Đại gia Trầm Bê – nghiệp kinh doanh 25 năm và vòng lao lý

20/08/2018 09:55

Đầu tháng 8/2018, ông Trầm Bê bị phạt 4 năm tù về tội danh trong lĩnh vực ngân hàng. Đại gia Trầm Bê- người từng giữ chức phó chủ tịch Ngân hàng Sacombank – còn lại gì khi vướng vòng lao lý?

Buôn gỗ, đầu tư bất động sản, xây bệnh viện và ông chủ ngân hàng

Ông Trầm Bê sinh năm 1959, người Việt gốc Hoa, là con cả trong một gia đình nghèo có 4 người con ở Trà Vinh. Ông Trầm Bê bắt đầu sự nghiệp của mình với cương vị là giám đốc rồi chủ tịch Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh (1991- 2001).

Sau khi làm trong ngành gỗ, ông Trầm Bê xâm nhập lĩnh vực bất động sản bằng việc đầu tư vào Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI). Ông giữ vai trò thành viên Hội đồng Quản trị (1999), nắm giữ 3% cổ phần. Sau 17 năm gắn bó BCCI, ngày 20/8/2016, ông Trầm Bê rời Hội đồng Quản trị BCCI.

Trong lĩnh vực bất động sản, thành công nhất của đại gia này phải kể đến thương vụ ở Mỹ. Năm 2009, ông Trầm Bê đã bỏ ra khoảng 64 triệu USD để sở hữu một phần khu mua sắm Vallco Shopping Mall (thuộc trung tâm thương mại tại Cupertino, bang California - Mỹ). Đến năm 2014, ông bán số vốn này lại cho Công ty bất động sản Sand Hill. Sau khi trừ đi 36 triệu USD giải quyết các khoản thuế tại Mỹ, đại gia Trầm Bê mang về Việt Nam 80 triệu USD, tức lãi 16 triệu USD sau 5 năm rót vốn.

Giai đoạn 2002-2004, ông Trầm Bê còn tham gia đầu tư vào Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn, với vai trò chủ tịch. Sơn Sơn độc quyền toàn bộ thị trường chiếu xạ thanh long tại Việt Nam. Mãi cho đến năm 2009, thế độc quyền này mới mất đi. Trước đó, năm 2001, ông Trầm Bê góp vốn với nhiều người để xây dựng Bệnh viện Triều An, trong đó ông Bê có hơn 15% cổ phần.

Bước ngoặt của đại gia Trầm Bê là khi ông tham gia vào lĩnh vực ngân hàng. Năm 2004, ông trở thành thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank). Bên cạnh đó, ông Trầm Bê còn thành lập Công ty Vàng bạc Đá quý Phương Nam (NJC) vào năm 2007 và Công ty Chứng khoán Phương Nam (PNS).

Thương vụ để đời: “cá bé” Southernbank nuốt “cá lớn” Sacombank

Năm 2004, Trầm Bê trở thành Thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank). Gia đình ông sở hữu tổng cộng hơn 20% cổ phần ngân hàng này, vượt qui định của Luật các tổ chức tín dụng cho phép. Trong đó, ông sở hữu 8,36% và con gái Trầm Thuyết Kiều sở hữu 7,36%.

Trầm Bê bắt đầu thu gom cổ phiếu STB của Sacombank trong khoảng thời gian 2011-2012. Lúc đó, SouthernBank đang lỗ 15.756 tỷ đồng, nợ xấu đang ở mức 45% và vài tháng tiếp theo tăng lên 55,3%, dẫn đến mất thanh khoản trầm trọng. Để cứu SouthernBank, một ngân hàng lớn có hội sở tại Hà Nội đã cho SouthernBank vay hàng ngàn tỉ đồng nhằm chống đỡ mất thanh khoản. Thế nhưng, gia đình ông Trầm Bê lại dùng tiền này thu gom cổ phiếu STB.

Tháng 2/2012, nhóm cổ đông lớn nắm trên 51% cổ phần Sacombank, đại diện là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam – Eximbank, yêu cầu bầu lại toàn bộ ban lãnh đạo Sacombank. Đến tháng 6-2012, ông Trầm Bê rời ghế Phó chủ tịch SouthernBank và giao lại chức vụ này cho người con trưởng là ông Trầm Trọng Ngân. Một người con trai khác - ông Trầm Khải Hòa - cũng bất ngờ rút khỏi ban lãnh đạo của SouthernBank để tham gia HĐQT Sacombank.

Đại hội cổ đông Sacombank vào tháng 5/2012 chính thức đưa ông Trầm Bê lên chức Phó Chủ tịch Sacombank, ông Trầm Khải Hòa làm Thành viên Hội đồng Quản trị. Gia đình ông Trầm Bê giữ 6,78% cổ phần Sacombank. Cho đến cuối năm 2013, gia đình này vẫn còn giữ gần 21% cổ phần tại Southernbank. Đến tháng 10/2015, thương vụ “cá bé” Southernbank đã chính thức nuốt “cá lớn” Sacombank chính thức diễn ra.

Được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, Southernbank sáp nhập vào Sacombank theo tỷ lệ 1 cổ phiếu Southernbank đổi được 0,75 cổ phiếu STB. Ngoài ra, 1 cổ phần của cổ đông Sacombank tại ngày chốt danh sách để hoán đổi cổ phần, sẽ nhận thêm 0,3875 cổ phần ngân hàng sáp nhập. Tính ra, mỗi cổ phiếu STB có giá trị gần gấp đôi cổ phiếu Southernbank. Sau sáp nhập, gia đình ông Trầm Bê nắm 9,49% cổ phần Sacombank.

Điều đáng nói của thương vụ này là Southernbank có vốn điều lệ chỉ bằng 1/3 Sacombank, nhưng lại thâu tóm được gã khổng lồ Sacombank, với hơn 1 tỷ cổ phiếu niêm yết năm 2012. Southernbank có 4.000 tỷ đồng vốn điều lệ, còn Sacombank có 14.853 tỷ đồng vốn điều lệ. Sau khi sáp nhập, nợ xấu Sacombank tăng chóng mặt, từ mức 1,86% năm 2015 lên mức 5,35% năm 2016.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, việc tự nguyện sáp nhập Southern Bank vào Sacombank là phù hợp với chủ trương tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Chính phủ và NHNN nhằm tạo nên một ngân hàng lớn, lành mạnh phục vụ tốt cho nền kinh tế và đủ sức vươn ra thị trường quốc tế. Sau sáp nhập, Sacombank trở thành ngân hàng lớn nhất trong khối ngân hàng TMCP và chỉ sau 4 ngân hàng có yếu tố quốc doanh.

Ông Trầm Bê còn gì sau khi lãnh 4 năm tù?

Việc Southernbank thâu tóm thành công Sacombank được xem là thương vụ để đời trong ngành ngân hàng, chứ không riêng gì với ông Trầm Bê. Theo Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu sáp nhập là để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Dù vậy, thương vụ này cũng để lại nhiều rắc rối không nhỏ.

Sau khi được đồng ý cho sáp nhập, ông Trầm Bê đã tự nguyện cam kết “ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định, thực hiện đầy đủ các quyền của cổ đông theo quy định của pháp luật và điều lệ của SouthernBank và Sacombank”. Điều này đồng nghĩa ông sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập. Sau khi sáp nhập xong, ông Trầm Bê từ chức tại Sacombank.

Chuỗi hành động này có lý do. 54,4% cổ phần của gia đình ông Trầm Bê tại Sacombank bắt buộc phải chuyển giao cho Ngân hàng Nhà nước. Hơn 9% còn lại cũng chuyển cho VAMC để xử lý số nợ của ông tại đây. Theo công bố của Sacombank mới đây, ông Trầm Bê còn nợ ngân hàng này 33.000 tỷ đồng. Các cơ quan chức năng vẫn đang xử lý số nợ này, chưa có thông tin cụ thể đến khi ông Trầm Bê bị tuyên phạt 4 năm tù vào đầu tháng 8/2018. Theo tòa án, ông Trầm Bê đã tiếp tay ông Phạm Công Danh – chủ tịch Ngân hàng Xây dựng (VNCB) – làm VNCB thiệt hại 1.800 tỷ đồng.

Không còn tài sản tại Sacombank, nhưng Trầm Bê vẫn còn nhiều tài sản riêng khác. Nhiều nguồn tin cho biết, ông Trầm Bê và gia đình đang sở hữu nhiều khu đất tại quận Bình Tân, TP.HCM. Trong đó, giá trị nhất là dự án Khu nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao thuộc Tiểu khu 3 - Khu dân cư Tên Lửa, phường Bình Trị Đông B (quận Bình Tân). Dự án này do Công ty Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn - doanh nghiệp do người thân ông Trầm Bê sở hữu - làm chủ đầu tư. Dinh thự của đại gia Trầm Bê tại quê nhà ở xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh tọa lạc trên khu đất rộng 30 ha, trong khuôn viên có rất nhiều cây cảnh quý trị giá đến cả tỷ đồng.

Ngoài ra, các con của ông Trầm Bê cũng đang sở hữu khối tài sản lớn. Con trai đầu của Trầm Bê là Trầm Trọng Ngân đang sở hữu hơn 89 triệu cổ phiếu STB tương ứng 1.141 tỷ đồng. Con trai thứ Trầm Khải Hoà giữ  427 tỷ đồng cổ phiếu STB. Con gái ông Trầm Bê là Trầm Thuyết Kiều cũng sở hữu khối tài sản lên tới 346 tỷ đồng tại STB. Ngoài ra, bà Kiều còn sở hữu gần 5 triệu cổ phiếu tại NJC (công ty chưa niêm yết).

Dương Nguyễn (t/h)