Giấc mơ siêu dự án của 'ông trùm' xây dựng Lê Viết Hải

02/07/2018 16:53

Cuộc "so găng" của hai ông lớn trên thị trường xây dựng là Hòa Bình và Coteccons được ví như Messi và Ronaldo trong bóng đá hay giữa hai đối thủ truyền kiếp là Coca và Pepsi trên thị trường nước giải khát thế giới...

>>> Hòa Bình trúng thầu dự án 86 tầng Empire City Thủ Thiêm

Một trong hai nhân vật chính, "ông trùm" xây dựng Lê Viết Hải nói gì về "đối thủ", về thị trường xây dựng chỉ có hai "ông lớn" đấu với nhau, về khát vọng thực hiện những siêu dự án? Thanh Niên đã có buổi phỏng vấn Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ngay sau khi ông vừa đáp chuyến bay từ Pháp về Việt Nam.

Cuộc "so găng" của hai ông lớn

* Hầu hết các công trình lớn ở TP.HCM và trên cả nước, không Hòa Bình thì Coteccons làm tổng thầu thi công. Thậm chí nhiều những con đường, cứ đan xen công trình này Hòa Bình tổng thầu thì công trình kia thuộc về Coteccons... Lẽ nào các cuộc đấu thầu hiện nay thực chất chỉ là cuộc "so găng" giữa hai ông trùm xây dựng Việt Nam?

- Thường thì chủ đầu tư đều mời nhiều công ty tham gia. Có đầy đủ công ty lớn - nhỏ; trong nước - nước ngoài nhưng đến khi xét hồ sơ thì năng lực, kinh nghiệm, biện pháp tổ chức công trình... cuối cùng chỉ còn lại Hòa Bình và Coteccons là sáng giá nhất. Cũng có khi họ chọn công ty nhỏ hơn để có giá tốt hơn nhưng thành thật mà nói thì các công trình có quy mô lớn đòi hỏi rất nhiều thứ mà công ty nhỏ khó đáp ứng được. Nên cuối cùng thì Hòa Bình và Coteccons vẫn là lựa chọn của nhiều chủ đầu tư. Điều này cũng khó tránh bởi về xây dựng dân dụng, Hòa Bình và Coteccons chiếm thị phần ngang ngửa nhau và đều là những công ty lớn nhất trên thị trường hiện nay. Cuộc "so găng" theo cách nói của mọi người hình thành một cách tự nhiên thôi. Nó cũng giống như chính trường Mỹ có nhiều đảng nhưng lớn nhất vẫn là đảng Dân chủ và Cộng hòa; Coca Cola - Pepsi trên thị trường nước giải khát...

* Sân chơi chỉ có hai doanh nghiệp (DN) liệu quá ít sự cạnh tranh hay không thưa ông?

- Thị trường xây dựng vẫn còn công ty thứ 3 - 4 chứ không phải chỉ có Hòa Bình và Coteccons. Nhưng theo tôi luôn duy trì sự cạnh tranh giữa hai công ty quy mô lớn vẫn thúc đẩy cho sự phát triển của thị trường thay vì có quá nhiều công ty. Như vậy, năng lực xây dựng của Việt Nam sẽ được tập trung. Nếu chia ra manh mún quá nhiều công ty thì khả năng phát triển ngành xây dựng ra thị trường quốc tế sẽ bị hạn chế. Bởi doanh số của Hòa Bình và Coteccons có thể lên đến hàng tỉ USD trong thời gian tới nhưng so với thế giới vẫn chưa là gì hết. Nhiều công ty xây dựng lớn của Trung Quốc hiện có doanh thu hàng trăm tỉ USD mỗi năm; các công ty của châu Âu cũng vài chục tỉ USD. So với họ, chúng tôi còn rất nhỏ. Đã nhỏ mà còn bị phân tán nguồn lực thì càng yếu và mất năng lực cạnh tranh quốc tế.

Không chỉ ở Việt Nam, ngành xây dựng ở nhiều nước cũng tương tự. Ví dụ như Pháp có hai công ty lớn nhất là Bouygues Construction và Vinci Construction cũng vượt xa công ty thứ 3 - 4; Nhật cũng chỉ có 4 - 5 công ty lớn vượt trội so với các công ty còn lại. Tôi nghĩ ở nhiều ngành khác cũng thế. Có nhiều ngành thậm chí Chính phủ còn yêu cầu các công ty nhỏ phải sáp nhập để trở thành công ty lớn để đảm bảo năng lực cạnh tranh quốc tế.

* Nhưng ở Việt Nam từng xảy ra tình trạng, sau thời gian cạnh tranh, một vài "ông lớn" lại tạo thành độc quyền nhóm, thống lĩnh và bắt tay nhau khiến người tiêu dùng thiệt hại?

- Có những lĩnh vực đòi hỏi phải có những tập đoàn lớn mạnh để có thể tập trung được nguồn lực, đảm bảo năng lực làm ra các sản phẩm phức tạp. Với ngành xây dựng, một sản phẩm có thể lên tới hàng trăm triệu USD và các công ty nhỏ không thể đủ năng lực làm. Thay vì hai công ty, nếu chia ra 10 công ty thì như tôi vừa nói, nguồn lực sẽ bị phân tán, không có công ty nào có khả năng làm những công trình quy mô, trong nước thôi chứ chưa nói đến cạnh tranh quốc tế. Nếu không tập trung nguồn lực, sẽ không có công ty đủ khả năng thực hiện dự án vài trăm triệu USD. Lúc đó, chúng ta sẽ phải nhờ đến công ty nước ngoài. Chủ đầu tư sẽ phải trả chi phí rất cao, dẫn đến tình trạng chảy máu ngoại tệ.


* Đó có phải là lý do anh đã chúc mừng đối thủ dù thua thầu dự án tòa tháp cao nhất Việt Nam The Landmark 81 của Tập đoàn Vingroup?

- Đúng thế. Thua thì cũng buồn nhưng nếu Hòa Bình trúng thầu, chúng tôi chỉ chiếm 40% thôi vì chúng tôi liên doanh với nước ngoài, họ chiếm 60%. Trong dự án này, Coteccons liên danh cùng nhà thầu Obayashi (Nhật) nhưng họ giữ vai trò chủ đạo, Obayashi chỉ tư vấn về kỹ thuật nên Conteccons trúng thầu cũng là một công ty hoàn toàn Việt Nam trúng thầu. Đây là một điều đáng mừng. Nó khẳng định, ngành xây dựng Việt Nam có thể đứng độc lập để nhận một công trình quy mô lớn như thế. Vì thế tôi chúc mừng họ.

* Nếu chỉ có hai "ông lớn" cạnh tranh nhau, để thắng thầu có lẽ chỉ cần tập trung nghiên cứu đối thủ thay vì dự án phải không thưa ông?

- (Cười). Chạy trên đường đua thì cũng phải nhìn đối thủ xem họ chạy tới đâu, chạy với tốc độ nào nhưng với Hòa Bình, chúng tôi xác định chủ yếu là phải nâng năng lực cạnh tranh của chính mình lên để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng ngày càng tốt hơn. Năng lực của công ty phải tiến bộ hằng ngày. Hơn nữa, mục tiêu của Hòa Bình không phải là cạnh tranh với các công ty trong nước, kể cả Coteccons. Chúng tôi xây dựng một nền tảng, một hệ thống để hướng tới cạnh tranh quốc tế.

Tôi muốn thực hiện các dự án tỉ đô

* Cụ thể kế hoạch cạnh tranh quốc tế của Hòa Bình là gì, có liên quan gì đến chuyến đi Pháp vừa rồi không?

- Tôi vừa gặp hai đối tác cũng là hai công ty xây dựng lớn nhất của Pháp là Bouygues Construction và Vinci Construction cùng một số công ty tư vấn, một số nhà sản xuất vật liệu xây dựng của nước này. Trước đây chúng tôi làm thầu phụ cho Bouygues và mua vật liệu xây dựng của mấy công ty bên Pháp.

* Từ thầu phụ, Hòa Bình đã trở thành đối tác của công ty xây dựng lớn nhất Pháp. Sự "chuyển vai" này có ý nghĩa thế nào? Ông đánh giá thế nào về năng lực của các nhà thầu xây dựng trong nước?

- Xây dựng những công trình phức tạp như tàu điện ngầm, nhà máy điện nguyên tử hay những nhà máy công nghiệp nặng như lọc dầu... thì chúng ta có thể còn kém hơn nước ngoài nhưng về công trình nhà ở, khách sạn, resort, bệnh viện, trường học... thì năng lực của ta không hề thua kém, thậm chí kinh nghiệm của mình còn nhiều hơn nhiều công ty lớn ở nước ngoài. Nếu như trước đây, các nhà thầu trong nước chỉ làm thầu phụ ở các dự án lớn ngay tại chính sân nhà nhưng bây giờ, sân chơi này đã về tay doanh nghiệp Việt. Thậm chí Hòa Bình đã xuất khẩu xây dựng ra nước ngoài.

* Xuất khẩu xây dựng, cụ thể là gì?

- Xuất khẩu xây dựng của Việt Nam lâu nay chỉ là xuất khẩu vật liệu, nhân công... nó cũng giống xuất khẩu thô, chưa gia công chế biến gì nên hiệu quả không cao. Nhưng xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp thì mang lại hiệu quả cao, nó sẽ giúp sản lượng ngành xây dựng sẽ tăng lên nhiều lần. Hiện sản lượng xây dựng của Việt Nam vào khoảng 60 tỉ USD/năm trong khi ngành xây dựng trên thế giới lên đến hơn chục ngàn tỉ USD. Nếu mình chiếm 1% trong tổng giá trị sản lượng này thôi, cũng đã hơn sản lượng của cả nước rồi. Nếu chỉ cạnh tranh trong nước thì năm nay 60 tỉ USD, năm sau tăng lên 5% - 10% thì cũng chỉ đạt 65 - 70 tỉ USD không thể tăng quá nhiều vì nhu cầu phát triển chỉ thế thôi. Nếu chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước thì ngành xây dựng cũng chỉ đóng góp một phần nhỏ cho nền kinh tế. Vì vậy, phải phát triển ra nước ngoài để tăng sản lượng ngành xây dựng và đóng góp nhiều hơn cho đất  nước

.

* Hòa Bình đã xuất khẩu xây dựng ra những nước nào thưa ông?

- Trước đây chúng tôi có làm quản lý xây dựng ở Malaysia, Myanmar. Hiện nay chúng tôi làm hai dự án ở Kuwait, sắp tới thêm Ả Rập Xê Út, chúng tôi cũng đang trở lại Myanmar với một dự án lớn.

* Ông thường thể hiện mong muốn được làm siêu dự án, xuất khẩu xây dựng có phải con đường để thực hiện giấc mơ này?

- Dự án càng lớn thì độ khó cũng tỷ lệ thuận và đòi hỏi năng lực, thử thách với nhà thầu cũng lớn hơn. Qua đó, chúng tôi sẽ tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm. Những dự án lớn cũng giúp công ty tạo được một "lý lịch" đẹp hơn và sẽ nhận được các công trình lớn hơn.

* Siêu dự án mà ông mong muốn được thực hiện có quy mô thế nào?

- Hiện chúng tôi mới thực hiện dự án quy mô 300 - 400.000 m2 là lớn, giá xây dựng Việt Nam cũng chỉ 100 - 200 triệu USD là nhiều. Trong khi ở thị trường quốc tế, nhiều công ty xây dựng nhận dự án lên tới vài tỉ USD. Tôi muốn thực hiện những dự án lớn như vậy. Nhưng để cạnh tranh với các công ty như thế thì phải đủ năng lực quản lý các dự án lên đến tỉ USD. Nên chúng tôi phải đi nhanh, đi vững, chuẩn hóa hệ thống...để cạnh tranh với các công ty quốc tế "lấy" những dự án quy mô lớn như vậy.
Dù được cô nhân viên phụ trách đối ngoại dặn trước "sếp nói nhỏ lắm" tôi vẫn hoàn toàn bất ngờ bởi sự quá khác biệt so với hình dung của mình về một trong những "ông trùm" xây dựng Việt Nam.

Không phải các ông chủ xây dựng đều có chung mẫu số

* Khi bước vào tòa nhà này và đi lên văn phòng của ông, tôi cứ tự hỏi, phải chăng ông quá mải mê với việc xây dựng các dự án lớn cho khách hàng, cho đối tác mà quên cả "xây nhà" cho mình ?

- Cũng đúng một phần, vì tất cả vốn liếng chúng tôi đều dành cho thi công. Nhưng hiện Hòa Bình đã có kế hoạch xây dựng một dự án nằm trong Khu công nghệ cao TP.HCM, vừa là trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển), đồng thời làm văn phòng của công ty. Thực ra từ năm 2008 - 2009 chúng tôi đã có kế hoạch xây dựng văn phòng công ty nhưng do khủng hoảng kinh tế, Hòa Bình đã phải bán công trình để lấy tiền duy trì hoạt động kinh doanh, một phần hỗ trợ khách hàng để dự án không bị ngưng lại.

* Xin lỗi vì phải thú nhận, tôi rất bất ngờ với phong thái của ông. Trong hình dung của tôi, những người làm xây dựng sự mạnh mẽ thường bộc lộ hẳn ra bên ngoài; thậm chí ăn to, nói lớn nhưng anh thì quá "dịu dàng". Anh có thấy anh khác với "dân xây dựng" không?

- (Cười nhẹ) Ông tôi, bố tôi đều làm nghề giáo nên tính cách, phong thái của tôi ảnh hưởng từ truyền thống gia đình. Tôi cũng thấy khác nhưng tôi nghĩ, không nhất thiết các ông chủ xây dựng phải có chung một mẫu số.

* Vậy sao ông không nối nghiệp gia đình mà lại rẽ sang nghề xây dựng?

- Tôi học kiến trúc. Dù kiến trúc và xây dựng là hai nghề khác nhau nhưng tôi đã chọn xây dựng ngay từ đầu vì thời tôi thi đại học là sau giải phóng, nhu cầu của xã hội trong ngành xây dựng rất lớn. Với lại hồi đó trong nhà tôi có mấy chị theo nghề giáo nên tôi không cần nối nghiệp nữa.

* Ông "hiền" như vậy nhưng thời gian vừa qua công ty của ông lại gặp khá nhiều tin đồn thất thiệt. Từ tin đồn làm ăn với Vũ "nhôm", tin đồn bị Khaisilk bùng nợ cả ngàn tỉ đồng... Theo ông tin đồn này xuất phát từ đâu, hay ông lỡ "đắc tội" với ai?

- Tôi nghĩ nhiều phía có mục đích khi đưa ra những tin đồn bất lợi cho Hòa Bình. Có thể là những người đầu tư trên sàn muốn thao túng giá cổ phiếu; cũng có thể là đối thủ không muốn mình mạnh hơn... nhưng tôi cũng không thể khẳng định được từ bên nào. Tôi chỉ có thể khẳng định các thông tin đó là hoàn toàn không đúng sự thật. Chúng tôi chưa bao giờ làm ăn với Khaisilk, Vũ "nhôm".

* Nhưng giá cổ phiếu Hòa Bình đã bị ảnh hưởng khá nặng, ông đối mặt với các cổ đông thế nào trong đại hội vừa rồi của công ty?

- Cổ đông có chất vấn về vấn đề này bởi ngoài những tin đồn hoàn toàn sai sự thật nói trên, còn có những thông tin thật nhưng đã bị bóp méo, xuyên tạc. Ví dụ trong đại hội cổ đông chúng tôi nói sẽ bán một số dự án thì họ lại tung tin Hòa Bình bán tháo dự án. Rồi thông tin về nợ phải thu, nợ ngân hàng... cũng bị bóp méo, xuyên tạc khiến giá cổ phiếu bị ảnh hưởng. Thậm chí họ còn tung tin tôi bị bệnh hiểm nghèo...

Nhưng cái đó không phải vấn đề lớn, chúng tôi đều lý giải được hết và cổ đông cũng thông cảm. Hơn nữa, giá cổ phiếu chỉ phản ánh phần nào chứ không thể hiện hết năng lực của công ty.

* Vậy tại sao ông lại bỏ gần 100 tỉ đồng mua cổ phiếu, động thái được nhìn nhận là để "cứu giá"?

- Đa số thông cảm nhưng vẫn có những cổ đông và nhà đầu tư hiện hữu của Hòa Bình bị tác động tâm lý bởi tin đồn thất thiệt. Họ vẫn chưa thật sự yên tâm. Tôi nghĩ phải có biện pháp để họ thực sự tin tưởng. Đó là lý do tôi mua cổ phiếu.

* Mấy năm trước ông từng viết thư kêu gọi cán bộ công nhân viên, những người giữ cổ phiếu Hòa Bình khi giá lao dốc, khuyến khích họ "nếu có điều kiện, chúng ta cùng nhau đăng ký mua thỏa thuận, qua sàn để đỡ giá". Nay thì chính ông đứng ra cứu giá, biện pháp đó có hiệu quả không?

- Cũng có tác dụng tâm lý, giá cổ phiếu không giảm sâu thêm, có lúc cũng hồi phục một phần nhưng về đúng giá trị của nó thì chưa.

Tỷ lệ sở hữu chỉ để công ty phát triển đúng định hướng

* Là một trong những "ông trùm" xây dựng Việt Nam, doanh số của Hòa Bình cũng đang tiến tới ngưỡng 1 tỉ USD nhưng sao chưa bao giờ thấy tên ông trong top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán?

- Tỷ lệ sở hữu cổ phần của tôi ở công ty không lớn, chưa tới 17% nên top 100 thì có nhưng top 10 thì không.

* Tại sao tỷ lệ sở hữu của ông lại thấp vậy?

- Vì ngay từ khi cổ phần hóa tôi đã có kế hoạch để anh em trong công ty trở thành cổ đông. Đến năm 2006 niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán chúng tôi phát hành thêm để tăng vốn thì tỷ lệ sở hữu của tôi cũng giảm xuống.

* Ông có cảm thấy hối tiếc về việc sở hữu tỷ lệ cổ phần quá ít khi công ty đã lớn mạnh thế này?

- Năng lực tài chính cá nhân đối với tôi không quan trọng, quan trọng là công ty. Vấn đề tôi quan tâm nhất là công ty phát triển đúng chiến lược của mình, tỷ lệ sở hữu với cá nhân tôi, chỉ có giá trị trong trường hợp này. Nếu mình không giữ cổ phần chi phối, nhiều khi cũng khó. Nhưng tôi tin, những cổ đông tham gia vào để cùng xây dựng, phát triển công ty chứ không nhằm các mục đích khác.

* Đã từng xảy ra xung đột khiến ông phải sử dụng quyền của cổ đông lớn và đã bao giờ vì tỷ lệ sở hữu không đủ để ông bảo vệ quan điểm cá nhân trong quá trình điều hành, quản lý và phát triển công ty chưa?

- Cũng có một vài lần nhưng không quá căng thẳng. Còn hầu hết các bước đi lớn, những chủ trương lớn ở Hòa Bình đều có được sự đồng thuận. Tôi tin là những bước đi, những quan điểm đúng đắn thì sẽ được mọi người ủng hộ. Cái gì mình làm đúng thì anh em sẽ nghe thôi.

* Dù với ông, tài sản cá nhân không quan trọng, nhưng quyền quyết định chính là giá trị của việc giữ một tỷ lệ cổ phần đủ lớn. Đặt trường hợp nếu ông sở hữu tỷ lệ cổ phần lớn, nếu ông là tỉ phú USD ông sẽ làm gì?

- Như tôi đã nói, ngành xây dựng có đặc thù là cần nguồn lực lớn. Nếu không có nguồn lực lớn sẽ không đủ khả năng thực hiện dự án lớn. Từ trước tới nay, tất cả tài sản của tôi đều tập trung cho công ty. Nếu có vốn lớn, tôi sẽ đưa xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện các siêu dự án và mang về nhiều tỉ USD cho đất nước.

Sở thích của ông là gì?
- Cái khiến tôi hứng thú nhiều nhất là sáng tác ca khúc.

Ông sáng tác nhiều chưa?
- Cũng hơn chục bài, chủ yếu là cho công ty.

"Đại gia" thường gắn với chân dài, phụ nữ đẹp có hấp dẫn ông?
- Đàn ông ai cũng thích người đẹp, tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng cái gì cũng phải có giới hạn và tôi biết giới hạn của mình.

Ông giải trí bằng cách nào?
- Tôi nghĩ làm việc là một cách để giải trí, nếu như mình biết cách.

Cách nào ạ?
- Khi gặp một vấn đề khó khăn, giải quyết được nó cũng không khác gì giải một nước cờ khó. Công việc cũng như chơi cờ vậy. Càng khó lại càng thú vị. Tìm được nước đi khi gặp thế bí, rất sướng.

Nguyên Hằng/Thanh Niên