Sẽ có làn sóng rút tiền gửi tiết kiệm chuyển sang đầu tư chứng khoán, bất động sản?

14/05/2020 16:00

Động thái mới đây của NHNN về việc giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng liệu có dẫn đến làn sóng rút tiền tiết kiệm trong người dân chuyển sang các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản hay trái phiếu?

Chiều ngày 12/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông báo giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng từ 4,75% xuống còn 4,25%. Chính sách này được áp dụng kể từ ngày hôm nay 13/5.

Như vậy, với mức lãi suất 6 tháng giảm còn 4,25% kể từ ngày 13/5, liệu có hay không việc nhà đầu tư rút tiền khỏi ngân hàng để gửi gắm vào những kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, hay thậm chí là trái phiếu doanh nghiệp?

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, trước đây lãi suất tiền gửi của các ngân hàng đối với kì hạn ba tháng và kì hạn một năm gần như bằng nhau nhằm thu hút người gửi tiền. Tuy nhiên, chính sách này làm méo mó đường cong lãi suất.

"Nếu khách hàng muốn gửi tiết kiệm thì phải từ một năm trở lên. Còn nếu gửi ngắn hạn thì chỉ nên chấp nhận một mức lãi suất thấp hơn, phù hợp với ngắn hạn. Lãi suất ngắn hạn không thể bằng lãi suất một năm", TS. Đinh Thế Hiển đánh giá.

Theo quan điểm của chuyên gia, trước mắc chính sách này phù hợp với đường cong lãi suất, tức kì hạn ngắn thì lãi suất phải thấp. Đồng thời, giúp ngân hàng cải thiện cơ cấu vốn, chuyển từ nguồn vốn ngắn hạn sang trung hạn.

Một phần khác, chính sách này làm cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, nhất là giai đoạn hậu COVID-19 như hiện nay.

Nói về khả năng xuất hiện làn sóng rút tiền gửi chuyển sang các kênh đầu tư để hưởng lợi tức cao hơn, TS Đinh Thế Hiển cho rằng hầu như ảnh hưởng sẽ không đáng kể và khó tạo ra làn sóng rút tiền ra đầu tư chứng khoán hay các kênh đầu tư khác.

Xét trong bối cảnh hiện hiện nay, TS Đinh Thế Hiển vẫn cho rằng, giữ tiền vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu của nhiều người. Bởi theo nguyên tắc thị trường đang trong giai đoạn quan sát, chưa xuống được tiền thì giữ tiền vẫn là ưu tiên số một.

TS Đinh Thế Hiển cũng dẫn chứng thêm, thực tế khi khách hàng gửi tiết kiệm kì hạn một năm nhưng nếu rút trước hạn, một số ngân hàng vẫn có chính sách ưu đãi riêng để giữ khách hàng.

Dưới góc độ nhà đầu tư cá nhân, chị L.P.M, một NĐT lâu năm trên thị trường chứng khoán cũng cho rằng, tạm thời giữ tiền mặt gửi ngân hàng vẫn ổn và giúp nhà đầu tư có nhiều cơ hội hơn.

Theo chị L.P.M, CPI giảm, giá nhà thành phố thì hiện vẫn ở mức giá quá cao, chứng khoán có thể giảm về 500 điểm thậm chí nhiều hơn vì đối mặt với chu kì khủng hoảng kinh tế; còn vàng thì quá biến động.

Còn theo một nhà quản lí quĩ, nhà đầu tư bây giờ đã rõ ràng về mục tiêu đầu tư của mình, đồng nghĩa với việc họ hiểu biết về kênh đầu tư họ chọn nên không chỉ vì lãi suất giảm 0,5% mà có thể thay đổi quyết định.

"Ngay cả thời kì chứng khoán tăng mạnh và lãi suất cao, nhà đầu tư vẫn không có động thái chuyển kênh đầu tư. Do vậy, chính sách giảm lãi suất tiền gửi này khó có thể tạo làn sóng rút tiền tiết kiệm sang chơi chứng khoán hay đầu tư bất động sản", đại diện một quĩ đầu tư nhận định.

Nguồn Kinh tế Tiêu dùng: https://kinhtetieudung.phapluatxahoi.vn/se-co-lan-song-rut-tien-gui-kiem-chuyen-sang-dau-tu-chung-khoan-bat-dong-san-20200513151845013.htm