Bất ngờ dấu ấn một thời cặp đôi Dương Công Minh - Nguyễn Đức Hưởng

10/06/2019 12:07

Ngân hàng một thời của đại gia kín tiếng Dương Công Minh bắt đầu thực thi các nghị quyết của đại hội cổ đông, trong đó có phương án tăng vốn và chuyển niêm yết lên sàn HOSE.

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - LienVietPostBank (LPB) vừa thông qua việc triển khai phương án tăng vốn điều lệ năm 2019 theo Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2019. Theo đó, LienVietPostBank sẽ tăng vốn thêm 10% lên gần 9,77 ngàn tỷ đồng trong năm nay ngay sau khi có chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Nguồn vốn để thực hiện việc tăng vốn được lấy từ lợi nhuận sau thuế và trích lập quỹ năm 2018 cũng như lợi nhuận còn lại năm 2017 và thặng dư vốn cổ phần, tương ứng tổng cộng hơn 880 tỷ đồng (10% cổ phần).

Sau khi tăng vốn, LienVietPostBank sẽ có vốn điều lệ lên 9.769 tỷ đồng, với 1 cổ đông lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam - Vietnam Post (khoảng hơn 10%), còn lại đều là cổ đông nhỏ lẻ.

LienVietPostBank được biết đến là một ngân hàng của đại gia kín tiếng Dương Công Minh. Ông Minh là người sáng lập chính và là thuyền trưởng lèo lái ngân hàng này trong vòng 9 năm với sự hỗ trợ đắc lực của ông Nguyễn Đức Hưởng.

Ông Dương Công Minh vẫn được xem là một đại gia bí ẩn trên thị trường tài chính và bất động sản Việt Nam cho dù đã ghi dấu ấn với Him Lam, LienVietPostBank và sau đó là vụ thâu tóm Ngân hàng Sacombank.

Bất ngờ dấu ấn một thời cặp đôi Dương Công Minh - Nguyễn Đức Hưởng
Ông Dương Công Minh và ông Nguyễn Đức Hưởng.

Giữa 2017, ông Dương Công Minh bất ngờ từ nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT LienVietPostBank. Cổ đông lớn nhất là Công ty Him Lam (nơi ông Minh sở hữu 99% vốn) đã thoái toàn bộ 15% vốn nắm giữ, tương đương gần 97 triệu cổ phiếu LienVietPostBank.

Sau khi ông Dương Công Minh bất rút lui, LienVietPostBank có nhiều thay đổi. Ngân hàng này đã có kế hoạch đưa cổ phiếu lên niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) trước khi hết năm 2020 và đặt kế hoạch kinh doanh khá ấn tượng.

Năm 2019, LienVietPostBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 57% lên 1,9 ngàn tỷ đồng.

Dàn lãnh đạo LienVietPostBank cũng có nhiều thay đổi. Gần đây, LienVietPostBank thay 2 phó TGĐ. Hồi đầu tháng 4/2019, ngân hàng này đã bổ nhiệm ông Dương Công Toàn lên làm phó chủ tịch LienVietPostBank nhiệm kỳ 2018-2023.

Quyết định tăng vốn của LienVietPostBank được thực hiện theo nghị quyết ĐHCĐ và nhằm tăng cường quy mô vốn, tăng tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng để đáp ứng tiêu chuẩn của basel II.

Trong vài năm gần đây, các ngân hàng Việt dồn dập tăng vốn để củng cố vị thế cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập. Bốn ngân hàng có quy mô lớn do Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc nắm giữ cổ phần chi phối gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank cũng đang nỗ lực tìm cách tăng vốn.

Quá trình tái cấu trúc trong vài năm qua đã giúp nhiều ngân hàng thay đổi mạnh theo hướng tích cực, nợ xấu giảm nhiều. Tuy nhiên, phần lớn các ngân hàng Việt vẫn chưa đáp ứng mức vốn tối thiểu 8% theo chuẩn mực của Basel II.

Hồi đầu tháng 3, NHNN cũng đã có quyết định để Vietcombank nâng vốn điều lệ thêm hơn 1,1 ngàn tỷ đồng lên hơn 37 ngàn tỷ đồng sau khi Mizuho của Nhật mua cổ phần để đảm bảo duy trì tỷ lệ sở hữu 15% vốn điều lệ và GIC của Singapore mua 2,55% cổ phần VCB hồi cuối 2018.

Tuy nhiên, đây chỉ là một phần trong kế hoạch tăng vốn mà Vietcombank ấp ủ trong nhiều năm vừa qua. Vietcombank dự kiến sẽ tiếp tục tăng vốn sau nhiều lần đề xuất xin được giữ lại lợi nhuận, giữ lại thặng dư và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn chưa được chấp thuận.

Tăng vốn giúp các ngân hàng có triển vọng sáng sủa hơn về dài hạn. Nhưng về ngắn hạn, lượng cổ phiếu cung mới trên thị trường gây áp lực tới giá. Cổ phiếu LVB của LienVietPostBank hiện ở vùng thấp nhất trong 3 năm qua.

Cổ phiếu Sacombank do ông Dương Công Minh làm chủ tịch hiện cũng đang có giá ở mức thấp nhất khoảng 4 tháng cho dù ngân hàng này đã xử lý được nhiều khoản nợ xấu để lại từ thời ông Trầm Bê.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch vẫn khá ảm đạm nhưng áp lực bán giảm trong khi sức cầu bắt đáy tăng trở lại đã giúp VN-Index tăng hơn 10 điểm trong phiên cuối tuần. Nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng khá mạnh như Vietcombank, BIDV, ACB, MBBank,...

Một số cổ phiếu chủ chốt cũng tăng điểm như Vingroup, Vinhomes, Petrolimex, VietJet, PNJ,... Trong khi đó nhóm dầu khí ổn định trở lại.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo Chứng khoán Rồng Việt, hiên tăng điểm khá mạnh và trên diện rộng hôm cuối tuần đã mở ra nhịp phục hồi cho các chỉ số sau nhịp giảm sâu trước đó. Trước mắt đây vẫn là nhịp tăng nhỏ trong xu thế giảm trung hạn. Nhà đầu tư có thể tận dụng để cơ cấu lại danh mục nhưng cũng cần hạn chế sự hưng phấn vì rủi ro “bulltrap” chưa thể loại bỏ hoàn toàn.

BSC cho rằng, áp lực điều chỉnh đã suy giảm cho chỉ số dù vậy thanh khoản vẫn ở mức thấp. Thị trường dự báo tiếp tục giằng co, chờ tin hỗ trợ để thu hút lại dòng tiền.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/6, VN-Index tăng 10,07 điểm lên 958,28 điểm; HNX-Index tăng 1,18 điểm lên 104,21 điểm và Upcom-Index tăng 0,18 điểm lên 54,61 điểm. Thanh khoản đạt 180 triệu đơn vị, trị giá 3,7 ngàn tỷ đồng.

V. Minh

Theo Vietnamnet