ACB và dấu ấn Trần Hùng Huy

22/08/2019 14:26

Cú sốc 2012 đã thổi bay hàng chục ngàn tỉ đồng của ACB – tức bằng cả một ngân hàng cỡ nhỏ, khiến ngân hàng ACB lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện.Nhưng rồi, dưới sự lèo lái của vị chủ tịch mới, ACB từng bước lấy lại phong độ của mình.

Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy.

Biến cố của ACB đã khiến các cổ đông muốn nhà sáng lập Trần Mộng Hùng quay trở lại ghế chủ tịch, một là ổn định lòng quân, hai là có thể xử lý được các rắc rối.

Nhưng ông Hùng lắc đầu, chỉ tay vào cậu con trai mình là Trần Hùng Huy. Các cổ đông khá ngờ vực, nhưng khi đó, ACB đang trong cơn khủng hoảng, dàn lãnh đạo một số thì lâm vào vòng lao lý, số thì từ nhiệm, chiếc ghế nóng đó mấy ai muốn ngồi. Vậy là, ở tuổi 34, Trần Hùng Huy trở thành chủ tịch ngân hàng trẻ nhất Việt Nam.Lúc đó, Huy tâm sự, mọi người, và cả Huy, cũng chỉ có ý định ngồi ghế sáu tháng.Sáu tháng sau thì sao?Được thì làm tiếp, không thì người khác thay?

Sự “chấp chưởng” của Trần Hùng Huy có một vị trí khá cân bằng. Cổ đông gật đầu, nhất là những cổ đông lớn, gắn bó với ACB như Standard Chartered Bank. Họ hiểu rằng phía sau chàng trai trẻ còn có ông Trần Mộng Hùng, cùng những chiến tướng lẫy lừng khác của ACB, vậy là bắt tay nhau cùng xây lại.

Ngồi vào chiếc ghế chủ tịch, trên căn phòng rộng rãi tầng 6 hội sở ACB ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, vị chủ tịch trẻ của ACB nhìn vào bảng cân đối tài sản, nhìn vào dòng chảy của tiền. Các quyết định được đưa ra: ngưng giao dịch vàng. Quyết định này khiến ngân hàng phải chịu lỗ chừng 2.000 tỉ đồng. Một quyết định khác cũng táo bạo: giảm 25% lương lãnh đạo, quản lý để bảo toàn lực lượng nhân sự 10.000 người. Quyết định đó giúp 2.000 nhân viên không bị sa thải.

Chiến lược của ACB cũng nhanh chóng được vị chủ tịch trẻ thay đổi. Đầu tiên, chia tách ACB thành hai ngân hàng, một đội hậu quân chuyên xử lý những hệ quả của cuộc khủng hoảng gọi là Legacy Bank, một đội là tiền quân tiến công về phía trước, gọi là Good Bank. Legacy Bank giải quyết các lỗ hổng và xử lý hệ quả của khủng hoảng. Giữa một môi trường kinh doanh tài chính ngân hàng đầy những rủi ro và hấp lực, ACB xây dựng một bộ máy kiểm soát rủi ro rất tốt, tạo lực cho Good Bank.Ngân hàng này cũng quay về chiến lược ngân hàng bán lẻ, cốt lõi được vạch ra từ đầu.Hội sở, nơi tập trung quá nhiều quyền lực, cũng được kéo giãn ra, phân quyền mạnh cho các chi nhánh.

Một vài năm đầu sau nhậm chức, nếu gặp chủ tịch Trần Hùng Huy, hỏi về tình hình ngân hàng, thường bắt gặp nụ cười: Cũng “chán” lắm. Chán nghĩa là sao? Là nếu nhìn vào những con số lợi nhuận ngàn tỷ, chục ngàn tỷ của các ngân hàng khác, kể cả ngân hàng nhỏ hơn, thì nhìn bảng cân đối kế toán của ACB khá “chán”. Lợi nhuận thấp, trích lập dự phòng nhiều, nợ xấu phải giải quyết không ít.

Nhưng rồi, sự “chán” đó chẳng mấy chốc bị làn gió mới thổi bay. Những con số đã “thay lời muốn nói”, và thành công từ xử lý nợ xấu cũng như đạt lợi nhuận cao, đã đến sớm hơn dự tính.

Năm 2017, Không chỉ lợi nhuận vượt mức đề ra, nợ xấu giảm còn 0,8% từ mức 2,5% trước đó, đặc biệt nợ quá hạn từ 7,8% xuống còn 1,4%. Huy động vốn tăng, cho vay tăng, tổng tài sản tăng đều và vững mạnh. Legacy Bank tưởng phải đến hết năm 2018 mới khép lại, thì đã “đóng” từ đầu năm 2017. ACB chỉ còn một đầu kéo đi về phía trước.

Năm 2018, lợi nhuận của ACB đạt 6.400 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay, con số này là 3.900 tỷ. Trong mười công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, ACB dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.

Vậy là, trong năm năm liên tiếp, ngân hàng tư nhân được thành lập từ năm 1993 này đã lấy lại được phong độ và đà tăng trưởng của mình. Cuộc chuyển giao thế hệ dưới sự lèo lái của chủ tịch Trần Hùng Huy đã có một kết quả tốt đẹp.ACB đã thực sự lấy lại những gì đã mất một cách sòng phẳng. Nhìn lại bức tranh ngân hàng Việt Nam mấy chục năm qua quả thật có rất nhiều gam màu, sáng nhiều, tối cũng lắm. ACB đi qua bão giông, với hai cuộc “đại khủng hoảng” cách nhau mười năm, và đi xuyên những thăng trầm của ngành ngân hàng và nền kinh tế.

Cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo của ACB cũng thật đặc biệt. Ông Trần Mộng Hùng ban đầu chỉ muốn con mình làm thầy giáo, nghề cũ của ông. Nhưng rồi, coi như đó cũng là duyên nợ, Huy học tài chính, làm ở ngân hàng thứ dữ Rothschild…, có bằng tiến sĩ, rồi về xin việc ở ACB, từ nhân viên, thăng tiến lên phó tổng giám đốc. Biến cố năm 2012 đã tạm đặt Huy vào vị trí chủ tịch. Những gì thể hiện sau đó củng cố vị trí này một cách chắc chắn.

Khác với nhà sáng lập Trần Mộng Hùng rất kín kẽ, chủ tịch Trần Hùng Huy “nổi” bật với những bài hit với điệu nhảy bốc lửa… trong lễ kỷ niệm 25 năm ACB năm ngoái. Dù là tiết mục nội bộ, các nhân viên ACB đã không cưỡng lại được ý định chia sẻ lên Facebook, YouTube, đưa chủ tịch ACB ra với công chúng.

Vậy là, một Facebook được lập mang tên Trần Hùng Huy, và nhanh chóng gia nhập tổ ngàn like, dù thi thoảng mới post bài, đăng ảnh, nhưng mỗi status đều mang một thông điệp về cuộc sống, giản dị, cổ vũ xu hướng sống xanh. Thi thoảng lại làm cả video tự mình pha cà phê nữa. Chủ tịch một ngân hàng lớn, tài sản có đến hàng ngàn tỷ đồng, nhưng vẫn tỏ ra khiêm nhường, thậm chí còn vào bếp nấu ăn.

Trên bàn làm việc của chủ tịch ACB có bức tượng một con chiến mã, cũng là năm tuổi của Trần Hùng Huy. Mái tóc của vị chủ tịch trẻ có vẻ như ngày càng nhiều sợi bạc hơn, dù đang tuổi 41. Nhưng bức tượng chiến mã dường như đang được thổi một luồng sinh khí mới, thẳng tiến về phía trước.

Hoàng Hà (theo TGHN)

Bạn đang đọc bài viết "ACB và dấu ấn Trần Hùng Huy" tại chuyên mục Doanh nhân.