Huyền thoại đầu tư tài chính Mỹ nói gì về bối cảnh kinh tế và thị trường tài chính Mỹ hiện nay?

24/06/2020 10:00

Một trong những nhà đầu tư nổi tiếng nhất Mỹ chia sẻ quan điểm về bối cảnh kinh tế, tài chính Mỹ thời đại dịch Covid-19.

Hiện tại, không có nhiều cuốn sách về đầu tư mà vẫn có giá trị bền vững trong vòng 40 năm tính từ khi nó được phát hành lần đầu. Thế nhưng có một ngoại lệ, cuốn sách “A Random Walk Down Wall Street” tạm dịch “Chuyến dạo chơi trên phố Wall” của tác giả Burton Malkiel. Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 1973 và giờ đây đã được tái bản đến lần thứ 12.

Theo MarketWatch, những quan sát của ông Malkiel rằng biến động ngắn hạn trên thị trường chứng khoán thường khó dự đoán, chính vì vậy nhà đầu tư cá nhân sẽ nên để tiền vào các quỹ chỉ số lớn, chính điều này tạo ra làn sóng đầu tư thụ động.

Khi mà đại dịch Covid-19 đang tác động xấu đến các thị trường, trưởng bộ phận đầu tư tại Wealthfront, ông Malkiel, chia sẻ với MarketWatch một số diễn biến gần đây: tác động từ chính sách kích thích tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), liệu đây có phải lúc nên ngừng đầu tư thụ động, và những suy nghĩ của ông về thế hệ những nhà đầu tư trẻ tuổi.

Ông Burton Malkiel- Ảnh: MarketWatch
Ông Burton Malkiel- Ảnh: MarketWatch)

Phóng viên: Ông nổi tiếng với cuốn sách “Chuyến dạo chơi trên phố Wall”, trong đó ông nói rằng nhà đầu tư thường giàu có hơn theo cách làm nhà đầu tư mua và nắm giữ chứ không phải theo đuổi chiến lược đầu tư đặc thù hoặc có quyết định đầu tư ngắn hạn. Ông nghĩ thế nào khi các nhà đầu tư, chủ yếu người trẻ tuổi, thường có xu thế đầu cơ trong bối cảnh đại dịch Covid-19?

Ông Malkiel: Tôi tin rằng đối với nhiều người, đầu cơ kiểu đó thay thế cho việc cá độ thể thao. Thực ra tôi cảm thấy rất thông cảm. Tôi không nghĩ rằng có ai đó dành cuộc đời của họ để tìm hiểu và nghiên cứu về thị trường chứng khoán mà lại không có một chút máu ăn thua.

Tôi thừa nhận tôi đã tham gia đua ngựa, tôi đánh bạc ở Las Vegas và thành phố Atlantic. Chính vì vậy, tôi thấy chẳng có gì sai khi người ta chơi cờ bạc để giải trí. Thế nhưng chơi cờ bạc khác hẳn với đầu tư.

Đối với tôi, đầu tư có nghĩa là mua và nắm giữ. Lý thuyết “Random Walk” có nghĩa là bạn tốt hơn nên mua quỹ chỉ số chứ không phải đầu tư riêng lẻ.

Phóng viên: Có ý tưởng rằng các quỹ lớn giúp đa dạng hóa hoạt động đầu tư chỉ số. Nhóm các quỹ lớn bao gồm Vanguard, BlackRock và State Street Global Advisors đang bắt đầu có quá nhiều ảnh hưởng lên thị trường bởi quy mô đầu tư của họ. Điều này cũng đồng nghĩa họ chi phối quyền bỏ phiếu của nhiều công ty đại chúng. Ông nghĩa sao về điều này?

Ông Malkiel: Có quan điểm rằng họ đã có quá nhiều quyền kiểm soát và rằng họ sẽ phá hủy thị trường, thị trường sẽ không còn hoạt động hiệu quả nữa. Không giống một số nhà quản lý nghiên cứu từng công ty đơn lẻ, các quỹ chỉ số mua mọi thứ và họ sẽ dồn thêm tiền vào các công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất, chính vì vậy tiền sẽ vào Apple và Microsoft bất chấp việc liệu các công ty này có phải công ty tốt hay không.

Quan điểm trên hoàn toàn sai lầm. Trong hoạt động đầu tư của quỹ tương hỗ, các quỹ chỉ số thường chiếm khoảng nửa; ngoài ra cũng có nhiều nhà quản lý quỹ, quỹ đầu cơ mua các cổ phiếu riêng lẻ. Việc đầu tư chỉ số không ảnh hưởng đến giá trị trên thị trường.

Nếu có quá nhiều tiền vào Apple và Microsoft và một số cổ phiếu bị lãng quên, tiền sẽ vào đó. Sẽ luôn có những người nghĩ rằng họ có thể chiến thắng được thị trường. Sẽ có những người nói hãy đầu tư tiền vào quỹ của chúng tôi bởi chúng tôi sẽ có được giá trị thực. Các hoạt động đầu tư chỉ số có quy mô lớn hơn và thị trường sẽ vẫn hoạt động tốt.

Phóng viên: Ông nghĩ gì về sự hiện diện của Fed trên thị trường tài chính trên thị trường tài chính hiện nay? Việc Fed can thiệp nhiều vào nền kinh tế tính từ khi đại dịch xảy ra có làm hỏng đi các xu thế đầu tư truyền thông?

Ông Malkiel: Tôi không nghĩ có điều gì phải hoài nghi về điều đó. Rất nhiều người viết về sự thiếu kết nối giữa nền kinh tế thực và thị trường chứng khoán bởi thị trường chứng khoán tăng điểm còn kinh tế thật đi xuống.

Vấn đề là ở chỗ hoạt động can thiệp chính sách không chỉ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ) diễn ra cùng lúc. Họ đã bơm hàng nghìn tỷ USD vào nền kinh tế. Cùng lúc đó nhiều loại hình tài sản khác trên thế giới đang không mang lại lợi suất hấp dẫn. Chính vì vậy không quá khó hiểu khi tiền đổ vào thị trường chứng khoán.

Nếu nói rằng chính sách này có đúng đắn hay không, tôi nghĩ rằng xét đến bản chất của đợt suy thoái kinh tế hiện tại hoặc nếu bạn gọi đó là một đợt đại suy thoái, tôi nghĩ Fed cũng không còn lựa chọn tốt hơn. Để ngăn kinh tế sụp đổ hoàn toàn, chính sách can thiệp như vừa rồi hoàn toàn cần thiết, và đương nhiên nó gây ra nhiều tác động khác.

Xin cám ơn chia sẻ của ông!

Nguồn BizLive: https://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/huyen-thoai-dau-tu-tai-chinh-my-noi-gi-ve-boi-canh-kinh-te-va-thi-truong-tai-chinh-my-hien-nay-3546939.html