PGS.TS Phạm Thế Anh: ‘Tăng trưởng GDP nhờ đầu tư công và FDI, vậy tiền đã chảy đi đâu?’

15/02/2021 10:45

PGS.TS Phạm Thế Anh chỉ ra: tăng trưởng GDP năm 2020 chủ yếu đến từ đầu tư công và FDI – những khu vực hầu như không sử dụng tín dụng, tuy nhiên tín dụng lại tăng tới 12,13%. Nhiều khả năng, dòng tiền đã chảy vào các kênh tài sản và tạo ra rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

PGS.TS Phạm Thế Anh: ‘Tăng trưởng GDP nhờ đầu tư công và FDI, vậy tiền đã chảy đi đâu?’

PGS.TS Phạm Thế Anh

Là một năm đầy sóng gió nhưng 2020 đã khép lại với nền kinh tế Việt Nam bằng kết quả tăng trưởng GDP 2,91%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Như vậy, “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế đã đạt được. Đây được xem là thành tựu nổi bật của Chính phủ không chỉ trong năm 2020 mà còn của cả nhiệm kỳ 2016 – 2020.

Để có cái nhìn sâu hơn về bức tranh kinh tế Việt Nam 2020 và dự báo triển vọng cho 2021, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Thế Anh – Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, khoa Kinh tế học, Trường đại học Kinh tế Quốc dân:

- Ông nhìn nhận như thế nào về kết quả tăng trưởng GDP 2,91% năm 2020?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Đó là một con số tích cực, xét trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành và sản xuất gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng tới từ đâu lại là một câu chuyện khác.

Thông thường, tăng trưởng tới từ 3 trụ cột: tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư. Về tiêu dùng, năm 2020 chứng kiến sự sụt giảm mạnh, do thu nhập của người dân giảm sút, tâm lí tiết kiệm dự phòng lên cao và sự biến mất của du khách quốc tế từ quý II/2020.

Về đầu tư, chúng ta thấy rất rõ bệ đỡ cho tăng trưởng là đầu tư công, còn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng rất thấp và đầu tư trực tiếp nước ngoài thì suy giảm.

Về xuất khẩu hàng hóa, năm 2020 có thặng dư rất lớn, 19,1 tỷ USD, nhưng thành tích này chủ yếu được tạo ra bởi khu vực đầu tư nước ngoài.

Như vậy, khi nhìn sâu vào con số 2,91%, chúng ta thấy động lực tăng trưởng tới từ đầu tư công và xuất khẩu của FDI. Hai động lực này có những giới hạn nhất định, bởi đầu tư công phụ thuộc vào ngân sách, còn FDI thì tùy thuộc vào tình hình thế giới và lợi ích tạo ra từ khu vực này phần lớn thuộc về người nước ngoài. Giả sử năm tới dịch bệnh vẫn hoành hành trên thế giới, các quốc gia vẫn đóng cửa thì động lực tăng trưởng đầu tư công và FDI có được duy trì không?! Do vậy, tôi nghĩ rằng tăng trưởng cho năm tới là khá khó khăn nếu bệnh dịch còn kéo dài.

- Như vậy, ông khá quan ngại trước mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2021?

Đó là một mục tiêu rất thách thức! Kinh tế thế giới có thể hồi phục 4 - 5%, vì người ta tăng trưởng trên nền thấp, còn Việt Nam tăng trưởng trên nền cao. Thử hình dung, trong điều kiện bình thường cũ (không có dịch), Việt Nam mới đạt được mức tăng trưởng 6,5 – 7%, vậy trong điều kiện có dịch thì sẽ thế nào?!

Khi đặt mục tiêu tăng GDP 6,5%, tôi cho rằng Việt Nam đang đặt kỳ vọng rất lớn vào sự phục hồi của kinh tế thế giới, mà sự phục hồi này là rất bất định.

- Quay trở lại với năm 2020, trong “cỗ xe tam mã” (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư), ông đã chỉ ra bản chất của tiêu dùng và đầu tư, vậy còn xuất khẩu thì sao?

Chúng ta khá hồ hởi với thành tích xuất siêu kỷ lục 19,1 tỷ USD, nhưng xin lưu ý đây chỉ là xuất siêu hàng hóa. Cán cân thương mại gồm hai bộ phận là hàng hóa và dịch vụ. Hàng hóa xuất siêu nhưng dịch vụ lại nhập siêu. Năm 2020, Việt Nam nhập siêu dịch vụ tới 12 tỷ USD, tăng gấp 8 lần so với năm 2019. Như vậy, về thực chất, Việt Nam chỉ xuất siêu 7,1 tỷ USD thôi.

Đối với con số xuất siêu hàng hóa 19,1 tỷ USD, chúng ta nhìn kỹ có thể thấy kỷ lục này đến từ FDI. Khu vực này không chỉ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn mà còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này cho thấy một tín hiệu không vui rằng các doanh nghiệp FDI đang thích ứng tốt hơn với tình hình hiện tại và tận dụng các ưu thế FTAs (hiệp định thương mại tự do) tốt hơn các doanh nghiệp Việt Nam.

- Lại nói chuyện xuất khẩu, báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2020 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) xuất bản đã bày tỏ sự nghi ngờ về kim ngạch xuất nhập khẩu của một số mặt hàng, rằng không loại trừ khả năng Việt Nam chỉ là điểm trung chuyển, tạm nhập tái xuất của hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ. Với tư cách là Kinh tế trưởng của VEPR và với số liệu cả năm 2020 đã có, ông có còn bảo lưu sự nghi ngờ này?

Nói về xuất khẩu, hãy xét cả cơ cấu thị trường và mặt hàng. Về thị trường, xuất siêu của Việt Nam tới từ Mỹ, hơn 60 tỷ USD. Nghĩa là nếu loại trừ Mỹ, Việt Nam nhập siêu hơn 40 tỷ USD. Xuất siêu sang Mỹ đã kéo toàn bộ cán cân thương mại của Việt Nam sang trạng thái thặng dư. Điều này cho thấy một xu hướng là có nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sản xuất chỉ để xuất khẩu sang Mỹ.

Xuất siêu sang Mỹ cố nhiên là tốt nhưng cũng đi kèm rủi ro, đó là rủi ro phụ thuộc vào một thị trường, mà thị trường này chúng ta chưa có FTA. Giả sử có kịch bản trừng phạt thương mại thì rất gay go cho nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, Mỹ đang điều tra Việt Nam về việc thao túng tiền tệ. Tất nhiên, việc cáo buộc của Mỹ có nhiều vấn đề để bàn luận, nhưng đó cũng là một loại rủi ro đối với Việt Nam.

Trong khi xuất siêu sang Mỹ thì Việt Nam lại nhập siêu lớn từ Trung Quốc. Và điều này làm dấy lên những nghi ngại. Nghi ngại này có cơ sở hơn khi nhìn vào cơ cấu mặt hàng. Cụ thể, cả xuất khẩu và nhập khẩu năm 2020 có sự tăng trưởng đột biến ở một số mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị… Các mặt hàng này, Việt Nam nhập nhiều từ Trung Quốc và lại xuất nhiều sang Mỹ.

Nhìn chung, ở các mặt hàng nêu trên, Việt Nam được hưởng lợi rất ít, chủ yếu là công lao động. Điều này phơi bày một thực trạng đau xót là là khi có lợi ích thì FDI hưởng gần hết còn nếu xảy ra rủi ro thì doanh nghiệp Việt Nam hứng chịu phần nhiều.

Trong câu chuyện xuất khẩu, chúng ta cũng thấy một thực tế đáng buồn khác là các mặt hàng truyền thống của Việt Nam bị sụt giảm như: dệt may, da giày, nông sản… Muốn năm 2021 tăng trưởng cao thì các mặt hàng truyền thống này phải lấy lại phong độ như trước, bởi lực cầu máy móc, thiết bị điện tử có thể không kéo dài bởi chúng là hàng lâu bền. Tuy vậy, việc các mặt hàng truyền thống có khôi phục được hay không lại phải trông đợi hoàn toàn vào việc các nước Âu – Mỹ – Nhật  có mở cửa trở lại hay không.

- Một vấn đề nổi bật khác trong năm 2020 là tăng trưởng tín dụng. Tính đến ngày cuối năm 2020, tín dụng tăng 12,13%. Nhưng điều đáng nói là chỉ trước đó 10 ngày, Ngân hàng Nhà nước cho biết tín dụng năm 2020 tăng 10,14%. Có nghĩa là trong 10 ngày cuối năm, tín dụng tăng tới 2 điểm %. Ông có bình luận gì về những con số này?

Tăng trưởng tín dụng năm 2020 gần bằng năm trước đó, nhưng tăng trưởng GDP lại thua xa, vậy tiền đã chảy đi đâu?

Tôi đặt ra câu hỏi này bởi tăng trưởng GDP 2020 đến từ đầu tư công và FDI, tức là những khu vực hầu như không sử dụng tín dụng.

Tôi cho rằng ngoài việc trái phiếu chính phủ được phát hành đã hút bớt một lượng vốn trong nền kinh tế, thì ít nhất còn hai lí do khiến tín dụng năm nay tăng trưởng 12,13%.

Một là tăng trưởng tín dụng chủ yếu do đảo nợ, gia hạn, cơ cấu nợ. Ví dụ, một doanh nghiệp năm 2019 vay 100 đồng, lãi suất 10%. Năm 2020, doanh nghiệp không có năng lực trả, ngân hàng cơ cấu nợ, đem lãi nhập gốc thành khoản nợ mới trị giá 110 đồng. Như vậy, tín dụng tăng trưởng 10%. Nhưng tín dụng này không đi vào sản xuất, không tạo ra công ăn việc làm, không thúc đẩy tăng trưởng. Đó chỉ là tăng trưởng tín dụng trên sổ sách.

Hai là có thể tín dụng không trực tiếp đi vào sản xuất mà đi vào các kênh tiêu dùng hàng nhập khẩu (ô tô) và giao dịch tài sản (bất động sản và chứng khoán). Điều này thấy khá rõ: giao dịch chứng khoán năm 2019 trung bình 4.000 tỷ đồng/phiên, năm nay những tháng cuối năm đã lên tới 20.000 tỷ đồng/phiên, rất khủng khiếp; giá bất động sản cũng tăng vòn vọt.

Tất nhiên, các ngân hàng thương mại có thể không cho vay đầu tư chứng khoán hay bất động sản một cách trực tiếp. Nhưng tín dụng có thể đi đường vòng để đổ vào các kênh tài sản này. Ví dụ, một doanh nghiệp có lợi nhuận tích lũy, trong điều kiện bình thường sẽ dùng lợi nhuận đó tái đầu tư, mở rộng sản xuất. Nhưng do dịch bệnh, lãi vay thấp, chủ doanh nghiệp đi vay ngân hàng để có tiền hoạt động, còn đem lợi nhuận tích lũy đi đầu tư chứng khoán, bất động sản.

Trường hợp khác là chủ doanh nghiệp đáng lẽ lấy tiền trả nợ, nhưng do được ngân hàng tái cơ cấu nợ, đã đem tiền đó đi đầu tư chứng khoán, bất động sản.

Do đó, rất khó để cơ quan quản lý nhà nước có thể tự tin rằng tín dụng đã đi vào sản xuất, kinh doanh. Nếu quả thực tín dụng đi vào sản xuất, kinh doanh thì thật đáng lo ngại, vì chất lượng tín dụng kém quá, tăng tới 12,13% mà GDP chỉ tăng 2,91%. Tôi không nghĩ hiệu quả sử dụng vốn thấp như vậy đâu.

- Vậy khuyến nghị của ông về chính sách tiền tệ và tài khóa cho năm 2021 sẽ là gì?

Quan điểm của tôi không thay đổi: tài khóa vẫn cần tập trung vào những gì cần thiết, thiết thực. Những gói hỗ trợ như miễn giảm thuế (thu nhập doanh nghiệp) hay giảm phí (trước bạ ô tô) đều là những biện pháp lãng phí, ai hưởng lợi vẫn hưởng, ai chết vẫn chết.

Nguồn lực tài khóa của Việt Nam hạn hẹp nên rất cần giữ trọng tâm. Ưu tiên hàng đầu vẫn là chi trả an sinh cho người lao động mất việc làm. Thứ hai là đầu tư công, nhưng phải trọng điểm, tập trung vốn cho những dự án trọng điểm đã có kế hoạch, vì đấy là nền tảng cho tăng trưởng trong tương lai, không để tái diễn tình trạng chậm tiến độ, đội vốn; kiên quyết nói không với những dự án không cần thiết như quảng trường, tượng đài.

Về chính sách tiền tệ, tôi khuyến nghị hai chữ “thận trọng”. Cuối năm 2020, hiện tượng bong bóng giá tài sản đã xuất hiện rồi. Chính phủ càng hạ lãi suất thì càng kích thích tiền chảy sang kênh tài sản.

Tăng trưởng tín dụng cũng cần tận trọng, đừng ham thành tích. Tăng trưởng tín dụng 12 – 13% mà tiền không vào sản xuất kinh doanh thì tăng để làm gì. Nới lỏng tiền tệ chỉ làm giàu cho các chủ ngân hàng, công ty tài chính. Trong thời kì dịch bệnh, doanh nghiệp sản xuất hết sức khó khăn mà các ngân hàng vẫn báo lãi rất lớn, đó là hiện tượng kinh tế rất phản cảm.

Năm tới, Việt Nam vẫn đối diện với rủi ro tài khóa, đã thành cố hữu, khi thâm hụt ngân sách cao và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp/thu ngân sách chạm trần. Chính sách tiền tệ mà tạo ra bong bóng tài sản nữa thì vô cùng rủi ro. Khi dịch bệnh qua đi, kinh tế hồi phục, sức ép lạm phát sẽ tăng lên. Khi đó, Chính phủ không còn cách nào khác là tăng lãi suất để chống lạm phát, chống bong bóng giá. Hậu quả là cộng đồng doanh nghiệp sản xuất sẽ nai lưng ra chịu trận.

Cái chúng ta cần là giảm lãi suất cho vay chứ không phải giảm lãi suất huy động. Hạ lãi suất tiền gửi, ở một khía cạnh nào đó, đang giảm thu nhập của những người có thu nhập thấp trong xã hội. Khi thu nhập giảm, tầng lớp này càng thắt chặt chi tiêu khiến cầu giảm, hàng hóa bán kém. Có thể nói, công cụ lãi suất chưa chắc đã có tác dụng với kinh tế Việt Nam ở bối cảnh hiện tại…

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!