1,7ha đất vàng cạnh khu phức hợp Bến Nhà Rồng về tay Đường Khánh Hội

17/04/2019 11:43

Sau 5 năm theo đuổi, cựu thành viên của Vinasugar II đã hoàn tất thâu tóm lô đất vàng nhìn ra sông Sài Gòn với mức giá "nhẹ nhàng".
logistics-vinalink-1537

Trụ sở của Logistics Vinalink tại 145-147 Nguyễn Tất Thành, Quận 4 chính thức về tay Đường Khánh Hội. Ảnh: NĐ

Đất vàng Quận 4

CTCP Logistics Vinalink ngày 14/11/2014 ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Đường Khánh Hội. Theo đó, Logistics Vinalink có nghĩa vụ bàn giao toàn bộ tài sản tại số 145-147 Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4, TP.HCM cho đối tác.

Điều khoản hợp đồng quy định rõ: "Tập đoàn (Logistics Vinalink) sẽ bàn giao cho CTCP Đường Khánh Hội toàn bộ tài sản trên khu đất và từ chối mọi quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bao gồm cả quyền quản lý, khai thác khu đất khi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho CTCP Đường Khánh Hội làm chủ đầu tư dự án".

Khu đất rộng 16.683 m2 tại 145-147 Nguyễn Tất Thành có nguồn gốc công sản, được giao cho Logistics Vinalink khai thác, quản lý sau khi công ty này tách ra thành lập mới theo phương án cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước Vinatrans.

Theo hợp đồng, Logistics Vinalink sẽ nhận được chi phí đền bù di dời và lợi nhuận khoán gọn. Ngay trong năm 2014, doanh nghiệp này đã nhận từ Đường Khánh Hội 36 tỷ đồng lợi nhuận khoán gọn trước thuế và 32,8 tỷ đồng, tương ứng 80% tổng giá trị đền bù di dời.

Báo cáo tài chính kiểm toán vừa công bố thể hiện trong tháng 1/2019, Logistics Vinalink đã hoàn tất di dời hoạt động sang địa điểm kinh doanh mới tại số 226/2 Lê Văn Sỹ, Phường 1, Quận Tân Bình, TP.HCM và bàn giao toàn bộ tài sản theo hiện trạng tại mặt bằng 145-147 Nguyễn Tất Thành cho Đường Khánh Hội.

Như vậy, sau gần 5 năm theo đuổi, Đường Khánh Hội đã hoàn tất thâu tóm gần 1,7ha đất vàng nhìn ra Sông Sài Gòn, với mức giá có thể nói là "nhẹ nhàng".

Screen Shot 2019-04-16 at 8.02.28 PM

Vị trí khu đất 145-147 Nguyễn Tất Thành (dấu đỏ) nằm ngay cạnh dự án Khu phức hợp Nhà Rồng Khánh Hội (Ảnh: Google Maps)

Dù vẫn còn chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất, song với việc "mua" trực tiếp từ Logistics Vinalink với mức giá (cộng cả chi phí bồi thường và khoán gọn lợi nhuận) khoảng 77 tỷ đồng, Đường Khánh Hội chỉ phải trả cho đối tác chừng 4,6 triệu đồng mỗi mét vuông đất mặt đường Nguyễn Tất Thành, vẫn là mức rất "hời" so với phương án bán đấu giá.

Về phần mình, các cổ đông của Logistics Vinalink không đến nỗi chịu thiệt thòi, bởi gần 1,7ha đất nhìn sang Thủ Thiêm là đất thuê, trên sổ sách không phải là tài sản của doanh nghiệp. Và rằng trong quá khứ, dù cựu thành viên Vinatrans từng có ý định xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm dự án, thì quá trình này vẫn chịu nhiều rủi ro nếu Nhà nước thay đổi quy hoạch và thu hồi khu đất. Do vậy, bán đứt để thu về "tiền tươi" có chăng là phương án khả dĩ hơn cả với Logistics Vinalink.

Tuy nhiên, nếu đứng ở góc độ quản lý nhà nước, sẽ có những băn khoăn trong thương vụ này. Mà rõ ràng nhất, là Ngân sách có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi hợp đồng ký ngày 14/11/2014, nếu so sánh với phương án thu hồi để thực hiện bán đấu giá. Để dễ hình dung, giá thị trường trên đường Nguyễn Tất Thành dao động từ 200-300 triệu đồng/m2, lô đất đang đề cập nếu đủ pháp lý theo đó có giá trị không dưới 3.000 tỷ đồng.

Nhận diện Đường Khánh Hội

Dù mang danh công ty "đường", song Đường Khánh Hội lại được biết đến nhiều hơn với vai trò nhà phát triển bất động sản. Cách đây hơn một thập kỷ, năm 2008, doanh nghiệp này từng giới thiệu một dự án cao cấp với tên gọi The Harmony Point tại 147 bis Nguyễn Tất Thành, ngay cạnh lô đất họ vừa chính thức làm chủ.

Trước khi hợp đồng giữa Logistics Vinalink và Đường Khánh Hội được ký kết nửa năm, UBND TP.HCM tháng 5/2014 đã chấp thuận chủ trương hợp khối các khu đất số 145-147, 147 bis Nguyễn Tất Thành và số 10 Ngô Văn Sở, Phường 13, Quận 4.

Liên tục mở rộng dự án tại khu vực đắc địa bậc nhất TP.HCM phần nào cho thấy tiềm lực cũng như tham vọng của đơn vị từng là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

ctcp-duong-khanh-hoi-1538

Vinasugar II "không kèn, không trống" thoái hết 47,81% vốn trong Đường Khánh Hội ngay sau cổ phần hoá. Ảnh: NĐ

Cần phải kể thêm rằng, Đường Khánh Hội tiền thân là doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty Mía đường II (Vinasugar II). Chỉ hai năm sau cổ phần hoá (2006), Đường Khánh Hội đã giới thiệu dự án 147 bis Nguyễn Tất Thành, chính là địa chỉ một kho hàng của doanh nghiệp này.

Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, cho tới thời điểm Vinasugar II cổ phần hoá cuối năm 2012, Đường Khánh Hội có vốn điều lệ 6,8 tỷ đồng, trong đó thành viên của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn là cổ đông lớn nhất, nắm 47,81%, hai cổ đông lớn khác là Công ty TNHH Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú (đại diện là ông Phan Vĩ Dân) nắm 10,29% vốn và một tập đoàn có trụ sở trên đường Trần Hưng Đạo, Quận 1 (đại diện là ông Vũ Bá Chương) nắm 10,92% vốn.

Dù Phương án cổ phần hoá quy định Vinasugar II giữ nguyên tỷ lệ sở hữu trong các công ty liên kết, song báo cáo tài chính của tổng công ty này cho thấy khoản góp vốn vào Đường Khánh Hội đã được "âm thầm" thoái hết trong khoảng từ 2013-2014.

Sau khi cổ đông nhà nước rút lui, Đường Khánh Hội bắt đầu quá trình tăng vốn rất nhanh, từ 6,8 tỷ đồng lên 452 tỷ đồng, 2.570 tỷ đồng cuối tháng 9/2016 rồi tăng tiếp lên 11.775 tỷ đồng tháng 6/2017. Chỉ trong vài năm, Đường Khánh Hội tăng vốn tới 1.732 lần, đi kèm với tham vọng rất lớn của "ông chủ" mới.

Tổ hợp 145-147-147bis Nguyễn Tất Thành hợp khối số 10 Ngô Văn Sở mà Đường Khánh Hội vừa chính thức thu về "một mối" có vị trí nằm ngay cạnh Khu phức hợp Nhà Rồng Khánh Hội, do Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông làm chủ đầu tư.

Dự án quy mô 31,5ha nằm trên nền Cảng Sài Gòn cũ, từ cuối năm 2016 chính thức được cấp phép cho Ngọc Viễn Đông. Doanh nghiệp dự án này đã được thành lập từ hai năm trước đó, với sự tham gia của một Tập đoàn niêm yết (chiếm 45%), Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Bến Nghé góp 29% và CTCP Cảng Sài Gòn có 26%.

Tuy nhiên khoảng nửa năm trước thời điểm được cấp phép đầu tư, cơ cấu sở hữu của Ngọc Viễn Đông có sự thay đổi lớn sau đợt tăng vốn từ 1.154 tỷ đồng lên 5.400 tỷ đồng trung tuần tháng 6/2016. Theo đó, bởi không góp thêm vốn nên tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn niêm yết và Cảng Sài Gòn giảm về lần lượt 9,62% và 5,56%, trong khi Hạ Tầng Bến Nghé trở thành công ty mẹ với tỷ lệ chi phối 84,82%.

Hạ Tầng Bến Nghé từng đóng trụ sở tại số 8 Nguyễn Huệ, Quận 1, lại vừa hay chính là công ty con 100% vốn của Đường Khánh Hội, có người đại diện theo pháp luật hiện nay là ông Zhu Qiang, cũng đồng thời là Tổng giám đốc của Đường Khánh Hội.

Nhắc thêm rằng, Đường Khánh Hội từng có Tổng giám đốc là ông Châu San Phàm (sinh năm 1984). Doanh nhân người Hoa này còn "đứng tên" tại nhiều doanh nghiệp có vốn điều lệ rất lớn, trong đó có Công ty TNHH Đầu tư Emerald Harbour - một pháp nhân có vốn 4.800 tỷ đồng và là công ty con của CTCP Tập đoàn Phát triển Hạ Tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD Group).

Ông Phàm còn được biết đến với vai trò "trung gian" trong thương vụ Bông Sen Corp mua lại tổ hợp khách sạn - văn phòng Deaha quy mô hơn 3ha tại 360 Kim Mã, Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội từ CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành, đã được Nhadautu.vn đề cập chi tiết trong bài viết: Chuyện chưa kể về chủ mới của khách sạn Daewoo.

Nghi Điền/Nhà Đầu tư

Nguồn:https://nhadautu.vn/17ha-dat-vang-canh-phuc-hop-ben-nha-rong-ve-tay-duong-khanh-hoi-d21700.html