Mỹ - Trung Quốc: Thương chiến tiếp hay tàn?

04/09/2019 06:10

Mỹ - Trung Quốc, với các đòn 'áp thuế' lẫn nhau như hiện nay, cả hai bên đã ở rất gần giới hạn khả năng của họ. Điều gì sẽ tiếp diễn trong thời gian tới? Hệ lụy ra sao? Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.

Mỹ - Trung Quốc, với các đòn 'áp thuế' lẫn nhau như hiện nay, cả hai bên đã ở rất gần giới hạn khả năng của họ. Điều gì sẽ tiếp diễn trong thời gian tới? Hệ lụy ra sao? Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.

Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai bên sẽ còn dai dẳng và không biết đến khi nào mới kết thúc trong khi cuộc xung khắc thương mại chỉ nhất thời. (Biếm họa của trang financetwitter.com)

Nhìn vào biểu hiện ra bên ngoài, cuộc xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vừa leo lên nấc thang căng thẳng và đối địch mới. Biện pháp chính sách được hai bên cùng sử dụng là áp thuế quan bảo hộ thương mại, chỉ mức độ có khác nhau và cách thức vận dụng thể hiện chủ ý khác nhau.

Trung Quốc không thể “ngang phân” với Mỹ

Sau khi vòng đàm phán thương mại thứ 12 giữa hai bên kết thúc hồi đầu tháng 8 vừa qua mà không đạt kết quả nào và cho dù hai bên thỏa thuận sẽ tiếp tục đàm phán trong tháng 9/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn quyết định áp thuế quan bảo hộ thương mại 10% đối với thêm 300 tỷ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ từ ngày 1/9 vừa rồi.

Trung Quốc đáp trả bằng quyết định ngừng nhập khẩu nông sản của Mỹ và ngừng can thiệp vào thị trường ngoại hối để giữ tỷ giá hối đoái cho đồng Nhân dân tệ. Bộ Tài chính Mỹ coi đấy là hành động phá giá đồng bản tệ của Trung Quốc nên chính thức coi Trung Quốc là thao túng tiền tệ.

Khi ấy, Trung Quốc còn tuyên bố là sẽ áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hóa của Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, nhưng không nói rõ cụ thể áp dụng mức thuế quan nào đối với mức độ giá trị hàng hóa bao nhiêu. Tức là phía Mỹ biết rất rõ là Trung Quốc còn phản ứng nữa.

Sau đó, Trung Quốc công bố áp thuế quan bảo hộ thương mại ở mức độ từ 5 đến 10% đối với 75 tỷ USD giá trị hàng hóa của Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Ngay lập tức, ông Trump trả đũa Trung Quốc bằng quyết định tăng mức thuế quan bảo hộ thương mại từ 10 lên 15% đối với thêm 300 tỷ USD dự định từ ngày 1/9/2019 và từ 25 lên 30% đối với 250 tỷ USD giá trị hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã bị áp thuế quan bảo hộ thương mại từ trước đó.

Về khối lượng tuyệt đối mà nói thì hai bên đã áp thuế quan bảo hộ thương mại vào gần như toàn bộ giá trị hàng hóa của bên này vào thị trường của bên kia. Nếu chỉ chơi nhau bằng cách này trên phương diện này không thôi thì Trung Quốc không thể ngang bằng được với Mỹ vì Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ ít hơn rất nhiều Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng cơ cấu và trật tự quyền lực ở Trung Quốc khác biệt cơ bản so với Mỹ nên tác động tiêu cực của cuộc xung khắc thương mại này đối với ông Trump nguy hại và rủi ro hơn rất nhiều so với đối với lãnh đạo Trung Quốc về chính trị nội bộ.

Tăng trưởng kinh tế ở cả hai nước đều đã bắt đầu bị ảnh hưởng tiêu cực. Tương tự như vậy đối với tăng trưởng kinh tế và thương mại chung của thế giới. Nhưng người tiêu dùng ở Mỹ chứ không phải ở Trung Quốc hiện đã và đang còn tiếp tục phải trả giá tiêu dùng cao hơn trước cho những mặt hàng của Trung Quốc bị ông Trump áp thuế quan bảo hộ thương mại.

Điều gì sẽ tiếp diễn?

Ở đây cần phải phân biệt giữa cuộc xung khắc thương mại này với cuộc cạnh tranh chiến lược trên gần như mọi phương diện giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa hai bên sẽ còn dai dẳng và không biết đến khi nào mới kết thúc trong khi cuộc xung khắc thương mại chỉ nhất thời và là một phần, một cách biểu hiện của cuộc cạnh tranh chiến lược kia. Nó sẽ được hai bên kết thúc nhưng không phải để không lặp lại mà rồi sau này sẽ lại tái bùng phát.

Nếu chỉ dùng biện pháp chính sách áp thuế quan bảo hộ thương mại để tiến hành xung khắc thương mại với nhau thì Mỹ và Trung Quốc hiện đã ở rất gần giới hạn khả năng của họ. Khối lượng giá trị hàng hóa bị áp thuế quan bảo hộ thương mại chỉ có hạn, mức thuế quan bảo hộ thương mại được áp dụng có thể vô hạn, nhưng bản chất tác động vẫn không thay đổi là mức độ xung khắc như thế càng quyết liệt và kéo dài thì mức độ lợi bất cập hại và phản tác dụng càng lớn và càng tai hại về chính trị xã hội nội bộ và kinh tế, thương mại đối với cả hai bên.

Cho nên cứ nhìn vào mô thức hành xử của cả Mỹ lẫn Trung Quốc mà suy thì sẽ thấy cả hai phía đều ý thức được rằng, đã đến lúc phải cài số lùi trước khi quá muộn. Nhưng điều quan trọng với họ là, phải đi vào thỏa hiệp với nhau trong thế mạnh chứ không phải trong thế yếu, trong thế chủ động dẫn dắt cuộc chơi chứ không phài bị động đối phó và bị dẫn dắt. Ông Trump cần một thỏa thuận với Trung Quốc để làm bằng chứng ở Mỹ là đã chiến và đã thắng Trung Quốc. Trung Quốc cần thỏa thuận với Mỹ để tiền lệ hiện tại rồi đây không trở thành thông lệ trong quan hệ với Mỹ.

Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc vẫn mới chỉ sát phạt nhau bằng biện pháp chính sách áp thuế quan bảo hộ thương mại nên cuộc xung khắc thương mại này chưa thay đổi về bản chất và mức độ quyết liệt tuy có gia tăng nhưng chưa đủ để được coi là xung khắc thương mại đã có bước chuyển giai đoạn. Hai bên găng nhau thêm như hiện tại đang thấy chẳng qua chỉ để tạo thế cho tới đây đi vào thỏa hiệp với nhau, tỏ ra không sẵn sàng khoan nhượng để làm nhụt chí kiên định “đã đâm lao thì phải theo lao” của phía bên kia.

Cuộc thương chiến này còn tiếp diễn thêm chút nữa nhưng sắp đi vào hồi kết mà cái kết này có thể sẽ đến rất nhanh chóng và bất ngờ.

Dịch Dung

Bạn đang đọc bài viết "Mỹ - Trung Quốc: Thương chiến tiếp hay tàn?" tại chuyên mục Tiêu điểm.