Hy vọng từ những doanh nghiệp và doanh nhân có tâm, có tầm

07/06/2020 10:49

Thời điểm này, câu hỏi nhiều người đặt ra là: Doanh nghiệp Việt Nam có đủ sẵn sàng để đón những “con sóng lớn” không? Các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam có thể đón nhận và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cùng các tập đoàn đa quốc gia lớn không?

Câu trả lời có thể được tìm thấy khi ta nhìn vào các doanh nhân và những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, mà một trong số đó là Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cùng Tập đoàn Vingroup của ông.

Hy vọng từ những doanh nghiệp và doanh nhân có tâm, có tầm

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc - công xưởng sản xuất của thế giới, việc cách ly xã hội để phòng và chống dịch đã làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều quốc gia và các tập đoàn quốc tế lớn đã lên kế hoạch tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng, tránh sự lệ thuộc quá mức vào một quốc gia.

Đặc biệt những ngày gần đây, hãng tin lớn nhất thế giới Reuters bất ngờ đưa tin, Việt Nam là 1 trong 3 nước được mời để đối thoại với nhóm “Bộ tứ kim cương” (Nhóm QUAD) gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ để xây dựng “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” (Economic Prosperity Network). Trên thực tế, ngay từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng phát và Việt Nam còn chưa nhận được lời mời này, nhiều nhà đầu tư và các tập đoàn đa quốc gia đã tính đến chuyện chuyển doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc để tránh những thiệt hại từ cuộc chiến thương mại. Và đến khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy do tác động của đại dịch Covid-19 thì động lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

"Cơ hội vàng" là điều được nhiều người nhắc tới với Việt Nam bởi ý định của Mỹ và các nền kinh tế lớn là tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng để tránh sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Như một lẽ dĩ nhiên, Việt Nam với độ mở kinh tế lớn, tham gia sâu vào nhiều FTA thế hệ mới, kinh tế chính trị ổn định, giá nhân công rẻ, môi trường đầu tư đang tiếp tục được cải thiện… sẽ là một trong những địa chỉ thích hợp để đón dòng vốn FDI của các tập đoàn lớn chuyển dịch sang. Niềm tin ấy càng được củng cố khi Việt Nam đạt được những kết quả vang dội trong cuộc chiến chống Covid-19 và nhận được sự ghi nhận của cả thế giới.

Thời điểm này, câu hỏi nhiều người đặt ra là: Doanh nghiệp Việt Nam có đủ sẵn sàng để đón những “con sóng lớn” không? Các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam có thể đón nhận và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cùng các tập đoàn đa quốc gia lớn không?

Câu trả lời có thể được tìm thấy khi ta nhìn vào các doanh nhân và những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, mà một trong số đó là Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cùng Tập đoàn Vingroup của ông.

Trước hết, nhìn vào ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam, một ngành được nhiều quốc gia coi là trụ cột để phát triển nền công nghiệp - công nghệ cơ khí, mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều ưu đãi nhưng sau hàng chục năm, các doanh nghiệp ô tô trong nước vẫn chỉ là những doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, lắp ráp nhỏ lẻ, mức độ nội địa hóa thấp và chưa thể trở thành một ngành công nghiệp sản xuất ô tô thực thụ.

Khi ông Phạm Nhật Vượng quyết định sẽ lập nên một kỳ tích trong ngành công nghiệp xe hơi thế giới với VinFast và xây dựng nhà máy quy mô khổng lồ ở Hải Phòng, nhiều người đã thắc mắc, vì sao ông chấp nhận bỏ ra cả tỷ đô để xây một nhà máy có công suất lên tới 500.000 xe mỗi năm? VinFast cũng khiến giới sản xuất ngạc nhiên vì đã tiêu tốn một khoản đầu tư khổng lồ cho dàn robot sản xuất tự động lên tới hàng nghìn chiếc, được cung cấp bởi những thương hiệu nổi tiếng hàng đầu thế giới.

Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong hoạt động đầu tư để phát triển ngành công nghiệp sản xuất ô tô với dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại, sản phẩm được kiểm nghiệm nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn quốc tế, kiểu dáng, mẫu mã phù hợp với môi trường và sở thích của người Việt và quy mô đủ lớn để đảm bảo tính ưu việt trong tiết kiệm chi phí do quy mô tiêu thụ sản phẩm đem lại.

Với quyết tâm và sự chuẩn bị sẵn sàng, trong một thời gian rất ngắn, những sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu VinFast đã ra mắt người tiêu dùng. Có người khi ấy đã không tin vào một chiếc ô tô Việt thực sự chất lượng sánh ngang với những tên tuổi nổi tiếng nhất thế giới.

Lễ cắt băng khánh thành nhà máy sản xuất ô tô VinFast hồi tháng 6/2019 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ và nhiều vị lãnh đạo cấp cao.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quan nhà máy VinFast và trải nghiệm khả năng vận hành trên chiếc SUV Lux 2.0 do Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng cầm lái.

Khi những chiếc ô tô đầu tiên của hãng xe Việt ấy ra đời, người ta mới hiểu, với doanh nhân làm ăn nghiêm túc, đầu tư bài bản, không gì là không thể. Một chiếc xe do chính con tim và khối óc của người Việt làm nên nhưng cho trải nghiệm không thua gì những chiếc BMW - đó là điều mà nhiều người dùng đã thừa nhận. Ngay trong năm 2019, VinFast đã có tổng cộng hơn 17.000 đơn đặt hàng với riêng ô tô - một con số mà bất kỳ thương hiệu mới nào cũng phải ghen tỵ.

Những chiếc xe VinFast trên hành trình chinh phục điểm cực Bắc Tổ quốc (tỉnh Hà Giang)

Nhìn sang lĩnh vực sản xuất điện thoại, trong khoảng thời gian thần tốc, một nhà máy mang tên VinSmart đã mọc lên ở khu công nghệ cao Hòa Lạc. Thay vì thuê các bên gia công như một số hãng, ông Phạm Nhật Vượng quyết định xây dựng một nhà máy có công suất lên tới 125 triệu máy mỗi năm - một con số khổng lồ! Và rồi, chỉ một thời gian ngắn sau khi ra mắt, những chiếc điện thoại thông minh do VinSmart sản xuất đã vươn lên chiếm lĩnh 16,7% thị phần smartphone tại Việt Nam - con số mà chính những người hoạt động trong giới công nghệ cũng phải thừa nhận, chưa một hãng nào làm được như vậy.

Điểm chung của những trái ngọt ấy chính là sự đột phá trong tư duy, nghiêm túc trong cách làm của ông Phạm Nhật Vượng cùng những đầu tư từ gốc một cách bài bản nhất, với mục tiêu là cung cấp các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế cho người tiêu dùng Việt Nam và có khả năng xuất khẩu khắp thế giới.

Tham vọng VinSmart không chỉ dừng lại hay bị giới hạn ở phạm vi quốc gia mà đã luôn hướng ra thế giới, bởi với nhà máy 125 triệu máy/năm, việc xuất khẩu là điều chắc chắn. Tương tự, vị lãnh đạo Tập đoàn cũng không hề giấu giếm kế hoạch xuất khẩu ô tô Việt Nam sang Mỹ - thị trường truyền thống và khó tính bậc nhất thế giới với vô vàn quy chuẩn khắt khe.

Nói tất cả những điều ấy để thấy rằng, với tầm nhìn dài hơi và sự chuẩn bị công phu, đón nhận làn sóng ngoại với những điểm tựa như Vingroup là điều hoàn toàn có thể với Việt Nam. Nhưng, đó chưa phải tất cả...

Khi những đầu tàu như Vingroup đứng vững, lực kéo với cả nền kinh tế là vô cùng lớn. Vị tỷ phú đô la sớm nhận thức được trách nhiệm ấy với sự phát triển của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Bằng chứng là, từ khi xây dựng một trong những nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất khu vực, ông đã có một kế hoạch dài hạn và bền vững khi dành 30% diện tích tổ hợp sản xuất để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước. Bản thân VinFast mong muốn, các nhà đầu tư nội có thể phát triển những doanh nghiệp phụ trợ cung cấp các nguyên liệu, linh kiện lâu dài cho Tập đoàn.

 “Việt Nam chưa từng là một quốc gia gắn liền với hoạt động sản xuất ô tô. Và VinFast xuất hiện, làm thay đổi định kiến đó” - Trích phóng sự mang tên “VinFast: Tăng tốc đến tương lai” được thực hiện bởi Kênh truyền hình nổi tiếng thế giới Discovery

Tổ hợp VinFast mọc lên thần tốc từ đầm lầy

Tất nhiên, điều kiện để hợp tác với Vingroup chắc hẳn không thể thấp. Nhưng, đó mới là cách làm để cho ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Những doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ nếu đáp ứng được, chắc chắn sẽ lớn dần lên. Tức là trong hành trình này, VinFast sẽ đóng vai trò hạt nhân để cùng xây dựng những doanh nghiệp hỗ trợ tốt rồi tạo sự lan tỏa, từ đó nâng công nghiệp hỗ trợ Việt Nam lên. Chỉ khi ấy, chi phí sản xuất mới được giảm bớt, người dùng sẽ được mua những chiếc xe Việt với mức giá vừa túi tiền hơn rất nhiều. Đó là điều mà bất kỳ người Việt Nam nào cũng mong muốn.

Chẳng phải quá khi nói, đó là những chiến lược của một doanh nhân, doanh nghiệp thực sự vì đất nước. Bởi, sâu thẳm nhất, trong từng bước đi của doanh nghiệp ấy, người ta thấy tấm lòng hướng về nền kinh tế Việt Nam, hướng về sự phát triển của dân tộc Việt Nam.

Điều ấy đã được thể hiện rõ nét trong những ngày cuối năm 2019 khi thương vụ M&A lịch sử giữa Vingroup và Masan chính thức diễn ra. Hẳn nhiều người còn nhớ, tại thương vụ ấy, VinCommerce và VinEco cùng Masan Consumer Holding đã chính thức sáp nhập. Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thực hiện hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động còn Vingroup là cổ đông của tập đoàn mới.

Ai cũng hiểu, đó là cách để ông Vượng tập trung nguồn lực cho mảng công nghiệp - công nghệ. Thế nhưng, vượt lên tất cả, người ta thấy được một tấm lòng cao cả của ông Phạm Nhật Vượng, khi thay vì hoàn toàn có thể bán hệ thống siêu thị cho một đại gia nước ngoài "lắm tiền nhiều của" thì ông lại lựa chọn một doanh nghiệp Việt để giữ thị trường bán lẻ trong nước không bị "cá mập" nước ngoài thâu tóm và chi phối.

Đã có thời, người Việt không khỏi lo lắng khi thị phần bán lẻ lần lượt rơi vào tay người Thái, người Nhật hay người Hàn. Hậu quả là hàng Việt bị đẩy ra khỏi hệ thống của những ông chủ ngoại hoặc phải chịu chi phí "đầu kệ" rất cao cùng các điều kiện phân biệt khi muốn đưa hàng vào hệ thống thương mại này.

Cho đến khi hệ thống VinMart, VinMart+ ra đời, nỗi lo ấy mới dần vơi. Chỉ sau vài năm, VinMart, VinMart+ trở thành hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam, là điểm tựa vững chắc cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam tiêu thụ hàng hóa và gắn kết với thị trường nội địa.

Việc sáp nhập với nhà đầu tư trong nước để giữ thị trường nội địa, việc dừng hoạt động khai trương hãng bay mới để tập trung nguồn lực cho sự phát triển công nghiệp và công nghệ cao là những quyết định đúng đắn và kịp thời của một doanh nhân có tâm và có tầm.

Ngay trong tháng 5/2020, Tập đoàn Vingroup đã ký kết hợp đồng hợp tác với 5 trường cao đẳng kỹ thuật để đào tạo lực lượng lao động trẻ đáp ứng các yêu cầu của việc phát triển nền công nghiệp đất nước trong tương lai.

Theo đó, các trường cao đẳng sẽ đào tạo các sinh viên trong 1,5 năm đầu và Vingroup sẽ đào tạo 1,5 năm sau với ít nhất 80% việc học tập được thực hiện trên hệ thống máy móc hiện đại mới được Vingroup nhập khẩu và đưa vào sử dụng. Khi tốt nghiệp, học viên được cấp song bằng Kỹ sư thực hành và Chứng chỉ Kỹ thuật viên, được Vingroup hỗ trợ chi phí học tập và đảm bảo việc làm sau khi tốt nghiệp. Đây thực sự là một bước tiến mới trong việc gắn kết đào tạo với thực tiễn sản xuất của nền kinh tế và là một tin vui đối với các học viên cũng như hệ thống cao đẳng, đào tạo nghề nước ta.

Tấm lòng của doanh nhân Việt càng được chứng tỏ trong những thời điểm khó khăn nhất. Giữa lúc đại dịch Covid-19 ập đến với vô vàn tác động tiêu cực khiến nền kinh tế trong nước và thế giới lao đao, Vingroup đã có một quyết định rất táo bạo, rất đúng đắn và đầy tính nhân văn: Tạm dừng hoạt động sản xuất tại nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast để chính thức tham gia sản xuất máy thở và máy đo thân nhiệt cung cấp cho thị trường trong nước.

Tổ hợp này đã sản xuất cả hai loại máy thở (xâm nhập và không xâm nhập), cùng máy đo thân nhiệt. Để có thể sản xuất các máy móc, thiết bị y tế hỗ trợ phòng chống đại dịch, Vingroup đã ký kết hợp đồng với hãng Medtronic của Mỹ để được sử dụng thiết kế của công ty này cho máy thở xâm nhập (nhãn hiệu PB560), đồng thời sử dụng thiết kế máy thở không xâm nhập dựa theo thiết kế do trường Đại học MIT (Mỹ) chia sẻ cho cộng đồng.

Tập đoàn VinFast đã tặng cho Bộ Y tế 5.000 máy thở để kịp thời phục vụ chống dịch, đồng thời tặng Liên bang Nga và Cộng hòa Ukraina 2.000 máy thở để góp phần cùng các quốc gia bạn bè khắc phục đại dịch Covid-19. Nhìn sang những tập đoàn lớn hàng đầu thế giới, không phải nơi nào cũng có được cái tâm ấy, tấm lòng ấy. Nhưng, đồng thời việc làm này đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường sản xuất và cung ứng vật tư, thiết bị y tế trong tương lai.

Thực sự, đó là tình cảm riêng có của người Việt, doanh nhân Việt, doanh nghiệp Việt đối với đất nước, con người và dân tộc Việt Nam. Với những tư duy ấy, với những tình cảm ấy, với cách nghĩ, cách làm ấy của một doanh nghiệp hàng đầu, của một doanh nhân hàng đầu và khi những hạt nhân như Vingroup được nhân lên, sẽ là động lực để liên kết và phát triển các doanh nghiệp và doanh nhân Việt. Hy vọng các doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam sẽ ngày càng gắn kết, hợp tác chặt chẽ, tạo ra các chuỗi sản xuất, kinh doanh thuần Việt và tham gia thành công vào các chuỗi sản xuất kinh doanh, chuỗi giá trị toàn cầu để Việt Nam sẽ sớm “hóa hổ, hóa rồng” như mong muốn từ nhiều năm nay./.

Chuyên gia kinh tế - PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh
Thế Công
Theo Reatimes
http://reatimes.vn/hy-vong-tu-nhung-doanh-nghiep-va-doanh-nhan-co-tam-co-tam-20200604173909722.html