Lợi nhuận “tỷ đô” của Vietcombank đến từ đâu?

12/01/2021 14:49

Vietcombank công bố chi tiết các khoản mục đóng góp vào lợi nhuận “tỷ đô” năm 2020.

2020 là năm đầu tiên dịch vụ Bancas của Vietcombank hợp tác với FWD triển khai và tạo doanh thu, phân bổ vào lợi nhuận.

Ngày 11/1, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tổ chức hội nghị tổng kết 2020 và triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2021.

“Sau khi giảm lãi suất và phí giao dịch chia sẻ với khách hàng (gần 4.000 tỷ đồng), tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, nâng mức dự phòng bao nợ xấu lên mức kỷ lục, hiệu quả kinh doanh của Vietcombank tiếp tục ở mức vượt trội trong số các tổ chức tín dụng”, báo cáo tại hội nghị cho biết.

Cụ thể, lần đầu tiên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank đạt mức cao nhất hệ thống; lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 22.529 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất đạt 23.068 tỷ đồng tương đương năm 2019.

Quy mô “tỷ đô” đó đến từ đâu?

Theo báo cáo của Vietcombank, lợi nhuận năm qua đã không còn dự quá nhiều vào cho vay mà đang tiến gần hơn đến sự cân bằng với các nguồn phi tín dụng.

Năm 2020, thu nhập thuần từ hoạt động phi tín dụng của Vietcombank đã chiếm 49,8% thu nhập từ hoạt động kinh doanh, tăng 10,7 điểm % so với năm 2019.

Trong cơ cấu trên, thu thuần từ hoạt động kinh doanh vốn và đầu tư chiếm 21,1% thu nhập hoạt động kinh doanh (HĐKD); thu thuần dịch vụ và thu khác chiếm 28,6% thu nhập HĐKD và tăng 6,0 điểm % so với năm 2019. Trong đó, thu thuần kinh doanh ngoại tệ tăng 16% so với năm trước và đóng góp 37,8% trong thu dịch vụ. Thu nhập từ dịch vụ Bancas đạt 1.873 tỷ đồng đóng góp 18,1% trong thu dịch vụ.

2020 cũng là năm đầu tiên dịch vụ Bancas hợp tác với FWD triển khai và tạo doanh thu. Doanh số FYP bảo hiểm nhân thọ theo hợp đồng với FWD (triển khai từ 13/4/2020) đạt 371 tỷ đồng, hoàn thành 108% kế hoạch năm 2020. Tổng FYP bảo hiểm nhân thọ năm 2020 đạt 417 tỷ đồng tăng 94% so với năm 2019, hoàn thành 105% kế hoạch 2020.

Ngoài ra, năm qua Vietcombank thu hồi nợ ngoại bảng đạt 2.418 tỷ đồng - nếu tính cả những khoản sẽ thu đầu năm 2021 thì số thu nợ ngoại bảng đạt 3.425 tỷ đồng.

Với kết quả trên, chỉ số ROAA và ROAE của Vietcombank duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,42% và 20,48%.

Cũng theo báo cáo trên, năm 2020 Vietcombank kiểm soát nợ có vấn đề ở mức thấp nhất trong các TCTD nhà nước; tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,61%. Dư quỹ dự phòng rủi ro là 19.344 tỷ đồng; tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng theo đó đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng với khoảng 377%.

Tại hội nghị, Vietcombank xây dựng các chỉ tiêu kinh doanh chính năm 2021 như tổng tài sản tăng khoảng 6%, huy động thị trường 1 tăng khoảng 8%, tăng trưởng tín dụng dự kiến 12%, nợ xấu kiểm soát dưới 1%, NIM ở mức 3,1%, lợi nhuận trước thuế dự kiến tăng 12% để đạt 25.200 tỷ đồng.

MINH ĐỨC/Bizlive

https://nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn/tai-chinh/loi-nhuan-ty-do-cua-vietcombank-den-tu-dau-3557950.html

Bạn đang đọc bài viết "Lợi nhuận “tỷ đô” của Vietcombank đến từ đâu?" tại chuyên mục Tài chính.