Indonesia lập quỹ đất 4.000ha đón công ty dược phẩm Mỹ sau khi rời Trung Quốc

20/05/2020 21:00

Bà Shinta Kamdani, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin), cho rằng việc di dời nhà máy của Mỹ sẽ cho phép các công ty dược phẩm địa phương sử dụng công suất nhàn rỗi của mình.

Bà Shinta Kamdani, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin), cho rằng việc di dời nhà máy của Mỹ sẽ cho phép các công ty dược phẩm địa phương sử dụng công suất nhàn rỗi của mình.

Khu công nghiệp Kawasan Industri Wijayakusuma.
Khu công nghiệp Kawasan Industri Wijayakusuma.)

Ông Sanny Iskandar, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Công nghiệp Indonesia (JKI), mới đây xác nhận khu công nghiệp Kawasan Industri Wijayakusuma (huyện Brebes, tỉnh Trung Java) sẽ là điểm đến cho một công ty dược phẩm Mỹ sau khi rời nhà máy khỏi Trung Quốc.

Cũng theo ông Iskandar, Bộ Doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 51,09% cổ phần của khu công nghiệp rộng 4.000ha này, trong khi chính quyền tỉnh Trung Java và quận Cilacap lần lượt sở hữu 40,19% và 8,52% cổ phần còn lại.

Ông cho biết thêm dự án di dời nhà máy vẫn đang trong giai đoạn lập quy hoạch cảnh quan, trước khi tiến hành nghiên cứu khả thi. Việc này có thể mất 6-12 tháng trước khi nhà máy bắt đầu được xây dựng.

Trước đó, phát biểu với báo giới ngày 10/5, Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Pandjaitan cho biết dự án nói trên mang lại “giá trị chiến lược” cho Indonesia, quốc gia hiện đang phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu thô để sản xuất thuốc.

Theo thống kê chính thức, 60% nguyên liệu thô sản xuất thuốc đang được nhập khẩu từ Trung Quốc, và 30% đến từ Ấn Độ.

Bà Shinta Kamdani, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin), cho rằng việc di dời nhà máy của Mỹ sẽ cho phép các công ty dược phẩm địa phương sử dụng công suất nhàn rỗi của mình.

Theo Policy Times, 27 công ty Mỹ sẽ tiến hành di dời nhà máy từ Trung Quốc tới Indonesia trong thời gian tới. Đây được xem một phần trong nỗ lực rút chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc đang được chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy trong thời gian qua.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan tiếp xúc với các tập đoàn công nghiệp Mỹ theo chỉ đạo của Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Hồi tháng trước, Tổng thống Widodo đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Donald Trump nhằm thảo luận hợp tác Indonesia-Mỹ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và tăng cường quan hệ đối tác thương mại và đầu tư.

Thời gian gần đây, ông Widodo đã có nhiều động thái nhằm đạt được thành công trong việc giữ chân các công ty đa quốc gia của Mỹ như kế hoạch giải phóng mặt bằng trong 5 năm, tổ chức các cuộc trao đổi trực tiếp với Tổng thống Trump cùng những người đứng đầu các công ty Mỹ…

Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng cũng đang thúc đẩy việc chuyển các nhà máy của họ ở Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á.

Mới đây, chính phủ Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế 992 tỷ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nước này rút khỏi Trung Quốc khi dịch Covid-19 phá vỡ chuỗi cung ứng giữa hai nước.

Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới vào năm 2010 và cung cấp 28% sản lượng hàng hóa toàn cầu trong năm 2018.

Chu La

Theo VietnamFinance