Nhóm lợi ích nào đứng sau Tập đoàn Hoa Lâm chuyển đất y tế thành nhà ở thương mại?

23/08/2019 21:51

Từ việc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận xây dự án bệnh viện và hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi trong đầu tư, thuế…. Tập đoàn Hoa Lâm  “hô biến” sang xây dựng trung tâm thương mại, chung cư 36 tầng, quy mô 1.069 căn hộ. Vấn đề đặt ra: Đang có sự trục lợi từ chính sách ưu đãi, có nhóm lợi ích đứng sau?

Những ưu đãi của Nhà nước trong đầu tư y tế

Dự án xây dựng trung tâm y tế nói chung thuộc lĩnh vực được ưu đãi đầu tư. Theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP.

Đã rất nhiều năm trôi qua, hiện tại Khu y tế kỹ thuật cao chỉ mới có 2 bệnh viện đưa vào hoạt động, trong khi đó đang thi công rầm rộ khu nhà ở D2, D3 với mục tiêu kinh doanh khu nhà ở, căn hộ.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 1, Nghị định số 59/2014/NĐ-CP, đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa sử dụng đất tại các đô thị, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế của địa phương quy định chế độ miễn, giảm tiền thuê đất theo từng khu vực, lĩnh vực.

Mức tối đa là miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian của dự án; mức tối thiểu bằng mức ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đất đai và pháp luật về đầu tư.

Chậm nhất 06 tháng tháng kể từ khi Nghị định số 59 có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải ban hành và công bố công khai chế độ miễn, giảm tiền thuê đất nêu trên sau khi có ý kiến thống nhất của thường trực hội đồng nhân dân cùng cấp.

Đặc biệt, các ưu đãi đối với lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa được thực hiện không phụ thuộc vào ngành nghề ưu đãi đầu tư theo quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.

Tại TP. Hồ Chí Minh, Quyết định số 39/2015/QĐ-UBND ngày 11 tháng 8 năm 2015 về chế độ miễn, giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao, môi trường, giám định tư pháp của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh ghi rõ: Cơ sở thực hiện xã hội hóa được Nhà nước cho thuê đất có thu tiền thuê đất và được xem xét miễn, giảm tiền thuê đất đối với khu vực quận Bình Tân: được giảm 50% tiền thuê đất phải nộp.

Như vậy, khi thực hiện dự án xây dựng trung tâm y tế, Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La, ngoài được hưởng các chính sách về ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, họ còn được giảm 50% tiền thuê đất, con số có thể lên đến cả ngàn tỷ đồng.

Từ mục đích tốt đẹp với vốn đầu tư 750 triệu USD

Theo những lời quảng cáo “có cánh” của Công ty thì, dự án nằm ở Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La tại số 532A Kinh Dương Vương, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân và là cửa ngõ phía Tây của TP. Hồ Chí Minh. Bệnh viện Quốc tế City này cùng với 5 dự án khác sẽ định hình lên một “thành phố dịch vụ y tế” trong tương lai trên diện tích 376.000m2 - Hoa Lâm Shangri-La có tổng vốn đầu tư khoảng 750 triệu USD.

Cũng theo lời quảng cáo, Bệnh viện Quốc tế City (CIH) quy mô 320 giường bệnh theo chuẩn Singapore. Nơi đây có hệ thống liên hoàn gồm 10 phòng mổ, trung tâm hồi sức tích cực người lớn gồm 25 phòng riêng biệt và đơn vị chăm sóc sơ sinh, phòng chụp mạch máu xóa nền (đang được hình thành) nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho người bệnh.

Khi có trong tay “đất vàng”, Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La lại “hô biến” sang xây dựng trung tâm thương mại, chung cư 36 tầng, quy mô 1.069 căn hộ.

Các quyết định hành chính của UBND TP. Hồ Chí Minh (Quyết định số 5637/QĐ-UBND, Quyết định số 5509/QĐ-UBND, Quyết định số 158/QĐ-UBND) đều xác định chức năng nhà ở khu D2, D3 là “phục vụ cho nhu cầu của dự án Khu y tế kỹ thuật cao”.

Đặc biệt, Quyết định số 5637/QĐ-UBND ngày 26/12/2008 của UBND TP.HCM đã thể hiện các hạng mục công trình trong khu quy hoạch gồm 6 bệnh viện, nhà nghỉ phục vụ lưu trú ngắn hạng và dài hạn cho bệnh nhân và thân nhân, nhà nghỉ phục vụ lưu trú ngắn hạn và dài hạn cho các chuyên gia bác sĩ, điều dưỡng và chuyên viên các lĩnh vực liên quan làm việc trong Khu y tế kỹ thuật cao, cùng nhiều trung tâm quan trọng khác để phục vụ nghiên cứu phát triển chung cho Khu y tế kỹ thuật cao.

Và có lẽ, cũng chính vì mục tiêu tốt đẹp và có ý nghĩa nhân văn cao cả này mà Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM mới đồng ý chủ trương cho phép Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La làm chủ đầu tư xây dựng Dự án Khu Y tế kỹ thuật cao TP.Hồ Chí Minh.

Đến “hô biến” để trục lợi?

Tuy nhiên, đã rất nhiều năm trôi qua, hiện tại Khu y tế kỹ thuật cao chỉ mới có 2 bệnh viện đưa vào hoạt động, trong khi đó đang thi công rầm rộ khu nhà ở D2, D3 với mục tiêu kinh doanh khu nhà ở, căn hộ.

Cty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La công khai rao bán dự án trên mạng.

Cụ thể, ngày 24/7/2017, Cty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La đã có văn bản đề nghị UBND Thành phố điều chỉnh mục tiêu và chức năng quy hoạch cho 2 hạng mục thành phần về nhà ở tại lô D2 và D3 của Khu Y tế kỹ thuật cao. Dự án gồm khu nhà ở D2 (quy mô 1.069 căn hộ), khu nhà ở D3 (1.038 căn hộ) với mục tiêu hoạt động là “kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất.”

Nội dung văn bản đề nghị từ phía Cty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La đã chuyển đổi từ “Khu nhà ở, căn hộ phục vụ cho nhu cầu của dự án Khu Y tế kỹ thuật cao” thành “xây dựng và kinh doanh khu nhà ở, căn hộ (ưu tiên bán cho bác sĩ, y tá, điều dưỡng, cán bộ, công nhân viên làm việc tại Khu Y tế kỹ thuật cao)”.

Cũng theo đề nghị, lý do điều chỉnh là Cty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La đã đóng tiền thuê đất một lần cho toàn bộ thời gian thuê (69 năm) nên theo ý kiến của Bộ Tài chính tại Công văn số 5374/BTC-QLCS ngày 3/5/2013 và Công văn số 11243/BTCQLCS ngày 17/8/2015 thì Cty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La có quyền được xây dựng khu nhà ở để bán và cho thuê.

Ngoài ra, văn bản đề nghị này cũng nhằm giải quyết khó khăn cho công ty vì đã bỏ kinh phí lớn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các bệnh viện trong khu y tế kỹ thuật cao, công trình nhà trẻ,… trong khi lỗ lũy kế đến cuối năm 2016 là 1.000 tỷ đồng.

Nhiều khách hàng đă đặt tiền "giữ chỗ" cho dự án AIO CITY của Cty TNHH Y tế Hoa Lâm – Shangri-La.

Đồng thời, đội ngũ y bác sĩ, cán bộ công nhân viên rất băn khoăn khi có cụm từ “phục vụ” và cũng đề nghị được điều chỉnh là khu căn hộ để bán phục vụ cho nhu cầu nhà ở của y, bác sĩ, cán bộ công nhân viên làm việc tại khu y tế.

Sau đó, UBND TP.HCM phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 với tổng diện tích khu đất là 42,29 ha. Dân số toàn bộ dự án dự kiến là 8.000 người, mật độ xây dựng là 30,58%, hệ số sử dụng đất tối đa là 3,3, tầng cao xây dựng tối đa là 36 tầng.

Rõ ràng, đã có sự nhập nhèm, lập lờ giữa mục đích xây dựng các căn hộ để ưu tiên bán cho cán bộ, nhân viên y tế thành căn hộ thương mại bán tràn lan cho các thành phần trong xã hội, dự tính đem lại nguồn thu nhiều nghìn tỷ đồng cho chủ đầu tư.

Theo Luật sư Lê Đức Thắng, Trưởng Văn phòng Luật sư Lê & đồng sự (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), việc điều chỉnh quy hoạch 1/500 phải dựa trên các quyết định chấp thuận đầu tư, mục đích sử dụng đất đã được các cơ quan chức năng chấp thuận. Trường hợp Tập đoàn Hoa Lâm được chuyển mục đích sử dụng đất y tế sang nhà ở thương mại là vi phạm các quyết định phê duyệt đầu tư trước đó, gây nguy cơ khiến nhà nước thất thu ngân sách lớn. Việc này cũng phá vỡ các quy hoahcj về hạ tầng, dân cư, phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, trong việc này, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan chức năng ở TP. Hồ Chí Minh như Sở Quy hoạch - Kiến Trúc, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch - Đầu Tư, Sở Tài Nguyên - Môi trường, Sở Tài chính...

Điều này cho thấy, không những có sự mâu thuẫn chính trong các quyết định hành chính của UBND Thành phố mà còn thể hiện sự “ưu ái” khó hiểu đối với chủ đầu tư?

Một điều chỉnh khó hiểu nữa là khu đất được quy hoạch làm “Trung tâm hội nghị, triển lãm về y tế, giải trí, mua sắm, ăn uống và chăm sóc nâng cao sức khỏe, nhà nghỉ phục vụ lưu trú ngắn hạn và dài hạn cho bệnh nhân và thân nhân” (ký hiệu lô PT1) với diện tích khuôn viên 2,43ha” lại “mọc” lên Trung tâm thương mại Aeon.

Cụ thể, Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm-Shangri-La đã ký kết hợp đồng hợp tác với Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) để hợp tác kinh doanh đầu tư phát triển trung tâm mua sắm Aeon-Bình Tân với tổng vốn đầu tư khoảng 130 triệu USD, xây dựng trong khuôn viên Khu Y tế kỹ thuật cao với diện tích khoảng 4,7ha (khởi công từ tháng 1/2015 và hoàn thành trong tháng 6/2016).

Rõ ràng dư luận hoài nghi về việc khi triển khai dự án Khu Y tế kỹ thuật cao, UBND TP. Hồ Chí Minh đã bỏ chi phí đầu tư hạ tầng, bồi thường, giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp được ưu đãi nhiều chính sách nhưng trong quá trình triển khai lại có những điều chỉnh về quy hoạch, tạo nhiều ưu ái theo hướng kinh doanh thương mại cho chủ đầu tư tại dự án y tế này?

Trước diễn biến khó hiểu trên, dư luận đặt ra nhiều nghi vấn: Phải chăng có "nhóm lợi ích" trong việc hô biến dự án “ưu đãi đầu tư” thành dự án “siêu lợi nhuận"? Chủ Công ty TNHH Y tế Hoa Lâm-Shangri-La là ai mà được UBND TP. Hồ Chí Minh “ưu ái” như vậy?

Minh Tâm

TBCKVN