Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Doanh nghiệp Việt Nam giỏi từ thời Mai An Tiêm

05/03/2019 21:44

"Chúng ta có bà Ninh Thị Ty rất gầy 'cõng' lá tía tô sang Nhật Bản bán 200 đồng/lá. Ngày xưa, ông Mai An Tiêm đã đi khắp nơi bán dưa hấu...", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lấy những ví dụ cho thấy tiềm năng, khát vọng của con người Việt Nam.

Tại Diễn đàn Thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản Việt Nam 2019 diễn ra hôm nay (5/3), ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng có 2 yếu tố làm nền tảng cho sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Đầu tiên là sự tăng trưởng về mặt dân số cùng với nền kinh tế toàn cầu phát triển. Bộ trưởng cho rằng đây sẽ là bệ đỡ cho toàn nền nông nghiệp nói chung. “Ngoài ra, khi dân số ở đô thị ngày một tăng, tiến tới 70%, cơ hội cho những người sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng nhiều hơn”, ông nói.

Yếu tố thứ 2, theo tư lệnh ngành Nông nghiệp, là nội hàm Việt Nam. Việt Nam ngày càng có cơ hội tham gia chuỗi nông sản toàn cầu, điều này được minh chứng bằng kết quả của ngành nông nghiệp trong những năm qua. Điều kiện tự nhiên, sự đa dạng sinh học và địa kinh tế thuận lợi của Việt Nam cũng là những bước đệm quan trọng. Cùng với đó, yếu tố con người đóng vai trò then chốt.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Internet.

“Hệ thống chính trị của chúng ta quyết tâm. Doanh nghiệp của chúng ta rất giỏi. Chúng ta có bà Ninh Thị Ty rất gầy 'cõng' lá tía tô sang Nhật Bản bán 200 đồng/lá. Ngày xưa, ông Mai An Tiêm đã đi khắp nơi bán dưa hấu, doanh nhân Bùi Thị Hý đưa đồ gốm xuất đi 5 châu 4 biển, Bạch Thái Bưởi là tấm gương doanh nhân đầu thế kỷ XX. Chúng ta có những người nông dân đi tận Chi Lăng để thụ phấn cho 100/100 số bông hoa của cây na… con người Việt Nam rất giỏi và có khát vọng”, Bộ trưởng nói.

Từ đó, Bộ trưởng Nông nghiệp khẳng định thế giới có thị trường, Việt Nam có đủ những điều kiện căn bản ban đầu nên chúng ta hoàn toàn có niềm tin vào cơ hội của ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, dù có lợi thế, nhưng muốn có thành phẩm bán được thì phải xác định là khó khăn, muôn vàn khó khăn, đi bán cho thế giới không phải chuyện đơn giản, phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn, quy chuẩn, mẫu mã, truy xuất…

Để xuất khẩu được nông sản ra thị trường quốc tế, tư lệnh ngành nông nghiệp nói: “Chúng ta phải chọn lựa chọn lợi thế cái gì mạnh thì chúng ta làm, chứ Việt Nam mà trồng táo bán sang châu Âu thì làm sao mà được. Chúng ta cũng phải chú ý đến xu hướng thị trường, thị trường hướng đến ăn nhiều thuỷ sản thì tập trung làm thuỷ sản, ăn nhiều rau quả thì phải chú trọng trồng rau, quả".

"Phải lấy nguyên tắc thích ứng với biến đổi khí hậu làm trọng. Ví dụ, Đồng bằng Sông Cửu Long ngập mặn thì cần gì phải trồng lúa, ta quay sang nuôi thuỷ sản. Cuối cùng, phải ứng dụng khoa học, công nghệ. Bây giờ làm nông nghiệp mà không ứng dụng khoa học công nghệ, không có tổ chức quản trị, không có tiếp thị, marketing thì chỉ có sập tiệm”, Bộ trưởng nói.

Lâm Tùng/NDH