“Giai” phố cổ Hà Nội 15 năm mới có 120 triệu mua nhà, không phải xin bố mẹ

23/06/2019 13:03

Với đa phần bọn con trai phố cổ, thế hệ 8x, việc sở hữu căn nhà riêng do tự mình làm ra dường như là điều không thể. Nhưng tôi đã tự mua được nhà mà không cần xin bố mẹ...

Nỗi khổ của "giai phố cổ" 

Người ta thường nói: “Giai phố cổ, bé thì bố mẹ nuôi, lớn thì vợ nuôi, già thì con nuôi, học thì ít, hút hít thì nhiều”. Và thực tế, bạn bè tôi rất nhiều người chết vì ma túy hoặc tệ hơn là bố mẹ nuôi báo cô vì cứ sểnh ra là cờ bạc, “báo bóng”…

Mọi người thường nghĩ, dân Hà Nội giàu. Nhưng thực tế ở đâu cũng có người giàu, người nghèo. Người phố cổ cũng có những gia đình rất nghèo. Nhà tôi là một trong số đó.

Một ngôi nhà với tôi – dù chỉ là căn chung cư nhỏ– cũng là một cái gì đó quá xa vời...

Tôi vẫn nhớ những ngày đến chơi nhà trọ của người yêu, bạn gái chỉ vào một căn nhà gần đó và nói: “Sau này, đây sẽ là ngôi nhà của hai đứa”. Lúc đó, tôi cũng không dám tin bởi lương và nhuận bút tính ra, mỗi tháng chỉ khoảng 15 triệu. Tiền giúp đỡ gia đình, tiền tiêu pha là hết!

Tôi đi làm từ năm 18 tuổi với công việc dạy gia sư tiếng Anh để kiếm tiền. Sau đó thì bắt đầu công việc làm báo.

Ai đó nói rằng nghề báo là dễ kiếm tiền, nhưng tôi thì không cho là vậy. Tiền tiếp khách, tiền học hành để có thêm kiến thức, có thêm trải nghiệm sống, để làm giàu vốn sống cho bài viết đều từ lương mà ra. Tôi nhớ tôi và người yêu đã cãi vã rất lớn khi tôi ngỏ ý làm sao mà mua nổi nhà.

Cuối cùng, với sức viết "trâu bò", đến tận năm 32 tuổi, trong người tôi mới có được 120 triệu. Tại sao để dành được ít vậy? Tôi chỉ có thể lý giải là do "ưu điểm" của "giai phố cổ" là hào phóng, nhưng nhược điểm là... tiêu hoang.

Ăn chơi kiểu "giai phố cổ" khiến tôi luôn... nghèo

Nhớ lại thì năm 15 tuổi (khoảng năm 1995), tôi đã ngồi cà phê Nhà Thờ (Moka) để uống capuchino. Còn sau năm 18 tuổi thì điểm lại tất cả các quán xá nào vừa ra, trông “fancy” một chút là tôi mò tới. Về sau, khi đi làm, kiếm được tiền thì càng hoang, ngồi cà phê thì cứ chọn những chỗ như Coffee Bean (lúc đó Starbuck chưa vào Việt Nam), một cốc cà phê khoảng 150 ngàn.

Ăn kem thì Mondo Galeto ở Bà Triệu, Hoàn Kiếm hoặc Luala ở Lý Đạo Thành. Có khi tiêu ngoảnh đi, ngoảnh lại, hết nhoắng 1 triệu/ngày. Con số này không phải là to với nhà giàu nhưng sẽ là không nhỏ với những người đi làm công ăn lương. Tất nhiên, đó là chưa kể tới những vụ đi bar hay nạp tiền vào các trò game online để “đập đồ” cho nhân vật.

“Giai” phố cổ Hà Nội 15 năm mới có 120 triệu mua nhà, không phải xin bố mẹ
Nghề báo giúp tôi có nhiều trải nghiệm, tuy nhiên cũng rất tốn kém chi phí tác nghiệp

Tôi ham chơi, nên khoản tiền 120 triệu tích cóp để lấy vợ dường như là tất cả những gì có thể làm được. Một số người nói làm báo được thưởng tháng 5- 7 hoặc 10, 20 triệu, tôi thì chưa từng có may mắn được nhận thưởng ở mức đó, ngoại trừ tết, nhận cao nhất là 70% tháng lương 13.

Tiền của tôi đơn giản là đánh đổi giấc ngủ, thức đêm mà viết bài quảng cáo thuê. Được cái khá nhiều agency quảng cáo, các nhãn hàng đặt tôi viết bài.

Một tờ tạp chí mời tôi làm cộng tác viên trả lương theo tháng (thêm được 8 triệu tháng, ngoài khoản 15 triệu). Rồi tôi may mắn có được một nhãn thời trang trả tôi khoảng 10 triệu tháng cho công việc tư vấn, quản lý thương hiệu cho họ. Tính ra thì tháng thấp nhất tôi có khoảng 15, và tháng cao nhất tôi có khoảng hơn 40 triệu.

Anh muốn lấy em thì phải có nhà cho em ở

Vấn đề của tôi là để mua một ngôi nhà nghĩa là cần phải có hàng trăm triệu. Tôi có thể tháng này kiếm vài chục, nhưng tháng sau thì sao?

Ngoài ra, ăn chơi nhảy múa luôn dễ dàng hơn việc tiết kiệm, đi bar luôn dễ dàng hơn ngồi cành cạch gõ chữ. Và quả thực, tôi đã quá quen với việc sống trong sự bao bọc của gia đình, việc nghĩ đến một căn nhà cho riêng mình là quá xa vời.

Nhưng vợ tôi thì khác. Cô ấy là một người ngoại tỉnh, trọ học tại Hà Nội. Có yêu người ngoại tỉnh, hoặc có là người ngoại tỉnh mới hiểu những đắng cay trong cuộc sống ở Hà Nội.

Giá thuê nhà tăng, mở mắt thức dậy là lo tiền nhà. Rồi cả những vấn đề mà tôi không hiểu nổi. Chẳng hạn, một lần khi vợ tôi – lúc đó còn là người yêu – chuyển nhà trọ và quên đăng ký tạm trú, tạm vắng. Các đồng chí công an khu vực vào và hỏi xét giấy tờ.

Tôi nhớ có trường hợp đã được mời lên phường để làm việc chỉ vì không đăng ký tạm trú, tạm vắng. Trong khi tất cả những gì tôi cần làm là nói nhà tôi Hà Nội, hộ khẩu của tôi Hàng Buồm, chìa chứng minh thư ra, và xong chuyện.

Cuối cùng thì vợ tôi quyết định. Cô ấy nói: “Anh muốn lấy em thì phải có nhà cho em ở.” Tôi cũng suy nghĩ và quả thực cảm thấy bế tắc, vài trăm triệu là con số quá lớn so với khoản trăm triệu tôi đang có. Nhưng cô ấy lại nói: “Anh cứ nghĩ đi, hoặc em và căn nhà hoặc không gì cả.”

Vay vàng, trả vàng

Tôi vẫn nhớ đó là giai đoạn khoảng năm 2012-2013, vào thời điểm này bitcoin đang manh nha, giá một coin đâu đó khoảng $500, tôi thì muốn đầu tư. Vợ tôi thì không. Nếu tôi nhớ không nhầm thì vàng trong giai đoạn này dao động trong khoảng 46-48 triệu/lượng.

Cuối cùng, cũng vẫn là vợ tôi quyết định. Cô ấy nói: “Em sẽ vay bố mẹ 10 cây để mua nhà. Nhà phải đứng tên bố mẹ. Anh sẽ là người trả khoản vay đó. Tuy nhiên, anh không phải trả lãi, vay vàng, trả vàng.”

“Vay vàng, trả vàng” nghe thì có vẻ đơn giản nhưng đó thực sự là một vấn đề khá đau đầu. Nếu bạn đọc còn nhớ giai đoạn không lâu trước đó, vàng thế giới có nguy cơ cán mốc $2000/ounce, vàng trong nước thì chấp chới ở mức 48 triệu đồng/lượng, bạn sẽ hiểu “vay vàng, trả vàng” trong giai đoạn này giống như “đánh lô xiên” với chính vận may của mình (nhân thể tôi cũng “cống nạp” không ít vào môn “thể thao” này).

Có thể bạn sẽ nói, “vay bố vợ tương lai, việc gì phải lo” nhưng tôi quan niệm “có vay, có trả; trả hết, ân tình vẫn còn”. Vậy nên, không có chuyện vay mà không trả với bất kỳ ai.

Tại thời điểm này, có một số thông tin đồn thổi trên mạng rằng, nếu vàng vượt quá 50 triệu/lượng, kinh tế Việt Nam sẽ đổ vỡ và sẽ có đổi tiền. Thời điểm đó, tôi suy nghĩ, nếu có đổi tiền thì hàng tỷ thứ sẽ xảy ra, mình sẽ mất việc, hệ thống tiền tệ mới sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của rất nhiều người.

Chỉ nội việc tính lương sao để tương đương với hệ thống lương cũ đã là một vấn đề, sức đâu mà đi lo mấy cái chuyện như có thể trả nợ hay không. Vậy là tôi đánh liều vay của bố vợ tương lai 10 cây vàng. Cộng với số tiền tôi có thời điểm đó khoảng 120 triệu là tôi có khoảng 560- 580 triệu.

“Giai” phố cổ Hà Nội 15 năm mới có 120 triệu mua nhà, không phải xin bố mẹ
Hành lang của ngôi nhà tôi mua

Vì mua nhà chung cư nên việc đóng góp cũng khá nhẹ nhàng. Mỗi lần đóng cũng chỉ từ 130- 140 triệu. Nhà của tôi giá 760 triệu, tiền đóng theo đợt, mỗi đợt cách nhau 3 tháng.

Nghĩa là sau khi đóng khoản tiền lần đầu 130 triệu (lấy từ 120 triệu của tôi), tôi có tiếp 2- 3 đợt đóng nữa, mới phải thanh toán khoản tiền cuối cùng. Thời gian giãn cách tính ra lên tới 7- 8 tháng. Và tại thời điểm đó, sau 7- 8 tháng, tôi hoàn toàn có thể tiết kiệm trả nốt khoản còn lại.

Đám cưới nhỏ trong căn nhà của mình 

Mua nhà được cả năm trời thì chúng tôi mới lấy nhau. Vào thời điểm kết hôn, do tiền đã đổ hết vào ngôi nhà, chúng tôi cũng chỉ làm một đám cưới nhỏ, mời khoảng 100 người nên chi phí cũng không quá cao. Tiền mừng coi như hòa tiền làm đám cưới, khoảng 50 triệu. Sau đó, tôi đi làm và tiết kiệm tiền trả lại cho bố vợ.

May mắn cho tôi là lúc này vàng đảo chiều, chạy thẳng xuống 34- 35 triệu/lượng. Tính nhanh, tôi cũng lãi từ khoản “vay vàng, trả vàng” từ bố vợ cả trăm triệu. Tôi đi làm, lấy định mức cứ 3 tháng trả bố vợ 1 cây. Vậy là sau gần 3 năm, vợ tôi có một căn nhà của riêng mình, và không còn phải lo lắng về chỗ chui ra, chui vào.

Nhìn lại chặng đường đi qua, thời điểm năm 2017, khi bitcoin chạy thẳng lên tới $16.000/coin, nghĩa là nếu dồn toàn bộ tiền vào đầu tư trong những năm vừa qua vào coin, rồi “cash out” tại thời điểm $8000 hay $14.000/coin (như tôi đã đưa ra lời khuyên cho những người bạn), tôi đều có thể có một căn nhà to và đẹp hơn bây giờ, thậm chí còn có thể có xe hơi.

Bạn bè hỏi tôi có tiếc không? Tôi cho rằng, không có gì phải tiếc, vì ít nhất, tôi đã phần nào đó có trách nhiệm được với gia đình là góp phần lo cho vợ con một chỗ chui ra, chui vào. Con tôi có thể thoải mái chạy chơi nơi hành lang mà không bị ánh mắt coi thường hay khó chịu. Với tôi thế là đủ.

(Theo Gia đình mới)