Trung Quốc ngưng mua, thanh long Bình Thuận rớt giá, còn 1.000 đồng/kg

07/10/2018 00:09

Từng là thủ phủ thanh long, hiện tại Bình Thuận, loại trái cây này có giá chỉ 1.000-2.000 đồng/kg nhưng không có thương lái thu mua. Nhiều nơi thanh long chất đống, đổ cho bò ăn.

Từng là thủ phủ thanh long, hiện tại Bình Thuận, loại trái cây này có giá chỉ 1.000-2.000 đồng/kg nhưng không có thương lái thu mua. Nhiều nơi thanh long chất đống, đổ cho bò ăn.

"Chưa năm nào giá lại rớt thê thảm như năm nay. Giá đã xuống tận đáy nhưng nhiều nhà vườn vẫn chưa thể bán được”, anh Hận - một nông dân trồng thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam, than thở.

Hiện thanh long loại tốt chỉ có giá 1.000-2.000 đồng/kg, thanh long xấu thì chắc chắn đổ bỏ.

Thanh long bán rẻ như cho còn 1.000 đồng/kg

Nhiều ngày nay, nông dân tại một số khu vực trồng nhiều thanh long của tỉnh Bình Thuận như Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân… điêu đứng vì không thể tìm được đầu ra cho thanh long.

Do thương lái không thu mua, nông dân buộc tự bỏ trái để chuẩn bị vụ mùa sau.

3 ha thanh long với sản lượng chục tấn đang chín đỏ nhà anh Hận đang phải neo trái tại vườn. Anh nói có nguy cơ vụ mùa năm nay sẽ mất trắng.

Trong trường hợp thương lái không mua, những nông dân như anh Hận buộc phải tự chặt bỏ để dưỡng cây cho vụ mùa tiếp theo. Đây là lý do hiện thanh long tỉnh Bình Thuận chất đống khắp vườn, thậm chí đổ bỏ cho bò ăn.

“Trước đây, giá thanh long đỉnh điểm lên đến hơn 25.000 đồng/kg. Thời điểm đó, nông dân có thể làm giàu với thanh long nhưng giờ họ trả mão cả vườn chục tấn mà chưa đến chục triệu thì lỗ nặng”, anh nói.

Nhiều nông dân cho rằng với chi phí đầu tư lớn, nhất là những hộ chong đèn, mỗi kg thanh long bán ra thị trường với giá từ 10.000 đồng họ mới mong có lãi. Vì vậy, đây là vụ mùa mà nhiều gia đình đầu tư cho thanh long ở thủ phủ Bình Thuận đang phải khóc ròng.

Thanh long xuất sang Trung Quốc đang bị ứ hàng

Chia sẻ với Zing.vn, anh S., chủ một cơ sở lớn chuyên thu mua thanh long tại tỉnh Bình Thuận cho hay hiện nguồn cung cấp thanh long trong tỉnh đã vượt nhu cầu.

“Hiện tôi đã tạm ngưng thu mua của nông dân, nguyên nhân là thanh long tại Trung Quốc đang bị ứ hàng. Chỉ khi nào giải quyết xong thanh long tại thị trường này, tôi mới có thể thu mua lại của nông dân”, anh S. nói.

Thanh long Bình Thuận đang chín đỏ vườn, nhiều gia đình cho hay vụ mùa này họ mất trắng.

Theo chủ cơ sở này, năm nay do thời tiết thuận lợi nên thanh long của nhiều vùng trong tỉnh đồng loạt chín rộ, không còn theo chu kỳ cuốn chiếu, tức hết vùng này rộ trái đến vùng khác như thường lệ. Đồng thời, nhiều gia đình chong đèn thanh long khiến sản lượng tăng cao hơn nữa.

Trước thời điểm này, tức Tết Trung thu và dịp lễ lớn của Trung Quốc, thanh long Bình Thuận vẫn được rất chuộng. Tuy nhiên, do nguồn cung vượt cầu nên ngay tại thị trường lớn nhất của thanh long Việt Nam là Trung Quốc cũng trở nên “dội hàng”.

Theo thống kê, hiện tỉnh Bình Thuận là địa phương cung cấp thanh long cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu lớn nhất cả nước với diện tích hơn 27.000 ha, cho sản lượng hơn 600.000 tấn/năm.

Trong đó, hơn 80% đều được xuất khẩu qua con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Vì vậy, khi thị trường này không tiếp nhận, người trồng thanh long không còn nơi tiêu thụ.

Không riêng Bình Thuận, nông dân một số khu vực khác như Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang… cũng đang điêu đứng vì thanh long rớt giá và không tìm được đầu ra. Hiện các kho trữ thanh long Bình Thuận xuất khẩu sang Trung Quốc đã quá tải nên không còn chỗ cho những nơi khác.

Trong một hội thảo gần đây về nông sản Việt, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang là thị trường tiêu thị nông sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó có trái thanh long.

Tuy nhiên, thay vì xuất khẩu chính ngạch, hiện các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong nước chủ yếu dùng con đường tiểu ngạch (biên mậu) thông qua biên giới.

Các chuyên gia cho rằng hình thức xuất khẩu này không bền vững và luôn rình rập nhiều rủi ro. Để không vướng phải tình cảnh “được mùa mất giá”, nông dân cần tìm hiểu kỹ về nhu cầu thị trường, ngày càng chú trọng chất lượng hơn là sản lượng làm ra.

Phúc Minh

Theo ZingNews