Sinh nhật 10 tuổi Winmart

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo làm gì kể từ khi rời Trung Nguyên?

30/03/2018 17:39

Những ngày gần đây, dư luận lại xôn xao về tranh chấp giữa vợ chồng 'vua cà phê' Đặng Lê Nguyên Vũ - Lê Hoàng Diệp Thảo. Gần 3 năm xảy ra tranh chấp cũng là từng ấy thời gian bà Thảo không còn giữ vị trí điều hành tại Trung Nguyên. Kể từ khi rời khỏi Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã và đang làm những gì?

Mới đây, trả lời báo giới, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã không ngần ngại nói ra điều mà bà muốn nhất lúc này đó là “được quay lại Trung Nguyên, củng cố lại tập đoàn với đúng tư cách mà tôi đã luôn có – người đồng sở hữu lớn nhất của Trung Nguyên”.

Khi phóng viên đặt câu hỏi “Tôi biết rằng, bên cạnh việc tranh chấp ở Trung Nguyên kéo dài mấy năm qua, thì chị cũng đang xây dựng một thương hiệu cà phê mới. Chị không dừng lại…”

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo trải lòng: “Bởi vì cà phê là giấc mơ của tôi, là tình yêu của tôi. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ việc tiếp tục xây dựng thương hiệu cà phê ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào”.

Lê Hoàng Diệp Thảo và “vị vua” mới

Kết hôn với “Vua cà phê Việt” Đặng Lê Nguyên Vũ năm 1998 và cùng tham gia xây dựng Trung Nguyên trở thành thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam, nhưng phải đến giữa năm 2015, công chúng mới biết nhiều đến cái tên Lê Hoàng Diệp Thảo. Đó cũng là khi những tranh chấp pháp lý giữa bà và ông Vũ nổ ra.

Song song với những ồn ào trong tranh chấp tại Tập đoàn Trung Nguyên, Lê Hoàng Diệp Thảo trở lại thương trường với thương hiệu TNI King Coffee.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo làm gì kể từ khi rời Trung Nguyên? - Ảnh 2

Bà Thảo đã cho ra mắt thương hiệu King Coffee vào tháng 10/2016 tại Mỹ

Không đi theo cách truyền thống, Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã chọn thị trường Mỹ để giới thiệu “vị vua” mới của mình.

Tháng 10/2016, King Coffee được giới thiệu ở Mỹ. Gần một năm sau khi ra mắt, đến nay, King Coffee đã có mặt trên hệ thống phân phối của 88 quốc gia trên thế giới.

Mặc dù mới ra mắt được hơn 1 năm nhưng King Coffee của bà Thảo đã đạt được những kết quả bước đầu đáng để nhiều “ông lớn” trong ngành cà phê dè chừng.

Ngay trong năm đầu tiên ra mắt, King Coffee đã mang về doanh thu 60 triệu USD cho TNI. Tại Hàn Quốc, King Coffee đã được bán trên 300 website thương mại điện tử.

King Coffee đang tìm cách chinh phục thị trường Trung Quốc. Tham vọng của bà Thảo là mang về doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường tỷ dân này.

Trong vòng hơn 1 năm kể từ khi quay lại thương trường, bà Thảo đã kịp bắt tay xây dựng một nhà máy sản xuất cà phê tại Tân Uyên, Bình Dương. Nhà máy này được xây dựng trên diện tích 51.300m2, chia làm 2 giai đoạn. Khi đi vào hoạt động, nhà máy TNI King Coffee sẽ cung cấp 9.000 tấn cà phê rang xay và 19.800 tấn cà phê hòa tan mỗi năm.

Tham vọng dẫn dắt trào lưu mới trong ngành cà phê

Lê Hoàng Diệp Thảo từng khẳng định rằng: "Tôi rất am hiểu thị trường, và tôi muốn phát triển nền công nghiệp cà phê nội địa".

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo làm gì kể từ khi rời Trung Nguyên? - Ảnh 3

Mới ra mắt hơn 1 năm nhưng King Coffee là một đối thủ đáng dè chừng trong ngành cà phê

Khi chính thức bước ra khỏi “cái bóng” của Trung Nguyên, bà Thảo đã đồng thời tạo dựng cả các mối quan hệ kinh doanh và chính trị.

Hiện tại, Lê Hoàng Diệp Thảo là Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê Việt Nam. Trong năm 2017, bà đã có nhiều chuyến đi cùng các phái đoàn thương mại với Thủ tướng và Chủ tịch nước đến Nhật Bản, Nga và Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất.

Bà Thảo cho biết, bà đã làm việc với Chính phủ để thúc đẩy trồng rừng thông qua đầu tư trực tiếp. Mục tiêu của bà là đạt đến 30% tổng diện tích canh tác cà phê tại Việt Nam, ước tính 660.000 ha.

Không chỉ dừng lại ở việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy và phát triển thị trường, bà Thảo còn xây dựng hình ảnh của mình gắn liền với quỹ Happy Farmers do bà sáng lập.

Quỹ Happy Farmers làm việc trực tiếp với những người nông dân trồng cà phê; hỗ trợ nông dân giống, vốn và kĩ thuật trồng cà phê theo các tiêu chuẩn quốc tế. Sau đó, công ty của bà Thảo sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm của người nông dân.

Những động thái trên của Bà Lê Hoàng Diệp Thảo là sự chuẩn bị bài bản cho việc đón nhận những bước chuyển “từ thô sang tinh” của ngành cà phê tại Việt Nam.

Theo đề án tái cơ cấu ngành cà phê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ có từ 25% sản lượng cà phê nhân trở lên được chế biến thành các sản phẩm cà phê phục vụ trực tiếp cho tiêu dùng.

Trong xuất khẩu, các doanh nghiệp cà phê Việt đang dần chuyển từ xuất khẩu sản phẩm thô sang sản phẩm chế biến. Ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp đang nỗ lực làm thay đổi thói quen tiêu dùng với thông điệp "cà phê sạch".

Sau khi thâm nhập gần 100 thị trường nước ngoài, bà Diệp Thảo quay về phát triển thị trường trong nước. Bà Thảo đặt mục tiêu Việt Nam sẽ là thị trường quan trọng để King Coffee hiện thực hóa huyền thoại cà phê Việt.

Năm 2017, King Coffee đã hoàn thiện việc xây dựng hệ thống nhà phân phối khắp 63 tỉnh thành trên cả nước.

Dự kiến trong năm 2018, “vua cà phê” mới của bà Lê Hoàng Diệp Thảo sẽ bước vào thị trường nội địa với kế hoạch "bùng nổ" hơn 1.000 cửa hàng King Coffee khắp lãnh thổ Việt Nam. Chuỗi King Coffee sẽ phát triển các mô hình khác nhau phục vụ cho mọi đối tượng thưởng thức cà phê.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo làm gì kể từ khi rời Trung Nguyên? - Ảnh 4

Bà Thảo sẽ bước vào thị trường nội địa với kế hoạch "bùng nổ" hơn 1.000 cửa hàng King Coffee

Vào giữa năm 2015, khi những tranh chấp pháp lý giữa bà Thảo và ông Vũ nổ ra, bà Thảo từng chia sẻ: "Người ta nói phía sau thành công của một người đàn ông là một người phụ nữ. Còn bây giờ, câu hỏi đặt ra là, liệu phụ nữ có thể tự tạo thành công cho mình hay không? Tôi phải thử mới biết được!".

Ở tuổi 44, Bà Lê Hoàng Diệp Thảo đang tự trả lời cho câu hỏi của mình.

Hoàng Lan/VietnamFinance