ACB và hành trình 6 năm xóa tàn dư của bầu Kiên

19/04/2019 21:38

Sau năm 2018 thành công xử lý gần như toàn bộ những hệ lụy liên quan đến bầu Kiên, ACB được cho là đang trở lại đường đua. Lãnh đạo ngân hàng chia sẻ về câu chuyện đặt mục tiêu "dẫn đầu" ở 5 lĩnh vực.

"Với quy mô vốn chủ sở hữu khoảng 26.000 tỷ đồng và mục tiêu lãi trước thuế hơn 7.200 tỷ đồng, tương ứng ROE khoảng 25%, hiện thực hoá được kế hoạch này thì ACB sẽ vào nhóm ngân hàng có hiệu quả sinh lời cao nhất toàn hệ thống", một thành viên trong Ban điều hành Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - HNX: ACB), chia sẻ với Người Đồng Hành về khả năng hoàn thành kế hoạch ngân hàng đặt ra năm nay.

Trước đó, ACB công bố mục tiêu kinh doanh của ngân hàng năm 2019: lợi nhuận trước thuế 7.279 tỷ đồng, tăng 14%, tổng tài sản dự kiến tăng 15%, tín dụng tăng 13%, tiền gửi khách hàng dự kiến tăng 15%, nợ xấu dưới 2%.

Theo lãnh đạo ACB, ngân hàng không còn chạy đua về quy mô bằng mọi giá. Vì thế, lợi nhuận năm 2018 vượt 6.000 tỷ đồng, tăng 140% so với 2017 nhưng đến 2019, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng có phần "khiêm tốn", chỉ 14%.

Thay vì chạy đua về quy mô, vị này cho biết ngân hàng đặt ra mục tiêu dẫn đầu về 5 lĩnh vực: đạo đức kinh doanh, kết quả bền vững, hiệu quả, tập trung vào khách hàng và quản lý rủi ro. Mỗi yếu tố dẫn đầu lại gắn với từng chỉ số, ví dụ kết quả sẽ là ROE cao, tăng trưởng doanh thu tốt; hiệu quả thể hiện ở tỷ lệ chi phí/thu nhập hợp nhất (CIR) thấp; quản lý rủi ro tốt với việc CAR cao, nợ xấu thấp...

Các chỉ số lợi nhuận trước thuế, CAR, CIR của ACB từ năm 2011 đến 2018. Nguồn: Báo cáo của các CTCK, báo cáo thường niên ACB.

Trên thực tế, từ năm 2012 đến nay, các chỉ số được ngân hàng này chú trọng như CAR, CIR... đều có xu hướng cải thiện. Từ trên 70% năm 2013, CIR giảm dần về trên 50% năm 2018. CAR và lợi nhuận có xu hướng tăng. Lợi nhuận trước thuế năm 2018 tăng kỷ lục trong 6 năm.

Kế hoạch của ngân hàng năm nay được cho là tiếp tục nối dài chuỗi tăng trưởng ở mọi chỉ tiêu trong 6 năm qua, sau khi bị đứt đoạn bởi "biến cố bầu Kiên".

Hành trình xóa tàn dư của "bầu" Kiên

Năm 2012, khi ACB vẫn đang trong thời kỳ đỉnh cao thuộc top các ngân hàng tư nhân dẫn đầu mảng bán lẻ với hạ tầng công nghệ đầu tư, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên - PV) - một trong những nhân vật gắn bó với ngân hàng - bị bắt. Khi biến cố xảy ra, từ một nhà băng đang có lợi nhuận nghìn tỷ, ACB phải đối mặt với khoản nợ xấu liên quan đến "bầu" Kiên được xác định lên tới 9.400 tỷ đồng.

Trên báo cáo tài chính, tổng tài sản ngân hàng trong năm 2012 giảm 37% xuống 176.307 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng giảm gần 60.000 tỷ đồng, còn 20.328 tỷ đồng. Nợ xấu tăng từ 916 tỷ đồng lên 2.570 tỷ đồng, tương đương 2,5% dư nợ. Nợ cần chú ý tăng từ 326 tỷ lên 5.421 tỷ, với 3.511 tỷ đồng liên quan đến 6 công ty của ông Kiên (nhóm G6).

Lợi nhuận sau thuế từ 3.207 tỷ đồng trong năm 2011 giảm chỉ còn 784 tỷ đồng do lỗ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng.

KQKD của ACB 8 năm qua (Đvt: tỷ đồng, %)

Giai đoạn sau đó là quá trình xử lý nợ và những tồn dư của ACB. Liên tục từ năm 2012 đến 2017, báo cáo tài chính của ACB thể hiện việc ngân hàng dồn dập trích lập dự phòng và thu hồi nợ, chấp nhận việc hao mòn lợi nhuận. Đỉnh điểm năm 2017 nhà băng này trích lập dự phòng 2.565 tỷ đồng. Riêng với khoản nợ nhóm G6 chỉ còn hơn 616 tỷ đồng được trích lập toàn bộ.

Theo ước tính của CTCK TP HCM (HSC), giai đoạn trước đó (2012-2016), ACB đã trích lập tổng cộng 6.352 tỷ đồng, hoán đổi hơn 2.400 tỷ đồng nợ xấu với trái phiếu đặc biệt VAMC. Ngoài ra, ước tính ngân hàng cũng đã xử lý xóa nợ tổng cộng 1.893 tỷ đồng.

Trích lập dự phòng của ACB qua các năm (Đvt: tỷ đồng)


Đồ hoạ: Lê Hải.

Tổng tài sản của ngân hàng dần hồi phục, trong khi lợi nhuận liên tục tăng trưởng bất chấp việc trích lập dự phòng.

Báo cáo của CTCK Rồng Việt nhận định sau nhiều năm xây dựng khoản đệm dự phòng cao và giải quyết nợ xấu bằng nguồn dự phòng tín dụng, ngân hàng đã giải quyết tất cả tài sản có vấn đề từ giai đoạn khủng hoảng trong năm 2012 gồm nợ nhóm G6 và trái phiếu VAMC.

Nhìn lại giai đoạn này, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB, cho biết 2017 là năm cuối cùng của 5 năm xử lý biến cố. Trong năm này, ngân hàng đã thành công trong trích lập dự phòng 100% các khoản nợ liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên. Đồng thời, ngân hàng mua lại toàn bộ nợ VAMC, trích lập dự phòng toàn bộ cho các khoản nợ nội bảng có vấn đề.

Sang năm 2018, tỷ lệ dự phòng/nợ quá hạn của ngân hàng là 152%, nợ xấu thấp nhất hệ thống. "Những điều này cho thấy ngân hàng hoàn toàn làm sạch bảng cân đối kế toán, từ 2018 trở đi đã không còn gánh nặng dự phòng cho các khoản nợ xấu của nhóm 6 công ty liên quan đến ông Nguyễn Đức Kiên. Đó cũng là một nguyên nhân lớn đến mức lợi nhuận đột phá 141% của năm 2018", ông nhận định.

2018 hưởng thành quả, trở lại "đường đua"

Sau 6 năm thực hiện theo chiến lược tái cơ cấu toàn ngân hàng, thành quả của ACB là một cấu trúc “sạch nợ” tồn đọng liên quan đến người tiền nhiệm và bắt đầu thu lại những gì đã bỏ ra.

Năm 2018, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 6.300 tỷ đồng, tăng 140% so với năm 2017 và cao hơn 50% so với năm 2011, thời điểm trước khủng hoảng. Kết quả này không chỉ đến từ thu nhập hoạt động tăng 22%, mà còn đóng góp bởi khoản lãi từ thu hồi nợ tại nhóm G6 gần 1.610 tỷ đồng. Báo cáo dòng tiền của ACB cho thấy nhà băng này mang về 1.765 tỷ đồng từ các khoản nợ đã xử lý, bù đắp bằng nguồn rủi ro trong cả năm 2018, gấp 4,78 lần năm 2017.

Bên cạnh thành quả từ các khoản trích lập dự phòng, ngân hàng cũng giảm được chi phí dự phòng rủi ro tín dụng nhờ trích lập được hầu hết đối với số nợ đã bán cho VAMC. Chi phí dự phòng đối với trái phiếu VAMC chỉ hơn 8 tỷ, giảm số dư còn 21 tỷ đồng. Tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2018 giảm 64%.

Sau 6 năm bị ảnh hưởng, ACB lấy lại “dáng vóc” hơn trước khủng hoảng với một chất lượng tài sản cải thiện, tốt hơn, có tỷ lệ nợ xấu 0,73% - thấp nhất trong hệ thống.

Ở mặt quản trị, bóng dáng “bầu” Kiên tại ngân hàng cũng gần như biến mất. Hội đồng Quản trị ACB đã không còn người đại diện của ông “bầu”, do không được phê duyệt tại họp ĐHCĐ thường niên 2018. Bà Đặng Ngọc Lan (vợ "bầu" Kiên) từng là người cuối cùng hiện diện cho nhóm cổ đông này ở ACB với vị trí Phó Ban kiểm tra kiểm soát nội bộ và Chủ tịch công đoàn, nay không còn đảm nhiệm vị trí nào tại ngân hàng.

Hiện nay, ACB được dẫn dắt bởi ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, con trai của ông Trần Mộng Hùng - một trong những Hội đồng sáng lập ngân hàng này.

Thay đổi tổng tài sản của ACB (Đvt: tỷ đồng)


Đồ hoạ: Lê Hải.

Chia sẻ với Người Đồng Hành, một thành viên trong Ban điều hành ACB nói rằng kết quả năm 2018 cho thấy ngân hàng đã vượt quá mọi sóng gió, hệ quả của sự cố 2012. Đây được cho là giai đoạn ngân hàng xây dựng đội ngũ lãnh đạo, nhân viên chấp nhận mọi thử thách, chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới.

Dù đã trích lập 100% dự phòng cho các khoản nợ G6, ngân hàng tiếp tục tích cực xử lý nợ và thu hồi các khoản nợ này cho cổ đông. Tuy nhiên, xử lý nợ gặp nhiều khó khăn do sự bất hợp tác của khách hàng trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ và xử lý tài sản thế chấp.

"Ngân hàng kỳ vọng sẽ thu hồi và hoàn nhập dự phòng được 600 tỷ đồng nợ liên quan đến G6 trong năm nay, dù vậy việc này phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác của khách hàng", vị này nói.

Theo Lê Hải/NDH

Bạn đang đọc bài viết "ACB và hành trình 6 năm xóa tàn dư của bầu Kiên" tại chuyên mục Tài chính.