Ông Sundar Pichai (Nguồn: Bloomberg) |
Khi nói đến các cuộc phỏng vấn việc làm, tất cả chúng ta đều muốn đưa ra câu trả lời giúp mình nổi bật so với các ứng viên khác. Điều đó đồng nghĩa rằng bạn phải biết cách trả lời mọi câu hỏi, kể cả những câu hỏi khó được đặt ra để đánh đố bạn.
Nhưng nếu bạn không biết câu trả lời cho câu hỏi thì sao?
Đó chính là vấn đề mà CEO Google, ông Sundar Pichai, đã gặp phải năm 2004, khi lần đầu tiên phỏng vấn tại Google cho vị trí Phó Giám đốc quản lí sản phẩm. Trong một cuộc trò chuyện cùng sinh viên tại ngôi trường cũ của mình - Học viện Công nghệ Ấn Độ, ông Pichai đã chia sẻ chi tiết về buổi phỏng vấn tại một trong những công ty công nghệ hàng đầu thế giới. Trong vòng đầu tiên, ông Pichai đã được yêu cầu bày tỏ suy nghĩ về Gmail. Tuy nhiên, có một vấn đề rằng Google chỉ mới công bố dịch vụ email này cùng ngày hôm đó, ngày 1/4. “Tôi đã nghĩ đó là trò đùa ngày Cá tháng Tư”, ông Pichai nói.
Ông đã nói rằng ông không thể trả lời câu hỏi đó bởi ông chưa có cơ hội sử dụng Gmail. “Chỉ đến vòng phỏng vấn thứ tư người ta mới hỏi ‘Cậu đã dùng Gmail bao giờ chưa?’ Tôi đáp chưa. Thế nên ông ấy cho tôi xem Gmail. Và khi người phỏng vấn thứ 5 hỏi, ‘Cậu nghĩ gì về Gmail?’ tôi mới bắt đầu trả lời câu hỏi”, ông Pichai chia sẻ tại buổi nói chuyện.
Đa phần ứng viên sẽ cố gắng bịa câu trả lời trước khi chuyển sang câu hỏi kế tiếp. Ông Pichai lại đi theo hướng ngược lại và gây ấn tượng sâu sắc với người phỏng vấn (sau cùng, ông đã được nhận).
Thông thường, việc nói với người phỏng vấn rằng bạn không biết câu trả lời sẽ khiến bạn bị mất điểm, nhưng còn tốt hơn việc đưa ra một câu trả lời sai.
Khoa học cũng đồng ý về điều này. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có sự “khiêm tốn về trí tuệ” hay, theo cách khoa học nói, sẵn sàng thừa nhận những gì bạn không biết, là những người học hỏi tốt hơn.
Laszlo Bock, cựu Phó Giám đốc điều hành nhân sự của Google, gọi đó là một trong những phẩm chất hàng đầu mà ông tìm kiếm ở một ứng viên. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, ông nhấn mạnh: “Những người thành công, thông minh hiếm khi gặp thất bại và vì vậy, họ không biết cách học hỏi từ thất bại ấy. Thay vào đó, họ lại mắc một lỗi cơ bản rằng nếu điều gì đó tốt đẹp xảy ra, tất cả là bởi họ đều là thiên tài. Nếu chuyện không hay xảy ra, họ sẽ cho nguyên nhân là một kẻ ngốc nào đó phạm lỗi hoặc họ không có được nguồn lực cần thiết hoặc do thị trường bất ngờ biến động”.
Lần tới khi bạn phải đối mặt với một câu hỏi phỏng vấn khó khăn, hãy bình tĩnh và dành thời gian để suy nghĩ trước khi trả lời. Ông Pichai đã suy nghĩ cẩn thận về câu hỏi. Ông ấy có thể nói gì về thứ chính ông chưa bao giờ nhìn thấy? Gmail, tại thời điểm ấy, chỉ mới được tung ra và là sản phẩm mời dùng thử. Thế nên, ông ấy kết luận rằng việc không biết câu trả lời là điều có thể chấp nhận được.
Thay vì đơn giản nói “Tôi không biết”, ông Pichai đã trả lời với người phỏng vấn lý do tại sao ông chưa biết: ông vẫn chưa dùng sản phẩm. Bằng cách này, ông đã bày tỏ sự tò mò, một đặc điểm mà nhà tuyển dụng khao khát ở ứng viên.
Pichai đã xác định lợi thế của mình trong hoàn cảnh trên: đối với mỗi câu “Tôi không biết” ẩn giấu một cơ hội học hỏi. Và đến vòng thứ 4, người phỏng vấn quyết định mô phỏng sản phẩm cho ông Pichai xem.
Sau khi khẳng định những gì ông chưa biết, Pichai đã chuyển hướng cuộc trò chuyện để nhấn mạnh những điều ông đã biết.
Quan sát sơ qua Gmail giúp ông hiểu rõ hơn về sản phẩm. Điều này cho phép ông thể hiện sự thẳng thắn và trí tuệ, những thứ sẽ giúp ông tỏa sáng tại Google.
Điều đáng nói là việc đưa ra một câu trả lời trung thực không đi đôi với việc ghi điểm đức hạnh. Giá trị của việc trung thực về mặt trí tuệ nằm ở chỗ nó mang lại cơ hội để bạn chứng minh những gì bạn hiểu rõ.
Ông Pichai là minh chứng rằng ứng viên muốn đạt được một cuộc phỏng vấn tốt phải chuẩn bị chu đáo đi kèm với sự thẳng thắn và khả năng ứng biến linh hoạt. Trong một khoảnh khắc không chắc chắn, ông đã dũng cảm đương đầu với khó khăn, thích nghi với thách thức và được đền đáp bằng một tương lai xán lạn.
Trong số hàng triệu hồ sơ mà Google nhận được mỗi năm, bạn có ít nhất 0,2% cơ hội được tuyển dụng. Nếu bạn đủ may mắn để vượt qua các vòng kiểm tra và được mời tham gia phỏng vấn trực tiếp, hãy cân nhắc bằng cách nào bạn có thể trở nên nổi bật. Hãy nỗ lực để nằm trong nhóm 0,2% đó.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cau-tra-loi-xuat-than-giup-ceo-sundar-pichai-buoc-chan-vao-google-15-nam-ve-truoc-a69203.html