"Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tôi quyết thực hiện đam mê của mình đến cùng vì tin rằng niềm đam mê ấy cũng “có ý nghĩa nào đó” với nhiều người, hoặc chí ít cũng là với bản thân tôi".
Năm 2003, tại TP.HCM xuất hiện một nhà hàng mang phong cách châu Mỹ la tinh từ tên gọi Au Lac do Brazil, cách bài trí nội thất đến các món ăn, cách phục vụ món thịt nướng tại bàn, không khí sôi động của các vũ điệu Samba rộn rã, các đêm vũ hội...
Không ít người lầm tưởng chủ nhà hàng là người nước ngoài. Thế nhưng, chủ nhân của Au Lac do Brazil lại là một phụ nữ Việt Nam chưa từng kinh doanh nhà hàng.
Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc nhà hàng, kể lại quá trình tạo lập Au Lac do Brazil:
Tôi sinh ra tại một vùng quê nghèo khó ở Ninh Bình. Cuộc sống của gia đình tôi lúc đó rất vất vả. Trong những tháng ngày cơ cực đó, tôi phải phụ mẹ buôn bán và đã nhận ra mình rất thích kinh doanh cũng như có khiếu kinh doanh. Do nghĩ việc cày cấy chỉ đủ để chạy đua với cuộc sống hằng ngày nên tôi thuyết phục gia đình chuyển sang kinh doanh.
Gia đình tôi quanh năm chỉ biết ruộng đồng nên dĩ nhiên phản đối. Cuộc sống thêm túng quẫn, nhìn cánh đồng, con trâu, cái cày, tôi lo sợ cho tương lai của con mình và nghĩ phải làm gì đó để thay đổi.
Cuối cùng tôi quyết định theo đuổi đam mê kinh doanh của mình. Tôi tạm biệt ngôi làng bé nhỏ để vào Nam lập nghiệp. Lúc đó tôi mới 21 tuổi và ngày ra đi tôi thầm hạ quyết tâm: “Nếu không làm nên sự nghiệp, nhất quyết sẽ không trở về”.
Đến Sài Gòn, tôi ở nhờ nhà người cậu. Tuy nhiên, cuộc sống của cậu tôi cũng rất vất vả. Tôi làm đủ mọi nghề vừa để mưu sinh, vừa để có thể thực hiện niềm đam mê kinh doanh của mình. Tôi đi giúp việc nhà, đi phụ bếp, phục vụ nhà hàng...
Công việc khá cực nhọc mà đồng lương chẳng được là bao. Tôi còn nhớ năm đầu tiên đi làm, đến ngày 30 Tết, tôi chỉ còn đủ tiền mua một quả dưa hấu về ăn Tết với cậu.
Thời gian làm việc ở các nhà hàng, tôi thấy tiếng Anh không chỉ thực dụng, mà còn mở ra cho người sử dụng nhiều cơ hội, nhất là làm việc trong ngành dịch vụ.
Tôi quyết định nghỉ việc phụ bếp và bắt đầu cuộc sống của một công nhân giữ kho cho một nhà máy sản xuất mì ở Gò Vấp. Thời gian rảnh ban đêm tôi dồn sức học ngoại ngữ.
* Và có phải nhờ ngoại ngữ mà cơ hội đã đến với bà, giúp thay đổi công việc và cả cuộc đời bà?
- Tôi tin vào chữ “duyên”. Thật sự thì ngoại ngữ chưa phải là cái “duyên” mang đến sự thay đổi cho tôi. Duyên số đã khiến tôi và người chồng bây giờ gặp nhau. Anh ấy là người Thụy Điển. Chúng tôi tình cờ gặp nhau trong một buổi tiệc. Dù lúc ấy tôi chỉ biết “yes”, “no”, nhưng tình yêu vẫn nảy sinh qua từng cử chỉ, ánh mắt và sự quan tâm đến nhau.
Sau khi cưới, anh ấy đưa tôi đi du lịch nhiều nơi. Một lần đến nhà hàng ở Bồ Đào Nha, thấy anh phục vụ bưng đến tận bàn một cây thịt nướng rồi dùng dao cắt từng khoanh thịt thơm phức bỏ vào dĩa cho thực khách, tôi vô cùng thích thú. Trong một khoảnh khắc thật bất ngờ, tôi nói nhỏ với chồng: “Em muốn mang phong cách ẩm thực này về Việt Nam”.
* Từ ý tưởng đến thực hiện chắc chắn quá trình ấy với bà không suôn sẻ và dễ dàng?
- Đúng vậy. Cái khó đầu tiên là thuyết phục chồng tôi, bởi anh hiểu rất rõ khó khăn của ngành kinh doanh này. Anh nói: “Mở nhà hàng cực lắm em ạ, lại là nghề làm dâu trăm họ, em không làm nổi đâu”. Nhưng tôi không từ bỏ ý định, tiếp tục năn nỉ anh ấy và phải mất gần một năm sau, anh mới đồng ý cho tôi mở nhà hàng.
Anh cùng tôi “bay qua bay về” Bồ Đào Nha tới gần chục lần, đến tất cả các nhà hàng Brazil để thử hương vị món ăn, xem phong cách phục vụ..., vừa thưởng thức, học hỏi, vừa để tìm đầu bếp. Nhưng cuối cùng chỉ là tốn kém và thất vọng, bởi lúc đó không mấy người Bồ Đào Nha hoặc Brazil muốn qua Việt Nam sinh sống vì họ vẫn nghĩ Việt Nam còn nghèo, còn chiến tranh...
Hơn ba tháng chuẩn bị khá vất vả, từ tìm mặt bằng, lên phương án kinh doanh, đào tạo nhân sự đến thiết kế đồng phục, bài trí nhà hàng..., mọi việc đều được sắp đặt tươm tất. Song, khâu quan trọng nhất là đầu bếp, tôi phải bay sang Singapore tìm kiếm mà vẫn chưa tìm được.
Đang bế tắc, định chuyển hướng kinh doanh sang thức ăn nhanh hoặc nhà hàng hải sản thì may mắn một người bạn của chồng tôi giới thiệu cho tôi một đầu bếp người Brazil.
Anh ấy được nghỉ phép một tháng nên đã sang thăm Việt Nam và hướng dẫn cho tôi cùng đầu bếp của tôi đi tìm nhà cung cấp thực phẩm, nguyên liệu, dạy chúng tôi kỹ thuật tẩm ướp gia vị, cách nấu món ăn truyền thống của Brazil như cơm bơ và súp đậu đen Fejorda...
Sau hai tuần làm đi làm lại các món ăn, tôi mời bạn bè và thực khách đến ăn thử, mọi người đều gật gù khen ngon khiến tôi rất tự tin. Và ngày nhà hàng Au Lac do Brazil I chính thức ra đời tại 238 Pasteur, Q.3, TP.HCM, 3/11/2003, là ngày tôi không thể nào quên.
* Trước khi mở nhà hàng, bà nói đi rất nhiều để thưởng thức và tìm hiểu các khẩu vị, món ăn phù hợp, nhưng khi mở nhà hàng lại lệ thuộc vào đầu bếp. Vậy liệu có xảy ra mâu thuẫn giữa khẩu vị của bà với “bí quyết nhà nghề” của đầu bếp không?
- Muốn kinh doanh ẩm thực thì trước hết mình phải đam mê “ăn uống”, mê nấu ăn và biết cách thưởng thức. Vì vậy, tôi đi nhiều, “ăn” nhiều để biết và học hỏi các khẩu vị lạ, món ăn mới.
Có lẽ nhờ vậy mà vị giác của tôi cũng nhạy hơn, “tinh tế” hơn trong thưởng thức ẩm thực. Tôi quan niệm, nấu ăn cũng là một nghệ thuật. Người chế biến món ăn nếu đam mê và đặt hết tâm huyết vào công việc thì món ăn cũng sẽ ngon hơn, lạ hơn.
Vì vậy, tuy món ăn phụ thuộc vào đầu bếp, nhưng tôi vẫn là “thợ” phụ “sáng tạo” thêm một số món, nêm nếm và quyết định thêm bớt gia vị cho món ăn phù hợp với khẩu vị người Việt Nam.
Trước đây, khi mới có ý tưởng kinh doanh nhà hàng, tôi cũng cho rằng nhà hàng chỉ cần có món ăn ngon, bài trí sang trọng là có thể chinh phục “thượng đế”.
Nhưng tám năm trong nghề tôi mới vỡ ra, “cái hồn” của nhà hàng cũng như phong cách riêng chính là yếu tố quan trọng nhất để tạo ấn tượng và nó quyết định tới 80% sức hút thực khách.
* Xem ra việc kinh doanh của bà đã thuận theo dự định. Vậy tại sao có thời kỳ Au Lac do Brazil lại đứng trước nguy cơ phải đóng cửa?
- Tuy việc kinh doanh đã được chuẩn bị rất chu đáo, nhưng đúng như chồng tôi “cảnh báo”: “Kinh doanh nhà hàng không đơn giản và có nhiều khó khăn bất thành văn”. Tôi lại là dân không chuyên và chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vì vậy, khi nhà hàng mở cửa, tôi không biết làm thế nào để khách hàng biết đến.
Bên cạnh đó, việc điều hành, quản lý nhà hàng, nhất là định hướng phục vụ theo phong cách Âu lại đòi hỏi kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp rất cao. Thế nên, sau hơn một năm cầm cự, nhà hàng phát sinh nhiều khó khăn, phần lại vắng khách nên tôi lỗ rất nhiều.
Chồng tôi khuyên: “Nếu lỗ quá thì đóng cửa thôi!”. Thoạt nghe tôi cũng hơi xiêu lòng nhưng ngẫm lại, thấy mô hình nhà hàng Brazil lần đầu có tại Việt Nam, chưa có ai làm, tôi lại tiếc và nhất quyết không đóng cửa.
* Tôi rất thán phục ý chí của bà. Vậy bà đã phải trụ trong bao lâu để có thành công như hôm nay?
- Tôi rất tâm đắc khi đọc được lời giảng giải của Geshe Michael Roach (cao học Phật học) về kinh doanh thông qua kinh “Năng Đoạn Kim Cương”. Ông chỉ rõ: “Người làm kinh doanh có ba nguyên tắc: Một, kinh doanh là để kiếm tiền. Hai, hưởng thụ tiền bạc lành mạnh. Ba, khi nhìn lại sự nghiệp kinh doanh thì chúng ta phải thấy ý nghĩa nào đó”.
Vì vậy, khi bước vào kinh doanh tôi đã xem lời dạy của ông như một chân lý. Tôi kinh doanh không phải là để “trụ được bao lâu”, mà tôi đã phải đánh đổi rất nhiều mới có được chút thành tựu như ngày hôm nay. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tôi quyết thực hiện đam mê của mình đến cùng vì tin rằng niềm đam mê ấy cũng “có ý nghĩa nào đó” với nhiều người, hoặc chí ít cũng là với bản thân tôi.
Khi quyết định giữ lại nhà hàng, tôi đã mất ngủ nhiều đêm và nhận ra sai lầm của Au Lac do Brazil là không đầu tư cho quảng cáo và chỉ nhắm vào khách nước ngoài đến du lịch và làm việc tại Việt Nam. Trong khi nhiều người Việt Nam cũng rất thích ăn món nướng và nhu cầu thưởng thức cái mới trong ẩm thực cũng rất cao.
Thế là tôi quyết định dốc sức đầu tư cho quảng cáo. Quả thật, chỉ sau một tháng, nhà hàng của tôi được nhiều người biết đến, đầu tiên họ kéo đến vì tò mò, sau đó người này giới thiệu người kia...
Sau ba năm, tôi mở tiếp ba nhà hàng Au Lac do Brazil tại TP.HCM và Hà Nội. Nhìn những gì đang có hôm nay, tuy rất vui và hạnh phúc nhưng ngoảnh nhìn lại chặng đường đầu tiên, thật tình tôi không nghĩ mình lại có sức chịu đựng dẻo dai đến vậy. Và nếu cho làm lại, chắc tôi sẽ không dám làm.
* Trong những tố chất cần có của một người làm kinh doanh, bà thấy tố chất nào là quan trọng nhất giúp mang đến thành công?
- Đam mê và sống tới cùng với đam mê đó. Trong kinh doanh ẩm thực nếu không có lửa đam mê, có tâm với nghề và lấy công việc mình đang làm làm mục đích sống thì nhà hàng sẽ bị nhàm chán theo thời gian. Chính vì vậy mà Au Lac do Brazil luôn có những cái mới về không gian, món ăn, không khí..., nhằm mang đến cho khách hàng cảm giác mới mẻ khi đến thưởng thức ẩm thực.
* Có đến 70% nhân viên của Au Lac do Brazil gắn bó với nhà hàng suốt 8 năm qua, và họ đến từ cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Bà có thể chia sẻ điều gì khiến họ cộng tác với bà lâu như vậy?
- Au Lac do Brazil ra đời chưa được 10 năm nhưng đã có nhiều nhân viên làm việc và gắn bó với nhà hàng gần 7, 8 năm. Tôi rất vui vì điều này và nguyên do cũng rất đơn giản: tôi không xem họ là người làm thuê, mà nghĩ họ cũng là khách hàng của mình và sống với họ bằng cái tình.
Đặc biệt, hằng tuần tôi đều có các buổi đào tạo kỹ năng phục vụ cho nhân viên. Những buổi học của tôi rất thực tế và sinh động, chẳng hạn, đầu tiên tôi làm thực khách, nhân viên phục vụ, sau đó đổi lại, nhân viên là khách, tôi phục vụ. Cách đào tạo này giúp chúng tôi nhìn thấy những khiếm khuyết của nhau và sửa chữa ngay.
Trong các buổi đào tạo, tôi còn dạy cho các em sự tự tin, giúp các em hiểu được nghề phục vụ không phải là nghề tầm thường, đưa ra những câu chuyện vượt khó, thành công trong nghề để các em thay đổi suy nghĩ, tư duy.
Ngay cả quá khứ khốn khó của tôi, tôi cũng chẳng giấu giếm vì có trải qua khổ cực tôi mới có thành công hôm nay.
Cũng nhờ quá trình đi làm thuê, phục vụ nhà hàng mà tôi hiểu được tâm tư của người làm công, dễ dàng cảm thông và giải tỏa cho nhân viên những vướng mắc trong suy nghĩ.
Tôi cho rằng, chiến thắng được trái tim của nhân viên chính là thành công của người làm chủ vì một khi tin cậy, yêu quý mình, họ sẽ sẵn sàng gắn bó với mình.
* Nếu cho bà một cơ hội kinh doanh khác, như kinh doanh bất động sản chẳng hạn, bà có thay đổi không hay vẫn chọn kinh doanh nhà hàng?
- Khi nghèo khổ thì nghĩ đến kiếm tiền, nhưng tôi quan niệm, tiền chỉ là phương tiện để sống chứ không phải mục đích sống. Vì vậy, tôi chỉ thật sự vui và hạnh phúc khi được làm công việc mình yêu thích và đam mê.
Thế nên, cho dù kinh doanh nhà hàng không mang lại nhiều lợi nhuận như một số lĩnh vực khác, tôi vẫn chọn kinh doanh nhà hàng.
Có người hỏi tôi: Tám năm kinh doanh lĩnh vực này, tôi đã được những gì? Câu trả lời của tôi là:
“Cái được lớn nhất là thực hiện được mục đích, gặp được nhiều khách hàng, trong số đó không ít người đã trở thành bạn bè thân thiết như người trong gia đình. Song, cái được lớn hơn nữa là mình có một cái nghề và công việc giúp mình năng động, sáng tạo hơn cũng như có thể hoàn thiện bản thân”.
* Nghe nói bà cũng từng với tay sang một lĩnh vực kinh doanh khác nhưng thất bại?
- Khi Au Lac do Brazil “có dư”, tôi mở thêm ba cửa hàng bán đồ thể thao và một nhà máy kéo sợi ở Đồng Nai cho chồng tôi, vì đó cũng là nghề và đam mê của anh ấy. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài cứ sáng ở nhà máy, tối nhà hàng, cửa hàng, rồi đủ thứ công việc phải giải quyết, tôi bị stress.
Vì vậy, việc quản lý lỏng lẻo dần, bị thất thoát, lỗ nặng nên tôi phải bán lại nhà máy, đóng cửa cửa hàng. Sau thất bại này, tôi cũng chiêm nghiệm được rằng, trong kinh doanh không nên quá đa mang, bởi làm công việc nào cũng phải hết lòng hết sức thì mới thành công.
Và một khi nhắm thấy kinh doanh “không ổn” thì nên mạnh dạn dẹp bỏ. Lúc quyết định bán công ty, tôi cũng tiếc lắm, nhìn công nhân phải xa mình cũng buồn, nhưng cũng thấy mừng vì thoát ra được cái vòng kinh doanh luẩn quẩn.
* Tự nhận mình là người liều lĩnh, nhưng sau những lần thất bại, bà có tự trách mình về cái máu liều?
- Có nhiều cách để hiểu về từ “liều”. Kinh doanh đôi lúc phải liều, nhưng cái liều của tôi là cái liều có cơ hội và lập trường rõ ràng, chứ không phải là bất chấp tất cả. Trong kinh doanh tôi đã nhiều lần thất bại vì nhiều cái “liều” táo bạo, nhưng những thất bại đó đã làm tôi quyết tâm thêm chứ không nản. Thất bại và quá khứ chỉ là bước đệm cho tôi đi tới trước.
* Bận rộn nhiều công việc, bà còn giữ được sở thích cắm hoa và nấu ăn ở nhà không?
- Lấy chồng Tây nên tôi rất muốn duy trì văn hóa Việt trong gia đình, mỗi ngày tôi vẫn dành thời gian tự cắm hoa, dọn dẹp nhà cửa. Chồng tôi thích ăn món Việt như chả giò, súp măng cua nên tôi vẫn tự tay làm những món đó.
Những buổi tối cả nhà cùng ăn cơm cũng là cách để tôi dạy cho các con gần gũi hơn với phong tục và mái ấm gia đình Việt. Điều tôi lo nhất là con tôi may mắn “đầy đủ” và sung sướng quá nên tôi sợ các con thiếu nghị lực, sức chịu đựng, không có bản lĩnh sống và không biết quý trọng đồng tiền.
Vì vậy, cách dạy con của tôi là cho con tự lập, tự xử lý tình huống và không quá nuông chiều, thỏa mãn vô điều kiện những nhu cầu cá nhân của con.
* Xin cảm ơn bà và chúc cho đam mê của bà còn mãi với những món ăn ngon!
Theo Doanh Nhân Sài Gòn