả ASEAN, thành phố Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốccho rằng, Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn để xuất khẩu rau, quả và các mặt hàng nông sản khác vào Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của 1,3 tỉ dân nước này. Nhưng cũng giống như Việt Nam, người tiêu dùng Trung Quốc có đời sống ngày càng khá giả nên yêu cầu cao về chất lượng, đặc biệt nông sản phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Đó cũng là lý do cơ quan kiểm dịch phía Trung Quốc mới đây đã có yêu cầu bổ sung thêm thủ tục truy xuất về nguồn gốc rau quả nhập từ Việt Nam.

Đó là thông điệp ông Su De Mao, Hội trưởng Thương hội xuất nhập hoa quả ASEAN, thành phố Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, gửi đến đại diện cộng đồng doanh nghiệp, các hợp tác xã Việt Nam tại buổi hội thảo hồi tháng 5 tại Hà Nội.

Theo ông Su De Mao, Hội trưởng Thương hội Xuất nhập khẩu hoa quả China - Asean Bằng Tường , Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng, đã tiêu thụ một lượng lớn hoa quả của Việt Nam, trong đó phải kể đến các loại trái cây như thanh long, dưa hấu và xoài.

"Thị trường Trung Quốc có nhu cầu lớn về ba loại trái cây này. Về dưa hấu, ở Trung Quốc cũng có trồng và thường vào mùa tầm tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8. Trong khi đó, dưa hấu ở Việt Nam có từ tháng 11 đến tháng 5, cho nên khi trái vụ, hoa quả Việt Nam rất có tiềm năng khai thác thị trường Trung Quốc. Vấn đề ở đây là làm sao Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa", ông Su De Mao cho biết.

Cũng theo đại diện Thương hội Xuất nhập khẩu hoa quả China - Asean Bằng Tường, sản lượng nhập khẩu hoa quả của Trung Quốc mỗi năm là hơn 4 triệu tấn, tương đương khoảng 100 tỷ Nhân dân tệ. Riêng cửa khẩu Bằng Tường là 2,3 triệu tấn, trong đó thương hội của ông Su De Mao chiếm khoảng 80% lượng nhập khẩu hoa quả từ Bằng Tường.

Mặt khác, theo thông tin do ông Su De Mao đưa ra thì hiện nay, tỷ lệ hoa quả theo đường biên mậu (tiểu ngạch) ngày càng giảm xuống, chỉ còn 20%, đồng nghĩa 80% còn lại là chính ngạch.

"Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc thường xuyên không ổn định. Nguyên nhân chính là do sự cạnh tranh. Một số hoa quả Việt Nam xuất khẩu sang thì Trung Quốc cũng sản xuất, trồng trọt, ví như dưa hấu. Từ đó, thời điểm Trung Quốc vào mùa sẽ ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ của Việt Nam. Cho nên quan trọng nhất là doanh nghiệp Việt Nam phải nắm được thông tin từ thị trường Trung Quốc", ông Su De Mao nói.

Ngoài ra, ông Su De Mao cũng cho rằng, để cải thiện tình hình xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Việt Nam phải xây dựng những thương hiệu riêng, chất lượng đảm bảo để nâng cao sức cạnh tranh. Chỉ khi đó người tiêu dùng Trung Quốc mới ưa thích và lựa chọn sản phẩm Việt.

Ông Su De Mao đã dành nhiều lời khen ngợi quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc từ nhiều năm nay khi thịt quả dầy, hạt nhỏ và có vị ngọt đậm. Cũng theo đại diện Thương hội xuất khẩu hoa quả ASEAN, ngay trong tháng tới thương hội này sẽ tổ chức các đoàn thương nhân sang Việt Nam khảo sát và chuẩn bị cho mùa thu mua, nhập khẩu vải thiều Việt Nam.
Thương hội xuất nhập khẩu hoa quả ASEAN cũng cho biết là họ đã ký hợp với Công ty cổ phần Lavifood (TP.Hồ Chí Minh) đơn hàng trị giá 100 triệu USD để xuất khẩu hoa quả chính ngạch từ Việt Nam vào thị trường Trung Quốc, trong đó có trái Thanh Long.
>>> Trung Quốc ngưng mua, thanh long Bình Thuận rớt giá, còn 1.000 đồng/kg

Dũ Ca (t/h)

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thuong-hoi-cua-trung-quoc-ly-giai-nguyen-nhan-nong-san-viet-xuat-sang-trung-quoc-gap-kho-a46735.html