Thực trạng ảm đạm của các mạng xã hội Việt Nam

15/12/2019 19:59

Sau một thời gian ồn ào với những màn công bố hào nhoáng ở sự kiện ra mắt và trên các trang báo, các trang “mạng xã hội Việt Nam” nổi đình nổi đám đều đã dần chìm vào quên lãng và có thể đóng cửa.

Bên cạnh người dùng, tin tức và nội dung là xương sống của mạng xã hội Lotus /// Ảnh: CTV

Đáng chú ý nhất trong số đó là hai mạng xã hội Gapo và Lotus vừa xuất hiện trong năm 2019, cả hai đều ra mắt với những tuyên bố đầy tham vọng bất chấp những hoài nghi của người dùng về cái dớp “mạng xã hội Việt Nam” mà nhiều công ty trước đó đã phải rút lui không kèn không trống như Zing Me, Yume.vn, Tamtay.vn, Biztime.vn…

Cả hai mạng xã hội mới đều tỏ ra tự tin về việc sẽ tạo ra sự khác biệt so với các mạng xã hội Việt Nam tiền nhiệm, không những vậy họ còn tin rằng đã tìm ra “điểm yếu” của các mạng xã hội lớn đang thành công hiện nay như Facebook, YouTube, Instagram…

Gần đây nhất, vào tháng 9.2019, mạng xã hội Lotus đã gây được sự chú ý của người dùng và báo giới với màn ra mắt hoành tráng, định hướng mạng xã hội này hướng đến là muốn trở thành một ứng dụng tất cả-trong-một, từ tin tức đến giải trí và kết nối với người có ảnh hưởng (KOL) với người hâm mộ (fan), thậm chí là mang lại thu nhập cho người dùng (qua hình thức token).

Trước đó vài tháng, Gapo đã tiên phong khuấy động lại tham vọng tạo dựng một mạng xã hội riêng cho người Việt, trong đó khoản đầu tư “500 tỉ đồng” từ quỹ G-Capital của công ty mẹ G-Group được coi là chiêu tiếp thị để thu hút niềm tin của người dùng về khả năng đầu tư dài hạn. Gapo đặt mục tiêu đạt 50 triệu người dùng trong vòng 3 năm kể từ ngày ra mắt (7.2019). Cũng như Lotus sau này, Gapo tự tin về thứ mà họ sẽ mang lại cho người dùng là sự khác biệt với Facebook, Tik-Tok hay YouTube…

Tuy nhiên, đó chỉ mới là những tuyên bố và “kỳ vọng” của người trong cuộc, thực tế lại là một chuyện khác.

Thực trạng ảm đảm của mạng xã hội Việt

Không thoát khỏi dự báo của nhiều người, chỉ vài ba tháng sau khi ra mắt, các mạng xã hội đình đám này đều lần lượt chìm vào quên lãng. Thậm chí, trang chủ của Gapo.vn đã báo lỗi “không thể hiển thị”. Còn trang chủ của mạng xã hội Lotus cũng không khá gì hơn, nó gần giống như một mạng xã hội “đã chết” với các bài viết của nhiều tài khoản trên Lotus gần như không có sự tương tác, kể cả đó là những nội dung dễ “câu view” như mảng giải trí.

Nội dung được đăng tải của một trang tin lớn trên mạng xã hội Lotus trong suốt 2 tiếng đồng hồ nhưng không có nổi một lượt tương tác. Ảnh chụp màn hình ngày 14.12.2019

Tệ hơn, các ứng dụng di động của Lotus và Gapo trên Google Play đều lần lượt bị người dùng đánh giá tệ hoặc đưa ra những phản ánh khá tiêu cực. Một số người của Lotus dùng bình luận trên Google Play rằng, khi họ thử đăng ký tài khoản Lotus thì mạng xã hội này thông báo email của họ đã được dùng để đăng ký cho một tài khoản khác, dù trước đó họ không hề đăng ký. Điều này cho thấy, không loại trừ nhiều tài khoản của Lotus là tài khoản ảo và được đăng ký trái phép thông qua bên thứ ba để “lấy số lượng”.

Không bị rơi vào cảnh này, nhưng Gapo cũng bị nghi “tài khoản ảo” và “chạy quảng cáo” khi nhiều bài viết vừa mới đăng và nội dung vu vơ lại có rất nhiều lượt tương tác, tài khoản mới tạo lại được rất nhiều tài khoản “hot girl” gửi yêu cầu kết bạn… Để rồi dần dần cả hai đều rơi vào cảnh vườn không nhà trống, khi các nỗ lực tương tác ảo dần giảm dần, trang chủ Gapo bị lỗi còn Lotus thì không còn có lượt tương tác.

Vì đâu nên nỗi?

Theo nhiều chuyên gia phân tích, các mạng xã hội này nếu không có gì khác biệt sẽ sớm rơi vào suy thoái và đi đến kết cục buông tay như các mạng xã hội Việt Nam trước đó. Yếu tố đầu tiên vẫn là người dùng và giá trị họ mang lại cho người dùng, ngoại trừ Zalo vẫn được nhiều người dùng xem là ứng dụng trò chuyện thì các mạng xã hội này đều chưa cho thấy sự khác biệt đủ lớn để người dùng từ bỏ các mạng xã hội lớn hiện nay là Facebook.

Trang chủ Gapo thông báo bị lỗi hoặc không thể liên kết tới cơ sở dữ liệu. Ảnh chụp màn hình ngày 14.12.2019

Người dùng là thứ mà các mạng xã hội khao khát và tìm cách thu hút, nhưng khi các mạng xã hội lớn như Facebook đã đạt được sự ổn định và độ chín về lượng người dùng thì các mô hình ăn theo rất khó kéo người dùng ra khỏi đó. Bởi người dùng cần một sân chơi để kết nối với mọi người, họ tham gia Facebook, Zalo hay Tik-Tok vì ở đó có bạn bè và những người thật đang sẵn sàng tương tác với họ.

Chưa kể sự ổn định của các ứng dụng và trang chủ hai mạng xã hội này, Lotus được đầu tư bài bản hơn nên khi ra mắt ứng dụng ít gặp lỗi hơn ngoài việc chưa hoàn thiện phiên bản web, trong khi Gapo liên tục gặp lỗi và dính nhiều sự cố đáng xấu hổ như sao chép điều khoản người dùng từ… Google, lỗi kết nối ứng dụng với máy chủ… Đây đều là những thứ cho thấy bản thân các nhà cung cấp mạng xã hội này chưa thực sự chú tâm hoàn thiện sản phẩm của họ trước khi ra mắt.

Bài học các mạng xã hội Việt Nam trước đó vẫn còn nhãn tiền, cuộc đua khốc liệt vẫn tiếp diễn, nếu không kịp thay đổi thì các mạng xã hội vừa mới chớm nở như Lotus và Gapo sẽ sớm bị chìm vào quên lãng và phải đóng cửa, một viễn cảnh đã được dự báo từ trước.

Thành Luân/Theo Thanh Niên

link gốc: https://thanhnien.vn/cong-nghe/thuc-trang-am-dam-cua-cac-mang-xa-hoi-viet-nam-1159593.html?

Bạn đang đọc bài viết "Thực trạng ảm đạm của các mạng xã hội Việt Nam" tại chuyên mục Công nghệ.