Giữa tháng 8, trên mạng xã hội lan truyền video từ trang cá nhân của nghệ sĩ Tiến Đạt cùng lời mô tả “đến lượt rapper Tiến Đạt trở thành dân oan”.
Video ghi nhận hình ảnh lực lượng chức năng phường Thạnh Mỹ Lợi và quận 2, TP.HCM cùng với máy móc đang tới cưỡng chế thu hồi đất thuộc sở hữu của gia đình rapper Tiến Đạt.
Trao đổi với Zing.vn, nghệ sĩ Tiến Đạt cho rằng chính quyền địa phương đã đưa máy móc, thiết bị đến cưỡng chế đất đai trái phép, khi chưa đạt được thỏa thuận đền bù thỏa đáng. Cơ quan chức năng đã mập mờ trong quy trình cưỡng chế thu hồi đất.
Anh nghi ngờ việc xem nhẹ quyền lợi của những người dân như anh và các hộ dân ở ấp Bình Lợi, phường Thạnh Mỹ Lợi quận 2, TP.HCM.
Sống khổ với dự án treo 14 năm
Khu đất rộng 2.441 m2 của gia đình nghệ sỹ Tiến Đạt nằm ngay ven đường dẫn lên cầu Phú Mỹ (nối quận 2 và quận 7, TP.HCM).
Rapper Tiến Đạt cho biết tháng 2/2001, gia đình anh đã mua lại lô đất rộng 3.426 m2 của ông Đặng Văn Thức tại ấp Bình Lợi, phường Thạnh Mỹ Lợi, mục đích sử dụng là đất nông nghiệp. Sau khi hiến đất cho Nhà nước để xây dựng cầu Phú Mỹ, gia đình còn sở hữu 2.441 m2 trên lô này. Người đứng tên lô đất là bà Đỗ Thị Hằng (mẹ của Tiến Đạt).
Lô đất rộng 2.441 m2 của gia đình nghệ sỹ Tiến Đạt nằm cạnh đường dẫn phía bắc cầu Phú Mỹ, trên địa phận phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2, TP.HCM). Ảnh: Hiếu Công. |
3 năm sau đó, tháng 6/2004, UBND TP.HCM ra quyết định thu hồi 120 ha đất tại phường Thạnh Mỹ Lợi, tạm giao cho Công ty đầu tư và xây dựng Thanh niên xung phong (nay đổi tên thành Công ty cổ phần Thạnh Mỹ Lợi) xây dựng dự án khu dân cư.
Lô đất 2.441 m2 của gia đình nghệ sỹ Tiến Đạt và nhiều hộ dân khác tại ấp Bình Lợi nằm trong diện tích 120 ha cần phải thu hồi. Điều đó đồng nghĩa toàn bộ cư dân sống ở đây sẽ nhường đất cho dự án, chuyển đến nơi tái định cư mới.
Thế nhưng, gần 15 năm mòn mỏi chờ đợi, người dân và chủ đầu tư vẫn chưa thể hoàn thành thỏa thuận đền bù, giải phóng mặt bằng. Được quy hoạch từ năm 2004 nhưng đến nay dự án vẫn chỉ dừng lại ở việc giải phóng mặt bằng, san lấp nền ở một số vị trí hạn chế.
Nằm sâu trong ấp Bình Lợi, nhiều hàng xóm gia đình rapper Tiến Đạt người còn người đã bỏ quê hương đi nơi khác. Hình ảnh phổ biến cả ấp là cái nghèo, cũ kỹ và trầm lặng.
Lô đất của gia đình nghệ sỹ Tiến Đạt mà UBND quận 2 cưỡng chế bất thành. Ảnh: Hiếu Công. |
Bán tạp hóa ở giữa xóm, chị Đào Thị Mới cho biết 2/3 người dân tại đây đã bán đất để rời bỏ quê hương đi nơi khác. Quy hoạch treo, dự án chưa triển khai khiến việc làm nông nghiệp không thể tiếp tục, nghề nghiệp bấp bênh sinh ra cái nghèo của nhiều hộ. Nhiều người vướng phải ốm đau, bệnh tật, cho con học hành… sinh ra nợ nần.
“Họ phải bán đất đi cho nhiều người từ Sài Gòn xuống mua đầu tư. Người ta đầu tư mua lại lại đất trong ấp để nay mai đổi lấy đất nền tái định cư. Dân ở đây có tiền, trả nợ, rồi đi nơi khác mua nhà, chứ còn rất ít người sống ở đây”, chị Mới nói.
Khách hàng của chị Mới chủ yếu là người làm hồ, công nhân xây dựng về làm tại các dự án bất động sản đang mọc lên như nấm ở quận 2. Những hộ còn lại sống trong những căn nhà cũ kỹ, không được sửa chữa, nghề nghiệp cũng không ổn định. Đường xá giao thông cũng không được cải tạo từ hàng chục năm nay. Xung quanh ấp phổ biến là cỏ dại, một số ngôi nhà bỏ hoang.
“Nhiều người mua vật liệu về đến đầu xóm là bị chặn, bởi người ta không cho xây sửa nhà mới. Toàn bộ ấp ở đây sẽ phải rời đi, nhưng khi nào được đền bù thỏa đáng chúng tôi mới đi”, chị Mới nói.
Mập mờ chuyện đền bù
Rapper Tiến Đạt nói với Zing.vn, gia đình anh và các hộ dân ở đây cảm thấy “không chút thỏa đáng với giá đền bù”. “Chủ đầu tư chỉ trả mức giá đền bù bèo bọt, khoảng 1,5 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp, và 8 triệu đồng/m2 với đất thổ cư, trong khi giá giao dịch thị trường cả gần trăm triệu đồng/m2 đất. Với số tiền nhận được, làm sao chúng tôi mua được đất ở chỗ khác để sinh sống”, rapper Tiến Đạt nói.
Với 2.441 m2 đất, tổng số tiền gia đình nghệ sĩ Tiến Đạt được nhận bồi thường là 3,66 tỷ đồng, trong đó tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư của Nhà nước là 806 triệu đồng, và 2,86 tỷ đồng từ chủ đầu tư. Như vậy, mỗi m2 đất của gia đình Tiến Đạt chỉ được bồi thường 1,5 triệu đồng/m2.
Số tiền đền bù này đã gấp 10 lần so với mức ban đầu mà chủ đầu tư và ban bồi thường giải phóng mặt bằng quyết định, khi giá bồi thường chỉ là 150.000 đồng/m2 và toàn bộ tiền bồi thường dự toán cho gia đình Tiến Đạt với 2.441 m2 chỉ là 366 triệu đồng.
Bản đồ quy hoạch dự án treo 14 năm ở quận 2, TP.HCM. |
Trong khi đó, theo khảo sát, giá đất tại Thanh Mỹ Lợi đang dao động ở mức 60-80 triệu đồng/m2. Thậm chí khi cầu bắc qua đảo Kim Cương hoàn thành, giá đất tại đây đã được đẩy lên tới 80-120 triệu đồng/m2 tùy từng vị trí.
Đó là chưa kể việc người dân nêu về sự mập mờ, không rõ ràng trong việc đền bù. Ông Đặng Duy Tâm, chủ quán nhậu ngay ấp Bình Lợi (phường Thạnh Mỹ Lợi) cho biết với 160 m2 đất thổ cư bị giải tỏa, gia đình anh được đề bù 2 lô đất nền mới. Trong khi đó, nhiều hộ dân khác trong ấp, có 400-500 m2 đất thổ cư, cũng chỉ được đổi lại 2 lô đất nền.
Điều này gây cảm giác không công bằng cho nhiều người dân có đất bị giải tỏa.
Hơn nữa, theo Tiến Đạt, “trong quá trình thỏa thuận thu hồi đất, chủ đầu tư hầu như không gặp trực tiếp chủ đất để thỏa thuận”.
Trong văn bản trả lời Zing.vn, UBND phường Thạnh Mỹ Lợi thông tin dự án Khu dân cư tại phường Thạnh Mỹ Lợi đã được UBND TP.HCM quyết định thu hồi và giao đất cho Công ty đầu tư và Xây dựng Thanh niên xung phong (nay đổi tên thành Công ty cổ phần Thạnh Mỹ Lợi).
Khẳng định làm đúng pháp luật, đại diện phường cho biết phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đã được UBND quận 2 phê duyệt vào tháng 12/2007.
UBND phường này cho rằng hành động phản đối của gia đình rapper Tiến Đạt là do "chưa hiểu hết các quy định của pháp luật". Vì thế, UBND phường xác định "cần có sự tuyên truyền vận động, giải thích để tạo sự đồng thuận từ phía người dân, tránh sự đối đấu với người dân gây ra những biến phức tạp, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng an ninh trật tự". Việc cưỡng chế với gia đình rapper Tiến Đạt do đó đã tạm dừng lại.