Chủ Nhà hàng Au Lac Do Brazil, Nguyễn Thị Nga: Nhân duyên là số một

Yếu tố then chốt mang đến niềm hạnh phúc và sự thành công trong cuộc sống cũng như trong công việc của chị Nga có lẽ chính là mối nhân duyên giữa người với người…

Những tháng cuối năm 2003, trên con đường Pasteur rợp bóng cây xanh của TP.HCM, trong căn biệt thự mang đậm lối kiến trúc Pháp cổ, trầm mặc bỗng vang lên giai điệu samba rộn ràng, xuất hiện cách bày trí phóng phóng và những con người đặc biệt. Đó chính là Au Lac Do Brazil, nhà hàng đầu tiên tại Việt Nam mang đậm những nét đặc trưng của ẩm thực Brazil truyền thống. Ngạc nhiên hơn cả, chủ nhà hàng là một phụ nữ Việt, chứ không phải một người nước ngoài hay Việt kiều nào hết.

NGÀY MAI, AI ĐÂU NGỜ

Rời làng quê Ninh Bình, Nga khi đó tuổi độ đôi mươi một thân một mình đến TP.HCM với quyết tâm xây dựng cho mình tương lai tươi sáng. Với niềm đam mê ẩm thực sâu sắc, chị luôn ước ao trong tương lai mình sẽ sở hữu một nhà hàng nho nhỏ. Để hiện thực hóa giấc mơ ấy, chị chỉ biết làm việc thật chăm chỉ và chẳng từ nan, từ phục vụ cho đến phụ bếp nhà hàng. Nhưng rồi, mọi sự bắt đầu từ mối nhân duyên bất ngờ và đầy thú vị với người chồng ngoại quốc hiện tại, một người cũng có niềm đam mê ẩm thực. Anh đã ủng hộ và tạo điều kiện để chị có thể biến ước mơ bình dị ấy thành hiện thực. Như cách bây giờ chị nói, không ai nghĩ được chuyện gì ngày mai, tất cả đều là cái duyên rất tự nhiên trong cuộc đời mỗi người.

Và thêm cái duyên khác đã xuất hiện khi trước đó chị luôn ấp ủ mở một quán phở đặc biệt hay quán cà phê nhỏ xinh. Mùa đông năm 2001, sau lần cùng chồng ăn tối tại một nhà hàng sang trọng ở Bồ Đào Nha, chị đã bị ấn tượng mạnh mẽ bởi hình ảnh những nhân viên trong trang phục đậm chất Brazil thân thiện và niềm nở cầm những xiên thịt lớn cắt thoăn thoắt tới phục vụ từng bàn. Không chỉ vậy, các món ăn ở đây cũng dấy lên cho chị một cảm giác rất gần gũi với đồ nướng của Việt Nam. Mặc dù đã cùng chồng thưởng thức ẩm thực nhiều nơi trên thế giới, nhưng chỉ nhà hàng ấy lưu dấu khó phai cho chị cả phong cách phục vụ lẫn hương vị món ăn.

“Người Việt ngày càng hiện đại, họ sẽ chấp nhận những điều mới lạ nhưng phải đẳng cấp và chất lượng”

Au Lac Do Brazil được chị lấy cảm hứng từ chuyến đi ấy. Nhưng phải mất khoảng hai năm, chị mới chính thức “khai sinh” nhà hàng sau khi tìm kiếm được mặt bằng ưng ý và thuyết phục sự đồng ý của chồng. “Chồng tôi bảo tôi đừng làm khi không có kinh nghiệm. Bằng niềm đam mê chính mình, tôi không từ bỏ ý tưởng và cứ thuyết phục chồng rằng phong cách ẩm thực này đảm bảo thành công ở thị trường Việt. Người Việt ngày càng hiện đại, họ sẽ chấp nhận những điều mới lạ nhưng phải đẳng cấp và chất lượng”, chị nhớ lại những ngày khởi nghiệp kinh doanh.

Chị thừa nhận rằng chị khởi nghiệp kinh doanh xuất phát từ ý tưởng lóe lên rất tự nhiên và bộc phát chứ không hề có kế hoạch định sẵn trước. Đến lúc bắt tay vào thực hiện, chị mới nhận ra mọi việc không đơn giản như suy nghĩ ban đầu, từ thuê mặt bằng, tìm đầu bếp, chọn thực đơn, tuyển nhân viên, đăng quảng cáo… Trong số đó, việc tìm kiếm đầu bếp có thể nói như một cơn ác mộng với chị. Vợ chồng chị phải sang tận Bồ Đào Nha để vừa tìm đầu bếp vừa thưởng thức và ngấm hương vị món ăn nơi đây. Sau những chuyến bay, vợ chồng chị đành thất vọng tay không trở về Việt Nam. Mặt bằng đã thuê và cho đầu tư sửa chữa, chị biết làm sao đây? Nghe nói bên Singapore có đầu bếp chị muốn tìm, chị tức tốc sang đấy. Nhưng một lần nữa, chị lại ra về trong sự thất vọng, vì mức lương đầu bếp yêu cầu chi trả rất cao và đồ ăn cũng không mang lại hương vị như chị cảm nhận ở Bồ Đào Nha. Đang phân vân, chị được bạn giới thiệu một người đầu bếp của nhà hàng Brazil vốn rất đam mê ẩm thực. Tranh thủ kỳ nghỉ phép ba tuần, người đầu bếp ấy đã sang Việt Nam để giúp chị những việc cần phải làm, chuẩn bị thực đơn và huấn luyện nhân viên.

CHỈ LÀM VÌ ĐAM MÊ CHÍNH MÌNH

Trong lần sang Singapore tìm kiếm đầu bếp, chị tình cờ biết thông tin chủ một nhà hàng nổi tiếng tại đây cũng có ý tưởng mang phong cách ẩm thực Mỹ Latinh đến Việt Nam. Tuy khai trương trước nhưng nhà hàng chị đã không khiến thực khách chú ý như nhà hàng của người chủ kia. “Người ta có kinh nghiệm mở nhà hàng bên Singapore, có quan hệ rất rộng, biết rõ thị trường Việt Nam và làm marketing chuyên nghiệp. Trong khi đó, tôi lại không kinh nghiệm, chỉ làm bằng đam mê và cái tâm mình”. Định hướng khách hàng sai và không chú trọng marketing chính là nguyên nhân khiến chị gặp thất bại ban đầu. “Tôi chọn phân khúc phục vụ là khách du lịch và khách nước ngoài, một định hướng rất sai của tôi. Kinh doanh ẩm thực ở đâu, bạn trước tiên phải biết nó có phù hợp với khách hàng nơi đó hay không”.

“Cùng một công thức, người nấu có tâm, đồ ăn bao giờ cũng ngon. Ngược lại, người nấu không có tâm, chỉ biết đến lợi nhuận, chưa chắc đạt thành công”

Một năm rưỡi bù lỗ, ngần ấy thời gian đủ cho chị nhận ra những thiếu sót, sai lầm để kịp thời bổ sung và sửa chữa. Nhà hàng dần thu hút được khách đến rồi quay lại cũng từ đấy. Thực tế cho thấy, mô hình kinh doanh nào cũng vậy, một khi chứng minh được triển vọng, ắt hấp dẫn nhiều người tham gia. Một miếng bánh buộc phải chia cho nhiều người tránh sao khỏi sự cạnh tranh? Chẳng ngẫu nhiên hay vô cớ người ta cho rằng, thương trường là chiến trường. Và trên chiến trường ấy, có kẻ chủ chiến, có người chủ hòa, có cả cá nhân trung lập. Chị thuộc trường hợp nào trong số đó? “Thương trường là chiến trường, tôi không có ý nghĩ đó. Thất bại lần này phải tìm cách làm khác để thành công. Tối ngày dòm ngó công việc người ta vô hình trung bạn bỏ bê công việc mình. Tôi luôn luôn có niềm tin vào công việc mình đang làm và kiên định đi theo con đường mình lựa chọn”. Trước không ít lần Au Lac Do Brazil bị người khác sao chép ý tưởng, thậm chí tìm cách lôi kéo đầu bếp và nhân viên ở đây, chị vẫn bình thản tiếp tục tập trung vào định hướng cũng như niềm đam mê của mình. “Cùng một công thức, người nấu có tâm, đồ ăn bao giờ cũng ngon. Ngược lại, người nấu không có tâm, chỉ biết đến lợi nhuận, chưa chắc đạt thành công”, chị nói.

Mười năm đã trôi, chị bảo rằng Au Lac Do Brazil có lẽ có nhiều hơn ba chi nhánh như hiện giờ, nếu chị không phạm phải sai lầm trong một lĩnh vực kinh doanh khác. Cách đây bốn năm, chị mở một nhà máy kéo sợi thuộc chuyên ngành của chồng chị. Nhưng thật không may mắn, thời điểm đó lại rơi vào giai đoạn thị trường đang bị khủng hoảng. Sau bao lần đắn đo, trì hoãn, cuối cùng chị dứt khoát bán lại nhà máy sợi cho người khác. Liệu đến một lúc nào đó, khi thị trường hồi phục, chị có gầy dựng lại nhà máy sợi thuộc chuyên ngành và cũng là niềm đam mê của chồng chị? Một cách quyết liệt, chị đáp: “Không. Nếu không đam mê, không am hiểu công việc đó thì tôi chẳng bao giờ thành công. Đó là điều tôi rút ra được cho mình sau sai lầm từ nhà máy sợi. Tôi xác định niềm đam mê của mình là nhà hàng”. Chị muốn tập trung mở rộng hệ thống nhà hàng với định hướng là nhượng quyền thương hiệu. “Trong kinh doanh, một cái đầu không làm nên tất cả. Tôi đang tìm đối tác có cùng chí hướng và có tầm hơn mình để học hỏi và tiếp tục phát triển nhà hàng nhiều hơn nữa”.

Suốt cuộc trò chuyện cùng Tạp chí Nữ Doanh Nhân, hơn ba lần chị đề cập đến “nhân duyên”. Và khi được hỏi về cách thức quản lý, một lần nữa chị nhắc đến “nhân duyên”. Chị quan niệm rằng nhân duyên là số một và đặc biệt đề cao mối quan hệ giữa người với người. “Nếu không có những nhân viên tốt, bạn không bao giờ thành công. Nhân viên như thế nào, khách hàng sẽ nghĩ về người chủ như thế ấy”. Đi lên từ vị trí nhân viên, chị hiểu mình cần phải làm gì trong cách quản lý. “Mình có làm được gì cho người ta, người ta mới cống hiến cho mình. Tôi xem tất cả nhân viên như những người thân trong gia đình, không ngần ngại chỉ bảo tận tình và trau dồi kinh nghiệm cho họ”. Và hiển nhiên với cách hành xử ấy, không có gì ngạc nhiên khi có những nhân viên, nhà cung cấp thực phẩm cho nhà hàng đã gắn bó cùng chị từ những ngày đầu khởi nghiệp đến tận bây giờ.

>> Doanh nhân Nguyễn Thị Nga: Đam mê của tôi có ý nghĩa nào đó với nhiều người

Text: ĐƯỜNG LAM – Photography: VINH VLK – Concept & Stylish: MOON TRẦN

Theo Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chu-nha-hang-au-lac-do-brazil-nguyen-thi-nga-nhan-duyen-la-so-mot-a49445.html