Reuters: Việt Nam thách thức vị trí độc tôn của Trung Quốc trên mặt trận 'ngoại giao dịch bệnh'

20/04/2020 10:48

Với việc viện trợ vật tư y tế cho châu Âu và Đông Nam Á, Việt Nam đang thách thức vị trí độc tôn của Trung Quốc trên mặt trận 'ngoại giao dịch bệnh' (coronavirus diplomacy). Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước ngợi khen Việt Nam đã xuất khẩu kịp thời lô hàng quần áo bảo hộ y tế tới Hoa Kỳ, theo Reuters.

Trung Quốc đang tìm cách đánh bóng hình ảnh của mình như một cường quốc có trách nhiệm bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và viện trợ khẩu trang và các thiết bị bảo hộ khác cho các quốc gia đang hứng chịu dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra (Covid-19). Điều này cũng nhằm mục đích tút tát lại hình ảnh xấu xí là quốc gia khởi nguồn của dịch bệnh vào năm ngoái, theo hãng tin Reuters.

_0 1 a atangVTYTchoPhap

Lễ trao tặng vật tư y tế của Việt Nam cho các nước châu Âu. Ảnh Thế giới và Việt Nam

Việt Nam, về phần mình tuy còn hạn chế nguồn lực so với quốc gia láng giềng khổng lồ nhưng cũng đã gửi tặng 550.000 chiếc khẩu trang cho Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh, 390.000 chiếc khẩu trang cho Campuchia và 340.000 chiếc khẩu trang cho Lào.

Việt Nam cũng đã hỗ trợ để nhanh chóng vận chuyển 450.000 bộ quần áo do nhà máy của DuPont sản xuất tại Việt Nam tới Hoa Kỳ và truyền thông mạnh sự kiện này như một đóng góp y tế quan trọng cho nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Năm tuần trước đã đích thân viết lời cảm ơn 'các bạn Việt Nam' vì chuyến hàng đặc biệt này.

_0 1 aabodobaohoyte
Chuyến hàng 450.000 bộ đồ bảo hộ y tế hạ cánh tại Dallas, Texas, Mỹ - Ảnh: FEDEX

Vẫn theo Reuters, nhờ các công tác kiểm dịch kịp thời trên diện rộng và tích cực truy dấu vết dịch bệnh qua các tiếp xúc với nguồn lây, cho đến 10/4, Bộ Y tế Việt Nam ghi nhận mới có 255 trường hợp mắc Covid-19 và chưa có trường hợp tử vong.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người được ca ngợi rộng rãi về vai trò đứng đầu chiến dịch chiến đấu chống Covid-19 vào đầu tuần trước cũng cho biết dịch bệnh đã được kiểm soát tại Việt Nam.

Ngày hôm sau đó, truyền thông trong nước đã đưa những hình ảnh các đại sứ châu Âu nhận các gói khẩu trang do Việt Nam gửi tặng trong một buổi lễ trao tặng chính thức tổ chức tại Bộ Ngoại giao Việt Nam.

"Việt Nam dường như đã nhận được niềm tin rằng đã chiến đấu thắng lợi trước dịch bệnh do virus corona gây ra", chuyên gia về Việt Nam, ông Carl Thayer nói từ Học viện Quốc phòng Úc tại Canberra.

Trong khi Việt Nam đang nỗ lực chống lại một làn sóng thứ hai của dịch bệnh Covid-19 thì nước này cũng đang chuẩn bị khởi động lại các hoạt động kinh tế trong nước.

Chìa khóa để thúc đẩy các hoạt động này, được Việt Nam trông chờ nhất chính là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU, có thể được Quốc hội thông qua vào cuối tháng này.

"Trợ giúp bất kỳ nơi nào cần"

Theo thông tin từ Chính phủ Việt Nam đưa ra hôm thứ Năm tuần trước, hiện có 40 công ty có năng lực sản xuất cỡ 7 triệu chiếc khẩu trang vải mỗi ngày. Bên cạnh đó, mỗi ngày Việt Nam sản xuất được cỡ 5,72 triệu khẩu trang y tế.

Tuy nhiên, theo Reuters, Việt Nam không phải quốc gia duy nhất đang muốn chứng mình rằng mình có đủ khả năng cung cấp các hỗ trợ cho thế giới.

Đài Loan, lãnh thổ do Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền, cũng đã gửi 16 triệu khẩu trang, chủ yếu cho châu Âu và Hoa Kỳ nhờ đó cũng gặt hái được một số hình ảnh ngoại giao trên thế giới.

Đài Loan, cũng như Việt Nam đang cố gắng duy trì các trường hợp mắc Covid-19 ở mức thấp và đang tạo ra hình ảnh 'Đài Loan có thể giúp đỡ' vì lãnh thổ này có thể sản xuất được 13 triệu khẩu trang mỗi ngày.

Hàn Quốc cũng giành được sự chú ý trong cuộc chiến chống lại virus và hôm thứ Năm tuần trước, nước này đã có một buổi thuyết trình trực tuyến để giới thiệu các phương pháp ngăn chặn virus trước 400 quan chức và nhân viên y tế đến từ 13 nước trên thế giới, trong đó có cả Hoa Kỳ, Mexico và Ý.

"Chúng tôi nhận được một số yêu cầu trợ giúp chia sẻ kinh nghiệp trong phòng, chống dịch", một quan chức ngoại giao Hàn Quốc nói với Reuters.

Trở lại Việt Nam, tuy không thể so sánh được với Trung Quốc về cường độ của chính sách 'ngoại giao dịch bệnh' nhưng việc nhanh chóng gửi khẩu trang y tế cho các nước láng giềng Lào và Campuchia cho thấy họ không khoanh tay trước các đồng minh quen thuộc.

"Mặc dù Việt Nam vẫn rất cần các trang thiết bị y tế nhưng chúng tôi vẫn gửi tặng các nước láng giềng trên cơ sở của tình hữu nghị và quan hệ truyền thống", bà Lê Thị Thu Hằng, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với Reuters.

Chuyên gia Thayer thì cho biết Việt Nam có thể nâng cao chất lượng cho các trang thiết bị y tế, thay vì các trang thiết bị 'lỗi' mà Trung Quốc đã từng gửi tới nhiều nước trên thế giới.

Vingroup, tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam trong tuần rồi cũng đã tuyên bố sẽ sản xuất 55.000 máy thở mỗi tháng, trong số đó sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài.

"Việt Nam khó có thể so sánh được với Trung Quốc về khối lượng cũng như giá trị của hàng viện trợ, nhưng Việt Nam có thể hỗ trợ bất kỳ nước nào khi họ cần", ông Thayer nói.

(Theo Reuters)

NGuồn: https://nhadautu.vn/reuters-viet-nam-thach-thuc-vi-tri-doc-ton-cua-trung-quoc-tren-mat-tran-ngoai-giao-dich-benh-d36144.html