Dấu ấn chuyển giao thế hệ ở gia đình Golf Long Thành

15/02/2019 14:23

Trong quý 4.2018, bà Lê Nữ Thùy Dương, đại diện công ty thành viên của công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành ký hai hợp đồng mua bán điện với công ty mua bán điện thuộc tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với tổng công suất theo thiết kế của hai nhà máy điện mặt trời này là 100 MW. Năng lượng mặt trời là lĩnh vực mới của KN Group, tập đoàn gồm các công ty thành viên, trong đó đơn vị được biết đến nhiều nhất là công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Golf Long Thành, công ty gia đình do ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung thành lập và hiện giờ con gái của họ là Lê Nữ Thùy Dương điều hành.

Bà Thùy Dương, tổng giám đốc Golf Long Thành cho biết: “Sử dụng năng lượng sạch đang là xu thế mới của thế giới. Việt Nam cũng có tiềm năng phát triển năng lượng mặt trời nên tham gia lĩnh vực này có thể cung cấp nguồn năng lượng sạch, có tính bền vững, góp phần bảo vệ môi trường.” Lĩnh vực mới khác như một miếng ghép bổ sung cho mảng bất động sản, là khu du lịch, vui chơi giải trí, gắn với các dự án bất động sản đang triển khai ở Cam Ranh, Khánh Hòa.

Gia đình ông Lê Văn Kiểm thuộc thế hệ kinh doanh đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất. Từ một cơ sở sản xuất nhỏ trong thập niên 90, đầu tư vào may mặc, xây dựng, trải qua các biến động của chu kỳ kinh tế, khủng hoảng kinh tế khu vực và toàn cầu, ông Lê Văn Kiểm xây dựng và phát triển thành doanh nghiệp đa ngành, hoạt động ở Việt Nam và Lào. Tên tuổi vợ chồng ông Lê Văn Kiểm gắn với các dự án sân golf, bất động sản, khu nghỉ dưỡng, trong đó có golf Long Thành (Đồng Nai), khu nghỉ dưỡng Thùy Dương (Bà Rịa – Vũng Tàu), sân golf Long Thành – Vientiane (Lào). Ba lĩnh vực hoạt động chính trong những năm vừa qua của công ty gia đình ông Kiểm là bất động sản, golf và khai khoáng.

Ở tuổi 73, ông Lê Văn Kiểm vẫn giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị, và vợ ông giữ chức phó chủ tịch thường trực hội đồng quản trị, việc điều hành đang được chuyển giao cho thế hệ thứ hai. Hai người con của họ đều tham gia vào việc phát triển công ty. Con trai đầu, ông Lê Huy Hoàng, 47 tuổi hiện là tổng giám đốc đặc khu Kinh tế Long Thành - Vientiane, Lào. Thùy Dương làm phó tổng giám đốc từ năm 2003, sau 12 năm, được trao quyền tổng giám đốc điều hành từ 2015.

Dấu ấn chuyển giao thế hệ ở gia đình Golf Long Thành - ảnh 2



Dấu ấn chuyển giao thế hệ ở gia đình Golf Long Thành - ảnh 3

công ty gia đình của Thùy Dương diễn ra trong 20 năm. Học ngành quản trị kinh doanh ở Úc, tham gia công ty của gia đình cuối những năm 1990, Thùy Dương bắt đầu tham gia công ty trong vai trò trợ lý, rồi luân chuyển qua nhiều phòng ban như đầu tư, pháp lý, tài chính, kinh doanh. Kinh nghiệm khi trải qua nhiều bộ phận giúp nữ nhân viên sinh năm 1976 này có cái nhìn bao quát, được cọ xát giữa kiến thức nhà trường và thực tế công việc.

Việc kinh doanh phát triển, từ năm 2007, gia đình ông Kiểm liên doanh với một vài đối tác nước ngoài, cơ hội để thế hệ thứ hai trong gia đình có thêm cơ hội học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Nhờ có quỹ đất chuẩn bị từ thập niên 90, năm 2007, họ liên doanh với CapitaLand phát triển dự án The Vista. Ra mắt đúng thời điểm cơn sốt địa ốc đang ở cao trào, người mua phải xếp hàng từ sáng sớm để đặt cọc căn hộ Vista. Bà Thùy Dương cho biết, chọn đối tác nước ngoài do thời điểm đó, công ty “chưa đủ mạnh về công nghệ và kinh nghiệm trong phát triển các sản phẩm căn hộ cao cấp,” còn đối tác chọn công ty gia đình ông Kiểm, là vì “uy tín và vị trí của các dự án.”

Năm 2001, gia đình bà Dương đầu tư xây dựng sân golf ở Long Thành, Đồng Nai, mở ra nhánh mới về kinh doanh sân golf, bất động sản chủ yếu là biệt thự. Theo bà Dương, đây là dự án sân golf thuộc nhóm đầu tiên do trong nước thiết kế và thi công. “Nhờ vậy mà tôi có được kinh nghiệm, nắm được nguyên tắc thiết kế sân golf, hiểu căn bản về các công việc thi công sân golf,” bà Dương nói.

“Ba mẹ tôi đã xây dựng cho tôi ý thức tự lập khi còn tuổi niên thiếu từ việc học tập, sinh hoạt, khi tiếp cận với công việc cũng hướng đến cho tôi ý thức làm việc độc lập, tư duy sáng tạo và tinh thần trách nhiệm,” bà Dương kể về cách đào tạo, huấn luyện qua công việc của thế hệ sáng lập công ty. “Tôi học được từ cha về cách nghĩ, tầm nhìn chiến lược. Còn từ mẹ, sự tỉ mỉ trong công việc và gần gũi đội ngũ nhân viên,” bà Dương cho biết thêm. Không chỉ tham gia hoạt động kinh doanh của gia đình, Thùy Dương còn tham gia nhiều hoạt động ở các tổ chức khác, và nhờ đó có thêm kinh nghiệm về quản trị.

Năm 2012, bà Thùy Dương trở thành ủy viên hội đồng quản trị FPT, đại diện cho phần vốn góp của Orchard Fund, quỹ đầu tư của tỉ phú Richard Chandler. Sau khi Orchard Fund thoái vốn khỏi FPT, giữa năm 2014, Thùy Dương thôi làm ủy viên HĐQT công ty này. Năm 2015, Thùy Dương được Iceland chọn làm lãnh sự danh dự của đảo quốc này ở TP.HCM. Tại Hà Nội tháng 11.2015, bộ trưởng Ngoại giao Iceland, ông Gunnar Bragi Sveinsson phát biểu rằng, việc bổ nhiệm lãnh sự danh dự Lê Nữ Thùy Dương “góp phần thắt chặt quan hệ song phương giữa hai nước.”

Tham gia hội đồng quản trị FPT, theo bà Dương, giúp “hiểu thêm cách thức vận hành của công ty đại chúng và quản lý theo hệ thống.” Xác định “kiến thức là nền tảng cho việc vận dụng vào công việc một cách bài bản,” vừa làm, Thùy Dương vừa học. Sau khi nhận bằng thạc sĩ của trường Maastricht Hà Lan năm 2003, Thùy Dương tham gia khóa đào tạo tiến sĩ của học viện Công nghệ Châu Á (AIT) năm 2007.

Bà nhìn nhận thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển giao là chuyển đổi hình thức quản lý theo phong cách gia đình sang loại hình quản lý theo hệ thống chuyên nghiệp. Đi cùng với việc chọn đơn vị tư vấn xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp, áp dụng phần mềm vào công tác quản trị, thực hiện đánh giá thông qua chỉ số đo lường hiệu quả cá nhân qua các kế hoạch ngắn và trung hạn, sơ đồ tổ chức của công ty được điều chỉnh theo hướng tập trung một số phòng ban chủ chốt về tập đoàn, phân quyền và giao trách nhiệm cho các công ty thành viên cùng với cơ cấu tổ chức linh hoạt theo tính chất và lĩnh vực hoạt động.

Thay đổi trong quy trình, sắp xếp lại công việc diễn ra thuận lợi, theo Thùy Dương, nhờ sự ủng hộ của lãnh đạo công ty do “phù hợp với nhu cầu phát triển.” Bên cạnh đó, những người điều hành như Thùy Dương phải có các bước chuẩn bị phù hợp như giải thích để mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của công tác quản trị, lợi ích của sự thay đổi. Để chuẩn bị nguồn nhân lực, cùng với chính sách duy trì, thu hút thêm nguồn nhân lực có chất lượng cao, thuê đơn vị quản lý chuyển nghiệp để hình thành bộ máy quản lý theo chuẩn quốc tế trong các lĩnh vực đặc thù như quản lý khách sạn, công ty tổ chức thường xuyên chương trình đào tạo cho các cán bộ, công nhân viên.

Dấu ấn chuyển giao thế hệ ở gia đình Golf Long Thành - ảnh 4
Ông Lê Văn Kiểm, Lê Nữ Thùy Dương và vợ chồng tổng thống Iceland tại lễ ra mắt lãnh sự danh dự ở TPHCM. )
Doanh nghiệp gia đình này hiện có nhiều công ty với hơn 2.000 cán bộ, công nhân viên. Hiện doanh nghiệp đang trong quá trình sắp xếp lại theo mô hình tập đoàn với thương hiệu dự kiến là KN Holdings. Các dự án lớn đang triển khai phân bổ ở TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Lào, trong đó có nhiều dự án lớn như: khu đô thị Biên Hòa New City tại Đồng Nai, khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise tại Cam Ranh, đặc khu Kinh tế Long Thành Vientinae, Lào.

Tháng 10.2018, KN Golf Links, sân golf 27 lỗ rộng 90 héc ta thuộc dự án KN Paradise Cam Ranh được đưa vào sử dụng, với sự hiện diện của nhà thiết kế kiêm golf thủ huyền thoại Greg Norman. Sân golf ngay sau đó đã được Asian Golf Awards bình chọn là Sân golf mới tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương 2018. Chia sẻ trên tạp chí Golf Course Architech, ông Greg Norman kể rằng, đề bài của chủ đầu tư đặt ra cho ông: Hãy thiết kế một trong những sân golf tốt nhất Việt Nam. Norman viết: “Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư hãy để chúng tôi thiết kế trước khi lên kế hoạch xây dựng hay quy hoạch.”

Thùy Dương chia sẻ, sau khi đưa vào hoạt động sân golf, dự kiến trong năm 2019, công ty đưa vào khai thác khách sạn năm sao ở KN Paradise. Bên cạnh sân golf, khách sạn, các dự án bất động sản trong khu bãi Dài, Cam Ranh đang được xây dựng. Bà Dương chia sẻ, việc mở rộng lĩnh vực dịch vụ du lịch, tiện ích và vui chơi giải trí vào khu đô thị nghỉ dưỡng như dự án KN Paradise để phục vụ cho khách du lịch và gia tăng giá trị cộng hưởng cho cư dân cũng như tăng sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Trong năm năm tới, theo lời bà Thùy Dương, “công ty sẽ phát triển các khu đô thị theo mô hình thành phố thông minh, xanh, sạch, cũng như tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất để nâng cao hiệu suất hoạt động của dự án.”

Trong các nghiên cứu về công ty gia đình của các công ty tư vấn tên tuổi như Deloitte, KPMG, Ernst & Young, một trong các yếu tố giúp phát triển qua nhiều thế hệ là tính kế thừa các giá trị cốt lõi. Bà Thùy Dương cho biết: “Đối với tôi có ba yếu tố quan trọng của công ty gia đình mà ở thế hệ nào cũng phải giữ gìn và kế thừa là: uy tín, trách nhiệm và chia sẻ."

Theo bà, quá trình phát triển 40 năm của công ty là cả một quá trình phấn đấu và xây dựng nên uy tín cá nhân, gia đình và công ty. Trong quá trình phát triển, những người sáng lập và điều hành luôn nghĩ đến trách nhiệm trong việc đóng góp cho xã hội thông qua các chương trình từ thiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn và hướng đến cộng đồng. Còn với các mối quan hệ hợp tác với đối tác thì việc chia sẻ trong lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi cũng là yếu tố quan trọng để duy trì sự hợp tác bền vững.

Vậy KN có ý nghĩa gì? “Đó là hai chữ viết tắt từ tên của hai nhà sáng lập,” Thùy Dương giải thích. “Chúng tôi muốn phát huy truyền thống gia đình.”

(Tạp chí Forbes Việt Nam số 69, tháng 2.2019)

Nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/doanh-nghiep/dau-an-chuyen-giao-the-he-o-gia-dinh-golf-long-thanh-5243.html

Bạn đang đọc bài viết "Dấu ấn chuyển giao thế hệ ở gia đình Golf Long Thành" tại chuyên mục Doanh nhân.